Cây tam xoa khổ (ở Việt Nam thường gọi là cây ba chạc) mọc nhiều ở vùng đồi núi, đồng bằng… chủ yếu là những khu vực nhiệt đới. Mỗi nhánh của cây đều mọc 3 lá, nhìn giống như chân gà nên mới có tên gọi là cây ba chạc. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc cây Ba Chạc, cùng theo dõi nhé!
Giới thiệu chung về Cây Ba Chạc
- Tên khác: Cây dầu dầu, chè cỏ, bí bái, mạt, dầu dấu, chè đắng, tam xoa khổ, tam nha khổ, chằng ba
- Tên gọi khoa học: Euodia lepta (Spreng) Merr
- Họ – Chi: Họ cam ( Rutaceae ), chi Melicope
Đặc điểm của cây ba chạc
- Cây thân gỗ có chiều cao trung bình từ 2 đến 8 mét. Khi phát triển, cây đâm nhiều nhánh con có màu đỏ tro
- Lá kép, màu xanh, mọc đối, hình trái xoan, có cuống dài bao gồm 3 lá chét, lá non chứa nhiều lông mịn.
- Hoa ba chạc thường phát triển vào tháng 4 – 5. Chúng mọc thành cụm màu trắng nhỏ li ti đâm ra ở nách các lá và có kích thước ngắn hơn so với lá.
- Vào tháng 6 -7, cây sẽ cho quả. Quả đơn khô ( quả nang), hình trái xoan, mọc thành cụm thưa có cạnh ngoài nhăn nheo chứa từ 1 tới 4 hạch nhẵn. Quả non màu xanh, khi chín có màu đỏ
- Hạt bóng, hình cầu, màu đen lam có đường kính cỡ 2mm
Phân bố
Cây ba chạc sinh trưởng chủ yếu trên các đồi cây bụi. Ngoài ra, cây cũng được tìm thấy ở rìa rừng, các khu rừng mọc thưa thớt hoặc một số tỉnh miền núi nước ta ( Điện Biên, Sơn La hay Lâm Đồng…)
Một số quốc gia khác cũng có ba chạc như: Trung Quốc, Philippin,…
Bộ phận dùng
Bộ phận được sử dụng làm dược liệu từ cây ba chạc bao gồm các bộ phận như lá, thân, cành và rễ. Trong đó, rễ và lá được sử dụng phổ biến hơn cả.
Thu hái và sơ chế ba chạc
- Thu hái: Rễ và lá ba chạc được thu hái quanh năm
- Sơ chế: Các bộ phận của cây được đem về rửa sạch đất cát. Phần rễ thái nhỏ và phơi ngoài nắng to cho thật khô. Trong khi đó, lá cũng được làm khô bằng cách phơi trong bóng râm hoặc đem sấy để giữ được toàn bộ giá trị dược liệu của nó.
Bảo quản
Bảo quản dược liệu ba chạc khô trong hũ có nắp đậy kín, để nơi thoáng mát. Tránh để thuốc nơi ẩm ướt hoặc lưu trữ trong tủ lạnh.
Thành phần hóa học của ba chạc
Phân tích thành phần hóa học của ba chạc cho thấy:
- Trong rễ ba chạc chứa alcaloid. Đây là hợp chất chứa dị vòng nito được tìm thấy ở nhiều loại thực vật, có tính kiềm .
- Lá chủ yếu chứa tinh dầu
Tìm hiểu về vị thuốc ba chạc
Tính vị
Ba chạc tính lạnh, có vị đắng, mùi thơm nhẹ
Quy kinh
Can và tỳ vị
Tác dụng dược lý của vị thuốc ba chác
Trong Đông y, ba chạc có tác dụng giải nhiệt, giảm đau, giải độc, trừ thấp, trị ngứa. Một số công trình nghiên cứu từ y học hiện đại cũng cho thấy, vị thuốc này có thể giúp hạ cholesterol, ổn định huyết áp, cải thiện tình trạng máu nhiễm mỡ.
Tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã phá hiện ra đặc tính kháng khuẩn của ba chạc. Cụ thể, sử dụng nước sắc lá ba chạc có thể giúp ức chế sự phát triển của trực khuẩn lỵ Shigella.
Tiến hành thử nghiệm cao và nước sắc từ lá , cành non của ba chạc trên bồ câu cho thấy có sự hình thành tuyến sữa và tăng tiết sữa ở 1/5 trong tổng số chim được thử nghiệm.
– Chủ trị:
- Lá dùng trong điều trị bệnh chốc đầu, ghẻ, ho, viêm họng, chán ăn, phụ nữ sau sinh ít sữa, co giật ở trẻ em, eczema, mụn nhọt, nhiễm trùng da….
- Lá và bỏ thân: Chủ trị đau nhức xương khớp, đau gân, trị phong thấp, tê bại tay chân, liệt nửa người, rối loạn kinh nguyệt, giải độc và kích thích tiêu hóa.
Cách dùng, liều lượng
- Dùng ngoài: Lá và cành ba chạc dùng dạng tươi, nấu nước rửa tổn thương và cải thiện các vấn đề ngoài da.
- Sắc uống: Mỗi ngày 10 – 15g lá hoặc 9-30g rễ, 4 – 12g thân sắc uống theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Bài thuốc sử dụng ba chạc
1. Chữa bệnh ghẻ, chốc đầu
Nấu 1 nắm lá ba chạc lấy nước đặc tắm rửa vùng da tổn thương. Dùng lá dưới dạng tươi hoặc khô.
2. Chữa chán ăn, bồi bổ cơ thể, cải thiện khả năng tiêu hóa
Dùng 10 – 15g rễ ( có thể thay thế bằng thân vỏ) nấu với 1 lít nước chia làm nhiều lần uống trong ngày. Dùng thuốc đều đặn trong 30 ngày liên tục.
3. Chữa phong thấp, đau nhức xương khớp
- Cách 1: Lấy 15g rễ (hay vỏ cây)sắc với 1 lít nước uống thay thế một phần nước lọc trong ngày hoặc ngâm rượu uống.
- Cách 2: Dùng 1 nắm lá ba chạc dạng tươi, 1 nắm lá tầm gửi thu hái từ cây sau sau. Rửa sạch các nguyên liệu trên, ngâm trong nước muối 20 phút rồi giã nát, đắp vào khu vực bị đau nhức trên cơ thể mỗi ngày 1 lần. Một liệu trình dùng thuốc kéo dài trong 7 – 10 ngày.
- Cách 3: Chuẩn bị một số nguyên liệu gồm ba chạc, cốt khí, bưởi bung, kim lê, độc lực, rẻ gấc, cà vạnh, lá lốt, dây chỉ, lá cà phê mỗi vị 15g. Trộn lẫn chúng với nhau và cho vào ấm sắc với 600ml. Canh cho đến khi thuốc còn lại 100ml thì gạn ra chia uống 2 lần.
4. Chữa ngộ lá ngón, giải độc gan
Chuẩn bị 15 – 20g ba chạc ( dùng lá, vỏ thân hay rễ đều được). Sắc nước uống.
5. Phòng ngừa cảm cúm, viêm não
Nguyên liệu cần có: Ba chạc, đơn buốt và cúc chỉ thiên mỗi vị 15g, rau má 30g. Sắc bằng nồi đất uống mỗi ngày 1 thang.
6. Kích thích tiêu hóa, lợi sữa cho phụ nữ sau sinh
- Cách 1: Lấy 10g rễ ba chạc sắc uống
- Cách 2: Dùng 16g lá sắc cùng 6 bát nước. Sắc lửa nhỏ liu riu trong 30 phút cho đến khi nước cạn còn 3 chén. Chia uống làm 3 lần/ngày. Ngày dùng 1 thang liên tục trong 7 ngày.
7. Chữa nổi mẩn ngứa trên da
Hái 50 – 100g lá và cành non của cây bá chạc đem về rửa qua nhiều lần nước cho thật sạch. Cho hết vào nồi nấu cùng 5 lít nước trong ít nhất 30 phút.
Khi sử dụng, gạn lấy nước để nguội dùng tắm. Trong lúc tắm lấy bã chà nhẹ vào khu vực nổi mẩn ngứa trên da. Mỗi ngày tắm một lần cho đến khi da được chữa lành hoàn toàn.
8. Điều trị rối loạn kinh nguyệt
Lấy 12g rễ ba chạc sắc lấy 400ml nước chia làm 3 phần đều nhau uống hết trong ngày. Lưu ý uống thuốc trước khi hành kinh 15 ngày.
9. Chữa viêm họng, đau họng, sốt co giật
Mỗi ngày sắc 20 – 40g lá uống hoặc dùng dưới dạng cao.
10. Trị đau nhức xương khớp, đau gân, liệt nửa người
Dùng 4 – 12g rễ khô sắc uống. Có thể thay thế rễ bằng vỏ thân.
11. Cầm máu vết thương
Kết hợp lá ba chạc tươi với cỏ nhọ nồi theo tỷ lệ 1:2. Rửa sạch thuốc, giã nát đắp vào nơi cần điều trị rồi băng lại.
12. Chữa tổn thương ngoài da, tiêu viêm kích thích lên da non
Dùng 2 phần lá ba chạc tươi và một phần cỏ nhọ nồi. Đem giã và đắp vào tổn thương tương tự như khi cầm máu. Qua ngày hôm sau thay thuốc mới.
Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng cây ba chạc
Trong quá trình điều trị bệnh bằng ba chạc cần lưu ý:
- Thăm khám và hỏi ý kiến thấy thuốc trước khi dùng
- Tuân thủ đúng liều lượng cho phép. Tránh sử dụng thuốc trong nhiều tháng liên tục.
- Đối với mỗi chứng bệnh, nên có chế độ kiêng cữ thích hợp để không làm ảnh hưởng đến tác dụng của bá chạc.
- Thông báo cho thầy thuốc biết tất cả các loại tân dược, sản phẩm bổ sung bạn đang sử dụng nhằm tránh hiện tượng tương tác thuốc.
Cách trồng và chăm sóc Cây Ba Chạc
Cách trồng cây Ba Chạc bằng phương pháp giâm cành
Tương tự như những cây dược liệu thân gỗ khác, cây Ba Chạc cũng có thể sử dụng cành để trồng theo phương pháp giâm cành. Những cành được chọn làm giống cây không được quá già, cũng không được quá non để đảm bảo tỷ lệ ra rễ được cao.
Cây con không thực sự phù hợp với trời nắng gắt. Không chỉ vậy, đất được cung cấp đủ ẩm, tơi xốp giúp cây phát triển tốt hơn. Do đó, mùa mưa là thời điểm hợp lý để trồng cây Ba Chạc. Ngoài ra, bạn có thể tận dụng nước mưa từ tự nhiên thay vì tự mình chăm, tưới, tiết kiệm thời gian, công sức.
Khi cắt cành làm giống, cần phải cắt tại những mắt của cành, lựa chọn cành có sẵn chồi non. Mỗi cành giống cắt từ 15 – 30cm, lựa chọn giữ lại phần có chồi non và để lại một vài lá để duy trì quá trình quang hợp của cành, kích thích mọc rễ non nhanh hơn.
Trong quá trình giâm cành, nên tiến hành giâm nhiều cành cùng một lúc để tăng khả năng thành công hơn. Vì đôi khi, vì những lý do tác động từ yếu tố bên ngoài khiến việc giâm cành không thành công.
Khi giâm cành, cần xới đất lên cho thật tới, xử lý đất bằng vôi để loại bỏ mầm bệnh, nấm mốc trong đất. Cần cắm cành nghiêng về một bên đất, ¾ cành nằm dưới mặt đất, chừa phần lá và chồi non trên mặt đất. Sau khi cắm cành, cần che chắn cho cành để tránh nắng làm cho cành bị héo, hoặc tác động của côn trùng lên chồi non.
Tiến hành tưới nước thường xuyên, đặc biệt chú ý đến việc làm cho lá cây được ướt, duy trì độ tươi cho cành, giúp rễ dễ mọc ra hơn. Sau khoảng 30 – 40 ngày thì cành đã có thể ra rễ và phát triển thành một cây mới.
Cách trồng cây Ba Chạc bằng phương pháp chiết cành
Đây là phương pháp có tỉ lệ thành công cao, cây con phát triển tốt và nhanh cho thu hoạch. Tuy nhiên, yêu cầu độ chính xác trong quá trình thực hiện cao. Người chiết cành phải có kỹ thuật tốt trong việc lựa chọn cành chiết cũng như kỹ thuật chiết cành.
Cành được chọn làm cành chiết phải thuộc cây mẹ có tuổi thọ trên 3 năm tuổi, đường kính của cành phải từ 1cm – 3cm. Đặc biệt, nên chọn những cành gần với gốc cây nhất, vì đây là những cành đã trưởng thành, tỉ lệ thành công sẽ cao hơn. Nên chiết vào đầu mùa mưa, vì lúc này, lựa cây lưu thông mạnh hơn và thời tiết cũng thuận lợi, tránh việc cành chiết bị khô héo.
Cách tiến hành chiết cành như sau:
Dùng một con dao sắc, rạch vào phần vỏ của cành được chọn làm cành chiết, cắt một khoanh vỏ có chiều dài từ 3 – 5cm. Tránh tác động đến phần gỗ bên trong, ảnh hưởng đến chất lượng cành. Sau khi đã cạo sạch phần vỏ của cành, đợi khoảng 1 – 2 ngày để tầng mặt gỗ được khô thì mới đắp đất lên vị trí đã được cạo đi phần vỏ.
Lớp đất này giống như môi trường giữ ẩm và là nơi để kích thích rễ mọc ra từ vị trí lớp vỏ được cạo kia. Vì vậy, lượng đất được đắp vào phải đảm bảo sạch nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh. Dùng bọc ni lông bao bọc phần đất lại và cột cố định trên cành cây chiết. Đầu trên của bọc cần cột chặt, còn đầu dưới cần cột mỏng hơn phòng trường hợp nước mưa có thể chảy ra ngoài, tránh bị úng.
Sau khoảng một tháng, kiểm tra xem khi tại vị trí chiết đã có rễ thì có thể tiến hành cắt khỏi cây mẹ và trồng xuống đất. Loại cây này khá dễ trồng, chỉ cần tưới nước đầy đủ và bảo vệ cây khỏi sâu bệnh xâm hại bằng những phương pháp thủ công như bắt sâu hoặc dùng thuốc. Tuy nhiên, khi bạn trồng để sử dụng tại nhà, cần tuân thủ theo liều lượng và hướng dẫn trên bao bì của thuốc.
Các loại sâu bệnh thường gặp khi trồng cây ba chạc và cách xử lý
Mùa mưa là mà thích hợp để trồng cây. Tuy nhiên cũng tại thời điểm này, nếu như người trồng không chú ý trong khâu làm sạch đất cũng như phòng ngừa sâu bệnh thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm mốc xuất hiện. Thêm vào đó là sự xuất hiện của sâu đục thân gây hại cho cây non.
Đối với loại sâu đục thân này, trước hết sau khi phát hiện thì nên dùng dây mây hoặc những cành cây nhỏ, luồn vào trong lỗ phát hiện sâu để ngoáy và tìm cách đưa con sâu ra khỏi cành.
Tiếp theo dùng kim tiêm tiêm thuốc diệt sâu độc thân vào trong thân cây để phòng ngừa sự xuất hiện của con sâu mới.
Ngoài ra, ong, muỗi hoặc dế cũng là yếu tố gây hại đến chồi non của cây. Để tránh trường hợp này bạn có thể dùng cách phủ kín mặt trên của cành đã giâm hoặc chiết. Bạn cũng có thể dùng hạt long não, bỏ vào những túi thơm nhỏ và
Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh, cách trồng và chăm sóc Cây Ba Chạc do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng rằng bào viết của chúng tôi sẽ đem đến cho các bạn những thông tin bổ ích nhé!
- Cá Măng – Đặc điểm sinh học và kỹ thuật nuôi cá Măng đạt năng suất cao
- Cây hoa trúc đào là gì? – Cách trồng và chăm sóc cây hoa trúc đào
- Cây Chuối Tràng Pháo – Đặc điểm, cách trồng và chăm sóc chuối tràng pháo
- Chè Vằng – Đặc Điểm, Công Dụng Và Những Lưu Ý Khi Sử Dụng
- Cây Thiên Lý – Đặc Điểm, Công Dụng Và Những Lưu Ý Khi Sử Dụng