Cà Dại Hoa Trắng – Đặc điểm, công dụng, Cách trồng và chăm sóc

Cà Dại Hoa Trắng có tên khoa học là Solanum torvum Swartz, còn có tên khác là Cà gai hoa trắng. Thuộc họ Cà (Solanaceae). Theo Đông y, cây có vị đắng tính mát, có độc ít, có tác dụng chỉ thống, tiêu thũng, trừ ho… Người dân thường dùng để trị ho, đau bụng, đau răng… Cùng tìm hiểu rõ hơn về công dụng và liều dùng của thảo dược này qua bài viết dưới đây.

Giới thiệu chung về Cà Dại Hoa Trắng

  • Tên gọi khác: Cà pháo, cà dại, cà hoa trắng, bạch gia, pháo gia, cà trắng, cà nước, cà hoang,…
  • Tên khoa học: Solanum torvum Swartz.
  • Họ: Cà/ Khoai tây (danh pháp khoa học: Solanaceae)
Giới thiệu chung về Cà Dại Hoa Trắng
Giới thiệu chung về Cà Dại Hoa Trắng

Đặc điểm thực vật

Cà dại hoa trắng là loài thực vật nhỏ và có chiều cao trung bình từ 2 – 3m. Thân có nhiều cành mềm, ít gai và được phủ nhiều lông hình sao. Lá mọc so le, phiến lá hình trứng, chia thành nhiều thùy, cuống lá dài từ 1 – 10cm, phiến lá rộng 6 – 18cm và dài 8 – 20cm.

Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, mặt ngoài có lông và có màu trắng, nhị vàng. Quả hình cầu, đường kính khoảng 11 – 15mm, bề mặt nhẵn và khi chín chuyển sang màu vàng. Cây ra quả vào tháng 4 – 7 hằng năm. Hạt hoa cây có hình đĩa, đường kính nhỏ, khoảng 1 – 2mm.

*Lưu ý: Cần phân biệt cà dại hoa trắng với cà pháo dùng để làm thực phẩm (Solanum macrocarpon).

Bộ phận dùng

Rễ của cây thường được thu hái để làm thuốc. Ngoài ra hoa, lá và quả cũng được sử dụng nhưng ít phổ biến hơn.

Phân bố

Cà dại hoa trắng là loài thực vật mọc hoang ở ven đường, bãi đất trống, ruộng đồng,…

Thu hái – sơ chế

Rễ của cây được thu hái quanh năm. Sau khi đào rễ lên, đem về rửa sạch, loại bỏ tạp chất, sau đó thái mỏng và đem sấy/ phơi khô trong râm.

Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và nơi ẩm thấp.

Thành phần hóa học

Quả của cây chứa ancaloit (solasonin), dầu béo và một lượng nhỏ sitosterol.

Cà Dại Hoa Trắng - Đặc điểm, công dụng, Cách trồng và chăm sóc 1

Vị thuốc cà dại hoa trắng

Tính vị

Vị cay, tính hơi mát và có độc ít.

Qui kinh

Chưa có nghiên cứu.

Tác dụng dược lý

– Theo Đông Y:

  • Tác dụng: Trừ ho, tiêu thũng, chỉ thống, tán ứ và hoạt huyết.
  • Chủ trị: Thường được sử dụng để điều trị bế kinh, ho mãn tính, đau dạ dày, tổn thương do té ngã, đau thắt lưng, đau dây thần kinh, ong chích,…

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Hiện tại, dược liệu này chưa được nghiên cứu.

Cách dùng – liều lượng

Dược liệu được dùng ở dạng sắc uống hoặc dùng ngoài. Liều dùng trung bình từ 10 – 20g/ ngày.

Cà Dại Hoa Trắng - Đặc điểm, công dụng, Cách trồng và chăm sóc 2

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cà dại hoa trắng

1. Bài thuốc giúp làm dịu vết ong đốt

  • Chuẩn bị: Quả cà dại hoa trắng và 1 ít lá lốt.
  • Thực hiện: Rửa sạch, sau đó giã nát và vắt lấy nước, thoa lên chỗ bị đốt.

2. Bài thuốc chữa nước ăn chân

  • Chuẩn bị: Lá phèn đen và lá chè xanh mỗi thứ từ 20 – 30g, lá lốt và quả cà dại hoa trắng mỗi thứ 20g.
  • Thực hiện: Dùng lá chè xanh và lá phèn đen sắc lấy nước đặc, sau đó ngâm rửa chân trong 5 – 10 phút. Tiếp tục dùng lá lốt và quả cà dại, giã nát và thêm ít nước, sử dụng bông thấm dung dịch này và thoa lên vùng da chân nứt nẻ.

3. Bài thuốc chữa đau nhức răng do sâu răng

  • Chuẩn bị: Vỏ cây lai, vỏ cây trầu, rễ cây chanh và rễ cây cà dại, mỗi thứ 10g.
  • Thực hiện: Đem các vị rửa sạch, sau đó sắc đặc và dùng nước ngậm rồi nhổ đi.
  • Lưu ý: Không áp dụng cho người bị tăng nhãn áp.

4. Bài thuốc trị trẻ em bị đau bụng

  • Chuẩn bị: 1 ít hoa cà dại.
  • Thực hiện: Rửa sạch, hãm với nước sôi và cho trẻ uống.

5. Bài thuốc chữa ho mãn tính

  • Chuẩn bị: 10 – 15g rễ cà dại.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi hẳn.

6. Bài thuốc chữa chứng khó tiểu tiện

  • Chuẩn bị: Cành lá của cây đơn buốt và lá tươi của cây cà dại.
  • Thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu, thái nhỏ và hãm với nước uống như trà.

7. Bài thuốc chữa đau dây thần kinh và đau lưng

  • Chuẩn bị: Kê huyết đằng, lá lốt, cà dại hoa trắng, dây gấm và thổ phục linh mỗi thứ 20g.
  • Thực hiện: Đem sao vàng và sắc uống ngày dùng 1 thang. Dùng liên tục ít nhất 10 thang để nhận thấy hiệu quả.

Cà Dại Hoa Trắng - Đặc điểm, công dụng, Cách trồng và chăm sóc 3

Các món ăn từ cà dại hoa trắng

Cà muối ớt

  • Chuẩn bị: Trái cà dại hoa trắng 500g, ớt thóc 200g, muối 50g, nước mắm 100ml, lọ thủy tinh 01 cái
  • Thực hiện: Hái trái cà khi trái đã có kích thước khoảng 1cm, không nên hái trái quá già. Cà và ớt rửa sạch để dáo nước. Sau đó bỏ một nắm cà vào lọ, rắc chút muối vào, bỏ ớt vào, thêm nước nắm vừa đủ sau đó lắc đều cho muối, nước nắm, cà ớt trộn đều lẫn với nhau. Đậy kín nắm bình và để trong thời gian khoảng 1 tuần là dùng được.

Rau đồ đồ thập cẩm

  • Chuẩn bị: Trái cà 100g, lá đu đủ 3 loại bánh tẻ, rau ngót 1 nắm, lá muồng muồng 1 nắm, rau máu 1 nắm, lá cây bọ mẩy 1 nắm. Chuẩn bị 1 nồi, một cái chõ để đồ.
  • Thực hiện: Các loại rau đem rửa sạch, trộn đều lại với nhau. Bỏ rau vào nồi chõ đồ chín bằng hơi nước, các bạn đồ trong thời gian khoảng 1 giờ sao cho rau chín mềm là được. Gắp rau ra chấm ăn với nước mắm ớt hoặc ăn với vừng sẽ rất ngon và bùi miệng. Đây là một món ăn mang đậm nét bản sắc truyền thống của người Mường ở tỉnh Hòa Bình, ai ăn môt lần sẽ nhớ mãi mùi vị của món rau đồ này.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng cà dại hoa trắng

  • Không sử dụng dược liệu cà dại hoa trắng cho người bị tăng nhãn áp.
  • Nếu có ý định sử dụng bài thuốc từ dược liệu này, bạn nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa để dự phòng các rủi ro xảy ra.

Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Cà Dại Hoa Trắng do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Cà Dại Hoa Trắng là vị thuốc với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *