Cây Cúc Vạn Thọ – Đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc

Trong cuộc sống mỗi loài hoa đều mang một nét đẹp, một mùi hương hay một ý nghĩa biểu tượng riêng tạo nên điểm đặc trưng của mình. Và Cây Cúc Vạn Thọ cũng vậy, được xem là biểu tượng của sự trường tồn, vĩnh cửu, thường được sử dụng trong các dịp lễ Tết. Tuy nhiên, hoa cúc vạn thọ có đặc điểm gì, cách trồng và cách chăm sóc ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay dưới đây nhé.

Giới thiệu về cây cúc vạn thọ

Cúc vạn thọ là loài hoa có nguồn gốc từ nam Hoa Kỳ, Mexico và Nam Mỹ, có tên khoa học là Tagetes erecta L. Chi cúc vạn thọ thuộc họ Asteraceae, cùng họ với hoa cúc. Cúc vạn thọ có kích thước từ 50 – 150cm, lá hình lông chim, có màu xanh lục. Thường được trồng vào những dịp lễ, Tết để trang trí hoặc tặng người thân.

Cây Cúc Vạn Thọ
Cây Cúc Vạn Thọ

Cúc vạn thọ có các tán lá có mùi thơm như xạ, các cánh hoa lớn, xếp chồng lên nhau, hoa dạng đầu tỏa tròn, có đường kính từ 5 – 8cm. Đây là loài cây thích hợp trồng ở nơi nóng ẩm, nhiều ánh sáng và có tốc độ sinh trưởng tương đối nhanh.

Tùy vào đặc điểm xuất xứ mà cúc vạn thọ có những tên gọi khác nhau: hoa cúc vạn thọ Pháp, cúc vạn thọ Tây, hoa cúc vạn thọ Mỹ,… Tuy nhiên được trồng phổ biến nhất vẫn là các giống T.patula.

Ý nghĩa của hoa cúc vạn thọ

Hoa cúc vạn thọ không chỉ thu hút ánh nhìn bởi màu sắc hoa nổi bật hay từng cánh hoa mềm mại, mà còn bởi vì ý nghĩa biểu tượng sâu sắc của loài hoa này. Dưới đây là ý nghĩa hoa cúc vạn thọ:

  • Đó biểu tượng cho vẻ đẹp, sự ấm áp của mặt trời mọc
  • Là sự đau buồn, tuyệt vọng của tình yêu hay cái chết
  • Là sự nỗ lực, cố gắng vươn lên trong cuộc sống
  • Là sự cổ vũ cho một chiến thắng nào đó
  • Biểu tượng cho một sức khỏe trường tồn, một gia đình hòa thuận, ấm êm

Có thể thấy, hoa cúc vạn thọ mang trong mình cả những ý nghĩa tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, đây vẫn là một loài hoa được nhiều người yêu thích lựa chọn. Và nếu tìm hiểu kỹ hơn thì với mỗi vùng, mỗi màu sắc hoa thì lại mang một ý nghĩa độc đáo khác.

Cây Cúc Vạn Thọ - Đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc 1

Theo văn hóa

Như đã giới thiệu ở trên, hoa cúc vạn thọ có nguồn gốc từ Nam Mỹ, Mexico và dần lan rộng ra khắp châu Á. Và với mỗi vùng thì lại mang một ý nghĩa biểu tượng độc đáo khác nhau:

+ Mexico: Hoa cúc vạn thọ ở Mexico được gọi là cempasúchilg, thường được dùng để tưởng nhớ đến người thân, bạn bè đã khuất trong dịp lễ “Dia de Muertos”.

+ Văn hóa châu Âu: Từ xưa, người châu Âu đã xem hoa cúc vạn thọ là loài hoa tượng trưng cho sự đau khổ, tuyệt vọng trong tình yêu, đó là sự mất mát, thất vọng, một sự thật tàn nhẫn mà họ phải đối diện.

Còn đối với người châu Âu hiện đại thì họ lại xem hoa cúc vạn thọ như là biểu tượng cho sự ấm áp, thành công và lạc quan trong cuộc sống.

+ Văn hóa châu Á: Hoa cúc vạn thọ từ lâu đã ăn sâu vào đời sống văn hóa của người châu Á nói chung và người dân Việt Nam nói riêng. Nó biểu tượng cho những thứ thiêng liêng nên thường sử dụng cúng lên thần linh, người đã khuất.

Ngoài ra, hoa còn tượng trưng cho sự may mắn, thành công trong cuộc sống.

Cây Cúc Vạn Thọ - Đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc 2

Theo màu sắc hoa

Ngoài những ý nghĩa ở trên thì cúc vạn thọ ý nghĩa còn được phân theo màu sắc của hoa. Với mỗi màu sắc thì hoa lại mang một ý nghĩa biểu tượng:

+ Hoa cúc vạn thọ đỏ: biểu tượng cho sự trường tồn, gắn bó, cho sức khỏe của người thân trong gia đình.

+ Hoa cúc vạn thọ vàng: tượng trưng cho sự lạc quan, yêu đời, luôn hướng đến tương lai tươi sáng.

Công dụng của cúc vạn thọ

Không chỉ là một loài hoa đẹp mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, cúc vạn thọ còn được biết đến với nhiều công dụng khác:

Trong y học

Trong y học cổ truyền, người ta sử dụng cúc vạn thọ để điều trị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như: đau dạ dày, đau bụng, làm mát gan,… Còn ngày nay, trong y học hiện đại thì cúc vạn thọ còn dùng để chiết xuất lutein (chất chống oxy hóa giúp cải thiện thị giác và các bệnh về mắt).

Trong công nghiệp thực phẩm

Trong công nghiệp thực phẩm, cây cúc vạn thọ có thể sử dụng làm tinh dầu hoặc màu thực phẩm sử dụng trong chế biến món ăn. Thường được sử dụng ở các nước trong EU, Úc và New Zealand. Ngoài ra, cúc vạn thọ còn được sử dụng trong chế biến món ăn ở Ấn Độ hay Campuchia.

Cây Cúc Vạn Thọ - Đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc 3

Trong cuộc sống

Cúc vạn thọ với sắc hoa rực rỡ và hương thơm ngào ngạt giúp trang trí thêm không gian trong nhà bạn. Ngoài ra, trồng cây cúc vạn thọ trong nhà còn đem đến ý nghĩa trường tồn về sức khỏe, đem đến những may mắn vào dịp Tết.

Cách trồng hoa cúc vạn thọ

Được xem là loài hoa mang lại giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao nên cúc vạn thọ được rất nhiều người yêu thích trồng tại nhà vào mỗi dịp Tết. Nếu bạn chưa biết cách trồng cúc vạn thọ thì hãy tham khảo ngay dưới đây:

Cách nhân giống cây cúc vạn thọ

Cây cúc vạn thọ thường được nhân giống bằng hai phương pháp: giâm cành hoặc gieo hạt. Tuy nhiên, phương pháp giâm cành thường được các hộ gia đình áp dụng nhiều nhất vì thời gian gieo trồng ngắn, lại đảm bảo được cây con phát triển mạnh, mang những gen trội của cây mẹ.

Cây Cúc Vạn Thọ - Đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc 4

Giâm cành

Để giâm cành cúc vạn thọ cho hoa vào dịp Tết thì bạn nên thực hiện vào mùa xuân hoặc đầu hè. Và bạn cần tham khảo các bước sau đây:

Chuẩn bị khay chậu đất: Trước khi cắt hom giống cành thì bạn cần chuẩn bị khay chậu đất, trộn lẫn các hỗn hợp đất và than bùn, phân bón. Sau đó để đất nghỉ khoảng 1 – 5 tiếng, để loại bỏ đi các nấm bệnh còn tồn tại trong đất.

Cắt cành giâm: Lựa chọn cành giâm khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại, cắt phần thân dài từ 10cm. Lưu ý nên sử dụng kéo sắc, chọn cành không quá non hoặc quá già.

Xử lý cành giâm: Cành giâm sau khi được cắt thì loại bỏ hết các phần lá ở nữa dưới của thân, để lại một ít ở phần đầu ngọn. Tiếp theo tiến hành ngâm cành qua dung dịch IBA kích thích mọc rễ.

Giâm cành: Cành giâm sau khi xử lý xong thì đem đi trồng ngay. Nên trồng sâu hơn 5cm, giữ cho phần đất luôn được ẩm để cây nhanh mọc rễ. Sau khoảng 2 – 4 tuần thì cây sẽ phát triển. Lúc này có thể chuyển cây vào trồng trong chậu và chăm sóc.

Cây Cúc Vạn Thọ - Đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc 5

Gieo hạt

Cúc vạn thọ còn được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt. Tuy nhiên cách này thường mất khá nhiều thời gian mà hiệu quả đem lại không cao, và thường được áp dụng đối với các nhà vườn. Dưới đây là cách nhân giống mà bạn có thể tham khảo:

  • Lựa chọn hạt giống hoa cúc vạn thọ: Bạn nên mua ở những địa chỉ bán hạt giống uy tín, chọn những hạt đều nhau, không bị sâu bệnh hay côn trùng tấn công.
  • Xử lý hạt giống: Hạt giống sau khi mua về thì đem đi ngâm với nước.
  • Gieo trồng: Sau đó tiến hành gieo trồng ở luống. Lưu ý nên phủ một lớp mùn hoặc cỏ khô lên phía trên để giúp giữ ẩm và hạn chế côn trùng tấn công hạt.

Kỹ thuật trồng hoa cúc vạn thọ

Sau khi nhân giống cây trồng xong thì bạn sẽ tiến hành đem đi gieo trồng. Dưới đây là kỹ thuật trồng cúc vạn thọ mà bạn có thể tham khảo:

Trồng ra đất

Nên trộn hỗn hợp đất với phân như sau: 3 khối phân chuồng + 100kg lân + 50kg NPK cho 1000m2, sau đó đợi trong khoảng từ 1 – 2 ngày rồi mới trồng cây con vào.

Chiều cao luống khoảng 100 – 150cm, khoảng cách trung bình là 30 x 35cm để cây có thể phát triển.

Thường xuyên xáo cỏ, tưới nước để cây nhanh phát triển.

Trồng trong chậu

Bạn có thể trồng 1 – 5 cây trong một chậu (tùy vào kích thước của chậu).

Sử dụng khoảng 500g đất thịt + 300g phân hoại + 10g bánh dầu và 300g tro trấu, trộn đều và tiến hành trồng.

Trồng xong thì ấn chặt phần gốc cây, sau đó tưới nước để cây đứng vững và phát triển nhanh chóng.

Cách chăm sóc hoa ngày Tết

Cúc vạn thọ là loài hoa phổ biến trong các ngày Tết cổ truyền Việt Nam, vậy làm thế nào để chăm sóc hoa luôn tươi đây. Hãy tham khảo ngay dưới đây:

Tưới nước

Cúc vạn thọ là loại cây ưa ẩm trung bình, vì thế mà bạn không cần tưới nước quá nhiều, sẽ khiến cho cây dễ bị thối rễ và chết. Chính vì thế, trung bình một tuần bạn nên tưới nước cho cây khoảng 2 – 3 lần, tùy vào thời tiết

Bón phân

Bón phân là một phần quan trọng giúp cho cúc vạn thọ phát triển và hoa luôn tươi đấy. Và bạn có thể tham khảo phương pháp sau đây:

Trồng ra đất: Sau khoảng 10 ngày trồng thì bạn nên hòa dung dịch DAP với nước để tưới vào gốc cây, giúp cây phát triển. Và bón phân theo định kỳ từ 10 – 20 ngày/lần.

Trồng trong chậu: Đối với cây trong chậu thì cần nhiều chất dinh dưỡng hơn, nên bạn cần bổ sung bánh dầu, phân NPK bón sau 15 ngày trồng, nên hòa tan dung dịch với nước để tưới.

Cơi ngọn

Cây sau khi trồng được khoảng 1 – 1,5 tháng thì sẽ tiến hành cơi ngọn, đối với những cây phát triển tốt thì nên để lại 5 – 6 cặp lá, cây kém phát triển thì để lại 4 cặp lá. Sau khi cơi ngọn xong thì sử dụng phân bón để tạo mầm chồi, bỏ hết các chồi nhỏ, chỉ để lại nụ chính đến khi phát triển ra hoa.

Ánh sáng

Cúc vạn thọ là cây ưa sáng, vì thế mà thường được đặt ở những nơi có ánh sáng tốt, giúp cây quang hợp và phát triển tốt. Tuy nhiên, đối với những cây non thì bạn nên hạn chế cho ra nơi có ánh sáng mạnh, sẽ khiến cho lá cây dễ bị cháy.

Phòng ngừa sâu bệnh

Cúc vạn thọ thường bị các sâu bệnh hại như: cháy lá, quãn đọt. héo, sâu,… Nguyên nhân chính là do độ ẩm quá cao, độ dinh dưỡng không đạt yêu cầu hay tưới nước quá mạnh khiến cây bị ảnh hưởng. Chính vì thế để phòng ngừa bạn nên sử dụng thuốc Foraxyl, Aliette,… để diệt khuẩn, nấm.

Ngoài ra, giai đoạn hoa bắt đầu ló ngòng thì bạn nên phun thuốc trừ sâu Supracide, Viphenxa pha loãng để xua đuổi bướm không đẻ trứng vào hoa, gây hại cho hoa khi nở.

Trên đây là những thông tin về đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc Cây Cúc Vạn Thọ do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng với những thông tin mà mình vừa chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn chăm sóc hoa cúc vạn thọ ở nhà mình nhé.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *