Hoàng liên chân gà là cây thuốc quý, phát triển chủ yếu ở những vùng núi cao từ 1500 – 2500m. Dược liệu có vị rất đắng, không mùi, tính hàn, thường được sử dụng để chữa các chứng bệnh nhiệt tích ở tâm, vị, can,… Hiện nay, thảo dược này đã được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng, đặc biệt là trong điều trị các bệnh viêm nhiễm đường ruột. Cùng chúng tôi tìm hiểu thêm những công dụng chữa bệnh của hoàng liên qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Công dụng chữa bệnh của hoàng liên
Hoàng liên có tác dụng kháng khuẩn
Hoạt chất berberin trong cây hoàng liên chân gà có phổ kháng khuẩn rộng. Nghiên cứu cho thấy, hoạt chất này có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như Streptococcus viridans, Vibrio cholera, Staphylococcus aureus, Streptococcus viridans, Vibrio cholera, Shigella dysenteria, Shigella shiga,… và đặc biệt là ký sinh trùng Blastocystis hominis.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1998 ở Hàn Quốc cho thấy, nước sắc từ hoàng liên có khả năng giảm 16% hoạt tính men urease và ức chế sự phát triển của trực khuẩn Helicobacter pylori (Hp). Ngoài ra các nghiên cứu gần đầy còn nhận thấy, thảo dược này có tác dụng kháng virus và kháng nấm.
Cơ chế kháng khuẩn của berberin là ức chế sinh tổng hợp protein, ADN và ARN của vi khuẩn nhạy cảm. Tuy nhiên để tăng hiệu quả kháng khuẩn và phòng ngừa hiện tượng kháng thuốc, berberin thường được dùng phối hợp với các hoạt chất kháng sinh khác.
Tác dụng chống ho gà
Một số nghiên cứu cho thấy, nước sắc từ cây hoàng liên chân gà có tác dụng ức chế trực khuẩn ho gà – Hemophilus pertussis mạnh hơn so với Chloramphenical và Streptomycin. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị ho gà của thảo dược này vẫn cần được nghiên cứu thêm trước khi được ứng dụng lâm sàng.
Tác dụng lên hệ nội tiết
Adrenaline là hormone được giải phóng khỏi tuyến thượng thận khi cơ thể căng thẳng, thích thú, sợ hãi hoặc tức giận. Loại hormone này có tác dụng làm tăng nhịp tim, ức chế sự bài tiết insulin (dẫn đến tăng đường huyết), kích thích sự tan glycogenolysis ở gan, kích thích tuyến tụy sản xuất glucagon và làm tăng huyết áp.
Chất berberin trong cây hoàng liên chân gà được chứng minh có hiệu quả kháng Adrenaline và làm giảm các ảnh hưởng của hormone này. Ngoài ra, dược liệu còn có tác dụng dung hòa rối loạn Adrenaline và các hợp chất có mối liên hệ mật thiết.
Hoàng liên có tác dụng kích thích tiêu hóa
Dịch chiết từ cây hoàng liên chân gà có tác dụng tăng tiết dịch mật, dịch vị và tuyến nước bọt. Đồng thời tăng hoạt động của dạ dày và đường ruột, từ đó kích thích tiêu hóa và hỗ trợ làm giảm tình trạng ăn uống khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi,…
Hoàng liên có tác dụng kháng viêm
Thực nghiệm trên chuột cho thấy, chất berberine trong cây hoàng liên chân gà có tác dụng chống viêm rõ rệt. Tác dụng chống viêm của dược liệu được đánh giá tương tự như thuốc Butazolidin.
Hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích
Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2011 tại Hồng Kông cho thấy, chiết xuất rễ cây hoàng liên có tác dụng giảm các cơn đau nội tạng ở động vật thực nghiệm. Cơ chế giảm đau của thảo dược được xác định là do giảm serotonin và hormone cholecystokinin – các chất có khả năng co cơ và gây co thắt đại tràng (nguyên nhân trực tiếp gây ra hội chứng ruột kích thích).
Một số tác dụng khác
Berberin và một số hoạt chất trong hoàng liên chân gà còn mang đến nhiều tác dụng khác như:
- Phòng ngừa xơ vữa động mạch
- Chống loét đường tiêu hóa
- Hỗ trợ phòng ngừa ung thư
- Lợi mật
- Làm dịu thần kinh
- Gây tê cục bộ
- Liều nhỏ kích thích vỏ não, ngược lại liều lớn lại ức chế hoạt động của vỏ não
Các bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc hoàng liên
Hoàng liên chân gà được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh
1. Bài thuốc trị chứng tà hỏa nung nấu bên trong gây chảy máu cam, nôn ra máu
Chuẩn bị: Đại hoàng 16g, hoàng liên 8g và hoàng cầm 12g.
Thực hiện: Đem dược liệu cho vào ấm, đổ đầy nước và sắc lấy nước uống. Ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi khỏi.
2. Bài thuốc trị chứng tâm có thực nhiệt
Chuẩn bị: Hoàng liên 28g.
Thực hiện: Sắc với 1.5 chén nước đến khi còn 1 chén thì tắt bếp, chắt lấy nước và dùng uống khi còn ấm.
3. Bài thuốc trị chứng lở loét do nhiệt độc
Chuẩn bị: Chi tử 12g, hoàng liên, hoàng bá và hoàng liên mỗi thứ 8g.
Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
4. Bài thuốc trị chứng nôn mửa, đau tức sườn trái
Chuẩn bị: Ngô thù du 1 phần và hoàng liên 6 phần.
Thực hiện: Đem dược liệu tán bột mịn, trộn đều và làm thành viên hoàn. Mỗi lần dùng 4g, ngày dùng 2 lần với nước nóng.
5. Bài thuốc trị chứng sốt dai dẳng, cơ thể mệt mỏi, ngực nóng và khó ngủ
Chuẩn bị: Kê tử hoàng 1 cái, a giao 8g, thược dược 12g, hoàng liên 3.2g và hoàng cầm 8g.
Thực hiện: Sắc uống, ngày đùng đều đặn 1 thang cho đến khi hết sốt hoàn toàn.
6. Bài thuốc trị chứng tâm phiền gây hồi hộp, hoảng sợ, ảo não, phản vị
Chuẩn bị: Cam thảo 10g, chu sa 16g và hoàng liên 20g.
Thực hiện: Tán thành bột mịn, sau đó đem rượu chưng, trộn với bột thuốc làm thành viên to bằng hạt lúa lớn. Mỗi lần uống 10 viên, ngày dùng 1 – 2 lần tùy theo chứng bệnh.
7. Bài thuốc trị chứng sởi mới mọc
Chuẩn bị: Cây xích sanh mộc, hoàng cầm, hoàng liên, ma hoàng và hoàng bá mỗi thứ 28g, thạch cao 60g, đạm đậu xị 100g và chi tử 30 hạt.
Thực hiện: Trộn đều dược liệu, mỗi lần dùng 30g thêm 3 cọng hành sắc uống. Ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi sởi lặn.
8. Bài thuốc trị tâm thận bất giao khiến cơ thể hồi hộp, khó ngủ, mất ngủ
Chuẩn bị: Nhục quế tâm 2g và hoàng liên 20g.
Thực hiện: Tán bột mịn, luyện với mật ong làm thành viên và uống với nước muối nhạt khi đói.
9. Bài thuốc chữa chứng mồ hôi trộm nhưng sắc mặt vẫn còn thần khí
Chuẩn bị: Hoàng liên 6g, sinh địa và thục địa mỗi thứ 16g, hoàng kỳ 14g, hoàng bá và đương quy mỗi thứ 12g, hoàng cầm 10g, long não, táo nhân và hoàng cầm (gia giảm theo chứng bệnh).
Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
10. Bài thuốc chữa các chứng bệnh về mắt như mắt mờ, mắt có màng mộng, quáng gà
Chuẩn bị: Gân dê đực 1 cái còn tươi và bột hoàng liên 40g.
Thực hiện: Nghiền nhuyễn gân dê đực, sau đó trộn với bột thuốc làm thành viên to bằng hạt ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 21 viên cùng với nước tương nóng. Trong thời gian dùng bài thuốc cần tránh dùng các món ăn từ thịt heo.
11. Bài thuốc trị phong nhiệt công lên khiến mắt sưng đỏ, đau nhức
Chuẩn bị; Kinh giới tuệ, đại hoàng, cam cúc hoa, hoàng liên, sài hồ, xuyên khung, cam thảo, mộc thông và thuyền thoái (cân chỉnh liều lượng tùy theo chứng bệnh).
Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
12. Bài thuốc chữa các loại đới hạ (trường hợp ra mủ hoặc máu)
Chuẩn bị: Cam thảo, hồng khúc, hoạt thạch, biển đậu, thăng ma, liên tử và hoàng liên.
Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
13. Bài thuốc trị chứng xích đới kèm bụng đau
Chuẩn bị: Nhũ hương, một dược, chỉ xác, hoàng liên và hòe hoa (cân chỉnh dược liệu tùy theo chứng bệnh)
Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
14. Bài thuốc trị bệnh trĩ
Chuẩn bị: Xích tiểu đậu và hoàng liên bằng lượng nhau.
Thực hiện: Tán thành bột mịn, sau đó dùng bột thoa trực tiếp vào vùng trĩ bị sưng đỏ, lở loét giúp giảm đau, sát trùng và làm lành vết thương nhanh chóng.
15. Bài thuốc chữa các chứng cam nhiệt ở trẻ nhỏ
Chuẩn bị: Bạch vô di, bạch cẩn hoa, thanh đại, lô hội, ngũ cốc trùng và bạch phù dung hoa (cân chỉnh liều lượng tùy theo chứng bệnh).
Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi khỏe.
16. Bài thuốc trị chứng nghiện rượu và các bệnh do rượu gây ra
Chuẩn bị: Mạch môn đông, ngũ vị tử, can cát và hoàng liên (gia giảm liều lượng theo chứng bệnh).
Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
17. Bài thuốc trị chứng tiêu chảy sau khi lên sởi
Chuẩn bị: Thược dược, thăng ma, can cát, cam thảo và hoàng liên (gia giảm liều lượng tùy theo chứng bệnh)
Thực hiện: Sắc uống ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi dứt tiêu chảy thì ngưng.
18. Bài thuốc chữa chứng nữ giới suy nhược bị đới hạ không dứt
Chuẩn bị: Liên tử, nhân sâm và hoàng liên.
Thực hiện: Sắc uống hằng ngày, ngày dùng 1 thang.
19. Bài thuốc trị chứng lở miệng
Chuẩn bị: Cam thảo, ngũ vị tử và hoàng liên.
Thực hiện: Sắc đặc lấy nước cốt ngậm và súc miệng.
20. Bài thuốc trị chứng tiểu nhiều, tiêu khát đột ngột
Chuẩn bị: Ngũ vị tử, mạch môn đông và hoàng liên.
Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
21. Bài thuốc chữa chứng nga khẩu sang
Chuẩn bị: Thạch xương bồ 1 chỉ và hoàng liên 8g.
Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
22. Bài thuốc trị sốt cao do nhiễm lỵ trực trùng cấp tính
Chuẩn bị: Cát căn, tần bì, hoàng bá và bạch đầu ông mỗi thứ 12g, mộc hương 8g và hoàng liên 4g.
Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
23. Bài thuốc trị chứng kiết lỵ
Chuẩn bị: Hoàng liên 12g.
Thực hiện: Tán bột, chia thành 3 phần bằng nhau. Mỗi lần dùng 1 phần uống với nước, ngày dùng 3 lần cho đến khi khỏi.
24. Bài thuốc trị thấp nhiệt uất kết ở can đởm khiến mắt sưng đỏ, đau nhức, mắt mờ và hay chảy nước mắt
Chuẩn bị: Hoàng liên 4g (xắt vụn).
Thực hiện: Đem ngâm với sữa mẹ, sau đó dùng dịch nhỏ mắt 2 – 3 lần mỗi ngày.
25. Bài thuốc trị chứng lỵ, viêm ruột do nhiễm trực khuẩn
Chuẩn bị: Mộc hương 20g và hoàng liên 80g.
Thực hiện: Tán bột mịn làm viên, mỗi lần dùng 2 – 8g thuốc bột uống cùng với nước. Ngày dùng từ 2 – 3 lần.
26. Bài thuốc chữa chứng nôn mửa khi mang thai hoặc nôn mửa do vị nhiệt
Chuẩn bị: Tô diệp và hoàng liên mỗi thứ 7 phân.
Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
27. Bài thuốc trị chứng đại tiện bí táo
Chuẩn bị: Bã đậu sương và hoàng liên mỗi thứ 20g.
Thực hiện: Đem dược liệu nghiền mịn, làm thánh bánh. Dùng củ hành ép lấy dịch, thêm 1 chút muối và nhỏ vào rốn. Sau đó, đặt bánh lên rốn và dùng mồi ngải cứu hơ lên.
Lưu ý khi dùng vị thuốc hoàng liên chân gà
Trước khi dùng dược liệu hoàng liên, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Hoàng liên chân gà kỵ thịt heo nên cần tránh sử dụng đồng thời
- Người phiền nhiệt, âm hư, tiết tả và tỳ hư không nên dùng bài thuốc từ thân rễ của cây hoàng liên chân gà.
- Tránh dùng cúc hoa, nguyên hoa, bạch tiễn bì, huyền sâm, thịt heo, bạch cương tàm trong thời gian sử dụng các bài thuốc từ hoàng liên.
- Cần tránh nhầm lẫn với một số vị thuốc mang tên “hoàng liên” khác như hoàng liên ba gai/ hoàng mũ (tên khoa học Berberis wallichiana DC), thổ hoàng liên (Thalictrum foliolosum DC) và thập đại công lao/ hoàng liên ô rô (Mahonia bealei Carr).
Giới thiệu chung về cây hoàng liên
Đặc điểm cây
Hoàng liên là cây thân thảo nhỏ, sống nhiều năm, có chiều cao khoảng 30 – 40cm. Thân cây mọc thẳng và phân thành nhiều nhánh phía trên. Lá mọc so le từ dưới gốc lên, cuống lá dài 8 – 18 cm, có 3 – 5 lá chét trên mỗi phiến lá. Hai bên mép lá hình răng cưa.
Rễ hoàng liên hình trụ, màu vàng nhạt hoặc màu nâu, có nhiều rễ con phình ra thành củ dài có hình dáng tựa như chân gà. Mặt cắt của rễ màu vàng, chất bên trong vị đắng.
Hoàng liên thường ra hoa vào từ tháng 10 kéo dài cho đến tháng 2 năm sau, hoa có cán dài đâm lên từ rễ, màu trắng. Quả to ra vào tháng 3 – tháng 6, có cuống, khi chín sẽ có màu vàng. Bên trong quả có khoảng 10 hạt màu nâu đen hoặc lục xám.
Phân bố
Cây hoàng liên là loại cây mọc hoang. Vị thuốc này được tìm thấy nhiều trên các vùng núi cao ở miền bắc nước ta như Sapa, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn…
Bộ phận dùng
Rễ (củ) cây hoàng liên
Thu hái – Sơ chế
Rễ hoàng liên được thu hoạch chủ yếu vào mùa đông. Những cây hoàng liên già sẽ được đào lên, cắt phần rễ chính đem rửa sạch, phơi khô.
Bào chế thuốc
Rễ hoàng liên khô đem rửa cho sạch bụi bẩn, ủ một lục cho mềm rồi xắt thành những lát mỏng. Bỏ vào bóng râm cho khô lại rồi dùng sống hoặc sao qua với rượu trước khi dùng trong bài thuốc.
Bảo quản
Bảo quản dược liệu hoàng liên nơi khô, mát, tránh để nơi ẩm ướt.
Xem thêm: Sài đất – Công dụng, đặc điểm và những lưu ý khi sử dụng
Kết
Trên đây là những thông tin về vị thuốc hoàng liên do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hoàng liên chân gà là cây thuốc quý đã được khoa học công nhận về tác dụng chữa bệnh và hiện nay được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng. Mặc dù không có độc tính nhưng để giảm thiểu rủi ro và tác dụng phụ khi dùng thảo dược này, bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.
- Hoa Lan Kiều- Cách trồng và chăm sóc hoa lan kiều đạt hiệu quả cao
- Cây Chà Là – Cách trồng và chăm sóc cây chà là tốt nhất
- Hoa Nhài – Hoa đẹp tinh khôi với hương thơm ngát
- Cây Gỗ Sưa – Cách trồng và chăm sóc cây gỗ sưa để đạt được năng suất cao
- Chó Teacup Phốc Sóc – Đặc điểm và cách nuôi Chó Teacup Phốc Sóc