Diệp hạ châu là thảo dược được biết đến với công dụng chữa các bệnh về gan. Tuy nhiên, có thể nhiều người chưa biết đây còn là vị thuốc quý đối với người bị sỏi mật, sỏi thận, mụn nhọt, lở loét, viêm dạ dày… Vậy cây thuốc này có đặc điểm, công dụng gì, cách làm thuốc ra sao? Các thông tin chi tiết sẽ có trong bài viết dưới đây.
Công dụng chữa bệnh của diệp hạ châu
Điều trị viêm gan
Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng điều trị viêm gan của loại thảo dược này. Trên thế giới có nghiên cứu nổi tiếng của giáo sư Break Stone năm 1982. Kết quả cho thấy các hoạt chất trong diệp hạ châu như triacontanal, phyllanthin và hypophyllanthin có tác dụng tốt trong việc điều trị các bệnh về gan, đặc biệt là viêm gan virus.
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Lê Võ Định Tường (Học Viện Quân Y – 1990 – 1996) cũng đã thành công với chế phẩm Hepamarin từ Phyllanthus amarus; hay nhóm nghiên cứu của Nguyễn Thượng Dong và Trần Danh Việt (Viện Dược Liệu) với bột Phyllanthin (2001) cũng đều chứng minh tác dụng của thảo dược này với bệnh viêm gan.
Công dụng chống oxy hóa
Lá cây có chứa các hoạt chất chống oxy hóa mạnh. Nó có nhiệm vụ vô hiệu hóa, ngăn chặn các gốc tự do trong cơ thể có thể gây tổn thương tế bào dẫn đến bệnh.
Giải độc, chống viêm, diệt khuẩn
Công trình nghiên cứu của Viện dược liệu Việt Nam từ năm 1987 đã chứng minh công dụng này của cây. Từ đó, nó được ứng dụng trong nhiều bài thuốc trị mụn nhọt, giang mai, viêm âm đạo…
Ngăn ngừa lở loét,chữa các bệnh dạ dày
Loài cây này có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ dạ dày bởi nó làm giảm lượng acid tiết ra. Kết hợp với khả năng chống viêm như đã nói ở trên, tình trạng viêm loét dạ dày vì thế mà được cải thiện rõ rệt sau một thời gian sử dụng diệp hạ châu.
Giúp ổn định đường huyết
Đây là thảo dược quý với người tiểu đường. Bởi nó giúp cơ thể kiểm soát đường máu tốt do hạn chế tối đa lượng đường hấp thụ qua ăn uống và cải thiện glucose.
Ngăn ngừa, giảm sỏi thận
Năm 1990, các nghiên cứu tại trường Đại học Y Paulists ở Sao Paulo, Brazil đã chứng minh tác dụng của cây thuốc với căn bệnh sỏi thận. Một số hoạt chất trong dược liệu có tác dụng ngăn cản sự hình thành tinh thể calcium oxalate. Đồng thời, tác động đến niệu quản giúp viên sỏi có thể đi qua dễ dàng. Với kích thước nhỏ, cơ thể sẽ tự động đào thải qua đường tiết niệu. Chính vì thế mà bệnh lý sỏi thận được cải thiện rõ rệt.
Ngăn chặn các bệnh ung thư
Hoạt chất polyphenol trong cây thuốc có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập của tế bào ung thư, làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, phòng tránh một số loại ung thư phổi hay ung thư vú di căn.
Tác dụng giảm đau
Với sự có mặt của acid gallic, ester ethyl và hỗn hợp steroid (beta sitosterol và stigmasterol) giúp diệp hạ châu có tác dụng giảm đau, thậm chí còn mạnh hơn morphin gấp 3 lần và mạnh hơn indomethacin gấp 4 lần.
Tác dụng lợi tiểu
Hoạt chất alkaloid chiết xuất diệp hạ châu (phyllan thoside) có tác dụng chống co thắt cơ vân và cơ trơn, giúp lợi tiểu. Các nhà khoa học tại trường Đại học Dược Santa Catarina (Brazil-1984) đã có một nghiên cứu chứng minh điều này.
Giúp tăng cường hệ miễn dịch
Năm 1992, nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện ra tác dụng ức chế phát triển HIV-1 của cao lỏng Phyllanthus niruri do ngăn chặn sự nhân lên của virus HIV.
Cải thiện các bệnh đường hô hấp
Dược liệu có tác dụng giảm các triệu chứng như ho, viêm phế quản, hen phế quản, lao…Đây cũng là một trong những bí quyết của người dân Ấn Độ để giải quyết các bệnh về hô hấp.
Trị các bệnh đường tiêu hóa
Công dụng của diệp hạ châu với đường tiêu hóa là nhờ kích thích trung tiện, kích thích ăn ngon, giảm loét dạ dày. Đồng thời cũng là vị thuốc sử dụng rất hiệu quả trong các trường hợp đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, kiết lỵ, táo bón, viêm đại tràng…
Các bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ diệp hạ châu
Bài thuốc chữa xơ gan cổ trướng
Lấy 100g dược liệu sắc với nước. Sắc 4 lần, lần 1 với 3 bát nước đến cạn còn 1 bát, lần 2, 3, 4 sắc với 2 bát nước và gạn lấy 1 bát thuốc.
Trộn chung thuốc đã sắc trong 4 lần cùng nhau rồi cho thêm 100g đường, đun sôi.
Chia thuốc 6 lần rồi uống hết trong ngày. Sử dụng đều đặn khoảng 30- 40 ngày.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị suy gan
Lấy 200g diệp hạ châu, 20g cam thảo đất. Sắc với nước, chia thành 3 lần uống hết trong ngày.
Bài thuốc chữa mụn nhọt, viêm da
Sử dụng diệp hạ châu trị mụn là một mẹo hay được áp dụng trong dân gian. Chỉ cần lấy một nắm lá cây thuốc cùng một ít muối đem giã thật nhỏ. Thêm nước vào để đun sôi uống. Lấy bã đắp lên chỗ bị mụn nhọt, viêm ngứa.
Chữa sỏi mật, sỏi thận
Lấy 24g dược liệu sắc với nước uống hàng ngày. Các trường hợp bị đau bụng nên thêm miếng gừng sống hoặc hậu phác vào sắc cùng. Để hạn chế sỏi tái phát lại, thỉnh thoảng nên dùng nước thuốc diệp hạ châu sắc, liều khoảng 8 đến 10g mỗi ngày.
Bài thuốc chữa bệnh sốt rét
Lấy 8g diệp hạ châu dược liệu, dây hà thủ ô 10g, lá cây mãng cầu tươi 10g, thảo quả 10g, thường sơn 10g, dây gớm 10g, hạt cau 4g, dây cóc 4g, ô mai 4g.
Sắc với 600ml nước.
Thuốc sau khi sắc chia làm 2 phần, uống trước cơn sốt rét 2h. Cho thêm 10g xài hổ nếu dùng chưa hết cơn sốt rét.
Bài thuốc trị nổi mề đay
Dùng bôi ngoài : Khi bị nổi mề đay, dùng cây tươi rửa sạch, giã nát và đắp lên nốt mề đay.
Dùng uống trong: lấy cây thuốc phơi khô rồi sắc nước uống. Mỗi ngày uống từ 10-15g.
Bài thuốc trị ăn không ngon miệng, đau bụng, sốt
Lấy 1g diệp hạ châu, nhọ nồi 2g, xuyên tâm liên 1g, rồi phơi khô tất cả các vị trong bóng râm. Sau đó tán bột. Sắc bột thuốc và chia làm 3 lần, uống hết trong ngày.
Bài thuốc giảm cân từ diệp hạ châu
Trà diệp hạ châu có giảm cân không là điều mà nhiều chị em quan tâm. Tin vui là uống trà diệp hạ châu hàng ngày hoặc sắc theo cách dưới đây sẽ giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn.
Cách làm: Lấy 100g diệp hạ châu khô sắc với 2 lít nước. Uống duy trì trong khoảng 20- 30 ngày.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng diệp hạ châu
Trên thị trường hiện nay có thuốc đông y diệp hạ châu và cả trà thảo dược. Rất nhiều người băn khoăn: Diệp hạ châu uống nhiều có tốt không? Hoặc thường xuyên uống trà diệp hạ châu có tốt không? Câu trả lời là chỉ dùng khi có bệnh lý trong một khoảng thời gian nhất định, còn nếu là người khỏe mạnh thì không nên dùng nhiều.
Diệp hạ châu tác dụng phụ của nó khi sử dụng lâu dài sẽ làm tăng gánh nặng đào thải cho gan, mật và thận. Trong trường hợp lạm dụng, sử dụng quá nhiều trong 1 thời gian dài thì có thể gây tiết mật bị tăng quá mức, lạnh gan, nguy cơ dẫn đến xơ gan.
Ngoài ra, không nên sử dụng đơn độc cây thuốc này mà cần phối hợp diệp hạ châu với các vị thuốc có tính cay ấm để dung hòa bớt tính mát mà nó mang lại.
Đối tượng không nên dùng:
- Người tỳ vị hư hàn với biểu hiện lạnh bụng, hay đại tiện lỏng, đầy bụng khó tiêu. Vị thuốc này có tính mát, sẽ làm nặng hơn tình trạng này của người dùng.
- Những người mắc bệnh huyết áp thấp không nên sử dụng, dễ dẫn đến tình trạng nôn mửa, chóng mặt,…
- Trẻ em không nên dùng vì có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc.
- Phụ nữ có thai: Liệu phụ nữ mang thai có được uống diệp hạ châu? Tuyệt đối không nên bởi vì sẽ gây ra sảy thai, cực kỳ nguy hiểm.
Tìm hiểu chung về diệp hạ châu
Tên gọi diệp hạ châu (có nghĩa là hạt châu dưới lá) xuất phát từ việc dưới mỗi lá xuất hiện một hàng hạt hình cầu như viên ngọc tròn.
Tên gọi khác : Chó đẻ răng cưa, cây chó đẻ, trân châu thảo, lão nha châu, diệp hòe thái, cam kiềm, cỏ trân châu, rút đất,…
Danh pháp khoa học: Herba Phyllanthi Urinariae, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo sống lâu năm, cao chừng 30cm, có khi đến 60–70cm. Thân cây nhẵn, mọc thẳng đứng và thường có màu hồng đỏ.
Lá mọc so le, có hình bầu dục và xếp sít nhau thành hai dãy hai bên. Mặt trên lá có màu xanh lục, mặt dưới hơi xám, cuống lá ngắn.
Hoa mọc ở kẽ lá, cuống ngắn, trên cùng một cành có hoa đực riêng, hoa cái riêng. Hoa đực mọc thành cụm, cuống ngắn hoặc không có, thường dính nhau ở gốc, đĩa mật có 6 tuyến. Hoa cái mọc đơn độc phía dưới các cành, có hình bầu dục hoặc mũi mác. Đĩa mật có hình vòng, các vòi nhụy rất ngắn, phân thùy và xẻ đôi thành 2 nhánh uốn cong lại giống hình trứng. Cây thường ra hoa vào giữa tháng 4 cho tới tháng 6.
Quả nang, có hình cầu hơi dẹt và mọc rủ xuống ở dưới lá. Nó có khía mờ và có gai, bên trong chứa hạt hình 3 cạnh. Cây thường ra quả vào tháng 7 và tháng 11.
Phân bố địa lý
Cây được phân bố nhiều ở vùng nhiệt đới như Ấn độ, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam.
Ở Việt Nam, thảo dược được bắt gặp ở khắp nơi, như các tỉnh ở vùng đồng bằng, ven biển, các đảo lớn đến những tỉnh trung du và miền núi, thường thấy ở ven bờ ruộng hoặc những nơi đất pha cát.
Bộ phận dùng, cách thu hái và sơ chế
Bộ phận dùng: Tất cả bộ phận của cây đều được dùng làm thuốc.
Thu hái: Cây có thể thu hái quanh năm.
Sơ chế: Sau khi thu hái về, đem dược liệu rửa sạch, để ráo nước rồi cắt ngắn. Nếu dùng khô sẽ phải phơi hoặc sấy khô. Sau đó cho dược liệu vào túi nilon hoặc lọ thủy tinh, đóng kín để tránh ẩm mốc, mối mọt.
Phân loại
Diệp hạ châu có tới 40 loại trong tự nhiên. Ở Việt Nam, có 3 loại: diệp hạ châu đắng (cây chó đẻ thân xanh), diệp hạ châu ngọt (cây chó đẻ thân đỏ), cây diệp hạ châu thân có màu xanh đậm. Loại thứ 3 không sử dụng làm thuốc, nhưng dễ bị nhầm lẫn với 2 loại trên. Bởi vậy, cần biết cách phân biệt rõ:
- Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus niruri): Thân màu xanh tươi, cành ngắn, ít phân nhánh, phiến lá có màu xanh nhạt, ngắn và mỏng hơn cây diệp hạ châu ngọt. Khi nhai có vị đắng. Đây là loài có dược tính mạnh nhất và hay được sử dụng làm thuốc.
- Diệp hạ châu ngọt (Phyllanthus urinaria): Thân màu hơi đỏ, phần gốc cành màu đậm hơn, phân nhánh nhiều, phiến lá có màu xanh hơi đậm, nhìn dài và dày hơn cây diệp hạ châu đắng. Khi nhai có vị ngọt. Dược tính không mạnh bằng loại đắng nên không được trồng đại trà.
- Diệp hạ châu thân xanh đậm (Phyllanthus sp): Thân màu xanh đậm, lá rời rạc, phiến lá hẹp và nhọn hơn so với hai loài trên. Không sử dụng cây này làm thuốc.
Lưu ý: Vào mùa mưa, một số loại cây diệp hạ châu sẽ chuyển sang màu xanh vào do sự phát triển nhanh dẫn đến không có đủ các sắc tố để tạo nên những đặc điểm riêng cần có. Chính vì thế khiến nhiều người dễ bị nhầm lẫn với các loại diệp hạ châu khác.
Xem thêm: Lược vàng – Công dụng, đặc điểm và những lưu ý khi sử dụng
Kết
Trên đây là những thông tin về diệp hạ châu do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Bất cứ cây thuốc nào cũng đều có dược chất trong đó, nên tốt nhất cần tham khảo thêm ý kiến người có chuyên môn để mang lại hiệu quả cao, an toàn trong quá trình chữa bệnh.