Những giống hoa hồng ngoại đang du nhập vào Việt Nam tạo nên những cơn sốt mạnh mẽ. Ưu điểm của các giống hống này từ hình dáng, màu sắc, hương thơm, tuy nhiên khả năng sinh trưởng và phát triển, chịu được khắc nghiệt sẽ không được như hồng bản địa. Hoa hồng quế là một trong số những giống hồng cổ đã đi vào tiềm thức, tuổi thơ của nhiều người. Bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về loại hồng dịu dàng và sai hoa này bạn nhé!
Hoa hồng quế là gì?
Hồng quế thuộc họ hoa hồng rất quen thuộc tại các vùng quê Việt Nam. Cuống hoa hồng quế nhỏ nên rất yếu do vậy hoa hồng quế chủ yếu được dùng bằng cách cho vào bát để cúng lễ.
Hoa hồng quế có màu hồng hoặc đỏ thắm mọc từng chùm giống hoa tầm xuân nhưng bông to hơn, cho hoa đẹp nhất vào mùa xuân. Nhược điểm của hoa hồng quế là sai hoa nhưng lại chóng tàn, chơi được rất ít ngày
Đặc điểm hoa hồng quế
Cây hoa hồng quế thuộc loại cây thân thảo, sống lâu năm hóa gỗ, dạng bụi nhỏ, chiều cao khoảng 0,4-1,5m. Cây phân nhiều cành nhánh với thân nhỏ, mảnh, mềm, màu xanh đậm, trên thân có gai nhỏ. Bề rộng tán khoảng 0,4-1,5m.
Lá hồng quế màu xanh đậm, hình bầu dục hơi tròn, răng cưa ngắn và dầy. Cuống hoa cũng nhỏ và mềm.
Hoa hồng quế thường có màu hồng, hồng phấn với những lớp cánh mỏng, nhỏ hơn so với nhiều loại hồng khác, hơi thưa, xếp tròn đều xung quanh nhị để lộ ra lớp nhụy vàng óng. Đường kính hoa khoảng 3-7cm. Hoa kết thành chùm 3-7 bông hoặc đơn lẻ, mọc ở nách lá nên cực kỳ sai hoa. Hồng quế lại ra hoa liên tục với độ lặp mau đặc biệt là mùa xuân, tuy nhiên mỗi bông lại nhanh tàn. Hồng quế cũng có hương thơm dịu dàng, lãng mạn, cổ điển. Đặc biệt khi được bấm tỉa thường xuyên hồng quế sẽ ra hoa không ngừng nghỉ. Sau khi hoa tàn hồng quế cũng kết quả xinh xắn.
Lợi ích và ứng dụng cây hoa hồng quế
Cây hoa hồng quế có sức sống mạnh mẽ, ít sâu bệnh, lại sai hoa với sắc màu lãng mạn nên được ưa thích trong trồng, trang trí.
Hồng quế dày đặc bông là biểu tượng cho sự liên kết, tình yêu ngọt ngào.
Những ngày mùng một, đôi rằm các cụ thường hái hồng quế đặt lên đĩa làm hoa cúng dâng lên tổ tiên hương hoa thơm ngát.
Hồng quế sai hoa, hương thơm nên được trồng đại trà để chiết suất tinh dầu, làm mỹ phẩm, làm hương liệu.
Hồng quế thường được trồng chậu trưng nơi ban công, hiên nhà, lối ra vào đem đến vẻ đẹp lãng mạn.
Khả năng phát triển nhanh, chiều cao vừa phải, rất sai hoa nên cây còn được trồng thành hàng rào, bờ tường, trồng thành bụi lớn trong sân vườn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng…. vừa có tác dụng bảo vệ vừa trang trí khuôn viên.
Hồng quế trồng lâu năm còn được cắt tỉa tạo dáng bonsai rất nghệ thuật, khỏe mạnh, lại dễ trang trí.
Cách trồng chăm sóc cây hoa hồng quế
Thuộc giống hồng bản địa khỏe mạnh, phát triển nhanh nên nếu bạn muốn có một thảm hoa hồng quế rực rỡ là điều không hề khó. Bạn chỉ cần quan tâm đến một số điểm sau:
– Ánh sáng: Hồng quế ưa nắng, ánh sáng dồi dào cây sẽ sai hoa.
– Nhiệt độ: Hồng quế chịu được biên độ nhiệt lớn, cây chịu lạnh và nóng tốt.
– Độ ẩm: Cây ưa ẩm trung bình, chịu úng kém.
– Đất trồng: Hồng quế không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên nếu trồng chậu hoặc muốn cây sai hoa thì nên trồng đất thoáng xốp, giàu dinh dưỡng, nên bón lót và thêm xỉ than lót xuống đáy chậu để tránh úng. Không nên trồng vào đất có cây đã chết trước đó vì dễ nhiễm bệnh.
Độ pH phù hợp cho hồng quế 5,5 – 6.
– Tưới nước: Hồng quế cần lượng nước tưới vừa phải, điều độ, không nên tưới quá nhiều làm úng cây.
Nếu muốn cây bật nhiều mầm mới thì sau mỗi đợt hoa cần cắt tỉa thường xuyên , tưới nước và bón phân đầy đủ.
Phân bón: Hàng tháng hòa loãng phân NPK 15:15:15 theo tỷ lệ 1 muỗng cà phê : 4l lít nước rồi tưới vào gốc.
– Sâu bệnh thường gặp: Hoa hồng quế khỏe mạnh, kháng bệnh tốt và ít sâu bệnh, tuy nhiên cần chú ý quan sát để phòng trừ. Bệnh thường gặp cũng giống như các giống hoa hồng khác.
Kết.