Cây tùng cối mang nét phong trần, bình dị, mộc mạc, rắn rỏi nhưng có sức hút một cách kỳ lạ, giống như một chàng trai vô cùng nam tính. Không quả, không hoa nhưng luôn tràn trề nhựa sống bằng những tán lá xanh mướt khỏe mạnh, sôi nổi cùng hương hăng hăng, nồng nồng của nhựa cây. Với dáng thế và đặc tính của mình, tùng cối rất được ưa chuộng trong nghệ thuật cây bonsai. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Cây tùng cối là gì?
Cây tùng cối hay còn gọi là cây duyên tùng, tùng búp có tên khoa học là Juniperus chinensis Sargentii, có xuất xứ từ Trung Quốc. Cây tùng cối thường mọc ở những vùng núi cao, nơi có điều kiện khí hậu lạnh và khô. Chúng thích ứng tốt với đất cát, đá và nhiều loại đất khác nhau. Điều này làm cho cây tùng cối trở thành một loại cây thích hợp cho việc trồng bonsai, với khả năng chịu đựng tốt và sức sống mạnh mẽ.
Đặc điểm của cây tùng cối
Tùng cối thuộc loại cây thân gỗ, sống lâu năm và xanh quanh năm. Tùng cối có vẻ ngoài rất đặc biệt từ hình dáng đến chi tiết. Thân cây màu nâu vàng với lớp da dầy, nhiều vết nứt nẻ,sần sùi mang nét già cỗi, đậm chất phong trần, sương gió. Nhựa tùng có hương thơm mang vị hăng hăng khá đặc trưng. Cành cây khi còn nhỏ rất dẻo nên dễ uốn, dễ tạo dáng, tuy nhiên thân cây có lõi màu đen rất cứng nên khi muốn uốn cây nghệ thuật thì khá khó.
Lá tùng cối cũng đặc biệt, lá quây quần kết hợp thành từng búi, thêm nữa là nếu cây hưởng nắng đầy đủ thì lá không bung ra, ngược lại khi cây chịu ớm hoặc trồng dưới tán cây khác thì sẽ chia ra thành 5 lá nhỏ. Cây có xu hướng mọc hình tháp trông như những chiếc ô khổng lồ cụp lại. Lá tùng cối khi non có màu xanh tươi rất mát mắt, dù không hề có quả hay hoa nhưng ai đã ngắm duyên tùng một lần thì khó mà quên được. Ngắm nhìn ngọn hàng cây duyên tùng đung đưa theo ngọn gió giống như được ngắm những dãy đồi núi đang dịch chuyển rất sinh động và kỳ vĩ.
Lợi ích và ứng dụng cây tùng cối
Cây tùng cối có sức sống bền bỉ, mạnh mẽ, thích ứng nhanh với mọi điều kiện thời tiết nên rất được yêu thích trong trang trí
Tùng cối trồng sân vườn ngoại thất, biệt thự, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn… dù đứng riêng lẻ hay trồng thành dãy vẫn rất nổi bật bằng một phong thái ung dung, đường bệ với sắc xanh tràn đầy nhựa sống và nét sang trọng khó tả. Những cây tùng cối dù chỉ đứng trên thảm cỏ hay phối tạo tiểu cảnh thì vẫn mang nét đẳng cấp của mình, một vẻ đẹp gọn gàng, nhưng khí thế.
Người ta còn trồng tùng cối vào chậu trưng trước tiền sảnh trông như ngọn đuốc màu xanh khỏe khoắn.
Với những đặc tính tuyệt vời, khí chất của cây bonsai, tùng cối đã được tạo hình thành nhiều dáng bonsai nổi tiếng thế giới. Vẻ đẹp cằn cỗi, già nua, dáng khẳng khiu nhưng đầy khỏe khoắn mạnh mẽ khiến tùng cối mang đậm chất nghệ thuật. Thêm vào đó sức kháng chịu khắc nghiệt của tùng cối còn ghi điểm tối đa nên càng được lựa chọn làm cây bonsai.
Cách trồng chăm sóc cây tùng cối
Cây tùng cối cực kỳ khỏe mạnh, thích nghi nhanh ở mọi điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất , không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Phải nhấn mạnh rằng, tùng cối không cần phải chăm sóc nếu trồng dưới đất,khi trồng chậu để tạo dáng bosai thì quan trọng nhất là việc tạo hình. Ở đây việc chăm sóc Chợ hoa Việt chú trọng nói đến chăm sóc cây trong chậu, còn trồng đất thì cây không kén gì trừ việc thoát nước tốt và hầu như không phải tưới bón.
- Ánh sáng: Tùng cối ưa nắng đầy đủ, càng nắng nhiều cây càng có dáng vẻ xù xì, góc cạnh , mang nét phong trần mạnh mẽ hơn.
- Nhiệt độ: Cây chịu được biên độ nhiệt lớn, chịu nóng và lạnh rất tốt.
- Độ ẩm: Tùng cối cũng ưa ẩm, tuy nhiên hanh khô cây vẫn không sao.
- Đất trồng: Khi trồng tùng cối trong chậu,đặc biệt là bonsai cần lựa chọn đất cho phù hợp. Công thức đất trồng tốt nhất ở dạng này là 5 đât thịt sạch + 3 trấu hun, xơ dừa + 2 xỉ than trộn lẫn cùng phân hữu cơ hoai mục.
- Tưới nước: nhu cầu nước tưới của cây vừa phải vì thuộc dạng lá kim, cây thân gỗ. Chỉ nên tưới khi thấy đất mặt chậu đã hơi khô.
- Bón phân: Cây tùng cối ưa nước bể phốt, có thể lấy nước này tưới thay tưới nước và tưới phân, tùy giai đoạn tạo hình mà điều chỉnh cách tưới cho phù hợp. Bón NPK hạn chế đạm vào tháng 3 để tăng cường sự mạnh mẽ cho cây.
- Sâu bệnh thường gặp: tùng cối thường gặp bệnh rệp trắng, bệnh mốc trắng rễ, thối rễ.
Những bệnh trên thường do môi trường trồng không thông thoáng, cây bị ớm.
Khi tạo dáng bonsai thời gian thích hợp nhất để uốn cành, cắt tỉa, bẻ cành là mùa xuân hoặc mùa đông khi tiết trời lành lạnh. Chú ý không được vặt hết lá trên cây và phần đầu ngọn cần hướng lên trên để hứng sương.
Tuyệt đối không sang chậu đồng thời cắt tỉa làm kiệt cây, dễ chết.
Khi lên chậu hoặc thay chậu nên làm vào mùa xuân, cắt bỏ hết rễ thối,dập, chèn đất chặt xung quanh rồi đưa cây vào nơi mát mẻ, tránh mưa nhiều làm thối hỏng rễ.
Khi sang chậu cần giữ lại đất cũ xung quanh gốc do tùng cối có nhiều nấm cộng sinh rất tốt.
Khi trồng tùng cối bonsai thì nên trồng chậu nông để cây phát triển cằn cỗi, dáng đẹp hơn.
Xem thêm: Cây Hoa Đào – Đặc điểm, Ý nghĩa và cách chăm sóc hoa đào Tết
Kết
Trên đây, Báo Khuyến Nông đã cung cấp cho các bạn một số thông tin về đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc cây tùng cối. Cây tùng cối không chỉ là một cây trang trí tuyệt vời mà còn mang trong mình nhiều ý nghĩa tâm linh và tinh thần sâu sắc. Hy vọng rằng bài viết trên đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin thật bổ ích nhé!