Bưởi Đoan Hùng xưa kia còn được gọi với tên gọi khác là bưởi Phủ Đoan, là giống bưởi nổi tiếng của vùng đất Phú Thọ. Ngày nay, bưởi Đoan Hùng được biết đến với 2 giống bưởi nổi tiếng: bưởi Bằng Luân và bưởi Sửu Chí Đám, ngoài ra còn có bưởi Lã Hoàng.
Bưởi Đoan Hùng là gì?
Bưởi Đoan Hùng là giống cây ăn trái trồng lâu năm, thuộc thân gỗ, tán rộng. Quả có hình cầu dẹt, trọng lượng quả tương đối nhỏ chỉ khoảng 0,7 – 1kg, khi chín bưởi có màu vàng sáng, cùi mỏng. Múi bưởi ráo, từng tép bưởi đều mọng nước và có màu trắng ngà riêng biệt. Điều làm nên sự khác biệt của giống bưởi Đoan Hùng chính là mùi vị không lẫn ở đâu được, bưởi có vị ngọt thanh, hương thơm phảng phất mùi thơm nồng đặc trưng, ngoài ra bưởi Đoan Hùng có thể bảo quản được vài tháng có khi đến nửa năm, nhưng không hề làm giảm chất lượng của bưởi.
Đối với những giống bưởi khác của dòng bưởi Đoan Hùng lại mang trong mình những đặc điểm riêng, rất dễ nhận biết
Đặc điểm sinh trưởng bưởi Đoan Hùng
Bưởi Đoan Hùng có tốc độ sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh gây hại, nên rất dễ trồng và chăm sóc. Phù hợp trồng ở những nơi có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ thấp, độ ẩm và độ thông thoáng cao. Bưởi có tuổi thọ trung bình khá cao từ 20 – 23 năm, trong 2 – 3 năm đầu cây bắt đầu giai đoạn kiến thiết trái, tới năm thứ 6 – 8 cây sẽ có năng suất và chất lượng quả ổn định 150 – 200 quả/cây.
Các giá trị của bưởi Đoan Hùng
Bưởi Đoan Hùng mang lại giá trị dinh dưỡng cao
Theo những nghiên cứu khoa học đã chứng minh, thường xuyên ăn bưởi sẽ cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào, tăng cường hệ miễn dịch giúp phòng ngừa được một số loại bệnh vi khuẩn tấn công đến sức khỏe. Bưởi có tác dụng hỗ trợ chữa trị các bệnh tiểu đường, giảm được lượng cholesterol trong máu, phòng ngừa được các bệnh liên quan đến tim mạch, hay các loại ung thư như: ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt; bệnh sỏi thận,…
Các chất xơ trong bưởi có thể giúp bạn thanh lọc cơ thể, loại bỏ những độc tố có hại,…
Giá trị kinh tế của bưởi Đoan Hùng
Bưởi Đoan Hùng hiện nay có mức giá giao động từ 60 – 90 ngàn đồng/quả, là một mức giá khá hợp lý đối người nông dân có thể mang lại lợi nhuận cao. Ngoài ra, hiện nay thị trường bưởi được mang đi xuất khẩu rất nhiều nơi, nên mang lại thị trường tiêu thụ rộng lớn và nguồn thu đáng kể cho nhà vườn. Trong 3 năm đầu khi bưởi đang phát triển, bạn có thể trồng xem cách các loại cây ngắn ngày để thu thêm nguồn thu nhập khác.
Cách trồng và chăm sóc bưởi Đoan Hùng
Chọn giống
Để cây đạt chất lượng tốt cũng như năng suất cao, lựa chọn giống cây chắc khỏe, không có sâu hại là yếu tố quyết định hàng đầu.
Làm đất, đào hố
Bưởi Đoan Hùng với đặc tính có thể sinh trưởng và phát triển mạnh trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Tuy nhiên cũng cần đảm bảo một số yếu tố trong đất như độ ẩm, khả năng thoát nước, độ pH phù hợp thì cây mới phát triển và cho hiệu quả năng suất như mong muốn được. Quy trình làm đất, đào hố phải được tiến hành trước khi trồng cây khoảng 1 tháng. Tùy thuộc vào kích thước của cây giống mà chọn kích thước hố trồng thích hợp, sau khi đào hố xong cần tiến hành bón lót bằng phân chuồng hoai mục, vôi bột và phân NPK cho từng hố, sau cùng lấp hố lại để các chất dinh dưỡng phân tán đều trong đất khoảng 20 – 25 ngày.
Thời gian, mật độ gieo trồng thích hợp
Thời vụ: Nên trồng bưởi Đoan Hùng vào đầu mùa mưa, lúc này điều kiện thời tiết mát mẻ, nhiệt độ tương đối thấp, độ ẩm dồi dào sẽ giúp cây giống nhanh bén rễ và phát triển chồi mới. Mật độ trồng: Mỗi cây nên trồng cách nhau từ 3 – 5m để tạo độ thông thoáng cho sự phát triển sau này của cây, cũng như ngăn ngừa được mầm bệnh phát sinh gây hại.
Các cách nhân giống bưởi Đoan Hùng
Hiện nay các loại bưởi Đoan Hùng chủ yếu nhân giống bằng phương pháp ghép cành từ những cây mẹ có năng suất và chất lượng cao.
Cách trồng bưởi Đoan Hùng
Đào hố đã bón lót trước đó lên, sau đó đặt thẳng cây giống xuống hố, tiếp theo lấp đất cao hơn cổ rễ 10cm. Dùng cọc đóng chéo theo hình chữ X, lấy dây cột cố định thân cây lại để tránh làm lung lay gốc gây chết cây. Cuối cùng, có thể dùng rơm hoặc cỏ khô phủ kín lấy bề mặt gốc cây, rồi tưới đẫm nước cho cây.
Cách chăm sóc bưởi Đoan Hùng
Tưới nước
Trong 30 ngày đầu khi vừa mới trồng cây giống, cần đảm bảo cho cây luôn có đủ độ ẩm để phục hồi và bén rễ mới, tối thiểu 2 lần/ngày.
Mùa mưa, nên giảm lượng nước tưới hoặc có thể ngưng hẳn để cây kịp thời thoát nước, tránh gây ngập úng dẫn đến cây bị thối rễ, chết úng.
Cắt, tỉa và tạo tán cho cây
Cần chú ý cắt bỏ kịp thời những cành khô, cành bị sâu, cành mọc vượt, để tạo sự thông thoáng, phân luồng ánh sáng thích hợp cũng như tập trung các chất dinh dưỡng cho cây. Có thể tiến hành khoanh vỏ thân cây theo hình xoáy ốc để kìm hãm sự phát triển của cành cây.
Bón phân
Tiến hành bón thúc cho cây con từ 1 – 3 năm tuổi bằng đạm urê (45 – 90g); super lân (100 – 150g, có thể hàa tan trong dùng để tưới cho cây hoặc có thể rải trực tiếp quanh vườn khi trời chuẩn bị mưa, định kỳ 2 tháng/lần. Khi cây bắt đầu ra trái, cần tiến hành bón thúc đợt 2 để nâng cao năng suất và chất lượng quả theo tỉ lệ: Đạm 30%, Kali 30%
Trước khi thu hoạch mùa vụ trước 2 – 3 tháng cần bổ sung hàm lượng phân hữu cơ và KCl để quả đạt chất lượng khi thu hoạch.
Một số bệnh thường xuất hiện ở bưởi Đoan Hùng
Sâu hại: Bọ xít xanh
Loại bọ xít xanh này thường dùng vòi để hút dịch từ những quả bưởi còn non, trên những vết chích đều để lại một chấm nhỏ và 1 quầng màu nâu. Những trái bị bọ xít xanh hút chích sẽ có dấu hiệu chuyển vàng, sần sùi sau đó rụng dần, đối với những quả sắp thu hoạch sẽ gây thối rữa.
Để phòng trừ loại bệnh do sâu gây hại này cần thường xuyên cắt tỉa cành, kiểm soát được các đợt lộc ra tập trung, nhằm khống chế sự sinh sôi, phát triển của các loại sâu rệp này. Ngoài ra, có thể dùng có biện pháp bảo vệ như dùng thiên địch hoặc sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh như Trebon 10 EC, Sherpa 25EC.
Bệnh chảy rôm
Loại bệnh này này bắt nguồn từ phần gốc cây, giai đoạn đầu cây sẽ có dấu hiệu rạn nứt, chảy nhựa (chảy rôm), bên trong lớp vỏ, phần gỗ nhiễm bệnh có màu xám, xuất hiện những mạch sợi đen hoặc nâu dọc theo thớ gỗ. Để khắc phục tình trạng cần cạo sạch lớp vỏ bị nhiễm bệnh, sau đó dùng thuốc Aliette 800WP quét vào vết bệnh, hoặc có thể phun trực tiếp lên toàn bộ cây nếu phát hiện cây vừa mới bị nhiễm bệnh.
Kết.
Trên đây, Báo Khuyến Nông đã cung cấp cho các bạn một số thông tin về đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc cây bưởi Đoan Hùng. Hi vọng rằng bài viết trên đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin thật bổ ích nhé!
- Cây Thuốc Dòi – Đặc Điểm, Công Dụng Và Những Lưu Ý Khi Sử Dụng
- Cây Trường Sinh – Cây phong thủy độc đáo
- Cá Bống Tượng – Đặc điểm chung và bí quyết làm giàu từ nghề nuôi cá bống tượng
- Cà Dại Hoa Trắng – Đặc điểm, công dụng, Cách trồng và chăm sóc
- Hà thủ ô – Những công dụng chữa bệnh của hà thủ ô có thể bạn chưa biết?