Khi nhắc đến Doberman Pinscher, hình ảnh xuất hiện trong đầu bạn chắc chắn là chú chó đáng sợ với hàm răng sắc nhọn. Chó Doberman từng được lai tạo để trở thành chó bảo vệ hung dữ, nhưng ngày nay, chúng đã được thuần hóa phần nào và trở nên điềm tĩnh hơn. Doberman đôi khi sống tình cảm, thích quấn quýt chủ nhân. Đôi lúc lại mềm yếu, nũng nịu như một chú cún nhỏ.
Chó Doberman có dữ không?
10 người được hỏi thì 9 người cho rằng Doberman là một giống chó hung dữ. Điều này không có gì ngạc nhiên vì ngoại hình của chúng trông khá dữ dằn và hung tợn. Trên thực tế, Doberman không hề hung dữ như bạn nghĩ. Những chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu về mức độ hung hăng và tấn công vào con người của nhiều giống chó khác nhau. Kết quả cho thấy, Doberman ít gây hấn hơn rất nhiều so với những giống chó khác. Bao gồm cả những giống chó chưa từng mang tiếng xấu là hung dữ như: Great Danes, Cocker Spaniels và Dalmatians.
Một nghiên cứu nữa được tiến hành vào năm 2008 đã chia mức độ hung hăng của một chú chó thành 4 loại: gây hấn với người lạ, gây hấn với chủ, hung hăng với chó lạ và sự ganh đua giữa những con chó trong gia đình. Người ta nghiên cứu 4 yếu tố này trên Doberman. Kết quả, Doberman cực kỳ hung hăng với người lạ nhưng chưa một lần gây hấn với chủ. Đối với chó lạ và những con chó trong gia đình thì giữ ở mức trung bình, xung đột chỉ xảy ra khi có yếu tố thứ 3 tác động như: đồ ăn, tranh giành lãnh thổ, …
Những chú Doberman Pinschers hiện tại ít hung dữ hơn rất nhiều so với giống ban đầu của nó. Do đó, chúng cũng có tiềm năng để trở thành vật nuôi gia đình tuyệt vời. Tuy nhiên, bạn cũng cần xã hội hóa để Doberman biết cách cư xử đúng mực với con người ngay khi còn nhỏ.
Những điều bạn cần biết trước khi quyết định nuôi một chú Doberman
Khi quyết định nuôi một chú chó Doberman, bạn nên tìm hiểu trước những thông tin về chúng. Hãy tìm hiểu xem tính cách của Doberman có thực sự phù hợp với bạn và gia đình? Giống chó này có dễ chăm sóc không?, … Từ đó, có những chuẩn bị tốt nhất để không phải choáng ngợp với những bất ngờ mà Doberman đem lại.
Chó Doberman rất thông minh
Ưu điểm nổi bật của Doberman là chúng cực kỳ thông minh. Giống chó này được xếp hạng 5 trong top 100 những giống chó thông minh nhất Thế Giới bởi Hiệp hội chó giống AKC. Chỉ sau 4 giống chó cực kỳ nổi tiếng là Border Collie, Poodle, Becgie Đức và Golden Retrievers.
Mức độ đánh giá trí thông minh của một giống chó được chia thành nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, Doberman luôn đứng đầu trong danh sách những con chó dễ huấn luyện nhất. Chúng cũng xếp hạng cao về mục giao tiếp và giải quyết vấn đề. Trí thông minh là một trong những ưu điểm của Doberman Pinscher khiến chúng trở nên lý tưởng cho nhiều vai trò khác nhau như: chó nghiệp vụ, chó tìm kiếm cứu hộ, chó trị liệu, chó bảo vệ, …
Chó Doberman rất trung thành
Không chỉ thông minh, Doberman còn là giống chó cực kỳ trung thành. Chúng giống như hầu hết các giống chó Đức khác khi chỉ coi một người duy nhất là chủ trong suốt quãng đời. Một khi đã nuôi dưỡng Doberman, bạn sẽ nhận được sự quan tâm,chăm sóc đặc biệt. Doberman sẽ luôn theo bạn 24/7, bảo vệ bạn khỏi rắc rối từ những con chó khác.
Một Doberman sẽ trở nên buồn bã, ủ dột, thiếu sức sống nếu chủ đi đâu đó mà bỏ chúng ở nhà. Doberman không thích thể hiện tình cảm với chủ nhưng lòng trung thành của chúng cho phép chúng dõi theo và bảo vệ bạn ở bất cứ đâu.
Chó Doberman dễ dàng huấn luyện
Khi nuôi bạn sẽ thấy, Doberman là giống chó dễ dàng huấn luyện. Chúng có điểm mạnh là trí thông minh, sự ham học hỏi nên tiếp thu nhanh các bài tập của chủ. Mỗi bài huấn luyện đơn giản như: đi vệ sinh đúng chỗ, Doberman cũng chỉ mất từ 2-3 tuần để làm quen. Trong khi các giống chó khác phải mất từ 3-4 tháng.
Hơn nữa, một chú Doberman thường có xu hướng làm hài lòng chủ nên luôn cố gắng trong mỗi mệnh lệnh được đưa ra. Trong quá trình huấn luyện cũng rất ít xảy ra vấn đề vì chúng không phải giống chó ương bướng như: Husky hay Alaska. Việc huấn luyện phải được thực hiện sớm để biến Doberman thành người bạn đồng hành tốt.
Chó Doberman năng động và tràn đầy năng lượng
Điều mà hầu hết mọi người đều nhận ra ở Doberman là tính cách năng động, tinh nghịch và tràn đầy năng lượng. Giống chó này cần một không gian rộng để chạy nhảy, nô đùa, tập luyện mỗi ngày. Ít nhất phải là một căn nhà có sân vườn rộng rãi. Doberman không phải giống chó có thể nuôi nhốt trong nhà. Chúng sẽ phá phách và cắn phá đồ đạc nhà bạn như một cách để giải phóng năng lượng thừa.
Doberman cũng cần một chế độ tập luyện thể dục nghiêm túc. Bạn nên cho chúng tham gia các bài tập như: chạy bền, kéo xe, bắt bóng, bơi lội, … để gia tăng thể lực giúp khỏe mạnh hơn. Bạn cũng cần phải dẫn Doberman ra ngoài đi dạo mỗi ngày. Mục đích để xã hội hóa, giúp chúng hòa đồng và thân thiết với con người hơn. Kể cả người lạ và những con vật nuôi khác.
Chó Doberman rất ít rụng lông
Bộ lông ngắn, cụt lủn của Doberman rất ít rụng. Chúng không đòi hỏi phải cắt tỉa hay chải chuốt lông thường xuyên như những giống chó lông dài. Đây được xem là ưu điểm của Doberman khiến chúng trở thành vật nuôi phổ biến trong các hộ gia đình. Chúng phù hợp với người bị dị ứng lông chó hay người bận rộn không có nhiều thời gian chăm sóc.
Tuy nhiên, để hạn chế tuyệt đối tình trạng rụng lông, bạn có thể chải lông cho chó Doberman 1-2 lần một tuần. Mục đích để lấy những sợi lông chết trước khi nó rơi ra sàn hay dính vào thảm của bạn. Tắm rửa mỗi tuần một lần cũng là một giải pháp tránh cho lông rụng ra nhà.
Doberman là người giữ nhà xuất sắc
Doberman nổi tiếng là một giống chó có khả năng giữ nhà xuất sắc. Bản năng vốn là giống chó bảo vệ, canh gác cùng với sự thông minh, nhanh nhạy, Doberman có khả năng lường trước được nguy hiểm và các mối đe dọa sắp xảy ra. Giống chó này cũng có độ tập trung cao và một thính giác nhạy bén. Bất kỳ điều gì bất thường xung quanh ngôi nhà của bạn đều sẽ bị chúng phát hiện.
Ngoài ra, Doberman còn có vẻ ngoài rất hung tợn và dữ dằn. Bất kỳ ai đối diện chúng đều cảm thấy sợ hãi. Khi có một Doberman đứng trước cửa nhà bạn là giống như một biện pháp ngăn chặn những kẻ xấu đột nhập. Từ đó, ngăn chặn nguy cơ tội phạm xảy ra.
Doberman thích nghi tốt với những con chó khác
Thật ngạc nhiên là Doberman có thể thích nghi tốt với những con chó khác, khi gặp trong công viên hay trên đường phố. Đối với những con vật nuôi trong gia đình cũng hiếm xảy ra xô xát. Với một điều kiện là chúng phải được sống cùng nhau từ nhỏ. Và không gian sống nhà bạn không được có quá 2 con Doberman đực.
Để Dobermans có mối quan hệ an toàn và thân thiện với những con chó khác, chúng cần được xã hội hóa ngay từ khi còn nhỏ.
Chó Doberman dễ mắc các bệnh lý do di truyền
Vấn đề sức khỏe hay gặp nhất ở chó Doberman là bệnh tim, hay cụ thể là bệnh giãn cơ tim. Bệnh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở giống chó này. Một bệnh tim nghiêm trọng khác mà Doberman cũng dễ mắc phải là suy tim sung huyết. Hai bệnh này đều do di truyền nên khả năng chữa khỏi không cao.
Một bệnh lý do di truyền phổ biến nữa là bệnh Von Willebrand (hiểu đơn giản là bệnh máu không đông). Đây là một dạng rối loạn chảy máu nghiêm trọng. Nó xuất hiện lần đầu ở chó Doberman từ những năm 2000. Một xét nghiệm di truyền đã được tiến hành trên những chú chó mang bệnh. Kết quả cho thấy, nguồn gốc bệnh đều đến từ con bố mẹ.
Ngoài ra, còn một số căn bệnh di truyền cũng hay gặp ở chó Doberman như: loạn sản xương hông, rối loạn cưỡng chế, mất ổn định đốt sống cổ, … Để hạn chế tình trạng mắc bệnh di truyền, các nhà lai tạo khuyến khích không nên tiến hành nhân giống từ những con chó mang mầm bệnh. Chọn lọc giống là điều cần thiết và bắt buộc phải làm.
Doberman có phải là giống chó phù hợp với bạn và gia đình?
Phải xem xét đến nhiều yếu tố bên ngoài và mục đích nuôi thì mới có thể trả lời Doberman có thực sự phù hợp với gia đình bạn? Ví dụ, nếu bạn muốn nuôi một chú chó giữ nhà thì Doberman là sự lựa chọn hoàn hảo. Còn nếu muốn nuôi để cho chơi cùng trẻ nhỏ thì Doberman không thực sự phù hợp cho lắm.
Trên thực tế, giống chó này không dành cho tất cả mọi người. Doberman yêu cầu một người lãnh đạo bình tĩnh, ổn định, vững vàng về tâm lý và trên hết phải thực sự hiểu chúng muốn gì. Doberman cũng đòi hỏi nhiều thời gian của chủ nuôi để huấn luyện và xã hội hóa mỗi ngày. Chúng không phù hợp với những người bận rộn.
Giai Đoạn Phát Triển Của Một Chú Doberman Con Đến Khi Trưởng Thành
Chó Doberman từ 0-6 tuần tuổi (giai đoạn sơ sinh)
Sau 60-68 ngày nằm trong bụng mẹ, những chú Doberman con dễ thương sẽ được ra đời. Giống như tất cả các chó con khác, những bé Doberman mới sinh sẽ bị mù và điếc, mắt và tai chưa được hình thành đầy đủ. Chúng hoàn toàn dựa vào chó mẹ để sinh tồn. Chó mẹ sẽ cho ăn, liếm sạch người và giữ ấm cơ thể chó con dưới bộ lông của mình.
Chó Doberman sơ sinh thường chỉ nặng từ 700-800gram, cả cơ thể chỉ nằm vừa trong lòng bàn tay bạn. Chúng sẽ tăng trưởng gấp đôi trọng lượng này khi bước vào tuần thứ 2. Bộ lông thưa thớt và làn da mỏng khi ấy có thể bị tổn thương bởi bất cứ vật gì.
Trong khoảng 3-5 ngày đầu, bác sĩ thú y sẽ tiến hành cắt đuôi cho Doberman. Bạn không cần lo lắng, vì giai đoạn sơ sinh, đuôi chúng rất nhỏ và mềm, việc cắt đuôi sẽ diễn ra nhanh chóng và không gây bất kỳ đau đớn gì.
Chó Doberman con sẽ bắt đầu tập ăn thức ăn ngoài vào khoảng 4 tuần tuổi. Tuy nhiên, thức ăn nên mềm và dễ nuốt như: cháo, thịt xay, rau hầm, … Vào khoảng 6 tuần tuổi, khi chúng đã quen với việc ăn ngoài, bạn có thể cai sữa mẹ hoàn toàn. Lúc này, cân nặng chó Doberman tiêu chuẩn phải rơi vào khoảng 4-6kg. Bất kỳ bé nào đủ cân nặng đều có thể tách đàn và xuất chuồng.
Chó Doberman từ 6-12 tuần tuổi
Khi bạn đón một bé Doberman về nhà chắc chúng cũng nằm trong độ tuổi từ 6-7 tuần tuổi. Đây là độ tuổi được khuyến cáo nên bắt đầu liệu trình tiêm phòng. Các mũi vacine sẽ ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm ở chó như: Care, parvo, distemper, viêm gan, dại, … Đây là những căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao ở chó. Tiêm phòng lúc này là việc làm bắt buộc nếu muốn chú chó nhà bạn sau này sống khỏe mạnh.
Chó Doberman con từ 7-12 tuần tuổi là giai đoạn thích hợp để phẫu thuật cắt tai. Quá trình cắt tai phức tạp và nguy hiểm hơn so với cắt đuôi nên phải được thực hiện bởi bác sĩ thú y có chuyên môn cao. Tai chó Doberman sẽ bị cắt phần vạt mỏng bên ngoài, tạo thành một đường cong nhẹ từ gốc tai lên đến đỉnh tai. Tai sẽ được khâu và phủ băng gạc sau phẫu thuật. Đồng thời, tiến hành dựng tai bằng cách nẹp một miếng nhựa hoặc xốp để cố định. Tai sẽ lành vết cắt sau 10 ngày, nhưng phải mất từ 4-5 tháng mới dựng đứng hoàn toàn.
Vào khoảng 12 tuần tuổi, Doberman bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên. Răng sữa sẽ rụng sau 3 tháng và thay thế bằng lớp răng vĩnh viễn. Trong thời gian này, chó Doberman con có thể bị sưng, chảy máu răng và ngứa lợi. Đồ vật trong nhà có thể trở thành mục tiêu cắn phá của chúng. Hãy cho Doberman gặm xương giả, ăn thức ăn khô hoặc những thứ an toàn khác để hạn chế tình trạng cắn phá.
Chó Doberman từ 4-6 tháng tuổi
Chó Doberman từ 4 tháng tuổi trở đi có thể cho ăn 3-4 bữa / ngày. Nên kết hợp thức ăn khô xen kẽ với thức ăn chế biến để chúng phát triển tốt nhất. Vào khoảng 5-6 tháng tuổi, có thể giảm xuống còn 2 bữa / ngày, nhưng phải tăng khối lượng thức ăn cho phù hợp với cân nặng. Bạn có thể xem chi tiết tại: “Thức ăn cho chó Doberman theo từng độ tuổi”.
Giai đoạn này, bạn cần phải quan sát trọng lượng và tình trạng cơ thể chó Doberman. Cần đảm bảo chúng không được quá gầy hoặc quá béo. Bạn sẽ có thể kiểm tra bằng cách sờ phần thịt hai bên xương sườn.
Khi đủ 6 tháng tuổi, chó con Doberman phải mọc hoàn toàn răng vĩnh viễn, tai cần dựng đứng và kích cỡ cơ thể phải đạt được 3/4 tiêu chuẩn của chó trưởng thành, tức là từ 45-52cm và 28-32kg. Việc tiêm chủng bắt buộc phải hoàn tất ở độ tuổi này. Chó Doberman cũng đủ tuổi để bắt đầu huấn luyện vâng lời. Cần đảm bảo chú chó của bạn được xã hội hóa tốt để kiểm soát tính hung hăng, giúp chúng thân thiện với con người hơn.
Chó Doberman từ 6 tháng đến 1 năm tuổi (giai đoạn dậy thì)
Đây là thời điểm chó Doberman bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì. Chúng sẽ tăng trưởng liên tục về kích thước, tính cách dần trưởng thành hơn trong khoảng thời gian này. Chế độ dinh dưỡng lúc này thật sự rất quan trọng. Bạn cần cung cấp cho chúng một lượng lớn protein trong các loại thịt để hỗ trợ phát triển cơ. Đồng thời, bổ sung thêm canxi cho xương phát triển bằng các loại thực phẩm bổ sung canxi, sữa, xương ống bò, cổ gà, …
Ngoài thức ăn, chế độ tập luyện trong giai đoạn dậy thì cũng rất quan trọng. Bạn nên cho Doberman tập luyện các bài tập phát triển xương và cơ như: Bơi lội, đu dây, chạy bền, nhảy cao, … Thời gian luyện tập nên diễn ra liên tục. Ít nhất phải tập từ 45-60 phút mỗi ngày nếu muốn chú chó của bạn có một thân hình đẹp.
Khi đủ 12 tháng tuổi, một con Doberman sẽ được coi là chó trưởng thành vì hầu hết sự tăng trưởng đã kết thúc. Kích thước chúng phải nằm trong tiêu chuẩn kích cỡ chó Doberman trưởng thành thì mới có thể coi là dậy thì thành công. Đối với chó cái thì chiều cao, cân nặng phải nằm trong khoảng 63-68cm và 32-35kg. Chó Doberman đực sẽ nhỉnh hơn một chút, tức là từ 68-72cm và 40-45kg.
Sau 12 tháng tuổi, chó Doberman cái thường kết thúc sự phát triển, trong khi chó đực vẫn có thể cao lớn hơn từ 4-5cm. Tuổi trẻ sung mãn nhất của chó Doberman đực sẽ kéo dài đến năm 4 tuổi, chó cái thì chỉ đến 2-3 năm tuổi.
Chó Doberman từ 1-7 năm tuổi (giai đoạn trưởng thành)
Tuổi thọ trung bình của chó Doberman khoảng 9-10 năm. Tức là giai đoạn trưởng thành của cuộc đời chúng kéo dài từ 1 tuổi cho đến khoảng 7 tuổi. Những năm này, Doberman sẽ hoạt động tích cực nhất. Chúng nhanh nhẹn, linh hoạt, tận hưởng cuộc sống, trung thành hết mực với chủ nhân. Đây sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời của một con Doberman.
Khoảng 16-18 tháng tuổi là thời điểm lý tưởng để cho chó Doberman sinh sản. Đối với chó cái thì sau mỗi lần sinh nở cần nghỉ ngơi từ 6-12 tháng mới nên cho phối giống tiếp. Chó Doberman đực thì giãn cách từ 1-2 tháng giữa những lần phối.
Chó Doberman sau năm 7 tuổi (giai đoạn già cả)
Sau năm 7 tuổi, Doberman sẽ trở thành một chú chó già cả và ốm yếu. Chúng bắt đầu chậm lại, cơ thể không còn linh hoạt như xưa. Bạn không còn nhìn thấy hình ảnh của một chú Doberman hoạt bát, năng động và nhanh nhẹn. Thay vào đó là một chú chó ủ rũ với các dấu hiệu của tuổi già.
Chó Doberman khi già cả phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe như: bệnh viêm khớp, đau cơ, đau đầu gối, nguy hiểm hơn là các vấn đề về tim mạch. Chúng cần một chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn, lượng protein, chất béo cần giảm xuống và thay vào đó là chất xơ, vitamin và khoáng chất. Những chú Doberman lớn tuổi rất dễ mắc bệnh béo phì nếu tần suất hoạt động thấp mà chế độ dinh dưỡng không thay đổi.
Đừng quên kiểm tra y tế thường xuyên đối với một chú Doberman lớn tuổi. Đưa chúng đến bác sĩ thú y thường xuyên hơn, làm các xét nghiệm để rà soát bệnh. Điều đó có thể giúp bé Doberman nhà bạn sống khỏe mạnh và có một tuổi thọ cao hơn so với mức trung bình.
Làm Thế Nào Để Nhận Biết Được Chó Doberman Thuần Chủng?
Cách nhận biết chó Doberman thuần chủng
Đặc điểm ngoại hình
Kích thước chuẩn
Chó Doberman thuần chủng sở hữu kích thước trung bình. Chiều cao, cân nặng tiêu chuẩn khi trưởng thành phải nằm trong khoảng:
- Đối với chó Doberman cái: từ 63-68cm và 32-35kg.
- Đối với chó Doberman đực: từ 68-72cm và 40-45kg.
Những bé Doberman có kích thước nằm ngoài khoảng này vẫn được coi là chó thuần chủng nhưng không được đánh giá cao. Doberman lý tưởng phải sở hữu thân hình cân đối để có sức mạnh, độ bền, tốc độ và sự nhanh nhẹn.
Phần đầu
Chó Doberman thuần chủng sở hữu một cái đầu hơi nhỏ so với thân hình to lớn. Khi nhìn từ phía trước, đầu dần mở rộng từ đỉnh mõm cho đến gốc tai. Khi nhìn hai bên cạnh, hộp sọ và mõm có chiều dài bằng nhau, song song với nhau và được nối bằng một điểm gãy nhẹ ở sống mũi.
Mõm
Mõm chó Doberman thuần chủng dài nhưng không nhọn. Mõm phải theo một đường thẳng nằm ngang, hơi nghiêng lên hay nghiêng xuống đều không được chấp nhận. Viền môi mỏng có màu đen, phần da mõm phải có độ rủ nhẹ.
Răng
Một hàm răng đầy đủ của chó Doberman thuần chủng phải bao gồm 42 chiếc răng. Trong đó, 20 răng hàm trên và 22 răng hàm dưới. Răng phải mọc sát nhau, răng hàm trên ăn khớp với răng hàm dưới sao cho vết cắn phải có hình dạng giống như một khớp khóa. Màu răng phải trắng tinh, không bị ngả vàng. Phần nướu lợi phải có màu hồng nhạt.
Không đủ tiêu chuẩn: Răng mọc không đều, màu răng bị ố vàng. Số lượng răng mọc không đủ, bị mất trên 3 chiếc răng.
Mũi
Sống mũi dài và thon gọn. Màu mũi chó thuần chủng phải có màu đen ở chó đen, nâu sẫm ở chó đỏ, xám đen ở chó xanh và sạm đen ở chó lông nâu vàng.
Mắt
Mắt chó Doberman thuần chủng có hình hạnh nhân, hơi xếch một chút, độ sâu vừa phải. Màu mắt phổ biến từ đen đến nâu sẫm. Mí mắt sẽ có màu sáng hơn so với màu mắt.
Đôi tai
Tai chó Doberman đã cắt hay chưa cắt đều được chấp nhận là chó thuần chủng. Tuy nhiên, tai cắt rồi sẽ được đánh giá cao hơn về ngoại hình. Đôi tai sau khi cắt và nẹp thường có hình tam giác, dựng thẳng trên đỉnh đầu, vị trí song song và đối xứng nhau. Tai không bị cắt thường to bản và rủ xuống hai bên má.
Phần cổ
Cổ thon gọn với cơ bắp săn chắc, độ to mở rộng dần từ gáy đến vai. Da cổ họng căng, không có nếp gấp. Khi chó Doberman đứng, cổ luôn trong tư thế ngẩng cao đầu.
Thân hình
Chó Doberman thuần chủng có một cơ thể là nhỏ gọn và vuông. Khung xương sườn mở rộng, được bung ra từ cột sống, sau đó phẳng dần để tạo thành một khuôn ngực sâu kéo dài đến khuỷu chân trước. Nhìn từ trên cao, chiều rộng cơ thể phần vai phải xấp xỉ chiều rộng của hông. Đường sống lưng có độ dốc nhẹ.
Thân hình chó Doberman thuần chủng không quá cơ bắp. Các bó cơ tập trung nhiều ở phần cổ, ngực và hai bắp đùi sau.
Hai chân trước
Khi nhìn từ phía trước, hai chân trước hoàn toàn thẳng và song song với nhau từ khuỷu tay đến xương bả vai. Nhìn ngang, hai chân trước hơi dốc về phía trước một góc khoảng 15 độ. Cấu tạo chân gân guốc với xương ống tròn, độ dài cân đối với cấu trúc cơ thể.
Hai chân sau
Hai chân sau chó Doberman thuần chủng nếu nhìn từ đằng sau sẽ thẳng và song song với nhau. Nhưng nếu ngang sẽ thấy độ gập giữa khuỷu chân tạo với xương ống chân một góc 150 độ. Đùi trên dài, rộng với các bó cơ đùi săn chắc.
Bàn chân
Bàn chân nhỏ với các ngón chân cong, nhỏ gọn giống loài mèo. Phần đệm chân dày, hơi thô ráp và luôn luôn có màu đen ở bất kỳ màu lông nào.
Đuôi
Cũng giống như tai, đuôi chó Doberman dù đã cắt hay chưa cắt đều được coi là chó thuần chủng. Đuôi sau khi cắt sẽ rất ngắn, gần như cụt đuôi, độ dài dừng lại ở khớp đuôi thứ 2 tiếp giáp với xương cột sống. Đuôi chó Doberman tự nhiên sẽ nhỏ gọn và hầu hết cuộn tròn trên lưng.
Bộ lông
Bộ lông chó Doberman thuần chủng siêu ngắn, cứng và dày. Độ dài lông chỉ khoảng từ 1-2cm. Bộ lông có độ óng và rất mượt mà. Chó Doberman với bộ lông mỏng và thưa thớt sẽ bị coi là lỗi.
Màu lông
Có bốn màu lông được cho phép ở chó Doberman bao gồm: đen (black), đỏ (red), xanh dương (blue) và nâu vàng (Isabella or Fawn). Màu xanh thực chất là một màu đen pha loãng, tương tự như màu xám. Màu đỏ sẽ tương tự như màu socola với sắc đỏ nhạt. Cuối cùng là màu be, giống màu của những con lạc đà hơn là màu nâu vàng truyền thống của Golden Retriever hay Great Dane.
Phần chân, phía trên 2 mắt, cổ họng, bốn chân và dưới đuôi chó Doberman thuần chủng phải có màu lông nâu vàng rỉ sét (rust). Ở chó Doberman màu nâu vàng (Isabella) thì các dấu hiệu này không rõ lắm.
Không đủ tiêu chuẩn: Nếu bạn chưa biết thì ngoài 4 màu trên, chó Doberman còn có hai màu lông khác nữa là màu trắng và màu đen tuyền. Hai màu này không được chấp nhận ở chó Doberman vì chúng có thể là kết quả của một cuộc phối giống cận huyết. Màu lông trắng có thể coi như bệnh bạch tạng ở người vậy.
Đặc điểm tính cách
Chó Doberman thuần chủng sở hữu trí thông minh, lòng dũng cảm và sự trung thành tuyệt đối. Doberman là giống chó bảo vệ tốt thứ 2 Thế Giới, chỉ sau Pitbull Terrier. Chúng là những con chó cảnh giác và rất bản lĩnh, không bao giờ sợ hãi khi bị đe dọa. Doberman thông minh, tiếp thu nhanh, lại ham học hỏi nên khá dễ dàng trong việc huấn luyện.
Doberman là những con chó tràn đầy năng lượng, luôn đòi hỏi được tập luyện thường xuyên. Nhược điểm lớn nhất của giống chó này là bản tính hiếu chiến và sự hung hăng, luôn sẵn sàng tấn công nếu nhận thấy điều nguy hiểm. Doberman không phải giống chó thân thiện nên không phù hợp chơi cùng trẻ nhỏ.
Không đủ tiêu chuẩn: Một con Doberman có tính cách rụt rè, nhút nhát, sợ người, quá hung dữ sẽ bị coi là lỗi.
Kinh nghiệm để chọn mua được chó Doberman thuần chủng
Nếu không nắm rõ được những tiêu chuẩn chó Doberman thuần chủng phía trên, bạn có thể gặp khó khăn trong việc lựa chọn khi đi mua. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng, một số kinh nghiệm Sieupet.com chia sẻ dưới đây vẫn giúp bạn mua được chó thuần chủng mà không phải ghi nhớ quá nhiều thông tin về chúng.
Lựa chọn địa chỉ uy tín để mua
Điều quan trọng để mua được chó Doberman thuần chủng là phải chọn được một địa chỉ uy tín để mua. Những nơi mua bán chó Doberman tại Việt Nam khá nhiều, nhưng không phải cơ sở nào cũng có thể cung cấp cho bạn những chú chó thuần chủng chất lượng.
Không nên tin những nơi bán chó Doberman giá rẻ lạ thường
Khi đi mua chó Doberman, chắc bạn cũng tìm hiểu sơ qua về mức giá cho một bé thuần chủng rồi đúng không? Bởi vậy, đừng tin những nơi rao bán chó Doberman thuần chủng quá rẻ so với mặt bằng chung. Những con chó giá rẻ đó có thể là chó lai đời F1, ngoại hình lúc nhỏ không khác gì so với chó thuần chủng. Điểm khác biệt sẽ chỉ bộc lộ rõ khi chúng lớn lên.
Nếu giá chó Doberman thuần chủng có rẻ thì cũng chỉ rẻ hơn từ 500k – 1 triệu so với mặt bằng chung. Đừng bao giờ tin những nơi rao bán chó Doberman thuần chủng mà chỉ có 1-2 triệu. Đó gần như toàn chó Doberman lai, nếu là chó thuần chủng thì cũng toàn chó ốm yếu, bệnh tật.
Nhờ người có kinh nghiệm đi cùng
Hãy xem thử xung quanh bạn có người quen nào đã và đang nuôi một bé Doberman hay không? Nếu có, hãy nhờ họ đi mua cùng. Với những kinh nghiệm đã có, họ chắc chắn sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc phân biệt giữa chó Doberman thuần chủng và lai tạp.
Nếu không có người quen nào, bạn có thể lên những hội, nhóm về chó Doberman trên các trang mạng xã hội. Thành viên ở đó toàn những người gạo cội, có kinh nghiệm lâu năm về Doberman. Hãy xin họ những lời khuyên để lựa chọn được một bé Doberman thuần chủng chất lượng nhất!
Tại Sao Cần Cắt Tai Cho Chó Doberman?
Việc cắt tai cho chó Doberman luôn gây ra 2 luồng ý kiến trái chiều. Một số quốc gia tại Châu Âu như: Anh, Hà Lan, Thụy Điển đã cấm hoàn toàn hành động này vì cho rằng nó vô nhân đạo và vi phạm bộ luật bảo vệ động vật. Những chú chó có quyền được sống với những gì tự nhiên ban tặng. Một số khác lại cho rằng, việc cắt tai sẽ giúp chú chó của bạn trông đẹp và ngầu hơn, và cắt tai từ bé sẽ không khiến chúng có cảm giác đau đớn gì.
Dường như ý kiến thứ 2 nhận được số lượng người ủng hộ đông đảo hơn. Bạn có thể nhận thấy ngày nay, đa phần chó Doberman trên Thế Giới đều đã được chủ cắt tai. Vậy tại sao cần cắt tai cho chó Doberman? Một số nguyên nhân được đưa ra như sau:
Để đảm bảo an toàn cho chó Doberman
Ngay từ cuối những năm 1900, việc cắt tai cho chó Doberman đã trở nên phổ biến với mục đích bảo vệ an toàn cho giống chó này. Họ cho rằng, vạt tai mỏng của chó Doberman có thể dễ dàng bị đâm thủng, cắn rách hoặc sứt mẻ nếu gặp các tác động từ bên ngoài như: gai nhọn, đá, đâm vào. Tuỳ vào vị trí bị tổn thương mà có thể rất khó lành và gây hoại tử. Một đôi tai sau khi cắt sẽ ngắn và gọn gàng hơn giúp bảo vệ chúng khỏi điều này.
Đôi tai dài của Doberman có thể trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ xấu, khiến chúng dễ dàng bị tóm gọn. Những loài động vật khác cũng có xu hướng cắn vào tai chó Doberman khi tham gia các cuộc chiến. Đôi tai có thể coi là điểm yếu của Doberman. Những người nuôi chúng thời xưa chọn cắt cắt tai để khắc phục điểm yếu này do Doberman thời đó đa phần được nuôi để đi săn và làm chó chiến.
Hơn 100 năm sau, vẻ ngoài chó Doberman với đôi tai bị cắt ngắn đã trở thành đặc điểm được công nhận của giống chó này.
Khả năng phát hiện âm thanh nhạy bén hơn
Chó Doberman khi sinh ra đã sở hữu đôi tai mềm với viền tai mỏng không chắc chắn lắm. Một số người ủng hộ việc cắt tai đưa ra giả thuyết rằng: những con chó có đôi tai cương cứng có thể nghe tốt hơn những con chó có đôi tai mềm. Khả năng phát hiện và định vị âm thanh cũng sẽ tốt hơn. Điều này cũng hợp lý vì đôi tai dài bẩm sinh của chó Doberman che chắn lỗ tai khá nhiều cũng phần nào cản trở việc nhận âm thanh của chúng.
Giữ vệ sinh và sức khoẻ
Vi khuẩn, bụi bẩn, ký sinh trùng đa phần tập trung ở vành tai và lỗ tai chó Doberman. Chủ nuôi thường mất rất nhiều thời gian để vệ sinh sạch sẽ những vị trí này. Các nghiên cứu cho thấy, tai sau khi cắt thường sạch sẽ và vệ sinh hơn so với tai không cắt. Những bệnh lý về tai như: nhiễm trùng, thối tai, cũng được giảm thiểu. Ngoài ra, một đôi tai bị cắt sẽ ít có khả năng hình thành khối máu tụ trên da do va đập – thường phải phẫu thuật để loại bỏ.
Thời điểm phù hợp để cắt tai cho chó Doberman
Cắt tai cho chó Doberman thường được thực hiện từ 7-9 tuần kể từ khi sinh. Có thể thực hiện sớm hơn nhưng tốt nhất nên chờ cho tai phát triển hình dáng hoàn toàn. Không nên cắt tai sau 9 tuần vì sụn tai đã cứng và hình thành dạng phẳng. Cắt tai lúc này sẽ gây nhiều đau đớn và tai cũng khó lành hơn.
Quá trình cắt tai nên được thực hiện bởi bác sĩ thú y có nhiều kinh nghiệm để đảm bảo tai đứng, đẹp và đúng kiểu. Tuyệt đối không tự thực hiện tại nhà có thể dẫn đến nhiễm trùng gây thối tai, hoại tử tai. Sau khi phẫu thuật, chăm sóc tai và băng tai là cần thiết. Sẽ mất một vài tuần để tai có thể lành lại hoàn toàn. Chủ nuôi phải theo dõi sát sao, liên tục đưa chó Doberman đến bác sĩ thú y thăm khám để đề phòng biến chứng.
Quy trình cắt tai và tạo dáng tai cho chó Doberman
Cắt tai là một thủ thuật không quá phức tạp nhưng nên được thực hiện bởi bác sĩ thú y. Chó Doberman sẽ được gây mê toàn thân. Nếu chó nhỏ và sụn tai mềm thì cảm giác đau đớn không rõ rệt. Tai sẽ được cắt tỉa thành hình và các cạnh sẽ được khâu lại sau khi cắt. Hầu hết bác sĩ thú y sau cắt sẽ cố định tai vào một khối xốp hoặc bìa cứng để giữ cho dáng tai thẳng và cứng cáp trong quá trình các cạnh lành lại.
Chó Doberman sau khi cắt tai có thể về nhà luôn vào ngày hôm sau. Sau khoảng 10 ngày, khi các cạnh tai đã lành lại, các mũi khâu sẽ được gỡ bỏ. Lúc này, tai sẽ được tạo hình để có dáng đứng chuẩn mực nhất. Các bác sĩ thú y sẽ tiến hành nẹp tai cho chó Doberman và quá trình đó có thể mất vài tháng hoặc thậm chí một năm. Việc chăm sóc sau khi dựng tai cũng rất quan trọng. Cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh để nhiễm trùng, chảy mủ. Kết hợp với một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp tai mau lành hơn.
Kết quả thành công, bạn sẽ có một chú Doberman thật ngầu với đôi tai dựng thẳng như hình dưới:
Một số lưu ý khi cắt tai cho chó Doberman
- Nên tìm một bệnh viện thú y uy tín, có chất lượng cao. Bác sĩ là người có tay nghề và kinh nghiệm trong việc phẫu thuật cắt tai. Tốt nhất nên tìm vị bác sĩ thú y chuyên ngành về chó Doberman. Vì cắt tai ở giống chó này khó hơn rất nhiều so với một số giống chó khác như: Pitbull, Bully, …
- Quá trình chăm sóc sau cắt tai cần được theo dõi sát sao. Nếu chó Doberman có bất kỳ biểu hiện gì bất thường như: sốt, bỏ ăn, tai chảy mủ, có mùi hôi, … thì ngay lập tức đưa đến bác sĩ thú y để kiểm tra.
- Việc dựng tai đứng thẳng sau cắt là vấn đề lớn, cần phải có kỹ thuật và chuyên môn cao mới có thể thành công. Nên dùng loại băng dính và miếng băng xốp chuyên dụng để dựng tai cho chó Doberman thì sẽ nhanh thành công hơn.
- Trước khi cắt thì nên nghiên cứu kỹ, bạn muốn cắt tai cho cho chó Doberman để làm gì? Từ đó, lựa chọn kiểu dáng tai phù hợp. Có thể nghe lời khuyên từ bác sĩ thú y.
3 kiểu cắt tai phổ biến nhất ở chó Doberman
Trong bảng tiêu chuẩn của AKC, chó Doberman đạt chuẩn sẽ phải yêu cầu cắt tai. Tai không cắt sẽ không được đánh giá cao về hình dáng. Tuy nhiên, việc cắt tai cho chó Doberman lại là một quyết định cá nhân của chủ nuôi. Tùy theo sở thích và quan điểm của mỗi người.
Dưới đây là 3 hình dáng tai chuẩn và phổ biến nhất của chó Doberman:
Tai chó Doberman theo kiểu Show Crop
Kiểu dáng tai này thường được mô tả là “Cánh của đại bàng” vì hình dạng cong và dài. Đây là hình dáng tai được đánh giá là đẹp và ngầu nhất ở chó Doberman. Tuy nhiên, do dáng tai dài nên phải mất nhiều tháng nẹp thì tai mới dựng đứng. Ở một số con chó, tai có thể không đứng thẳng sau khi nẹp và đôi khi cần phải phẫu thuật bổ sung.
Tai chó Doberman theo kiểu Medium Crop
Kiểu dáng tai này có độ dài trung bình, trông mềm mại, dịu dàng, phù hợp với chó Doberman cái. Kiểu dáng tai này sẽ dễ nẹp thẳng và cung cấp kết quả tốt hơn so với Show Crop. Chiều rộng của kiểu Medium = kiểu Show, chiều cao của Medium = Military.
Tai chó Doberman theo kiểu Military Crop
Kiểu Military Crop hay còn được gọi là kiểu của chó nghiệp vụ và chó lao động. Hình dáng tai trông giống như hình tam giác tròn. Military là kiểu tai ngắn nhất, dễ dàng cắt nhất và cũng dễ để tạo dáng tai đứng thẳng sau này. Kiểu Military Crop không được thực hiện để làm đẹp, nhưng trông hình dáng chó Doberman sẽ gọn gàng và bớt hung dữ hơn.
Ưu và nhược điểm của việc cắt tai cho chó Doberman
Có nhiều điều cần xem xét trước khi đưa ra quyết định có nên cắt tai cho chó Doberman hay không? Tuy nhiên, giống như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, cắt tai cho chó Doberman cũng có ưu và nhược điểm của nó. Bạn có thể xem xét những yếu tố và đưa ra quyết định đúng đắn cho bé Doberman nhà mình.
Ưu điểm của cắt tai
- Cắt tai cho chó Doberman là điều cần thiết. Tai không được cắt sẽ không phù hợp với tiêu chuẩn giống và không được đánh giá cao. Ngay cả những nhà lai tạo ban đầu, ông Karl Louis Dobermann, Otto Gueller và Philipp Gruenig đều muốn tạo hình chú Doberman của mình với một đôi tai đã bị cắt.
- Cắt tai giúp chó Doberman trông đẹp, ngầu và dữ tợn hơn. Nó tạo ra cảm giác đáng sợ và sự cảnh giác cho người đối diện. Không thể phủ nhận rằng, cắt tai sẽ khiến chó Doberman trông giữ nhà tốt hơn khi những tên tội phạm đã bị trấn áp bởi vẻ ngoài của chúng.
- Một đôi tai ngắn, gọn gàng sẽ giúp chó Doberman phòng ngừa việc bị con người hay các loài động vật khác tấn công vào đôi tai mềm. Ngoài ra, còn để tránh khỏi những tổn thương không đáng có khi đôi tai dài không may vướng phải gai, đinh, đá nhọn, … trong quá trình chó Doberman làm việc và chơi đùa.
- Một số người tin rằng, tai bị cắt sẽ giữ vệ sinh sạch sẽ và ít bị nhiễm trùng hơn tai chưa cắt. Nhất là đối với những chú Doberman sống ở khu vực ẩm ướt, nấm mốc.
- Các thủ tục y tế mới, như cắt laser sẽ khiến cho việc cắt tai trở nên an toàn hơn rất nhiều. Các vết cắt bằng laser sẽ nhanh lành hơn vì có ít chấn thương mô hơn. Các cạnh chính xác hơn, ít chảy máu và bong vảy.
- Cắt tai cho chó Doberman không phải là cắt bỏ hoàn toàn nên nó không thực sự nguy hiểm và vô nhân đạo như một số người vẫn nghĩ.
Nhược điểm của cắt tai
- Giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, cắt tai có thể dẫn đến đau và nguy cơ nhiễm trùng cao. Gây mê toàn thân mang một số rủi ro (như phản ứng dị ứng với thuốc).
- Chăm sóc sau phẫu thuật cực kỳ tốn thời gian, có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, tùy thuộc vào kiểu cắt. Bạn sẽ không phù hợp nếu là một người bận rộn.
- Cắt tai bị cấm ở một số quốc gia nên nếu nhập khẩu chó Doberman từ các quốc gia đó, bạn thậm chí không có lựa chọn cắt hay không cắt vì bắt buộc phải tuân theo chính sách của họ.
- Bạn phải là người có kinh tế vì đây là thủ tục phẫu thuật đắt tiền. Quá trình chăm sóc sau cắt cũng sẽ ngốn tiền của bạn không ít.
- Không có gì đảm bảo cắt tai sẽ thành công 100%. Đôi tai có thể trông không cân xứng, không giống tạo hình ban đầu, tai không thể dựng thẳng, …
- Người ta nghĩ rằng, cắt tai từ nhỏ sẽ gây sợ hãi, hoang mang, căng thẳng cho chó Doberman. Ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp ngôn ngữ cơ thể và không cho phép chó con thể hiện trạng thái cảm xúc của mình với những con chó khác.
Chó Doberman Có Những Màu Lông Cơ Bản Nào
Hầu hết mọi người đều quen thuộc với những chú Doberman màu lông đen và nâu quyến rũ. Đây là những màu sắc phổ biến nhất ở giống chó này. Tuy nhiên, đó không phải tất cả những gì mà Doberman có. Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội chó giống Mỹ AKC (American Kennel Club), chó Doberman sẽ có 4 màu chính thức được công nhận như sau:
- Black: Màu đen
- Blue: Màu xanh lam (thực ra là màu xám ánh xanh)
- Red: Màu đỏ (các sắc thái khác nhau của màu nâu đỏ)
- Fawn: Màu be (hay còn được gọi là Tweets Isabella: màu nâu vàng giống với màu lông của lạc đà).
Những màu lông trên bắt buộc phải xen kẽ với các mảng lông màu nâu vàng gỉ sét (rust). Các mảng lông nâu rỉ sét thường xuất hiện ở phần mắt, mõm, cổ họng, ngực trước, trên tất cả các chân, bàn chân và dưới đuôi. Trong 4 màu trên thì màu đen là phổ biến nhất, sau đó đến sắc thái của màu đỏ.
Ngoài 4 màu lông tiêu chuẩn trên, chó Doberman có thể có màu trắng hoàn toàn (White). Màu lông này khá đẹp, độc đáo và cực kỳ quý hiếm. Tuy nhiên, chúng không được chấp nhận là tiêu chuẩn của AKC do mang đột biến gen di truyền, tác nhân gây cản trở tổng hợp nhiễm sắc tố. Bốn màu trên là những màu duy nhất được cho phép chấp nhận.
Đối với màu lông đen (Black Doberman)
Đôi khi, nó không hẳn là màu lông đen mà cũng có thể là màu nâu sẫm, đen pha nâu, socola, … Màu đen tạo độ bóng tốt, trông bộ lông sẽ mượt mà và óng ả hơn, tạo ra một hình dáng khỏe mạnh, săn chắc. Đây được xem là màu lông phổ biến nhất của Doberman.
Ngoài ra, còn có một trường hợp đặc biệt là chó Doberman màu lông đen tuyền (đen hoàn toàn) nhưng rất hiếm gặp. Những chú chó đặc biệt này thường được gọi với cái tên: Doberman Melanistic. Đây là những chú Doberman màu đen không có dấu vết lông nâu vàng gỉ sét ở phần cổ, mắt, chân và bụng như thông thường.
Những chú Doberman màu đen tuyền không nằm trong tiêu chuẩn của AKC. Chúng ra đời đa phần do đột biến gen hoặc phối giống cận huyết. Các nhà lai tạo đạo đức quan tâm đến Doberman sẽ không bao giờ nhân giống những con chó này.
Đối với màu lông đỏ (Red Doberman)
Màu đỏ ở đây là thuật ngữ người Mỹ dùng để chỉ những màu lông có sắc thái ấm áp. Nó không phải là màu đỏ như tóc đỏ của con người. Một số chủ sở hữu gọi màu lông này là sô cô la vì nó có tông màu nâu nhiều hơn màu đỏ. Đây là màu phổ biến thứ 2 sau màu đen. Những chú Doberman Socola sẽ có giá cao nhất trong tất cả các màu. Chúng cực kỳ được ưa chuộng tại Mỹ.
Đối với màu lông xanh (Blue Doberman)
Một lần nữa, màu xanh là thuật ngữ mà hầu hết các nhà lai tạo sử dụng khi nói đến các tông màu lạnh, pha loãng, nhợt nhạt. Chúng thực chất trông giống như màu đen pha loãng, độ tương phản thấp và cũng có thể có màu xám than, bạc hoặc tím. Doberman màu xanh đôi khi được gọi là Doberman màu xám.
Doberman màu xanh ít thấy hơn so với những màu kia. Chúng cũng không được khuyến khích trong nhân giống vì đàn con ra đời sẽ khó có màu lông ổn định. Đối với màu này, tuy nằm trong tiêu chuẩn của AKC nhưng được đánh giá là không đẹp nên cũng không được ưa chuộng lắm.
Đối với màu lông be (nâu vàng Fawn Doberman)
Màu này khá hiếm, đôi khi còn được gọi là Isabella (màu lông lạc đà). Nó có thể coi là dạng đặc biệt của màu lông đỏ pha loãng. Lý do màu lông Fawn và Blue rất hiếm vì các cuộc thi Dog Show quốc tế coi những màu này là một đặc điểm tiêu cực. Để ra được màu lông này cũng liên quan đến những biến đổi về nguồn gen. Do đó, các nhà lai tạo ít khi chọn để nhân giống chúng.
Chó Doberman màu lông trắng (White Doberman)
Một chú Doberman với bộ lông màu trắng thật sự quý hiếm. Tuy nhiên, chúng không phải màu lông vốn có của Doberman mà xuất phát từ một cuộc giao phối cận huyết, dẫn đến những đột biến về nhiễm sắc thể. Dễ hiểu hơn, bạn có thể tưởng tượng màu lông trắng của chó Doberman cũng giống như căn bệnh Bạch tạng ở người.
Vào ngày 10, tháng 11, năm 1976, chú Doberman trắng đầu tiên có tên Shelba ra đời là kết quả của phối giống cận huyết. Màu lông trắng của Sheba khi đó thật sự rất đẹp nhưng lại làm dấy lên những lo lắng. Vì cận huyết đi kèm với những lo ngại về sức khỏe sau này. Và bộ gen không ổn định rất khó cho việc sinh sản.
Thực tế, đa phần chó Doberman trắng đều có xu hướng gặp những vấn đề về sức khỏe và hành vi. Họ chắc chắn sẽ mắc các bệnh về da và mắt như: nhạy cảm với ánh sáng, tầm nhìn kém, da dị ứng, … Một số quốc gia đã cấm nhân giống chó đột biến. Các nhà lai tạo được khuyến khích không cố tình gây giống chó Doberman màu trắng vì những rủi ro. Nó được coi là hành động vô nhân đạo.
Doberman trắng được coi là thứ hiếm có và kỳ lạ đối với những chủ chó không thực sự quan tâm đến các tiêu chuẩn. Tất nhiên, những con chó này vẫn có thể làm thú cưng và là người bạn đồng hành tuyệt vời của con người. Chỉ cần nhớ là tuyệt đối không cho chúng sinh sản và cần phải kiểm tra y tế thường xuyên.
Chó Doberman màu lông bạch tạng (Albino Doberman)
Điều đầu tiên cần nhớ, chó Doberman Pinscher bạch tạng khác với biến thể màu trắng. Chúng không phải là sự nhầm lẫn gây giống nào đó mà là một vấn đề sức khỏe. Hay nói đúng hơn là một căn bệnh ở chó Doberman. Những con chó mắc bệnh bạch tạng là kết quả của việc thiếu sắc tố trong lớp lông, dẫn đến bộ lông nhợt nhạt, kém chất lượng. Ngoài ra, đôi mắt chúng cũng không màu nên thị lực rất kém. Lớp da mỏng, trắng bạch và cực kỳ nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài như ánh nắng.
Nên chọn nuôi chó Doberman màu nào?
Nếu bạn nuôi chó Doberman để tham gia các cuộc thi quốc tế thì tốt nhất nên chọn 1 trong 4 màu lông theo tiêu chuẩn được chấp nhận. Những màu lông còn lại khi đi thi sẽ bị coi là lỗi và loại bỏ ngay lập tức. Màu lông đen, nâu sẫm, socola, đỏ sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo vì bộ gen trội và ổn định của chúng.
Một số người có thể chọn chó Doberman màu xanh. Tuy chúng cũng nằm trong tiêu chuẩn được chấp nhận nhưng rất dễ gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Còn nếu bạn đơn giản muốn nuôi chó Doberman làm thú cưng thì có thể chọn bất kỳ màu lông nào. Miễn bạn thật sự yêu thích và cảm thấy vui khi sở hữu chúng. Tuy nhiên, những màu lông đặc biệt thường ốm yếu và bệnh tật hơn so với các màu lông tiêu chuẩn.
Nếu bạn đang hướng đến việc nhân giống và cho chó Doberman sinh sản thì bắt buộc phải tránh xa màu lông trắng và màu bạch tạng ra. Hãy chỉ lai tạo những màu sắc được chấp nhận theo tiêu chuẩn của AKC để cho ra đời đàn con khỏe mạnh và ổn định về nguồn gen hơn.
Bộ Sưu Tập Màu Lông Của Chó Phốc Sóc Pomeranian
Màu lông đơn sắc ở chó Phốc sóc
Màu đỏ
Chó Phốc sóc màu đỏ không hẳn đỏ như tóc người mà giống như màu đỏ cam hay màu đỏ gỉ sét. Nó sẽ là màu cam đậm nhất, sâu nhất. Chó Pom màu đỏ phải có điểm đen ở viền mắt, mũi, môi và miếng đệm chân.
Màu hải ly (Beaver)
Màu hải ly Beaver là một màu nâu pha loãng với các sắc độ khác nhau, từ màu be kem đến màu nâu cam. Trong bảng Tiêu chuẩn của AKC từng gọi màu này là màu Bánh quy. Màu Beaver được phân biệt với màu Kem bằng điểm màu be / nâu ở trên mũi, môi, viền mắt và miếng lót chân. Chó Phốc sóc có bất kỳ điểm đen nào trong bộ lông thì đó không phải là màu Beaver.
Một bé Phốc sóc màu hải ly sẽ có đôi mắt màu hạt dẻ (nâu nhạt). Beaver là một màu sắc được AKC công nhận.
Màu đen
Chó Phốc sóc màu đen thật sự rất hiếm gặp. Bộ lông chúng đen hoàn toàn, không có bất kỳ một sợi lông khác màu nào xen vào. Chó Phốc sóc đen sẽ có sắc tố da đen, mắt cũng màu đen. Viền mắt, môi, mũi và bàn chân cũng màu đen nốt. Bạn có thể hình dung ngoại hình chúng tương tự như những cục than đen xì vậy.
Màu xanh
Màu xanh ở chó Phốc sóc thực ra là một màu đen pha loãng. Nó là màu đơn sắc từ nhạt đến xám đậm và chỉ hơi ánh màu xanh lam. Lớp lông lót bên trong cũng màu xám. Khi mới sinh, chó Phốc sóc con màu xanh thường là màu bạc, thậm chí có thể là màu đen. Chúng sẽ chuyển thành màu xám ánh xanh đậm hoặc nhạt khi trưởng thành.
Một số trường hợp chó Phốc sóc màu xanh tối đến mức nhiều người nghĩ là màu đen. Nhưng khi đặt cạnh màu đen sẽ thấy chúng có tông sáng hơn một chút. Các điểm viền mắt, mũi, môi và miếng đệm cũng phải có màu xanh. Chó Phốc sóc màu xanh thường là kết quả của việc nhân giống 2 chú chó màu đen với nhau.
Màu nâu hoặc màu socola
Trong bộ sưu tập màu lông chó Phốc sóc thì có lẽ màu nâu là màu phong phú nhất. Nó bao gồm tất cả các sắc thái từ sô cô la đậm đến màu Hải ly Beaver nhẹ hơn. Một số trường hợp có thể xuất hiện thêm các vết đỏ hoặc vết cháy nắng ở bộ lông nếu chó Phốc chơi quá lâu dưới trời nắng.
Giống như màu hải ly Beaver, chó Phốc sóc màu nâu sẽ có mắt màu hạt dẻ. Các điểm viền mắt, mũi, môi và miếng đệm sẽ có màu nâu. Chó Phốc sóc có bất kỳ màu đen nào trong bộ lông sẽ không được coi là màu nâu socola.
Màu kem
Chó Phốc sóc màu kem thường là tông màu cam hoặc vàng rất nhạt. Lớp lông bảo vệ bên ngoài có thể có màu hơi đậm hơn so với lớp lông lót. Viền mắt, mũi, môi và miếng đệm chân phải có màu đen. Chó Phốc sóc màu kem thường có màu trắng khi sinh ra.
Màu hoa oải hương (Lavender)
Màu sắc của hoa oải hương là màu hơi xám pha với một chút hồng nhạt hoặc sô cô la. Chó Phốc sóc màu hoa oải hương được coi là những cá thể hiếm gặp. Chúng có thể là kết quả khi phối giống giữa hai màu pha loãng. Ví dụ như màu xanh phối với màu hải ly Beavers. Màu hoa oải hương được đánh giá là đẹp nhưng không nằm trong tiêu chuẩn được AKC phê duyệt.
Màu cam
Màu cam là màu lông phổ biến nhất ở chó Phốc sóc. Nó bao gồm tất cả các sắc thái của màu cam từ sáng đến tối. Nếu bộ lông có màu cam quá đậm sẽ được coi là màu đỏ. Chó Phốc sóc màu cam phải có viền mắt, mũi, môi và đệm chân có màu đen.
Màu cam khi sinh ra có thể có màu Sable, màu cam nhạt, thậm chí là màu trắng. Khi chúng trưởng thành, các màu sẽ đậm dần sang cam. Chó Phốc sóc màu cam có thể sinh ra chó con màu Sable cam. Bộ lông sẽ từ từ sáng lên và trở thành một màu cam khi chúng già đi. Còn nếu các mảng Sable không phai khi trưởng thành thì đây sẽ là một chú Phốc sóc Sable cam.
Màu trắng
Chó Phốc sóc màu trắng là những cá thể đặc biệt. Phải trải qua một quá trình dài các nhà lai tạo mới có thể tạo ra chúng. Màu lông trắng ở đây đúng nghĩa là trắng hoàn toàn, không pha tạp thêm bất kỳ một màu lông nào khác. Những sợi lông luôn có màu giống nhau trên khắp cơ thể của chúng. Lớp lông lót cũng màu trắng. Các điểm viền mắt, mũi, môi và miếng đệm chân sẽ có màu đen.
Hầu hết chó Phốc sóc màu trắng khi sinh ra sẽ có màu trắng như tuyết với các điểm màu hồng. Khi chúng trưởng thành, các điểm màu hồng sẽ mất dần đi và duy trì bộ lông trắng như tuyết. Màu trắng cũng có thể là dấu hiệu bệnh bạch tạng ở chó khi thực hiện phối giống cận huyết.
Màu lông đa sắc ở chó Pomeranian
Điểm Tan trong bộ lông chó Phốc sóc là gì?
Điểm “Tan” xuất hiện trong màu lông chó Phốc sóc như một màu nền, không được chiếm diện tích màu quá nhiều. Chúng sẽ dao động từ màu kem nhẹ (đôi khi là “bạc”) cho đến một vết gỉ màu nâu vàng từ sắc nhạt đến đậm. Các điểm Tan sẽ xuất hiện trong các vị trí được liệt kê dưới đây:
- Trên đỉnh mỗi mắt, mõm, má.
- Bên trong tai, trên cổ họng, phần ngực trước.
- Trên tất cả các chân và bàn chân.
- Dưới đuôi.
Bộ sưu tập màu lông chó Phốc sóc sẽ gồm 3 màu phổ biến kết hợp với các điểm Tan là: The Black & Tan, The Blue & Tan và The Brown & Tan. Tất cả ba màu cơ bản đó sẽ có cùng một kiểu đặt vị trí các điểm Tan.
Màu đen với các điểm Tan (Black & Tan)
Đây là những chú chó Phốc sóc không có màu đen hoàn toàn mà sẽ pha với các vết gỉ hoặc vết rám ở các vị trí điểm Tan. Lớp lông lót màu Tan nên là màu sáng hơn so với tông màu chính. Các điểm viền mắt, mũi, môi và miếng lót nên có màu đen. Trong những chú chó Phốc sóc Black & Tan có chất lượng tương đương nhau thì các mảng sẫm màu sẽ được ưa thích hơn các vết Tan rám nắng nhạt hơn.
Màu nâu với các điểm Tan (Brown & Tan)
Màu này thường được gọi là Chocolate & Tan. Nó bao gồm tất cả các sắc thái từ màu hải ly nhạt đến sô cô la đen nhất, các vị trí điểm Tan có màu sáng hơn. Các điểm Tan sẽ có màu nâu đậm hoặc nhạt, phù hợp với màu của áo khoác. Độ tối của các điểm phải phù hợp với độ tối của màu lông chính.
Màu xanh với các điểm Tan (Blue & Tan)
Màu xanh với các điểm Tan thực ra là màu lông sau khi pha loãng của một chú Đen & Tan. Các điểm viền mắt, mũi, môi và miếng đệm phải có màu đen. Điểm Tan ở một hoặc cả hai mắt di truyền có thể có màu xanh, phổ biến nhất là màu gỉ sét hoặc nâu.
Màu Merle
Màu Merle tạo ra hiệu ứng phân tán màu sắc trên lớp lông. Màu này được AKC chấp nhận là màu tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác không cho phép màu này chuẩn vì nó mang lại nhiều đột biến gen. Thông thường, màu Merle sẽ bao gồm nhiều màu như: xanh nhạt, xám, đen, rám nắng hoặc đỏ hòa quyện vào nhau, tạo ra các mảng hoặc ‘chấm’ lông lốm đốm trông khá thú vị.
Chăm sóc các màu lông có giống nhau?
Chó Phốc sóc với mỗi màu lông khác nhau sẽ có cách chăm sóc khác nhau trong việc chải chuốt và tắm rửa. Ví dụ cụ thể nhất là màu lông sáng như: trắng, kem. Bụi bẩn, đất cát rất dễ hiển thị nên việc tắm rửa, chăm sóc sẽ cần cần kỳ hơn nhiều so với những màu lông tối màu.
Ngược lại, những màu tối như: đen, nâu thường trông xơ xác hơn những màu sáng nên việc chăm sóc, chải chuốt cũng cần được thực hiện thường xuyên. Vì lý do này, bạn sẽ thấy thói quen chải chuốt và tắm rửa thực sự quan trong nếu muốn chó Phốc sóc có một bộ lông đẹp.
Liên quan đến việc rụng lông thì chó Phốc sóc tất cả các màu lông đều rụng nhiều. Tuy nhiên, những sợi lông rụng của Phốc sóc màu đen sẽ hiển thị rõ hơn trên đồ nội thất hoặc trên nền sàn nhà sáng màu. Tất cả các màu lông đều dễ bị rối và dễ bị bết dính như nhau, không có sự khác biệt nào khác.
Top 11 Sự Thật Thú Vị Về Doberman Không Phải Ai Cũng Biết
Doberman là giống chó tương đối mới
So với hơn 400 giống chó trên Thế Giới thì Doberman thực sự là một giống chó mới. Chúng được nhân giống lần đầu tiên vào năm 1890, sau chiến tranh Pháp – Phổ. Tính đến năm 1900, Doberman mới được công nhận là giống chó chính thức bởi Hiệp hội chó giống Hoa Kỳ AKC. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng còn chưa đến 150 năm tuổi.
Doberman được nhân giống đầu tiên bởi một người thu thuế Đức
Cha đẻ của giống chó Doberman là một người thu thuế tên là Karl Friedrich Louis Dobermann ở Apolda, Đức. Thời đó, công việc thu thuế rất nguy hiểm và thường làm vào buổi đêm. Louis muốn tạo ra một giống chó đặc biệt để đi theo bảo vệ mình. Ông đã tiếp cận rất nhiều giống chó khác nhau, thấy mỗi giống chó lại có những ưu điểm riêng. Ông lai tạo hỗn hợp giữa chúng. Mục đích tạo ra giống chó mới sở hữu sức mạnh, sức bền bỉ, tốc độ, trí thông minh, sự hung dữ và lòng trung thành. Kết quả, Doberman Pinscher ra đời.
Doberman Pinscher sau này được phát triển thêm bởi Phillip Greunig và Otto Goeller để trở thành giống chó như ngày nay. Tên của chúng ban đầu được đặt theo tên của người sáng lập là Dobermann. Sau khi ông mất, chúng lại được biết đến với cái tên Dobermann Pinscher.
Hiện tại, phần đuôi Pinscher đã bị loại bỏ ở hầu hết các quốc gia Châu Âu. Họ chỉ gọi chúng đơn giản là Dobermann. Ngược lại, tại Hoa Kỳ và Canada, phần Pinscher của tên vẫn được giữ nhưng chữ ‘n’ ở cuối tên thì bị loại bỏ. Do đó, giống chó này được gọi là Doberman Pinscher ở hai quốc gia này.
Doberman là hỗn hợp của nhiều giống chó khác nhau
Để tạo ra giống chó lý tưởng của mình, Karl Frederick Louis Dobermann đã tiến hành nghiên cứu và nhân giống rất nhiều giống chó khác nhau. Ông muốn tạo ra một chú chó bảo vệ có ngoại hình hung dữ nhưng tính cách trung thành, ngoan ngoãn và đáng tin cậy. Kết quả, Doberman Pinscher ra đời như một loại “cocktail” giữa các giống chó. Không ai nắm rõ chính xác những con chó đã được sử dụng trong quá trình nhân giống ra Doberman.
Theo một số nghiên cứu ADN, các chuyên gia chỉ ra rằng, Doberman mang gen nhiều nhất của 4 giống chó Đức là: chó đốm Đức, Weimaraner, Beauceron và Rottweiler. Tuy nhiên, một thời gian sau, Hiệp hội chó giống Mỹ AKC lại tuyên bố: nhóm gen Becgie Đức GSD chiếm ưu thế trong Doberman Pinscher. Một số giống chó khác cũng được sử dụng khi nhân giống bao gồm: Black and Tan Terrier, và Old Shorthaired chăn cừu, Great Danes, Greyhound và Pointers.
Có nhiều tuyên bố được đưa ra nhưng chưa ai dám khẳng định Doberman thật sự đến từ đâu. Họ chỉ biết chúng là hỗn hợp của rất nhiều giống chó khác nhau. Ít nhất là 7 giống chó Đức.
Doberman rất phổ biến tại Mỹ
Giống chó Doberman được lai tạo lần đầu tiên vào năm 1890. Nhưng đến năm 1908, chúng đã được Hiệp hội chó giống Mỹ AKC công nhận là giống chó chính thức. Doberman xếp hạng 46/198 giống chó được công nhận. Ngày nay, chúng là giống chó phổ biến thứ 14 tại Hoa Kỳ.
Doberman từng xuất hiện trong các bộ phim
Giống chó Doberman từng xuất hiện với vai trò là diễn viên chính trong bộ phim riêng của họ là: “The Doberman Gang”. Tạm dịch là: “Băng đảng Doberman”. Bộ phim sản xuất vào năm 1972, đạo diễn bởi Byron Chudnow và đồng sáng tác bởi Louis Garfinkle và Frank Rey Perilli.
Nội dung phim kể về một người huấn luyện động vật tài năng đã sử dụng sáu con chó săn Doberman để thực hiện một vụ cướp ngân hàng. Sáu con chó đã được đặt tên theo tên của những tên cướp ngân hàng nổi tiếng là: Dillinger, Bonnie, Clyde, Ma, Pretty Boy và Baby Face. Bộ phim được quay hoàn toàn tại thung lũng Simi ở California, Mỹ.
Sau khi được công chiếu, bộ phim đã đưa tên tuổi của những chú Doberman vượt ra ngoài Châu Âu, tiến gần hơn đến Mỹ và Canada. Mở đầu cho thời kỳ giống chó này phổ biến tại Châu Mỹ. Bộ phim đã thành công vang dội và tiếp tục sản xuất thêm ba phần nữa. Ngoài ra, Doberman cũng đã xuất hiện trong nhiều bộ phim khác nhau, cả phim hành động lẫn phim hoạt hình.
Doberman từng được sử dụng trong Thế Chiến thứ II
Trong Chiến tranh Thế Giới thứ II, nước Đức là ngòi nổ và tham gia tấn công hầu hết các nước Châu Âu. Họ sử dụng tất cả các giống chó bản địa để phục vụ quân đội với vai trò chó chiến, chó dò mìn, chó cứu hộ, ... Doberman là một trong những lựa chọn đầu tiên của người Đức. Không bàn đến vai trò tốt hay xấu của nước Đức khi tham gia Thế chiến thứ II nhưng những đóng góp to lớn Doberman mang lại cho quân đội nước họ là không thể phủ nhận.
Những chú Doberman được sử dụng để hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang trong suốt cuộc chiến. Một chú chó Doberman Pinscher có tên là Kurt đã bị giết bởi lựu đạn khi đang cố cảnh báo cho các binh sĩ về một cuộc tấn công sắp xảy ra. Mặc dù mất mạng nhưng Kurt đã cứu sống rất nhiều người khác.
Một Doberman Pinscher khác – Cappy, đã cứu sống 250 lính thủy quân đánh bộ Hoa Kỳ. Chú báo cho các binh sĩ về cách tiếp cận của Quân đội Nhật Bản. Cappy là con chó đầu tiên được chôn cất. Địa điểm chôn cất đó sau này trở thành một nghĩa trang dành riêng cho những con chó chiến. Bên cạnh tên của Cappy là tên của 24 con chó săn Doberman khác đã phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ vào Thế chiến II.
Ngoài ra, còn có một bức tượng Cappy bằng đồng ngồi trên đỉnh Đài tưởng niệm Chiến tranh Thế giới II tại Mỹ. Điều này cho thấy, trong chiến tranh, Doberman Pinscher thực sự là người bạn tốt nhất của con người.
Doberman được phân chia thành 2 loại
Doberman được phân chia thành 2 loại là: Doberman Mỹ và Doberman Châu Âu. Thực ra, chúng không phải là 2 dòng riêng biệt mà chỉ là tên gọi người ta dùng để phân biệt dựa vào nơi chúng sinh sống và phát triển. Sau một thời gian dài sinh sống tại Mỹ, những chú Doberman Mỹ cũng xuất hiện một vài điểm khác biệt về ngoại hình và tính cách so với người anh em bên Châu Âu của mình.
Điển hình nhất là chó Doberman Mỹ ít hung hăng hơn so với các đối tác bên Châu Âu. Có thể là do người Mỹ chủ yếu nuôi dưỡng giống chó này như thú cưng nên các nhà lai tạo đã cố tình loại bỏ đi một số đặc điểm hung dữ của chúng. Họ tập trung củng cố và phát triển các phẩm chất khác phù hợp hơn như: trí thông minh, lòng trung thành, khả năng canh gác và bảo vệ.
Xuất hiện chú Doberman với bộ lông màu trắng – cá thể đặc biệt
Doberman được biết đến với hình ảnh chú chó với bộ lông tối màu như: đen hay nâu sẫm. Trên thực tế, giống chó này cũng chỉ có 4 màu được công nhận chính thức bởi Hiệp hội chó giống Hoa Kỳ AKC là: Đen (Black), đỏ (red), blue (xám xanh) và Fawn (màu be nâu vàng). Ngoài 4 màu này thì bất kỳ màu nào khác đều không được công nhận.
Tuy nhiên vào ngày 10, tháng 11, năm 1976, tại Mỹ xuất hiện một chú Doberman có bộ lông màu trắng tuyết tên là Shelba. Chú được xem là cá thể đặc biệt. Trên Thế Giới thời điểm đó, chưa từng xác nhận bất kỳ trường hợp Doberman có màu lông trắng như thế. Người ta tiến hành nghiên cứu nguồn gen của Shelba và phát hiện, chú là kết quả của một cuộc phối giống cận huyết.
Màu lông trắng của Shelba thực ra là một bệnh lý, tương tự như bệnh bạch tạng ở người. Do một gen đột biến gây ra sự thiếu hụt melanin trong các cấu trúc bạch cầu. Những con chó này được gọi là Albinoid Doberman (Doberman bạch tạng). Tất nhiên, màu lông này không được công nhận chính thức dù rất đẹp và độc đáo. Các nhà lai tạo cũng khuyến cáo không nên cố tình nhân giống ra chúng vì sự lệch lạc của nguồn gen.
Doberman là thú cưng của nhiều người nổi tiếng
Giống chó Doberman ngày nay đã bớt hung dữ hơn rất nhiều. Chúng là con vật nuôi hữu ích nếu chủ nuôi biết huấn luyện và dạy dỗ từ nhỏ. Bạn có thể nhận ra độ nổi tiếng của Doberman khi chúng thường xuyên xuất hiện bên cạnh những ngôi sao Hollywood danh giá.
- Diva Mỹ – Mariah Carey là một ví dụ về người nổi tiếng sở hữu 2 chú Doberman. Cô gọi những con chó của mình là Princess and Duke (Công chúa và Công tước).
- Diễn viên, kiêm đạo diễn Nicolas Cage sở hữu một Doberman White. Nam diễn viên Forest Whitaker cũng là chủ sở hữu của một Doberman.
- Tổng thống John F. Kennedy cũng từng nuôi một chú Doberman tại Nhà Trắng trong thời gian trước khi ông bị ám sát.
- Đặc biệt là diễn viên William Shatner – một trong những người hâm mộ lớn nhất của Doberman. Ông đã sở hữu cho mình tổng cộng 11 chú Doberman đủ các màu.
Doberman sinh ra với đôi tai cụp và đuôi dài
Hình ảnh những chú Doberman ngày nay đều có đôi tai vót nhọn, dựng thẳng đứng và chiếc đuôi cụt lủn. Thực tế, khi sinh ra, Doberman vốn sở hữu một đôi tai mềm, cụp và một chiếc đuôi dài. Chúng sẽ được phẫu thuật cắt đuôi khi đủ 1-2 tuần tuổi. Còn quá trình cắt và tạo hình tai sẽ diễn ra trong giai đoạn 7-9 tuần tuổi. Đây là 2 công việc mà bất kỳ chủ nuôi nào cũng nên làm khi nuôi dưỡng một chú Doberman.
Mục đích của việc cắt tai chủ yếu do vấn đề thẩm mỹ. Doberman được biết đến là giống chó bảo vệ, canh gác nên một tạo hình cool ngầu, hung dữ sẽ khiến những kẻ xấu khiếp sợ hơn. Còn chiếc đuôi dài được coi là nhược điểm khiến Doberman dễ bị kẻ xấu tóm lấy. Một chiếc đuôi cụt sẽ khắc phục được nhược điểm này.
Tuy nhiên, cắt tai và đuôi bị cấm hoàn toàn ở một số quốc gia Châu Âu. Họ coi đó là hành động tàn nhẫn, vô nhân đạo và không thực sự cần thiết. Một số chú Doberman nhập khẩu Châu Âu khi cập cảng Việt Nam cũng phải áp dụng những chính sách này. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật cắt bằng Laser không hề đau đớn như cách cắt truyền thống thời xưa.
Doberman cực kỳ nhạy cảm với cái lạnh
Một trong những điểm yếu của Doberman là chúng chịu lạnh cực kỳ kém. Nguyên nhân do dáng người mảnh khảnh, yếu ớt. Cơ thể không có mỡ dự trữ và bộ lông ngắn cụt lủn không có khả năng giữ ấm. Mùa đông tại một số quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ, người ta thường dùng các biện pháp giữ ấm cho Doberman khi ra ngoài. Bằng cách mặc cho chúng quần áo hoặc dán các miếng giữ nhiệt. Doberman cũng không thể hiện mình là một chú chó năng động, tinh nghịch khi ở ngoài trời lạnh.
Doberman là giống chó đa năng
Nhắc đến Doberman, người ta sẽ nghĩ ngay tới giống chó với khả năng bảo vệ, canh gác đỉnh cao. Chúng là giống chó bảo vệ tốt thứ 2 Thế Giới. Tuy nhiên, đó không phải là vai trò duy nhất Doberman có thể làm. Chúng từng lập được rất nhiều công lao khi hỗ trợ cảnh sát trong các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ.
Ngoài ra, Doberman cũng được sử dụng làm chó trị liệu để hỗ trợ người mù. Một số công việc khác trong gia đình Doberman cũng có thể làm tốt như: giữ nhà, chăn gia súc, săn bắt, …
Top 7 Giống Chó Doberman Lai Phổ Biến
Rotterman (Chó Doberman lai Rottweiler)
Doberman và Rottweiler là hai giống chó Đức nổi tiếng có họ hàng gần với nhau. Chúng có đặc điểm ngoại hình và tính cách tương đối giống nhau. Khi lai tạo giữa hai giống chó này, chó con ra đời không gây quá nhiều sự ngạc nhiên. Chúng vẫn giữ được những nét nổi bật trong tính cách và ngoại hình của con bố mẹ.
Cả hai con bố mẹ đều là những con chó bảo vệ tuyệt vời, điều đó có nghĩa sẽ tạo ra một giống chó lai mới thông minh và mạnh mẽ. Chó Rotterman sẽ sở hữu thân hình vạm vỡ, rắn chắc với sức mạnh, sức bền bỉ và sức chịu đựng cao. Đôi mắt lanh lợi, linh hoạt, ánh lên sự thông minh, không sợ hãi và cảnh giác.
Ngoài việc không phải là chó thuần chủng thì những chú Doberman lai Rottweiler còn hoàn hảo hơn con bố mẹ. Chúng có thể làm tốt hơn trong các nhiệm vụ như: bảo vệ, canh gác, chó nghiệp vụ cảnh sát cũng như các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.
Một số thông tin về Rotterman:
- Tuổi thọ: trung bình từ 9-12 năm.
- Trọng lượng: 35-55kg
- Chiều cao: 60-70cm.
Doberman Shepherd (Chó Doberman lai Becgie Đức German Shepherd)
Doberman Shepherd là một giống chó lai. Chúng là con lai giữa hai giống chó thuần chủng Doberman và Becgie Đức GSD. Trên thực tế thì hai giống chó này cũng có họ hàng gần với nhau. Becgie Đức là một trong những “người sáng lập” ra Doberman. Khi thực hiện phép lai giữa chúng, nguồn gen không bị biến đổi nhiều. Bạn sẽ thấy hầu hết chó lai Doberman Shepherd sẽ là sự kết hợp giữa thân hình của Becgie Đức và khuôn mặt của Doberman.
Con lai giữa hai giống chó này chắc chắn là một chú chó to lớn, khỏe mạnh và cơ bắp vững chắc. Chúng sẽ là những con chó bảo vệ tuyệt vời, có khả năng giữ nhà và canh gác tốt. Những chú Doberman Shepherd cũng khá hung dữ nếu không được huấn luyện bài bản từ nhỏ. Chúng thông minh, trung thành, sống tình cảm với chủ sở hữu nhưng không thân thiện với trẻ nhỏ.
Một số thông tin về Doberman Shepherd:
- Tuổi thọ: trung bình từ 10-13 năm.
- Trọng lượng: khoảng 45-55kg.
- Chiều cao: từ 55-65cm.
Doberdane (Chó Doberman lai Great Dane)
Doberdane là sự kết hợp giữa Doberman và giống chó Anh nổi tiếng Great Dane. Great Dane là một trong những giống chó to lớn nhất Thế Giới. Con lai giữa chúng ra đời hầu hết sẽ sở hữu thân hình đồ sộ vững chãi của Great Dane và một cái đầu nhỏ gọn của Doberman. Chúng thừa hưởng bộ lông siêu ngắn, óng ả và mượt mà, đặc biệt ít rụng của con bố mẹ. Màu lông đa phần sẽ giống Great Dane hơn.
Chó Doberman lai Great Dane sẽ có một tính khí tuyệt vời. Chúng là những con chó tinh nghịch, ham chơi nhưng trung thành, sống tình cảm. Doberdane cực kỳ cảnh giác với người lạ, đôi khi hung hăng nhưng là một con chó bảo vệ tuyệt vời.
Một số thông tin về Doberdane:
- Tuổi thọ: khá ngắn, từ 8-10 năm.
- Cân nặng: 45-65kg.
- Chiều cao: 69-80cm.
Doodleman (Chó Doberman lai Poodle)
Doodman là con lai hỗn hợp giữa hai giống chó Poodle và Doberman. Poodle vốn là giống chó nhỏ với ngoại hình siêu dễ thương, trái ngược hoàn toàn với Doberman. Khi thực hiện phép lai giữa chúng, con lai ra đời mang đặc điểm ngoại hình giống hệt chó Poodle nhưng thân hình to lớn, mảnh khảnh cùng đôi chân dài của Doberman. Chúng sở hữu đôi tai dài, mắt to tròn đen láy và bộ lông xoăn xù đặc trưng của chó Poodle.
Những chú Doodman cực kỳ thông minh do cả hai con bố mẹ đều nằm trong Top đầu những giống chó thông minh nhất Thế Giới. Chúng đã khắc phục được nhược điểm của Doberman là sự hung hăng. Doodman thân thiện, hòa đồng, có thể trở thành thú cưng tuyệt vời trong gia đình. Chúng còn là giống chó đa năng, có khả năng chăn gia súc, canh gác, bảo vệ hay chó quân sự, …
Một số thông tin về Doodman:
- Tuổi thọ: khá dài, từ 12-15 năm
- Cân nặng: 35-43kg
- Chiều cao: 65-72cm
Englishman (Chó Doberman lai Bulldog Anh)
Chó Englishman là con lai giữa Doberman và giống chó nổi tiếng Bulldog Anh. Ngoại hình 2 giống chó này không có nhiều sự tương đồng nên đàn con ra đời tạo ra sự ngạc nhiên lớn. Chúng sở hữu gương mặt cau có siêu hài hước với sự kết hợp hài hòa giữa Doberman và Bulldog. Thân hình cao to giống Doberman nhưng cơ bắp cuồn cuộn và cực kỳ rắn chắc. Bộ lông và màu lông đa phần thừa hưởng từ Doberman.
Những chú Doberman lai Bulldog đặc biệt trung thành và tận tụy với chủ nhân. Chúng cảnh giác, kiên định, luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tuy là chó lai nhưng khả năng canh gác còn tuyệt vời hơn so với chó thuần chủng. Chúng có thể thân thiện, hòa đồng và bớt hung dữ hơn so với con bố mẹ nếu được huấn luyện bài bản từ nhỏ.
Một số thông tin về Englishman:
- Tuổi thọ: trung bình từ 8 đến 10 năm.
- Cân nặng: từ 45-65kg.
- Chiều cao: 65-75cm.
Dobie (Chó Doberman lai Border Collie)
Dobie là một giống chó hỗn hợp. Chúng là sự giao thoa giữa Doberman Pinscher và Border Collie. Về ngoại hình, chúng sở hữu gương mặt đặc trưng của Border, thân hình to cao của Doberman. Bộ lông siêu ngắn và màu lông cũng giống Doberman nốt nhưng pha trộn thêm những đốm lông trắng ở phần cổ, ngực và chân giống Border Collie.
Nhìn chung, xét về tính cách, những chú chó Dobie cực kỳ thông minh, trung thành, không còn hung dữ như Doberman. Chúng đa phần may mắn được sở hữu những nét đáng yêu, dễ thương của Boder Collie. Dobie là những chú chó vui vẻ, thân thiện, hòa đồng với mọi thứ xung quanh. Chúng điềm tĩnh, không nóng vội, thích được chủ vuốt ve và thích được sự chú ý từ chủ.
Một số thông tin về chó lai Dobie:
- Tuổi thọ: trung bình từ 10-13 năm
- Cân nặng: 20-25kg
- Chiều cao: 55-65cm
Beagleman (Chó Doberman lai Beagle)
Beagleman là giống chó lai giữa hai giống thuần chủng là Beagle và Doberman. Beagle là một trong những giống chó săn nhỏ nhất Thế giới, chuyên được sử dụng để săn thỏ, cáo hoặc chồn. Khi phép lai giữa Beagle và Doberman to lớn, con lai ra đời thường sở hữu ngoại hình độc đáo, khá dễ thương. Gương mặt mang nhiều nét đặc trưng của Beagle, kích cỡ thân hình trung bình. Bộ lông ngắn tũn, ôm sát vào da với màu lông đặc trưng của Doberman.
Những chú Doberman lai Beagle sống động, đáng yêu, nhanh nhẹn và tràn đầy năng lượng. Chúng là lựa chọn thú cưng phổ biến ở các nước phương Tây dù không phải chó thuần chủng. Bản tính năng động, hoạt bát của Beagleman được thừa hưởng từ Beagleman. Điều cần thiết khi nuôi giống chó lai này là phải cho vận động thường xuyên để giải phóng năng lượng thừa, cung cấp cho chúng một chế độ luyện tập khoa học nhất.
Một số thông tin về Beagleman:
- Tuổi thọ: trung bình, từ 10 đến 12 năm.
- Cân nặng: 20 đến 27kg
- Chiều cao: 40-45cm
Lời kết:
Doberman không phải là thú nuôi hoàn hảo nhất vì chúng cũng có một số điểm yếu nhất định. Tuy nhiên, lựa chọn nuôi một bé Doberman chắc chắn sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi ích và những khung bậc cảm xúc khác nhau.