Từ lâu, Cây Hoắc Hương đã được xem như một loại thảo dược thần kỳ đối với sức khỏe con người. Vị thuốc có tác dụng trong việc chữa cảm cúm, sổ mũi, nôn mửa, tiêu chảy, ăn không tiêu. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại thảo dược này.
Giới thiệu chung về Cây Hoắc Hương
- Tên gọi khác: Thổ hoắc hương, quảng hoắc hương,
- Tên khoa học: Pogos cablin (Blanco) Benth.
- Họ: Họ Bạc hà (Lamiaceae)
Hoắc hương thuộc nhóm cây thân thảo, sống lâu năm, cây cao khoảng 30 – 60cm. Thân cây hoắc hương có hình trụ vuông, chia thành nhiều nhánh dài khoảng 40 – 50cm, đường kính khoảng 2 – 7mm, có nhiều lông tơ mềm. Cành giòn, dễ gãy, mặt gãy thường lộ rõ phần tủy. Thân cây già có lớp bần bám xung quanh, màu nâu xám.
Lá hoắc hương hình elip, mọc đối xứng, dài khoảng 4 – 9 cm, rộng 3 – 7 cm, cả 2 mặt lá đều có lớp lông mềm, màu trắng xám, chóp lá hơi nhọn hoặc tròn, mép lá có răng cưa. Lá hoắc hương có mùi thơm đặc trưng, vị hơi đắng.
Hoa hoắc hương có màu hồng hoặc tím nhạt, mọc ở phần ngọn cành hoặc nách lá. Quả bé, có hạt cứng. Mùa hoa quả hoắc hương thường rộ vào tháng 5 – 6, nhưng rất hiếm khi gặp cây nở hoa.
Khu vực phân bố
Dược liệu hoắc hương có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Mauritius, Philippines và Tây Phi. Tại Việt Nam, cây được trồng trong các vườn dược liệu.
Bộ phận dùng làm dược liệu
Hầu như các bộ phận của hoắc hương đều được sử dụng làm dược liệu. Nhưng trong đó, phần lá hoắc hương được sử dụng nhất. Người ta thường dùng phần lá hoắc hương có mùi thơm nồng để làm vị thuốc.
Thu hái, sơ chế
Người ta thường thu hái dược liệu vào tháng – 6 trong năm. Sau đó, rửa sạch và đem phơi hoặc sấy nhẹ dược liệu cho tới khi khô.
Bào chế thuốc
- Lá hoắc hương tươi đem thái nhỏ, sấy khô để dùng trong thang thuốc hoặc đem tán bột để làm hoàn tán.
- Chiết xuất tinh dầu hoặc bào chế dưới dạng cao lỏng.
Bảo quản
Dược liệu hoắc hương sau khi sơ chế thì cho vào túi hoặc lọ đậy kín nắp, bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh nơi có độ ẩm cao.
Thành phần hóa học
Dược liệu hoắc hương có chứa một số thành phần hóa học như:
- 1,2% tinh dầu
- 45% alcohol patchoulic
- 50% patchoulen
- aldehyd cinnamic
- benzaldehyd
- cadinen
- eugenol
- sesquiterpen
- epiguaipyridin
Vị thuốc hoắc hương
1- Tính vị
Hoắc hương có vị ngọt đắng, hơi cay, mùi thơm đặc trưng tính ôn. Tác dụng bảo vệ khí, ôn trung.
2- Quy kinh
Dược liệu đi vào 3 kinh là phế, tỳ, vị.
3 – Tác dụng dược lý và chủ trị của hoắc hương
Tác dụng của hoắc hương đó là:
- Quả hoắc hương có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn lây lan trên diện rộng. Các thử nghiệm trên cơ thể thỏ cho thấy, hoắc hương có tác dụng ức chế các loại nấm gây bệnh như tụ cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, leptospirosis, ecoli, liên cầu khuẩn tán huyết tuýp A,…
- Tinh dầu hoắc hương còn có khả năng kích thích tăng tiết dịch vị dạ dày.
- Hoắc hương có khả năng làm co túi mật chuột bạch khi được X – quang.
- Dược liệu hoắc hương còn có tác dụng chống thối.
4 – Cách dùng, liều lượng
Dược liệu hoắc hương được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà liều lượng dược liệu cũng thay đổi từ 8 – 12g.
5 – Độc tính
Khi sử dụng quá liều, dược liệu hoắc hương cũng có nguy cơ để lại một số độc tính như:
- Gây tổn thương gan
- Kích thích đường tiêu hóa làm việc quá sức
- Gây nôn mửa, đau đầu, chán ăn.
Không phải ai cũng gặp phải một số biểu hiện như trên. Cũng có thể có một số triệu chứng không được đề cập đến ở đây. Vì vậy để tìm hiểu rõ hơn, bạn nên tham khảo cụ thể ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.
Các bài thuốc hay sử dụng cây hoắc hương
Trị chứng nôn ói do thấp hàn bên trong
- Bài 1:
Dùng lá hoắc hương, trần bì, chế bán hạ mỗi vị 10g, đinh hương 2g đem đi sắc uống. Thực hiện liên tục bài thuốc, mỗi ngày 1 lần cho đến khi dứt điểm triệu chứng.
- Bài 2:
Hoắc hương, chế bán hạ mỗi vị 10g, trần bì, thương truật mỗi vị 6g đem đi sắc uống. Bài thuốc này có tác dụng cải thiện chứng viêm đường ruột thể hàn thấp.
- Bài 3:
Đẳng sâm, hoắc hương, xích phục linh, thương truật, hậu phác mỗi vị khoảng 10g, trần bì, bán hạ mỗi vị 5g, cam thảo 3g, gừng tươi 3 lát đem sắc lấy nước uống. Sử dụng thuốc khi còn ấm.
Trị chứng ngoại cảm hàn thấp
Bệnh nhân thường có triệu chứng tức ngực, đau đầu, đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn, phân lỏng có thể tham khảo và áp dụng một số bài thuốc sau đây:
- Bài 1:
Hoắc hương, đại phúc bì, khương bán hạ, phục linh mỗi vị 10g, bạch chỉ, tô tử, hậu phát, cát cánh, sinh khương mỗi vị 6g, trần bì 5g, cam thảo 3g, đại táo 10g đem đi sắc lấy nước uống.
- Bài 2:
Hoắc hương, bội lan mỗi vị 10g cũng sắc lấy nước để uống. Bài thuốc này thích hợp sử dụng trị cảm thương hàn, đau nặng đầu, tức ngực, buồn nôn, biếng ăn,…
Điều trị viêm da cơ địa bội nhiễm
Bệnh nhân có thể sử dụng hoắc hương độc vị hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác như hoàng tinh, đại hoàng, tao phàn để làm thuốc. Tán mịn các nguyên liệu thành bột mịn, sau đó trộn đều với nhau và đem ngâm với giấm khoảng 1 tuần. Lọc bỏ phần xác, dùng hỗn hợp này để ngâm tay và chân, mỗi lần ngâm khoảng 30 phút.
Cải thiện chứng đau bụng do đầy hơi
Dùng hậu phát, hoắc hương, mộc hương, chỉ thực mỗi vị 10g, sa nhân 5g, trần bì 3g để sắc lấy nước uống.
Trị chứng viêm xoang, viêm mũi dị ứng
Lấy khoảng 120g hoắc hương khô đem tán bột mịn, cho thêm mật heo với lượng vừa đủ để vo viên. Mỗi lần dùng khoảng 3g. Ngày sử dụng 2 lần với nước ấm. Kiên trì thực hiện khoảng 2 – 4 tuần.
Trị chứng khó tiêu, bụng sôi
Dùng hoắc hương, hoa cây đại, thạch xương bồ mỗi vị 12g, bưởi đào đốt cháy khoảng 6g. Tất cả nguyên liệu đem đi tán mịn, mỗi lần dùng khoảng 2g vào trước bữa ăn khoảng 20 phút. Ngày sử dụng 3 lần.
Ngoài ra, có thể sử dụng hoắc hương dưới dạng hãm trà để uống theo liều lượng đã chỉ định trên. Tuy không mang lại hiệu quả điều trị bệnh dứt điểm nhưng hoắc hương có khả năng cải thiện bệnh khá tốt.
Kiêng kỵ khi sử dụng hoắc hương
1 – Đối tượng không nên sử dụng hoắc hương
Dược liệu hoắc hương chống chỉ định với một số đối tượng sau:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Trẻ em
- Người bị dị ứng hoặc mẫn cảm với dược liệu.
Tốt nhất, nên chia nhỏ liều lượng dược liệu để tránh kích thích hệ tiêu hóa và một số tác dụng phụ không mong muốn.
2 – Tương tác thuốc
Hoắc hương có khả năng phản ứng với một số thuốc hoặc tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi bạn đang có nhu cầu sử dụng hoắc hương trong giai đoạn uống thuốc tây.
3 – Những điều cần lưu ý khi sử dụng hoắc hương
- Dược liệu này còn làm ảnh hưởng đến kết quả đo huyết áp, nhất là đối với những người có huyết áp thấp. Đừng nên sử dụng dược liệu này trước khi thực hiện đo huyết áp.
- Không sử dụng hoắc hương trước khi phẫu thuật khoảng 2 tuần.
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp, nhịp tim, xét nghiệm gan định kỳ để theo dõi tình trạng độc tố tích tụ trong gan.
- Bảo quản và sử dụng dược liệu đảm bảo, không nên sử dụng dược liệu bị ẩm mốc, có mùi khác lạ.
Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Cây Hoắc Hương do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Cây Hoắc Hương là vị thuốc với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.
- Cây Kim Ngân Lượng – Cây phong thủy mang lại may mắn và tài lộc cho gia chủ
- Lan Móng Rùa – Cách trồng lan móng rùa cho nhiều hoa đẹp
- Mèo Anh lông ngắn – Những loại mèo Anh lông ngắn nổi tiếng nhất hiện nay
- Cây Sen Thơm – cây cảnh để trên bàn, để văn phòng làm việc
- Cây Lá Móng Tay – Đặc điểm, công dụng và những lưu ý khi sử dụng