Khó khăn cho những người nuôi chó Shiba Inu không nằm ở quá trình chăm sóc mà nằm ở quá trình huấn luyện. Chắc chắn, khi đi mua, bạn sẽ được nghe những lời cảnh báo: giống chó này thực sự khó huấn luyện và chúng không phù hợp với những người chủ không có kinh nghiệm. Vậy sự thật có phải như thế, rằng: Shiba Inu là một trong những giống chó khó huấn luyện nhất?
Tại sao Shiba Inu là một trong những giống chó khó huấn luyện nhất?
Tính cách chó Shiba Inu
1.Giống chó này có ý chí mạnh mẽ và khá bướng bỉnh. Chúng luôn có xu hướng làm theo ý muốn của bản thân và sẵn sàng bỏ qua các mệnh lệnh của chủ. Bạn chỉ có thể bắt Shiba làm một việc gì đó nếu chúng thực sự thích. Chủ sở hữu Shiba nên lợi dụng tính cách và sở thích của chúng trong huấn luyện thì sẽ hiệu quả hơn.
2. Một Shiba Inu với tính cách bướng bỉnh và sự kiên định đặt sai chỗ, sẽ không đầu hàng dù bị đe doạ hay trừng phạt. Nếu dùng hình phạt trong huấn luyện Shiba, bạn sẽ mất tất cả. Shiba sẵn sàng chịu đựng nỗi đau, không ăn uống, không đi dạo, không nhận được sự chú ý, mất tự do, … để chống lại bạn.
3. Một Shiba với tính cách của kẻ nổi loạn. Nếu bạn cấm Shiba làm một điều gì đó, chúng chắc chắn sẽ cố gắng làm ngay khi có cơ hội. Shiba sẽ lén lút và làm điều đó ngay khi bạn quay lưng lại. Tuy nhiên, nếu bạn không ở nhà, chúng lại dành phần lớn thời gian để ngủ vì không có “khán giả” ngồi xem.
4. Một Shiba với tính cách độc lập và xa cách như loài mèo. Chúng không thích bị kiểm soát, hay mất tập trung và dễ chán nản.
Shiba Inu có thể là giống chó khó huấn luyện nhưng không phải không có cách. Một phương pháp huấn luyện truyền thống và căn bản sẽ không có tác dụng với giống chó này.
Thời điểm nên bắt đầu huấn luyện chó Shiba Inu
Quá trình huấn luyện chó Shiba Inu nên được diễn ra ngay khi bạn đón chúng về nhà (7-16 tuần tuổi). Đối với giống chó bướng bỉnh này thì nên huấn luyện càng sớm càng tốt khi các thói quen xấu chưa hình thành. Để đến khi chúng quá 6 tháng tuổi mới bắt đầu huấn luyện thì 100% bạn sẽ thất bại. Việc kiểm soát Shiba lúc này là bất khả thi.
Phương pháp huấn luyện chó Shiba Inu đi vệ sinh đúng chỗ
Trong huấn luyện chó Shiba đi vệ sinh đúng chỗ, không thể dùng phương pháp truyền thống như những giống chó khác. Những chuyên gia khuyên rằng, bạn nên lợi dụng tính cách và tập tính của Shiba Inu để việc huấn luyện được hiệu quả hơn. Và phương pháp huấn “đào tạo thùng” được ra đời.
Đào tạo thùng ở đây đơn giản là cố định vị trí của chó Shiba trong chuồng nhốt. Một Shiba Inu ưa sạch sẽ không thích làm bẩn không gian sống của mình. Chúng chắc chắn sẽ sủa to, báo hiệu cho chủ biết mỗi khi có nhu cầu đi vệ sinh. Việc của bạn là bắt đầu đưa chúng vào vị trí đi vệ sinh cố định và bắt đầu huấn luyện.
Phương pháp huấn luyện
Bước 1: Chuẩn bị một chuồng nhốt cho Shiba Inu với chăn và đồ chơi. Cho chúng chơi đùa với đồ chơi trong chuồng để thích nghi dần. Giữ Shiba Inu của bạn cố định trong chuồng.
Bước 2: Bất kỳ khi nào nghe thấy tiếng kêu của Shiba Inu, bạn hãy lập tức đưa chúng đến chỗ đi vệ sinh cố định để tiến hành huấn luyện. Thường là khi chúng ngủ dậy và sau mỗi bữa ăn. Nếu thời điểm đi vệ sinh quá lung tung, bạn hãy nghiên cứu lịch trình và cố gắng thay đổi nó để phù hợp hơn.
Bước 3: Khi đưa Shiba đến chỗ vệ sinh cố định, nếu chúng đi vệ sinh ngay lập tức thì hãy khen ngợi bằng một phần thưởng nào đó. Còn nếu chúng sủa báo hiệu để nghịch ngợm, phá phách thì ngay lập tức đưa trở lại bên trong và đặt vào chuồng của mình.
Bước 4: Khi chó Shiba đi vệ sinh thành công, hãy chơi với chúng trong vài phút ở bên ngoài trước khi đưa trở lại chuồng.
Bước 5: Tăng thời gian chó Shiba có thể ra khỏi chuồng sau mỗi lần đi vệ sinh thành công. Đó có thể xem là một phần thưởng giúp chúng hiểu rằng, chỉ khi đi vệ sinh đúng chỗ mới được chơi ở ngoài.
Quá trình huấn luyện chó Shiba đi vệ sinh đúng chỗ sẽ mất khá nhiều thời gian. Thông thường phải từ 2-3 tháng chúng mới hình thành thói quen. Điều đó đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại của chủ trong huấn luyện.
Lưu ý khi huấn luyện
- Nhốt trong chuồng không thể là một giải pháp cho tất cả các vấn đề bạn gặp phải với Shiba Inu.
- Đừng giữ chó Shiba trong thùng quá lâu nếu không chúng sẽ bị trầm cảm và lo lắng. Chú chó của bạn cần tập thể dục và chơi đùa ít nhất 2-3h mỗi ngày.
- Không bao giờ sử dụng chuồng nhốt như một hình phạt. Chó Shiba sẽ sợ nó và từ chối đi vào mỗi khi có lệnh.
- Dùng phần thưởng như một cách khích lệ chó Shiba cố gắng. Nhưng không nên lạm dụng quá nhiều có thể tạo thành thói quen xấu.
- Chó Shiba dưới 16 tháng tuổi thường không kiểm soát được hành vi của mình. Nếu chúng tè bậy ra chuồng đừng vội trách phạt. Hãy tìm cách khử trùng mùi và ghi nhớ mốc thời gian đó để lưu ý vào hôm sau.
Phương pháp xã hội hoá chó Shiba Inu
Điều quan trọng nhất khi đưa Shiba Inu về nhà là phải bắt đầu xã hội hoá chúng ngay lập tức. Xã hội hoá ở đây tức là dạy chó Shiba hòa nhập với thế giới xung quanh. Bạn phải giới thiệu chúng với người lạ, trẻ em, chó, mèo và các động vật khác để hoà nhập tốt hơn. Từ đó biết cách cư xử đúng mực và kiểm soát hành vi của mình.
Thời gian nên bắt đầu xã hội hoá
Shiba là giống chó nổi loạn về hành vi. Chúng đôi khi mất kiểm soát và hành động theo bản năng hoang dã. Xã hội hoá thật sự cần thiết. Bạn nên bắt đầu ngay trong giai đoạn chó Shiba phát triển tâm lý mạnh nhất từ 7-16 tuần tuổi. Qua giai đoạn này mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn khi bắt đầu thay đổi thói quen của chúng.
Tại sao cần phải xã hội hoá Shiba Inu?
Để chó Shiba cư xử đúng mực với con người
Hãy suy nghĩ về cảm giác khi đến thăm bạn bè và bạn rất khó có thể vào cửa vì chú chó Shiba của họ đang phát điên, nhảy khắp người, sủa điên cuồng, thậm chí cắn vào tay bạn. Đó là trường hợp điển hình cho những chú chó không được xã hội hóa đúng cách hoặc không được dạy cách cư xử đúng mực.
Để chó Shiba an toàn với trẻ em
Bạn có thể nghĩ rằng, Shiba Inu thật sự an toàn với trẻ em? Sự thật không hẳn như thế. Trên thực tế, hơn 60% nạn nhân bị chó Shiba cắn là trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do chó Shiba không xem trẻ em như người lớn thu nhỏ. Chúng chỉ xem trẻ em là những sinh vật không thể đoán trước với giọng nói to, cử động giật giật và cảm xúc khoa trương. Nhiều con chó cảm thấy bị đe dọa bởi những hành động tự nhiên đó của trẻ nhỏ.
Để giữ cho chó Shiba thật sự an toàn với trẻ em, bạn phải cho chúng tiếp xúc ngay từ nhỏ. Hãy cho Shiba chơi đùa cùng, ăn cùng, thậm chí ngủ cùng trẻ nhỏ để tạo nên tình cảm và sự gắn kết.
Để chó Shiba thân thiện với những con vật khác
Xã hội hoá để chó Shiba thân thiện với những con vật khác, đặc biệt là mèo. Shiba là giống chó săn, chúng luôn có xu hướng đuổi theo những con vật nhỏ vì nghĩ đó là con mồi. Xã hội hoá ở đây không nhất thiết là bạn phải bắt chó Shiba yêu quý, thân thiết với loài mèo. Đơn giản chỉ giúp chúng kiểm soát hành vi của mình, không lồng lộn đuổi theo dù chỉ vô tình bắt gặp mèo ngoài đường.
Hãy nuôi chó Shiba cùng với những con vật nuôi khác. Cho ăn uống, chơi đùa cùng nhau trong một không gian chung như: sân vườn, bể bơi, … Thời gian đầu có thể gây ra nhiều lộn xộn vì Shiba là giống chó độc lập. Nhưng lâu dần, chúng sẽ tự quen. Đừng để Shiba nghĩ mình là duy nhất trong lãnh thổ nhà bạn.
Để chó Shiba bình tĩnh và tự tin khi ra ngoài
Một chú Shiba không được xã hội hoá có thể sợ đám đông, sợ tiếng còi xe oto, sợ sấm sét, sợ pháo hoa, … Sợ hãi là căng thẳng, và căng thẳng tạo nên những hành vi không đúng mực. Bạn có thể xã hội hóa chú chó của bạn bình tĩnh hơn về những gì xảy ra trong thế giới xung quanh. Hãy dẫn chúng ra ngoài thường xuyên để làm quen với mọi thứ ngay từ nhỏ.
Phương pháp huấn luyện chó Shiba vâng lời
Shiba là giống chó ương bướng và khó bảo. Đào tạo vâng lời nên được tiến hành ngay từ nhỏ thì sau này mới mong kiểm soát chúng. Shiba rất tham ăn nên một mẹo nhỏ được dùng trong huấn luyện là phần thưởng. Hãy dùng những loại thức ăn yêu thích của Shiba để thu hút sự chú ý. Dần dần, dùng thức ăn ít yêu thích hơn, rồi loại bỏ hoàn toàn khỏi huấn luyện.
5 lệnh cơ bản để huấn luyện chó Shiba vâng lời giống với bất kỳ giống chó nào là: ngồi, nằm, đứng, lại đây, bắt tay, đứng yên. Bạn có thể tham khảo một số bước dưới đây:
Lệnh “ngồi”
Đây là một trong những mệnh lệnh vâng lời dễ dạy nhất và là một lệnh tốt để bắt đầu huấn luyện chó Shiba vâng lời:
- Bước 1: Giữ một phần thưởng gần mũi chó Shiba.
- Bước 2: Di chuyển tay của bạn lên cao sao cho đầu chó Shiba dõi theo phần thưởng và làm cho mông của chúng thấp hơn. Chúng sẽ vô tình rơi vào tư thế ngồi.
- Bước 3: Khi chó Shiba trong tư thế ngồi, hãy hô to: “Ngồi xuống”. Xoa đầu và khen thưởng.
- Bước 4: Lặp lại các bước này một vài lần mỗi ngày cho đến khi chó Shiba thành thạo. Sau đó, thực hành con chó của bạn ngồi khi ăn, khi đi dạo, tóm lại trong mọi tình huống.
Lệnh “Lại đây”
Lệnh này giúp bạn quản lý chó Shiba khi chúng bị mất kiểm soát. Ví dụ như: tuột dây xích, chạy vọt ra đường, …
- Bước 1: Giữ chó Shiba bằng dây xích dài khoảng 4-6m.
- Bước 2: Tạo ra khoảng cách với chó Shiba bằng độ dài dây xích. Hãy hô lệnh “Lại đây” và cầm phần thưởng trên tay. Sau đó, giật nhẹ dây xích. Chó Shiba khi nhìn thấy phần thưởng chắc chắn sẽ tiến lại chỗ bạn.
- Bước 3: Khi chó Shiba đến gần, hãy xoa đầu và khen thưởng cho chúng.
- Bước 4: Khi chó Shiba thành thạo với dây xích, hãy loại bỏ chúng khỏi huấn luyện và thực hiện trong khi vực kín an toàn. Sau một thời gian đã quen lệnh, hãy đưa chúng đến nơi đông người để huấn luyện tốt hơn.
Những lệnh còn lại, bạn cũng có thể thực hiện tương tự với quy tắc chung: dùng phần thưởng yêu thích để huấn luyện chó Shiba. Huấn luyện chay và truyền thống áp dụng với giống chó nghịch ngợm, ương bướng như Shiba sẽ tốn rất nhiều thời gian.
Thức Ăn Cho Chó Shiba Inu
Thức ăn tốt nhất cho chó Shiba Inu
Một điều bạn có thể làm để giúp Shiba Inu sống lâu và khỏe mạnh là cho nó ăn thức ăn tốt nhất có thể. Hiện nay có 3 phương pháp cho chó Shiba Inu ăn phổ biến là:
- Thức ăn khô hạt có sẵn (kibble)
- Thức ăn tươi chế biến tại nhà
- Thức ăn tươi sống (thức ăn thô)
Trong đó, thức ăn khô không phải là lựa chọn tốt nhất dù nó thuận tiện và không tốn nhiều thời gian chế biến. Sieupet.com khuyên bạn, tốt nhất nên lựa chọn thức ăn tươi chế biến tại nhà vì nó bổ dưỡng và cung cấp được nhiều dưỡng chất hơn.
Còn thức ăn tươi sống chủ yếu dành cho chó Shiba trên 1 năm tuổi vì nó khá nguy hiểm cho hệ tiêu hoá. Và không phải loại thức ăn nào cũng có thể cho ăn sống nên phương pháp này không hiệu quả lắm.
Thức ăn khô hạt cho chó Shiba
Thức ăn khô chỉ nên là phương án chữa cháy khi bạn quá bận rộn và không có thời gian chế biến. Tối đa chỉ nên cho chó Shiba ăn khoảng 2-3 bữa một tuần. Đừng lạm dụng thức ăn khô vì nó không tốt cho sức khoẻ chó Shiba và giống chó này cũng không thích ăn chúng.
Thành phần cần có trong thức ăn khô
Khi đi mua, bạn nên lưu ý các thành phần chính cần có trong sản phẩm thức ăn khô cho chó Shiba bao gồm:
- Thành phần chính của thức ăn khô nên là thịt. Thịt gà, thịt lợn đều tốt nhưng tốt nhất là thịt bò – nguồn protein chính.
- Các thành phần phụ nên bao gồm: rau xanh, củ quả, tảo biển, bột xương, …
- Nên tránh các loại thức ăn khô có thành phần là lúa mì, ngô và đậu nành. Nhiều bé Shiba có thể dị ứng với các loại thực phẩm chứa quá nhiều tinh bột carbohydrate. Khoai tây và gạo sẽ an toàn và dễ tiêu hoá hơn so với ngô và lúa mì.
- Tránh các loại thức ăn khô với quá nhiều sản phẩm phụ, chất phụ gia trong danh sách thành phần của họ.
Tránh thức ăn khô với nhiều thành phần không rõ ràng. Ví dụ như ghi là bột gia cầm hoặc bột cá. Thay vào đó, hãy tìm những sản phẩm ghi cụ thể là bột gà hoặc bột cá hồi, … - Tránh các sản phẩm khô chứa chất tạo màu và chất bảo quản nhân tạo, ví dụ BHA hoặc BHT.
- Tránh mua thức ăn khô với quá nhiều vật liệu phụ, chẳng hạn như vỏ ngô.
Ưu điểm và nhược điểm của thức ăn khô cho chó Shiba
Tuy không phải là lựa chọn tốt nhất cho chó Shiba Inu nhưng thức ăn khô cũng có những ưu và nhược điểm của nó.
Ưu điểm:
- Tốt hơn cho sức khỏe răng miệng vì nó ít dính và làm ố men răng.
- Cân bằng được thành phần các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn.
- Không tốn công chế biến, thuận tiện cho những người chủ bận rộn, không có nhiều thời gian quan tâm và chăm sóc.
- Có thể sử dụng làm mồi nhử trong quá trình huấn luyện chó Shiba vâng lời.
- Có hàm lượng chất xơ tốt nên phân đi ngoài ổn định hơn. Chó Shiba ít bị tiêu chảy hay mắc các bệnh liên quan đến tiêu hoá.
Nhược điểm:
- Không có mùi hoặc hương vị tốt như các loại thức ăn cho chó khác.
- Shiba không thích thức ăn khô như những giống chó phương Tây, dẫn đến mất cảm giác thích thú khi ăn.
- Thức ăn khô không cung cấp được lượng nước cần thiết nên chó Shiba luôn khát. Chủ nuôi bắt buộc phải cung cấp nước cho chúng cả ngày dài song song với mỗi bữa ăn.
- Không thể chắc chắn về chất lượng của các thành phần. Đã có lượng khá lớn thương hiệu thức ăn khô cho chó Shiba bị thu hồi trên thị trường.
một số thương hiệu thức ăn khô phù hợp với chó Shiba trên thị trường như sau: Royal Canin, Nutri Source, enFresh, Smartheart Puppy, Iskhan, ...
Thức ăn tươi sống (chế độ ăn thô)
Một chế độ ăn thô chủ yếu bao gồm: thịt, xương và nội tạng tươi sống. Trứng, rau, trái cây bổ sung vitamin sẽ được thêm vào để tạo ra một bữa ăn cân bằng hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo là chỉ nên cho chó Shiba trên 1 năm tuổi ăn thức ăn tươi sống khi hệ tiêu hoá chúng đã ổn định. Khi bắt đầu cho ăn thì phải tập dần dần cho quen và tối đa chỉ cho ăn 2-3 bữa trên tuần vì chế độ ăn này có thể gặp khá nhiều rủi ro đối với sức khoẻ chó Shiba.
Có nên cho chó Shiba ăn thức ăn tươi sống là cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người ủng hộ và phản đối. Ưu và nhược điểm được họ đưa ra như sau:
Ưu điểm:
- Một số chất dinh dưỡng không bị phá hủy bằng cách nấu ăn.
- Giúp hàm răng chắc khoẻ hơn bằng cách nhai, đồng thời gia tăng lực cắn.
Nhược điểm:
- Có thể không có cân bằng dinh dưỡng cho chó Shiba.
- Xương vỡ vụn có thể trở thành mối nguy hiểm gây thủng ruột.
- Thực phẩm tươi sống có thể chứa vi khuẩn nguy hiểm như: Salmonella, E. coli và sán dây gây hại cho đường ruột. Các loại vi khuẩn này thường bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao.
Thức ăn tươi chế biến tại nhà
Sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia khuyên: Tốt nhất nên chọn cho chó Shiba một chế độ ăn hoàn toàn tự nhiên tại nhà. Theo logic, đây là chế độ dinh dưỡng bổ ích và lành mạnh nhất để nuôi thú cưng nhà bạn.
Các loại thức ăn tươi chế biến như: thịt, rau tươi, trái cây, trứng, ngũ cốc, … chứa nhiều protein, carbohydrate, vitamin và khoáng chất hơn so với thức ăn khô bán sẵn. Và quan trọng hơn, chúng không chứa:
- Chất bảo quản
- Hóa chất
- Chất tạo màu thực phẩm
- Chất phụ gia
Các chất dinh dưỡng cần thiết
Protein (chất đạm)
Protein nên là thành phần chính trong mỗi bữa ăn. Chúng sản sinh ra các axit amin đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ thống cơ bắp. Protein có nhiều trong các loại thịt, cá biển, nội tạng, … Trong đó, tốt nhất vẫn là thịt bò – nguồn protein dinh dưỡng nhất.
Carbonhydrate (tinh bột)
Carbonhydrate trong cơ thể phân huỷ và chuyển đổi thành glucose cung cấp năng lượng giúp chó Shiba hoạt động mỗi ngày. Tinh bột có thể tìm thấy nhiều trong gạo, lúa mì, bột yến mạch, khoai tây, ngô, … Tuy nhiên, lượng tinh bột nên vừa phải vì dễ khiến chó Shiba bị thừa cân, béo phì nếu vận động không đủ để đốt cháy năng lượng thừa.
Chất béo
Chất béo cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng với chó Shiba vì nó cung cấp năng lượng cho hoạt động sống mỗi ngày. Chúng là nguồn axit béo thiết yếu mà cơ thể không thể tự sản xuất. Hai loại axit béo chính mà chó cần trong chế độ ăn là omega-3 và omega-6.
Bạn có thể tìm thấy chất béo trong các loại thực phẩm như: mỡ động vật, bơ sữa, phomat, … Tuy nhiên, thay mỡ động vật bằng các loại dầu thực vật, dầu oliu sẽ tốt cho cơ thể chó Shiba hơn, tránh mắc bệnh béo phì.
Vitamin và khoáng chất
Danh sách các loại khoáng chất mà chó Shiba cần thông qua các loại thực phẩm bao gồm: Canxi, photpho, magie, natri, kali, kẽm, iot và sắt. Chúng đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe chó Shiba như: tốt cho tim mạch, hệ tuần hoàn, giúp phát triển xương. Các chất đó thường có nhiều trong các loại hải sản như: ngao, ốc, tôm, cua, cá, …
Các loại vitamin quan trọng nhất là Vitamin A, D và E. Chúng tốt cho mắt, da, lông chó Shiba. Đồng thời, có trách nhiệm giữ cho não khỏe mạnh, các chức năng vận động tốt và vô số những thứ khác. Các loại vitamin thường chứa nhiều trong các loại rau, củ, quả nhiều màu sắc như: bí đỏ, củ dền, cà rốt, rau bina, rau chân vịt, đu đủ, …
Chất xơ
Chất xơ đóng vai trò quan trọng giúp ổn định hệ tiêu hóa chó Shiba. Chất xơ có thể tìm thấy nhiều nhất trong các loại rau xanh, rau mầm. Ngoài ra, còn có thể tìm thấy trong các loại hạt như: đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ, ngô, trái bơ, …
Chế độ ăn theo từng độ tuổi
Chó Shiba Inu con từ 0 – 2 tháng tuổi
Chó Shiba giai đoạn này chủ yếu bú sữa mẹ hoàn toàn. Bạn không nên vội vàng cho chúng ăn ngoài vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất đối với chó con. Giúp tăng cường sức đề kháng và hệ thống miễn dịch, phòng tránh một số bệnh nguy hiểm. Khi được tầm 1 tháng tuổi, bạn có thể bắt đầu cho ăn dặm. Chó Shiba đủ 2 tháng tuổi mới có thể tách đàn và cho xuất chuồng.
Chó Shiba Inu con từ 2 – 4 tháng tuổi
Chó Shiba tầm tuổi này hệ thống tiêu hóa còn yếu, bạn chỉ nên cho chúng ăn cháo hoặc cơm nhão với thịt bằm. Bổ sung thêm các loại rau, củ, quả xay nhuyễn. Thức ăn phải nấu chín hoàn toàn. Chó Shiba giai đoạn này tuyệt đối không cho ăn xương, đồ nội tạng hay hải sản, … Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, khoảng 4-5 bữa / ngày.
Cho chó Shiba ăn thức ăn khô thì nên ngâm mềm bằng nước từ 5-10 phút trước khi ăn. Các loại thức ăn khô cho chó nên thuộc dòng thức ăn cho chó sơ sinh thì mới không ảnh hưởng đến tiêu hóa của cún.
Chó Shiba khi được từ 4 – 6 tháng tuổi
Chó Shiba Inu đang bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển thể chất. Chủ nuôi cần cung cấp cho chúng thức ăn chứa nhiều canxi và protein. Khẩu phần ăn nên bổ sung thịt, tốt nhất là thịt bò, đồ nội tạng: tim, gan heo. Thịt cần cắt nhỏ và nấu chín, thêm trứng lộn, rau củ, thức ăn khô, pho mát, tảo biển, …
Các loại xương mềm như: cổ gà, cổ vịt, xương ống lợn, ống bò thì nên xay thành bột và trộn vào cơm. Cho chó Shiba ăn 3 bữa / ngày với khối lượng thức ăn phù hợp.
Chó Shiba từ 6 tháng tuổi trở lên
Chó Shiba trên 6 tháng tuổi là giai đoạn dậy thì. Chúng sẽ phát triển nhanh và cần tiêu thụ lượng thức ăn nhiều hơn trước. Bạn cần bổ sung thêm khẩu phần ăn, tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều đạm, canxi, đặc biệt là thịt bò, xương, nội tạng, trứng lộn, rau, củ, … Có thể giảm xuống cho ăn 2 bữa / ngày.
Trong thời điểm này, chủ nuôi có thể kết hợp 3 hình thức cho ăn (thức ăn khô, thức ăn chế biến và thức ăn thô) để chó Shiba phát triển toàn diện hơn. Thức ăn khô giúp chúng ổn định hệ tiêu hóa. Thức ăn tươi sống cung cấp nhiều dưỡng chất hơn. Tuy nhiên, thức ăn tươi chế biến vẫn là chủ yếu. Hai loại thức ăn kia chỉ nên xen kẽ 2-3 bữa / ngày.
Nên cho chó Shiba Inu ăn bao nhiêu trong một ngày?
Có một công thức tiêu chuẩn được các chuyên gia đưa ra để tính toán xem: một chú chó sẽ cần bao nhiêu kcalo mỗi ngày là hợp lý nhất? Công thức đó như sau:
30 x Trọng lượng (Kg) + 70 = Lượng calo hàng ngày
Ví dụ: Một bé Shiba đực có thể nặng tới 11kg, nên sẽ cần: 30 X 11 kg +70 = 400 Calo mỗi ngày.
Tuy nhiên, bạn không bắt buộc phải tuân theo quy tắc này vì còn phải tính toán đến nhiều yếu tố tác động bên ngoài. Ví dụ như:
- Mức độ hoạt động hàng ngày của chó Shiba nhà bạn (hoạt động thể lực nhiều thì cần cho ăn nhiều hơn).
- Tuổi tác chó nhà bạn (chó nhỏ, chó trưởng thành hay chó lớn tuổi)
- Các chỉ số cơ thể (chó Shiba nhà bạn có bị thừa cân không? mắc bệnh gì nguy hiểm? …)
Có nên cho chó Shiba Inu ăn trái cây và rau quả?
Chó Shiba Inu không thích ăn trái cây và rau quả nhưng bạn bắt buộc phải cho chúng ăn mỗi ngày. Trên thực tế, khi bạn nuôi bất kỳ giống chó nào cũng được khuyến khích bổ sung thêm trái cây tươi và rau xanh vì nó làm cho bữa ăn chú chó nhà bạn lành mạnh hơn rất nhiều.
Dưới đây là một số loại trái cây và rau củ tốt nhất cho bữa ăn chó nhà bạn:
- Chuối
- Quả việt quất
- Cà rốt
- Dưa leo
- Đậu xanh
- Bí đỏ
Táo, nho, lê hay các loại trái cây có vị ngọt đậm thường không tốt với các giống chó. Bạn nên tránh cho ăn.
Các Vấn Đề Sức Khỏe Của Chó Shiba Inu
Bệnh tăng nhãn áp
Nguyên nhân:
Bệnh tăng nhãn áp là một bệnh lý di truyền ở chó Shiba. Bệnh phá hủy dây thần kinh thị giác trong mắt. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, chúng gây mất thị lực một phần hoặc mù hoàn toàn. Thật không may là 40% chó Shiba bị bệnh tăng nhãn áp đều bị mù dù đã được phẫu thuật.
Bệnh tăng nhãn áp ở chó được chia thành hai loại là nguyên phát và thứ phát. Trong đó, trường hợp bệnh thứ phát phổ biến hơn và cũng nguy hiểm hơn.
Triệu chứng:
- Chớp mắt hoặc dụi mắt liên tục.
- Nhãn cầu bị đẩy lùi về phía sau.
- Lòng trắng mắt nổi rõ những mạch máu màu đỏ.
- Xuất hiện màng mờ trước mắt.
- Nhãn cầu to lên (hiện tượng tràn dịch mắt)
- Đồng tử không phản ứng với ánh sáng, mất thị lực một cách rõ ràng.
- Triệu chứng phụ như: đau đầu, bỏ ăn, mắt dại đảo liên tục, thích nằm một chỗ, …
Điều trị:
Trong trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ thú y sẽ dùng thuốc nhỏ mắt để làm giảm áp lực mắt. Mục đích để đưa áp lực mắt về mức bình thường trong nỗ lực cố gắng cứu vãn thị lực. Còn trường hợp bệnh nặng, dây thần kinh quang học trên mắt đã bị hư hại thì phương án phẫu thuật sẽ được chỉ định. Nhưng tỷ lệ thành công không cao.
Phòng tránh:
Đây là bệnh lý di truyền nên sẽ không có cách phòng tránh cụ thể. Đơn giản nhất, bạn nên đưa chó Shiba đi thăm khám bác sĩ thú y thường xuyên để rà soát bệnh. Phát hiện bệnh sớm, kết quả điều trị sẽ hiệu quả hơn, tránh tình trạng mù lòa.
Bệnh teo võng mạc PRA
Nguyên nhân:
Bệnh teo võng mạc PRA là căn bệnh thoái hóa mắt do di truyền. Nó xảy ra khi các tế bào cảm quang phía sau mắt bị hủy hoại khiến việc phân biệt màu sắc và khả năng nhìn trong bóng tối bị giảm đi đáng kể. Nếu chưa hiểu lắm thì bạn có thể tưởng tượng: võng mạc đóng vai trò như cuộn phim trong máy ảnh. Khi cuộn phim bị hỏng thì khả năng thu nhận hình ảnh cũng sẽ mất đi.
Triệu chứng:
- Triệu chứng bên ngoài: hai đồng tử giãn nở to, thủy tinh thể đục màu cùi nhãn, mắt lác và lồi to, đờ đẫn không có hồn, …
- Ban đầu, chó Shiba bị hiện tượng “quáng gà”, khả năng nhìn kém khi trời bắt đầu nhá nhem tối. Sau 6 tháng hoặc một năm, bệnh tiến triển nặng sẽ dẫn đến mù hoàn toàn.
Điều trị & phòng tránh:
Thật không may, PRA ở chó Shiba sẽ dẫn đến mù hoàn toàn. Không những thế còn gây đau đớn trong một thời gian dài. Bệnh không có cách chữa trị triệt để và cũng không có cách phòng tránh hiệu quả. Tuy nhiên, phát hiện sớm kết hợp với một số loại thuốc chống oxi hóa Antiocidant có thể làm chậm tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian nhìn cho chó Shiba.
Đục thủy tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể ở chó Shiba có thể do bẩm sinh hoặc di truyền. Bệnh xảy ra khi ống kính của mắt bị mờ đục dần, cuối cùng rách và mang lại cho con ngươi vẻ ngoài ‘có mây’. Bệnh làm xáo trộn thị giác nên bắt buộc phải điều trị sớm và dứt điểm. Để quá lâu, mắt có thể bị mù lòa, mất thị lực sau một thời gian ngắn mắc bệnh.
Bệnh đục thủy tinh thể ở chó Shiba không thể điều trị dứt điểm bằng thuốc. Phương pháp duy nhất là phẫu thuật thay tinh thể. Tinh thể mới có thể hồi phục 90-95% thị lực. Sau phẫu thuật, cần tiến hành theo dõi và điều trị trong vòng 6 tháng đầu tiên. Bệnh không có cách phòng tránh cụ thể. Đơn giản chỉ là cho bé Shiba nhà bạn một lối sống và chế độ dinh dưỡng khoa học là được.
Bệnh động kinh
Nguyên nhân bệnh động kinh của chó Shiba có thể liên quan đến các vấn đề tổn thương ở não bộ như: khuyết tật não bẩm sinh, viêm động mạch não, … dẫn đến rối loạn chức năng thần kinh. Bệnh tương đối nguy hiểm nhưng tỷ lệ mắc phải ở chó Shiba không cao, chỉ khoảng 0.5-5.7%.
Chó Shiba mắc bệnh động kinh thường xuất hiện triệu chứng co giật, miệng sùi bọt, bốn chân co lại run rẩy, … Mặc dù các cơn động kinh thường không gây nguy hiểm đến tính mạng con chó, nhưng chúng cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Nếu bạn nghi ngờ Shiba Inu của bạn bị co giật, bạn nên đưa chúng đến bác sĩ thú y để được chẩn đoán. Bệnh động kinh không thể điều trị dứt điểm nhưng có thể làm giảm các cơn co giật bằng thuốc. Cách phòng tránh hiệu quả là đưa chó Shiba đi khám sức khỏe thường xuyên để kiểm soát bệnh.
Bệnh dị ứng
Bệnh dị ứng thường gặp phải ở những chú Shiba sống ở vùng khí hậu ấm áp như Việt Nam. Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể phát sinh từ thức ăn, sữa tắm, ô nhiễm không khí, dị ứng thuốc, côn trùng, … Thông thường, dị ứng gây ra các triệu chứng như: ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ trên da, chân tay sưng vù, chảy nước mắt, hắt hơi, …
Bệnh dị ứng không nguy hiểm nhưng rất khó để điều trị do có nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ do thức ăn, côn trùng, phấn hoa, … thì cần loại bỏ ngay ra khỏi môi trường sống. Các bác sĩ thú y có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng bằng một số loại thuốc kháng sinh như: Promethazine (các biệt dược là: Phenergan, Pipolphen) liều tiêm 0,2- 0,4 mg/kg thể trọng.
Bệnh loạn sản xương hông
Bệnh loạn sản xương hông ở chó Shiba thường do di truyền. Nó xảy ra khi có sự phát triển lệch lạc giữa xương đùi và khớp hông. Bệnh không nguy hiểm nhưng gây trở ngại trong sinh hoạt và mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Chó Shiba đi lại khó khăn, dáng đi bất thường, mức độ đau khác nhau và tồn tệ hơn là tình trạng bất động hoàn toàn.
Phương pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất là phẫu thuật để khắc phục tình trạng. Các bác sĩ thường áp dụng phương pháp phẫu thuật TPO để nới rộng xương hông và nắn chỉnh các khớp. Phần lớn chó Shiba sau khi trải qua phẫu thuật sẽ có thể di chuyển như bình thường. Bệnh do di truyền nên nếu bé Shiba của bạn mắc bệnh thì tốt nhất không nên cho chúng sinh sản.
Một số lưu ý để giảm thiểu các vấn đề sức khoẻ cho chó Shiba
Đưa chó Shiba đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ
Kiểm tra sức khoẻ định kỳ 6 tháng một lần là việc bất kỳ chủ nuôi nào cũng nên làm cho chó Shiba. Chủ sở hữu thường chỉ đưa chúng đến bác sĩ thú y nếu họ nghi ngờ có điều gì đó không ổn. Dẫn đến phát hiện bệnh khi tình trạng đã trầm trọng.
Nếu muốn đảm bảo chú Shiba của bạn có một cuộc sống khỏe mạnh nhất, hãy đưa nó đi kiểm tra định kỳ tại bác sĩ thú y để rà soát bệnh. Ngay cả khi trông chúng có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Điều này cho phép bạn theo dõi tiến trình sức khoẻ xem chúng có nguy cơ mắc bệnh di truyền hay bệnh tiềm ẩn gì không? Từ đó đưa ra pháp đồ điều trị hiệu quả.
Thăm bác sĩ nhãn khoa thường xuyên
Những bệnh hay gặp ở chó Shiba đa phần liên quan đến mắt vì Shiba Inu có đôi mắt đặc biệt dễ bị tổn thương. Nếu cảm thấy Shiba Inu của bạn bị suy giảm thị lực, hãy nhanh chóng đưa chúng đến bác sĩ thú y để thăm khám. Vì những bệnh liên quan đến mắt cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Các triệu chứng bệnh ở mắt thường không rõ ràng và chó Shiba cũng không thể biểu lộ ra ngoài. Thăm khám bác sĩ nhãn khoa thường xuyên là cách duy nhất để bạn phát hiện bệnh. Bệnh về mắt nguy hiểm ở chỗ có thể gây mất thị lực hoàn toàn nếu phát hiện quá muộn.
Chế độ ăn uống và luyện tập khoa học
Mặc dù chó Shiba không kén ăn, lại nhanh nhẹn, hoạt bát nhưng bạn cũng nên đảm bảo chú chó của mình có một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục phù hợp. Một lối sống khoa học giúp chó Shiba có sức khoẻ tốt, tăng cường sức đề kháng phòng tránh một số bệnh nguy hiểm.
Về thức ăn, bạn nên mua những loại thực phẩm sạch và an toàn, cung cấp đủ lượng protein trong thịt và vitamin trong các loại rau củ quả tươi xanh. Tuyệt đối không ăn đồ đóng hộp, thực phẩm ôi thiu, hết hạn, thức ăn thừa lên men. Hạn chế cho chó Shiba ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, đồ ăn có đường, … để tránh thừa cân, béo phì.
Thời gian luyện tập thể dục của chó Shiba tối thiểu phải 30-60 phút một ngày. Những bài tập nhẹ nhàng và đơn giản như: chạy bộ, bơi lội, bắt bóng, … sẽ giúp chó Shiba có một cơ thể cân đối và khoẻ mạnh. Hãy kiểm soát cân nặng của chó Shiba, béo quá hay gầy gò quá đều có thể là nguyên nhân gây nên một số bệnh nguy hiểm.
Tiêm phòng đầy đủ cho chó Shiba Inu
Bất kỳ chú chó nào cũng bắt buộc phải thực hiện đầy đủ liệu trình tiêm phòng kéo dài từ 2 tuần tuổi đến 1 năm tuổi. Các căn bệnh nguy hiểm như: Leppo, care, parvo, dại, … một khi đã mắc phải thì 90% gây tử vong ở chó. Một số trưởng hợp chữa khỏi thì cũng để lại di chứng nặng nề. Chỉ có cách tiêm phòng mới có thể phòng tránh chúng.
Khi đi mua chó Shiba, bạn lưu ý đi kèm với mỗi bé đều phải có sổ theo dõi sức khoẻ. Hãy kiểm tra xem chúng đã được tiêm phòng định kỳ chưa? Đang dừng lại ở mũi thứ bao nhiêu? … Từ đó, nối tiếp vào và thực hiện đúng liệu trình tiêm cho chó nhà bạn. Bất kỳ cơ sở thú y nào cũng đều có dịch vụ tiêm phòng. Bạn có thể chọn địa chỉ gần nhà mình cho tiện. Giá một mũi vacine cũng không quá cao, từ 120-200k, tuỳ từng loại.
Ngoài tiêm phòng vacine, bạn cũng nên thực hiện tẩy giun sán định kỳ cho chó Shiba mỗi tháng một lần. Bạn có thể tự tẩy tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ thú y. Tẩy giun sán định kỳ sẽ giúp chó nhà bạn có một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, ăn uống và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.
Lời kết:
Huấn luyện chó Shiba Inu không khó nếu bạn thật sự hiểu tính cách, sở thích và có những kiến thức cơ bản về chúng. Hi vọng, những thông tin trên sẽ giúp bạn sở hữu được một bé Shiba ngoan ngoãn và vâng lời.
- Hoa cúc đồng tiền – Hoa đẹp dễ trồng dễ chăm sóc mang lại may mắn
- Cây Đa Lông – Đặc điểm, công dụng và những lưu ý khi sử dụng
- Cây Sen Thái – Đặc điểm, cách trồng và chăm sóc cây sen thái
- Cây Cỏ Mực – Đặc điểm, công dụng, những lưu ý khi sử dụng
- Cá Lóc – Những thông tin liên quan đến cá lóc và mô hình nuôi cá lóc của bà con nông dân