Câu Kỷ Tử – Đặc điểm, công dụng và những lưu ý khi sử dụng

Câu Kỷ Tử là vị thuốc quý và được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Với vị ngọt, tính bình, tác dụng trừ phong, bổ thận, cường gân cốt, sinh tinh,… dược liệu này được tận dụng để trị chứng vô sinh – hiếm muốn, di mộng tinh ở nam giới, viêm dạ dày mãn tính và các vấn đề về mắt. Vậy dược liệu này có đặc điểm, công dụng và những điều cần lưu ý khi sử dụng như thế nào? Mọi thắc mắc về câu kỷ tử sẽ được giải đáp ở bài viết dưới đây.

Giới thiệu chung về Câu Kỷ Tử

  • Tên gọi khác: Câu khơi, Khủ khởi, Kỷ tử, Khởi tử và Địa cốt tử.
  • Tên khoa học: Fructus Lycii
  • Họ: Cà (danh pháp khoa học: Solanaceae)
Giới thiệu chung về Câu Kỷ Tử
Giới thiệu chung về Câu Kỷ Tử

Đặc điểm thực vật

Kỷ tử là một trong những vị thuốc quý hiếm. Cây có chiều cao trung bình từ 0.5 – 1.5m, mọc đứng, cành phân nhiều. Cành kỷ tử mảnh, thỉnh thoảng có gai. Lá hình mũi mác, hẹp ở gốc, mọc cách, nhẵn.

Câu kỷ tử ra hoa vào tháng 6 – 9 và sai quả từ tháng 7 – 10 hằng năm

Hoa mọc ở kẽ lá, chủ yếu mọc đơn độc, tuy nhiên một số hoa mọc lại thành chùm. Hoa kỷ tử có màu đỏ, quả mọng, nhỏ, hình trứng dài, có màu đỏ cam và đỏ thẫm khi chín. Cây ra hoa vào tháng 6 – 9 và sai quả từ tháng 7 – 10 hằng năm.

Bộ phận dùng

Quả khô.

Phân bố

Cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, tập trung ở tỉnh Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây.

Thu hái – sơ chế

Quả của cây được thu hái vào tháng 8 – 9 hằng năm. Khi hái nên hái trái chín đỏ vào chiều mát hoặc sáng sớm. Đem quả kỷ tử phơi trong bóng mát, khi quả có dấu hiệu nhăn mới đem phơi ngoài nắng cho khô hoàn toàn.

Cách bào chế dược liệu:

  • Dùng sống hoặc tẩm mật sắc lấy nước đặc/ sấy cho khô rồi đem tán bột mịn.
  • Hoặc dùng quả tươi, tẩm rượu trong 1 ngày đêm và giã dập trước khi dùng.

Bảo quản

Bảo quản ở nơi thoáng mát. Nên phun rượu, xóc lên hoặc xông diêm sinh định kỳ để tránh ẩm mốc.

Thành phần hóa học

Câu kỷ tử chứa thành phần hóa học đa dạng, bao gồm vitamin B1, C, B2, canxi, sắt, kẽm, valine, acid amin, betain, linoleic acid, asparagine,…

Câu Kỷ Tử - Đặc điểm, công dụng và những lưu ý khi sử dụng 1

Vị thuốc câu kỷ tử

Tính vị

Vị ngọt, tính bình.

Qui kinh

Qui vào kinh Phế, Can và Thận.

Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tăng cường chức năng tạo máu trên thực nghiệm với chuột nhắt.
  • Hoạt chất Betain trong dược liệu có tác dụng hạ đường huyết, bảo vệ gan và chống thoái hóa mỡ.
  • Hạ cholesterol ở chuột cống.
  • Hoạt chất Betain còn kích thích chuột tăng trọng lượng cơ thể và gà đẻ trứng nhiều hơn.
  • Tác dụng tăng cường miễn dịch không đặc hiệu.
  • Tác dụng hưng phấn ruột, ức chế tim và hạ huyết áp.
  • Toàn cây kỷ tử có tác dụng ức chế với một số loại tế bào gây ung thư ở người.

Theo Đông y:

  • Tác dụng: Cường thịnh âm đạo, minh mục, an thần, bổ ích tinh huyết, khử hư lao, nhuận phế, trừ phong, bổ gân cốt, ích khí, tư thận,…
  • Chủ trị: Chứng âm huyết hư tổn, hư lao, can thận âm hư, di tinh, tiểu đường, huyết hư gây chóng mặt, khái thấu và đau thắt lưng.

Cách dùng – liều lượng

Câu kỷ tử được dùng để sắc, hãm dùng như trà, làm viên hoàn,… Liều dùng: 8 – 20g/ ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc Câu kỷ tử

Câu Kỷ Tử - Đặc điểm, công dụng và những lưu ý khi sử dụng 2

Kỷ tử được sử dụng để điều trị chứng đau dạ dày, vô sinh – hiếm muộn, nám da, mộng thịt ở mắt,…

1. Bài thuốc trị da mặt sần sùi và nám sạm

  • Chuẩn bị: Sinh địa 3 cân và kỷ tử 10 cân.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 1 thìa uống với rượu ấm. Ngày dùng 3 lần trong thời gian dài để cải thiện làn da.

2. Bài thuốc trị can thận âm hư gây đổ mồ hôi trộm, hoa mắt, sốt về chiều, đau mắt, giảm thị lực

  • Chuẩn bị: Thục địa 16g, phục linh, câu kỷ tử và đơn bì mỗi thứ 6g, cúc hoa 12g.
  • Thực hiện: Tán thành bột mịn và sau đó làm thành viên. Mỗi lần dùng 6g/ 2 lần/ ngày, nên uống cùng nước muối nhạt.

3. Bài thuốc trị mắt mộng thịt, thận hư, hoa mắt và suy nhược cơ thể

  • Chuẩn bị: 1 cân câu kỷ tử, 40g tiểu hồi hương, 40g thục tiêu, 40g chi ma, bạch phục linh, thục địa và bạch truật mỗi thứ 40g, mật và rượu.
  • Thực hiện: Ngâm rượu với 1 cân kỷ tử, sau đó chia thành 4 phần bằng nhau. Phần đầu sao vàng, 3 phần còn lại lần lượt sao với chi ma, tiểu hồi hương và thục tiêu. Sau đó thêm bạch truật, thục địa và bạch phục linh vào, đem tất cả tán thành bột mịn, luyện với mật làm thành viên và dùng hằng ngày.

4. Bài thuốc trị di tinh, huyết trắng nhiều, thận hư, suy nhược, lưng đau và mỏi gối

  • Chuẩn bị: Sơn thù nhục 160g, sơn dược sao vàng 160g, thục địa 320g, câu kỷ tử 160g, quy bản sao, thỏ ty tử và lộc giao sao mỗi thứ 160g, ngưu tất 120g.
  • Thực hiện: Đem tán bột mịn, trộn với mật làm thành hoàn. Ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần uống từ 12 – 16g.

5. Bài thuốc trị đục thủy tinh thể, hoa mắt, cườm mắt và giảm thị lực

  • Chuẩn bị: Ba kích thiên và cúc hoa mỗi thứ 8g, nhục thung dung 12g, kỷ tử 20g và ba kích thiên 8g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

6. Bài thuốc chữa dạ dày bị viêm mãn tính

  • Chuẩn bị: Một lượng câu kỷ tử khô.
  • Thực hiện: Dùng 20g/ ngày, chia thành 2 lần dùng. Đem nhai khi bụng đói, thực hiện bài thuốc trong 2 tháng.

7. Bài thuốc trị chảy nước mắt khi ra gió và sinh bệnh ở mắt do can hư

  • Chuẩn bị: Câu kỷ tử khô và rượu.
  • Thực hiện: Đem kỷ tử ngâm với rượu trong 5 – 7 ngày. Mỗi lần dùng 1 – 2 thìa rượu, ngày uống 2 lần.

8. Bài thuốc trị đau mắt đỏ

  • Chuẩn bị: Câu kỷ tử tươi.
  • Thực hiện: Giã nát câu kỷ tử, lấy nước và nhỏ vào khóe mắt 3 – 4 giọt.

9. Bài thuốc trị chảy nước mắt do can hư

  • Chuẩn bị: 960g câu kỷ tử và rượu.
  • Thực hiện: Đem kỷ tử ngâm rượu trong 21 ngày, dùng uống mỗi ngày cho đến khi khỏi.

10. Bài thuốc chữa chứng suy nhược khi thay đổi thời tiết

  • Chuẩn bị: Ngũ vị tử và câu kỷ tử.
  • Thực hiện: Tán bột dược liệu, sau đó hòa với nước sôi uống như trà.

11. Bài thuốc chữa xơ gan và viêm gan mãn tính do âm hư

  • Chuẩn bị: Đương quy, mạch môn và bắc sa sâm mỗi thứ 12g, sinh địa 24 – 40g, câu kỷ tử 12 – 24g và xuyên luyện tử 6g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

12. Bài thuốc chữa chứng cườm mắt tuổi già

  • Chuẩn bị: Câu kỷ tử, cúc hoa mỗi thứ 120g, đơn bì và phục linh mỗi thứ 80g, thục địa 320g, sơn dược 160g và sơn thù 160g.
  • Thực hiện: Tán mịn dược liệu, luyện với mật làm hoàn. Mỗi lần dùng 10 – 12g, ngày dùng 2 – 3 lần.

13. Bài thuốc chữa chứng lao nhiệt gây đau nhức âm ỉ trong xương

  • Chuẩn bị: Thanh hoa, địa cốt bì, thục địa, mạch môn đông, câu kỷ tử, ngưu tất và miết giáp.
  • Thực hiện: Đem sắc uống.
  • Lưu ý: Nếu đi kèm với chứng lạnh, sốt, ho do phế nhiệt và âm hư, nên gia thêm tỳ bà diệp, thiên môn đông và bách bộ.

14. Bài thuốc trị vô sinh và giảm chức năng sinh lý ở nam giới

  • Chuẩn bị: 15g câu kỷ tử.
  • Thực hiện: Nhai kỷ tử trước khi ngủ, thực hiện liên tục cho đến khi khỏi.

15. Bài thuốc trị đau mỏi vùng thắt lưng, thận hư

  • Chuẩn bị: Hoàng tinh và câu kỷ tử bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Tán bột, sau đó trộn với mật làm thành viên. Mỗi lần uống 12g với nước ấm, ngày dùng 2 lần cho đến khi khỏi.

16. Bài thuốc trà câu kỷ tử thải độc cho gan

  • Chuẩn bị: Trà, mật ong, câu kỷ tử khô và nước đun sôi.
  • Thực hiện: Hãm các nguyên liệu với nước sôi trong 10 phút, uống hằng ngày để giải độc cho gan.

17. Bài thuốc tăng số lượng và chất lượng tinh trùng, hỗ trợ chữa chứng vô sinh – hiếm muộn ở nam giới

  • Chuẩn bị: Nhục thung dung, câu kỷ tử, lộc giác giao, lộc nhung, câu kỷ tử, đương quy, xuyên khung, đảng sâm, đan sâm, táo nhân, sinh địa, nhân sâm.
  • Thực hiện: Đem ngâm các vị với 10 lít rượu 40 độ. Sau đó đun 300g đường phèn với 0.5 lít nước cho tan ra, đợi nguội và đổ vào rượu. Ngâm rượu trong 30 ngày. Ngày dùng 3 ly, mỗi ly khoảng 25ml

Những điều cần lưu ý khi dùng bài thuốc từ Câu kỷ tử

  • Dược liệu kỷ tử có thể gây sảy thai, vì vậy cần tránh dùng trong thời gian mang thai.
  • Phụ nữ cho con bú nên hạn chế dùng câu kỷ tử vì có thể làm giảm khả năng bài tiết sữa.
  • Dược liệu có tính trệ, cần cẩn trọng khi dùng cho người bị tiêu chảy kéo dài và tỳ vị hư yếu.
  • Cấm dùng câu kỷ tử cho người có ngoại tà thực nhiệt.

Câu kỷ tử là dược liệu được sử dụng rất phổ biến. Tuy nhiên khi sử dụng kỷ tử để điều trị bệnh, bạn nên chú ý liều lượng để tránh các tác dụng không mong muốn.

Tham khảo thêm về Kỷ tử

+ Câu kỷ tử có tác dụng bổ tinh khí, bổ suy nhược làm cho người xinh tươi hồng hào, sáng rõ tai mắt, yên thần định chí sống lâu. (Bản Thảo Dược Tính).

+ Câu kỷ tử làm cứng mạnh gân xương, sống dai lâu gìa, trừ phòng phong bệnh bổ hư lao, ích tinh khí. (Thực Liệu Bản Thảo).

+ Câu kỷ tử chữa được những bệnh ở tim, ọe khan đau tim, đau họng khát nước vì thận có bệnh cho nên hay làm nên chứng tiêu khát. (Thang Dịch Bản Thảo).

+ Câu kỷ tử có tính giúp cho thận, nhuận được phế, dùng nó ép lấy dầu thắp sáng đèn làm sáng mắt. (Bản Thảo Cương Mục).

+ Câu kỷ tử có vị cay vừa, khí ấm vừa và mát, tính có thể lên xuống được, vị nặng nên hay bổ âm nhưng tính của nó là âm trong có dương nên cổ được khí. Xét cho đúng thì nó chỉ xét cho dương một phần nào thôi, chứ không có tính cách kích động nên những người biết dùng thì dùng để tiếp thêm sức cho Thục địa là đúng.

Còn vấn đề công dụng của nó thì có thể làm cho thông minh tai mắt, yên ổn tâm thần tăng thêm tinh tủy, cứng mạnh gân xương, bù đắp vào những chỗ bất túc nhất là lao thương quá độ. Vì vậy khi mà thận khí đã đầy đủ thì chứng tiêu khát không còn nữa, còn những người bị chân âm suy tổn mà đau ở sau lưng dưới rốn, mê man dùng nó thì công hiệu. (Cảnh Nhạc Toàn Thư).

+ Câu kỷ tử có vị ngọt tính bình là vị thuốc chính của Thận, vì vậy mà bổ Thận ích tinh, khi Thận thủy đã mạnh thì gân xương rắn chắc vững vàng nên chứng tiêu khát lui cả, còn những chứng mắt mờ, tai điếc, lưng đau, chân yếu cũng theo đó mà biến mất. (Bản Thảo Thông Nguyên).

+ Đi xa ngàn dặm thì không nên dùng Câu kỷ tử vì nó bổ thận quá cho nên kích thích đến tình dục. Nó có khí bình không nóng, nó có tác dụng bổ thận chế hỏa, công hiệu như Thục địa. N

hưng chỉ tiếc khí nóng bứt rứt trong xương muốn trừ nó mà chưa từng dùng được (Danh Y Biệt Lục).

+ Câu kỷ tử vị ngọt mát tính nhuận, các sách ghi rằng có tác dụng khu phong, minh mục, mạnh gân xương, bổ tinh, tráng dương. Xét đúng ra thì Thận thủy suy thiếu uống vào có tính cam nhuận thì âm phải theo dương mà sinh trưởng. Khi Thận thủy đã đầy đủ thì tự nhiên phong sẽ bị tán ngay, vì thế nó có tác dụng làm sáng được tai mắt, cứng xương, mạnh gân. Đó lại càng chứng minh rằng Câu kỷ tử là một vị thuốc tư thủy, do đó mà các sách đều cho rằng nó có tác dụng chữa được tiêu khát.

Ngày nay thấy nó sắc đỏ mà tưởng lầm là thuốc bổ dương thì quá sai lầm. Tại sao không biết rằng những thứ đã gọi là khí hàn thì có bao giờ mà bổ dương được? Nếu cứ cho sắc đỏ đó là bổ dương thì Hồng hoa, Tử thảo thì sắc nó cũng đỏ mà có ai quả quyết là thuốc bổ dương đâu, có kẻ lại cho rằng tính nó hoạt huyết. Than ôi! đạo làm thầy thuốc mà không rành, chỉ hạn hẹp trong mấy cuốn sách, nghĩ quẩn quanh, cái gì còn hồ nghi phải gắng sức nghiên cứu cho tới đầu tới đuôi.

Nói chung quy chỉ vì xem sách không tinh, định câu không rõ nghĩa không thể nhận xét mà lý hội cho đến cùng, chỉ biết một đoạn nào đó thì biết làm sao được! Chẳng hạn những bệnh thuộc hư hàn mà dám dùng nó thì chuyện xảy ra chẳng những không thể bổ được phần dương mà hư lại càng hư thêm rồi sinh ra những chứng tiêu chảy không cầm được, có khi tới chết. Đó chính là sai một ly đi một dặm nó biến chuyển nhanh như thế, sao lại cho rằng dùng thuốc không cần cẩn thận lắm cũng được vậy mà? (Bản Thảo Cầu Chân).

+ Câu tử có vị ngọt đắng tính lạnh, nhập vào kinh Can và Thận, có tác dụng bổ âm tráng thủy, tưới nhuần được cho Can, thanh trừ được phong độc. Nhờ được tính đắng mát cho nên Tỳ dễ tiết, với những dạng người có bệnh Tỳ thổ khô táo, táo bón mới nên dùng nó; Với nhưng người có thủy hàn khô thấp, trường vị hoạt tiết, tiêu lỏng, tiêu sệt luôn thì không nên dùng nó vì có thể sinh ra tiêu chảy. Nếu ai gọi nó là thuốc trợ dương khí là sai hoàn toàn (Trường Sa Dược Giải).

+ Dùng với Thục địa là rất hay, thuốc làm sáng mắt,thính tai, ích tinh, cố tủy, kiện cốt, cường cân, chuyên bổ lao thương, chỉ tiêu khát, chân âm hư mà bụng rốn đau không khỏi, dùng nhiều rất hay (Cảnh Nhạc Toàn Thư’).

+ Câu kỷ tử chuyên bổ huyết, không thuốc nào hơn (Trùng Khánh Đường Tùy Bút).

+ Câu kỷ tử cảm khí xuân hàn của trời, lại được cả khí xung hòa của đất để sinh ra, vị nó ngọt, tính bình cho nên là vị thuốc chính có công năng chuyên bổ cho chân âm của Can và Thận. Họ Đào nói: Xa nhà ngàn dặm chớ ăn Câu kỷ tử, ý nói sức cường dương của nó đó thôi (Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ Chu Nhụ Tử trông thấy bên chỗ khe suối có hai bụi rậm hoa xanh tươi trông rất đẹp, bỗng thấy một chó lớn đuổi một con chó nhỏ phóng vào bụi hoa gần ngay gốc cây Kỷ tử. Họ trông thấy vậy nhưng không biết nó biến đi đâu, liền cùng nhau đào ở gốc cây Kỷ tử thì thấy ở gốc có hai cái rễ lớn nhỏ như hai con chó nằm gọn ở đó, họ bèn đem về nấu ăn, tự nhiên thấy khỏe, khoan khoái trong người. Ông nói đó là cây Kỷ tử của tiên trồng có hơn cả ngàn năm nên mới hóa hình con chó (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+Tục truyền ngày xưa cây này mùa xuân gọi là Thiên tinh tử, mùa hè gọi là Câu kỷ diệp, mùa thu gọi là Khước lão, mùa đông gọi là Địa cốt bì (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Câu kỷ tử còn cho lá và ngọn gọi là Câu kỷ hành diệp, có vị đắng, tính lạnh, không độc, thường nấu với thịt dê ăn bổ, có tác dụng trừ phong, sáng mắt. Có thể thay trà để uống, công dụng chỉ khát, hết bứt rứt, nóng nảy, bổ sinh dục, giải độc của miến. Nó rất ghét sữa tô. Lấy nước cốt của nó nhỏ vào mắt có tác dụng trừ mộng thịt ở mắt, màng đỏ ở mắt, choáng váng, hoa mắt (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Cây còn cho mầm gọi là Câu kỷ miêu có vị đắng tính lạnh, có tác dụng trừ phiền, ích chí, khu phong, minh mục, tiêu nhiệt độc, tán sang thủy (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Dùng hạt Câu kỷ tử loại ở Cam châu nấu chín, gĩa nát, trộn với men gạo hoặc lấy hạt Câu kỷ cùng với Sinh địa hoàng chế thành rượu uống gọi là rượu Câu kỷ (Câu Kỷ Tửu). Dùng hạt Câu kỷ trộn gạo nấu cháo có tác dụng bổ tinh huyết, ích thận khí, thiếu huyết, thận suy dùng rất tốt gọi là Câu kỷ tử chúc (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Loại Câu kỷ ở Cam châu, Trung Quốc có màu đỏ thịt dẻo, ít hột là thứ tốt nhất (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Câu kỷ, hột của nó gọi là Câu kỷ tử, rễ gọi là Địa cốt bì. Rễ có vị đắng hơn, tính hàn hơn, còn hột thì ngọt nhiều, đắng ít. Công dụng của hai thứ này có khác nhau. Câu kỷ tử là thuốc tư bổ Thận âm, Địa cốt bì là thuốc trị chứng nóng âm ỉ trong xương (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Câu Kỷ Tử do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Câu Kỷ Tử là vị thuốc với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *