Mạn kinh tử thuộc họ Cỏ roi ngựa. Dược liệu này mang trong mình tính hàn, vị hơi đắng, mùi thơm nhẹ có tác dụng giảm sốt, chữa đau đầu, đau mắt đỏ. Ngoài ra thuốc còn có khả năng điều trị sưng vú, đau mắt đỏ do phong nhiệt…Cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về những công dụng của Mạn kinh tử qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Những công dụng của Mạn kinh tử đối với sức khỏe
Bài thuốc từ Mạn kinh tử điều trị đau đầu, ho do cảm mạo
Dùng 12 gram quả dược liệu, 12 gram phòng phong, 12 gram cúc hoa, 12 gram toàn phúc hoa, 6 gram khương hoạt, 6 gram xuyên khung, 8 gram chỉ xác, 20 gram sinh thạch cao, 4 gram cam thảo.
Mang tất cả vị thuốc rửa sạch với nước muối.
Sau đó cho các vị thuốc cùng với 1 lít nước vào nồi.
Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút hoặc cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại một nửa.
Để nguội bớt và chắt lấy phần nước, bỏ bã. Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
Bài thuốc từ Mạn kinh tử điều trị đau nửa đầu (thiên đầu thống)
Dùng 10 gram quả dược liệu, 8 gram cam cúc hoa, 3 gram tế tân, 4 gram xuyên khung, 3 gram bạch chỉ, 4 gram cam thảo rửa sạch với nước muối.
Cho tất cả nguyên liệu vào nồi cùng với 600ml nước lọc.
Thực hiện sắc thuốc cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại 200ml.
Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng thuốc từ 7 – 10 ngày.
Bài thuốc từ Mạn kinh tử điều trị đau đầu do huyết áp cao
Bài 1: linh dương giác 6g, câu đằng 12g, tang diệp 12g, bối mẫu 10g, sinh địa 16g, cúc hoa 12g, bạch thược 12g, cam thảo 4g, trúc nhự tươi 20g, phục thần 12g, mạn kinh tử 10g, thảo quyết minh 12g. Sắc uống. Trị đau đầu do can dương hóa phong, huyết nhiệt thượng xung.
Bài 2: mạn kinh tử 12g, cúc hoa 12g, bạc hà 8g (cho sau), bạch chỉ 8g, câu đằng 16g. Sắc uống.
Kiêng kỵ: Người huyết hư gây đau đầu, đau mắt đỏ thì dùng phải cẩn thận.
Bài thuốc từ Mạn kinh tử điều trị đau mắt đỏ do phong nhiệt (viêm màng tiếp hợp cấp)
– bài thuốc 1:
Dùng 16 gram quả dược liệu, 12 gram cúc hoa, 12 gram chi tử, 12 gram mộc tặc, 12 gram hoàng cầm, 4 gram thiền thoái rửa sạch với nước muối và cho vào nồi.
Rót thêm 600ml nước vào cùng và thực hiện sắc thuốc trong 20 phút với lửa nhỏ. Uống thuốc ngay khi còn ấm.
– bài thuốc 2:
Dùng 12 gram quả dược liệu, 12 gram thảo quyết minh, 12 gram đường qui, 8 gram đào nhân, 12 gram cúc hoa rửa sạch và cho vào nồi cùng với 600ml nước lọc.
Sắc thuốc với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại 200ml.
Chắt lấy phần nước và bỏ bã. Uống ngay khi còn ấm.
Trường hợp hư chứng (khí hư là chính) dùng thêm bài Bổ trung ích khí.
Bài thuốc từ Mạn kinh tử điều trị ho, cảm sốt, nhức đầu, hoa mắt
Dùng 20 gram dược liệu. Sau khi rửa sạch dược liệu với nước muối, thực hiện phơi khô dược liệu dưới bóng râm, nhiều gió.
Cho dược liệu vào nồi cùng với 800ml nước lọc. Sau đó đun cạn còn 600ml.
Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày.
Dùng thuốc liên tục trong 7 ngày để bệnh tình có thể thuyên giảm.
Bài thuốc từ Mạn kinh tử điều trị sưng vú
Dùng 100 gram dược liệu. Sau khi rửa sạch dược liệu với nước muối, thực hiện phơi khô dược liệu dưới bóng râm, nhiều gió.
Cho dược liệu vào chảo, sao vàng và tán thành bột mịn.
Cho dược liệu vào bình thủy tinh có nắp đậy và bảo quản tại nơi khô ráo. Mỗi ngày lấy 4 gram bột dược liệu hòa cùng với 60ml rượu trắng.
Gạn lấy rượu thuốc để uống.
Bã đắp lên vú.
Thực hiện 1 lần/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
Bài thuốc từ Mạn kinh tử điều trị tóc bạc sớm, tóc yếu gãy rụng
Dùng 10 gram Mạn kinh tử. Sau khi rửa sạch dược liệu với nước muối, thực hiện phơi khô dược liệu.
Tán dược liệu thành bột.
Trộn đều bột dược liệu cùng với mật gấu và bôi lên tóc. Sử dụng 1 – 2 lần/ngày trong 10 ngày.
Bài thuốc từ Mạn kinh tử điều trị đau mắt sưng đỏ, dử mắt, mắt có màng che, quáng mắt
Dùng 12 gram dược liệu, 12 gram hạt màu gà trắng, 12 gram hạt muồng (sao), 12 gram hạt ích mẫu, 12 gram hạt mã đề.
Rửa sạch tất cả nguyên liệu cùng với nước muối.
Phơi khô dược liệu, sao vàng và tán thành bột mịn.
Trộn đều bột và vo thành viên.
Sử dụng thuốc mỗi ngày cùng với nước chè.
Hoặc cho tất cả dược liệu sạch vào nồi.
Rót thêm 800ml nước lọc vào cùng và thực hiện sắc thuốc cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại một nửa.
Uống ngay khi còn ấm.
Sử dụng thuốc liên tục trong 7 ngày.
Bài thuốc từ Mạn kinh tử điều trị cảm sốt, nhức đầu, mắt sưng đỏ
Dùng 15 gram dược liệu, 12 gram cúc hoa, 12 gram bạc hà, 12 gram chi tử, 4 gram xuyên khung, 10 gram kinh giới rửa sạch với nước muối.
Cho tất cả dược liệu vào ấm cùng với 800ml nước, bịt kín ấm. Thực hiện đun sôi dược liệu trong 10 phút.
Dùng khăn bông lớn phủ toàn bộ mặt cùng với ấm nước thuốc và thực hiện xông đầu mắt cho đến khi ra nhiều mồ hôi.
Bên cạnh đó, người bệnh cần uống thuốc sắc khi còn ấm.
Kiêng kỵ khi sử dụng dược liệu Mạn kinh tử
Người huyết hư không nên dùng Mạn kinh tử
Bệnh nhân bị đau đầu, đau mắt đỏ do huyết hư không nên sử dụng dược liệu.
Những thông tin chung về dược liệu Mạn kinh tử
Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Cây quan âm, kinh tử, cây thuốc ôn, thuốc kinh, đẹn ba lá, vạn kim tử
Tên khoa học: Vitex trifolia L
Thuộc họ: Cỏ roi ngựa (danh pháp khoa học: Verbenaceae).
Đặc điểm sinh thái của Mạn kinh tử
Mô tả
Mạn kinh tử là một loại cây nhỏ, có mùi thơm. Dược liệu có chiều cao khoảng 3m. Cành non có 4 cạnh, xung quanh có lông mềm bao phủ. Lá kép, thường xuất hiện với 3 lá chét. Có loại chỉ xuất hiện với một lá chét (var. unifoliata). Tuy cùng một cành nhưng ở phía dưới hoặc phía trên có lá đơn và chỉ có một lá chét. Cuống lá gầy, hơi tròn và có lông bao phủ. Cuống lá có chiều dài từ 1 – 3cm. Lá chét không có cuống. Phiến lá chét xuất hiện với hình trứng ngược hoặc hình cám có chiều dài 2,45 – 9cm, chiều rộng từ 1 – 3cm, phía dưới hẹp lại. Mặt dưới của lá có nhiều lông màu trắng, mặt trên nhẵn. Những lá chét hai bên nhỏ hơn, gân lá không nổi rõ.
Hoa dược liệu xuất hiện với màu lơ nhạt, có chiều dài từ 13 – 14mm. Chúng thường mọc thành chùy xim ở đầu cành, đôi khi phía dưới có lá. Quả dược liệu hình bầu dục hoặc hình cầu, có rãnh, có chiều rộng khoảng 6mm, đường kín từ 5 – 6cm, đầu hơi dẹt. Quả được che kín quá nửa bởi đài khi chúng xuất hiện và phát triển. Đài thường tồn tại từ 1/2 – 2/3 quả.
Mặt ngoài của quả có màu nâu đỏ đen, phía ngoài hơi phủ lớp phấn màu trắng tro. Nếu soi qua kính sẽ thấy chúng có lông. Phía trên đỉnh quả có chỗ hơi lõm xuống. Phía cuống có đài, phía trên đài chia làm 2 hoặc 5 thùy. Vỏ ngoài của quả mỏng, vỏ trong xốp, vỏ giữa có màu xám vàng. Chất nhẹ nhưng chắc, khi cắt ngang bên trong như có dầu, màu trắng và có 4 ngắn. Ở mỗi ngăn sẽ có một hạt. Mạn kinh tử có vị đắng và mùi thơm vô cùng đặc biệt.
Phân bố
Màn kinh tử mọc hoang rất nhiều ở khắp nơi trong nước ta. Loại 1 lá chét rất phổ biến, ở dọc bờ biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Còn mọc ở các tỉnh ven biển Trung Quốc và Malaysia cũng có. Vào các tháng 9-11, quả chín hái về phơi khô, loại bỏ cuống và tạp chất là được.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng: Quả và lá Mạn kinh tử là bộ phận được sử dụng để làm thuốc
Thu hái: Lá được liệu có thể thu hái quanh năm. Thời gian thu hái quả dược liệu vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
Chế biến: Dùng tươi hoặc rửa sạch phơi khô để làm thuốc.
Bảo quản: Dược liệu nên được bảo quản tại những nơi khô ráo, thoáng mát.
Thành phần hóa học của Mạn kinh tử
Quả Mạn kinh tử chứa tinh dầu, vitexin, tecphenilaxetat, có ancaloit, vitamin A, cam phen, pinen và ditecpen alcool. Lá dược liệu chứa một số thành phần hóa học gồm:
- Tinh dầu
- Tecphenilaxetat
- Ancaloit
- Vitamin A
- Cam phen
- Pinen
- Ditecpen alcool
- L-pinen
- Teroinyl acetal
- Flavonoid
- Aucubin agnusid
- Casticin
- Orientin iso-orientin
- Lntcolin 7 – glucosisd.
Tác dụng dược lý của Mạn kinh tử
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Mạn kinh tử có tác dụng ngăn ngừa và điều trị một số bệnh lý sau:
- Cảm sốt
- Đau đầu do cao huyết áp hoặc cảm mạo
- Đau mắt đỏ
- Ho
- Sưng vú.
Theo y học cổ truyền
- Sơ tán phong nhiệt, thanh nhiệt cơ thể
- Giúp đầu óc và mắt sáng suốt
- Điều trị đau nửa đầu, đau mắt, mờ mắt (thiên đầu thống)
- Đau mắt đỏ do phong nhiệt (viêm màng tiếp hợp cấp)
Kiểm nghiệm Mạn kinh tử
Quả hình cầu, có 4 rãnh dọc, đầu hơi lõm, đường kính khoảng 6 mm, mặt ngoài màu đen xám phủ lông nhung màu trắng xám như sương, đáy có đài bền, trắng sáng và cuống quả ngắn. Ðài hoa thành mỏng bao bọc quá nửa quả, có 5 răng, có 2 khe tương đối khía sâu, phủ lông tơ mượt. Quả nhẹ, chất cứng, khó đập vỡ, mặt cắt ngang quả có 4 ô, mỗi ô có 1 hạt. Mùi thơm đặc biệt, vị nhạt, hơi cay.
Vỏ quả ngoài gồm 2 lớp: Biểu bì và hạ bì. Biểu bì có 1 lớp cutin khá dày, rải rác có lông tiết hình cầu. Hạ bì tế bào dài, dẹt, màng cũng tương đối dày. Vỏ quả giữa: Phía ngoài tế bào không đều, hình nhiều cạnh, bầu dục hoặc tròn, màng mỏng ; phía trong tế bào dài xếp dọc, màng dày hơn. Vỏ quả trong, cấu tạo bởi tế bào mô cứng hình chữ nhật hoặc bầu dục, màng rất dày, càng vào phía trong màng tế bào càng dày. Lớp vỏ hạt cấu tạo bởi 1-2 hàng tế bào hình mạng. Lớp nội nhũ gồm 1-4 lớp tế bào hình bầu dục, trong có chứa những hạt lổn nhổn.
Bột màu nâu đen, mùi thơm. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh tế bào thành mỏng. Rất nhiều lông che chở có 2 – 3 tế bào. Lông tiết có hai loại: loại lông đơn bào ở đầu và 1- 2 tế bào ở chân, loại lông đa bào ở đầu và đơn bào ở chân. Mảnh tế bào, thành hoá gỗ, có vân đặc biệt. Tế bào cứng thành dày thấy rõ các lỗ trao đổi.
Xem thêm: Đậu đỏ – Những công dụng đối với sức khỏe và cách dùng hiệu quả
Kết
Trên đây là những thông tin về công dụng của dược liệu Mạn kinh tử do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Thông tin về dược liệu Mạn kinh tử trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Trước khi đưa dược liệu vào quá trình điều trị cũng như sử dụng những bài thuốc, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc những người có trình độ chuyên môn cao. Đồng thời trao đổi với bác sĩ về những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng thuốc. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán và những phương pháp chữa bệnh thay cho bác sĩ có chuyên môn.