Cam Thảo Dây đã được sử dụng trong dân gian từ lâu. Mỗi một bộ phận của cây đều được dùng như một vị thuốc. Lá có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt nhuận phế sinh tân theo y học cổ truyền. Dưới góc nhìn y học hiện đại, các công trình nghiên cứu cho thấy loài cây này có nhiều tác dụng, nổi bật là kháng viêm, kháng khuẩn. Cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.
Giới thiệu chung về Cam Thảo Dây
- Tên gọi khác: Tương tư tử, Tương tư đậu, Cườm cườm dây, Dây chi chi, Tương tư đằng
- Tên gọi khoa học: Abrus Precatorius L
- Họ: Đậu – Fabaceae
Đặc điểm sinh thái
Cam thảo dây là một loại dược liệu có thân dây, mọc bò dưới mặt đất, cành nhỏ gầy, thân có nhiều xơ. Lá dược liệu kép, có hình lông chim, độ dài cả phần lá khoảng 15 – 24 cm, có 8 – 20 chét lá đôi. Phiến lá dài có hình chữ nhật, dài 5 – 20 mm, rộng 3 – 8 mm, cuống lá thường ngắn.
Hoa Cam thảo dây có màu hồng, mọc thành chùm nhỏ ở các kẽ lá hay ở đầu cành, cánh hoa có hình bướm. Quả cây thon, bề mặt có lông ngắn, dài khoảng 5 cm, rộng 5 – 12 mm, dày khoảng 8 mm. Bên trong chứa 3 – 7 hạt. Hạt có hình trứng, vỏ rất cứng, màu đỏ, sáng bóng với một điểm đen lớn ở gốc hạt.
Bộ phận sử dụng dược liệu
Toàn thân Cam thảo dây được ứng dụng để làm dược liệu.
Rễ và lá được sử dụng tương tự như Cam thảo bắc, còn có tên dược liệu là Liane Reglisse. Hạt Cam thảo dây hay còn gọi là Tương tư tử có chứa độc tố, thường được sử dụng ngoài da, có tên dược liệu là Seemn Abri.
Phân bố
Cam thảo mọc hoang ở nhiều nơi ở nước ta. Hiện tại, ở một số nơi, Cam thảo dây đã được trồng để ứng dụng làm dược liệu.
Thu hái – Sơ chế
Cam thảo dây sau khi thu hái dây và lá, mang về rửa sạch, cắt thành từng đoạn nhỏ, quấn lại thành bó, phơi hoặc sấy khô.
Rễ Cam thảo dây được thu hái vào mùa xuân – hè, quả thu hoạch vào cuối thu, thu hái, phơi khô, đập bỏ phần hạt.
Bảo quản dược liệu
Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh độ ẩm cao. Thỉnh thoảng có thể mang ra phơi nắng để tránh ẩm mốc.
Thành phần hóa học
Rễ, thân và lá Cam thảo dây có chứa một hoạt chất tương tự như Glyxyrizin trong Cam thảo bắc. Tuy nhiên, các hoạt chất ở Cam thảo dây ít ngọt, đắng và khó chịu hơn ở Cam thảo bắc.
Tương tư tử chứa một chất độc Protit có tên là Abrin. Đây là chất độc chứa tinh thể Glucoxit, men tiêu hóa chất béo, chất Henagglutinin, chất béo Lipaza 2.5% có thể làm vón cục máu và lên men Ureaza.
Vị thuốc Cam thảo dây
Tính vị
Tương tư đằng tính mát, vị ngọt.
Quy kinh
Tương tư đằng quy vào 12 kinh.
Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu y học hiện đại:
Chất Abrin có trong hạt Cam thảo dây có thể gây vón hồng cầu. Khi nhỏ vài giọt dung dịch Abrin vào kết mạc mắt có thể gây phù tấy kết mạc và gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn.
Theo y học cổ truyền:
- Sinh tân
- Chỉ khát
- Thanh nhuận
- Nhuận phế
Tác dụng của cây cam thảo dây:
- Chữa ho, giải cảm và thay thế Cam thảo bắc trong một số trường hợp.
- Dùng ngoài có tác dụng sát trùng.
- Đắp lên mắt để chữa đau mắt hột, đau mắt thông thường.
- Tại Đông phi, một số nước dùng để chữa rắn độc cắn.
Cách dùng – Liều lượng
Cam thảo dây có thể dùng dưới dạng sắc uống, thoa ngoài, có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác.
Liều lượng sử dụng khuyến cáo: 8 – 16 g, tùy thuộc vào đơn thuốc, chỉ định của bác sĩ và tình trạng của người bệnh.
Bài thuốc sử dụng Cam thảo dây
1. Bài thuốc Dinh huyết giải độc thang dùng điều trị thủy đậu
Sử dụng Cam thảo dây, Sinh đại, Ngân hoa, Lục đậu bì (vỏ đậu xanh), mỗi vị đều 12 g, lá Tre 16 g, Lô căn (rễ Lau), Mẫu đơn bì, Hoàng đằng mỗi vị 8 g, sắc thành thuốc, dùng uống khi còn nóng.
2. Chữa mụn nhọt, lở loét, tróc da gây đau đớn toàn thân
Sử dụng Cam thảo dây, Bồ công anh, Sài đất, mỗi vị 15 g, Kim ngân dây, Thương nhĩ tử (sao cháy), mỗi vị đều 10 g. Sắc các vị thuốc cùng 800 ml nước, sắc lấy còn 200 ml thì chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống một thang thuốc.
3. Bài thuốc trị họng sưng tấy viêm đau
Dùng Cam thảo dây, Bạch mao căn, Cát căn, mỗi vị 12 g, Xạ can 5 g, Tang bì (tẩm mật sao) 12 g, Ô mai 6 g, sắc cùng 600 ml nước, đến khi còn 100 ml thì chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống một thang.
4. Bài thuốc Trần Bì La Bạc Thang chữa viêm phế quản mãn tính, ho khạc ra đờm trắng
Sử dụng Cam thảo dây 8 g, Trần bì (sao vàng), La bạc tử (sao thơm), vỏ Vối (sao thơm), mỗi vị đều 10 g, Gừng tươi 4 g, sắc cùng 600 ml nước, đến khi còn 200 ml thì chia thành 2 lần, dùng uống trong ngày khi còn nóng. Mỗi ngày uống một thang thuốc.
5. Điều trị tiêu chảy cấp tính
Sử dụng Tương tư đằng 10 g, Rau má phơi khô, Cát căn, mỗi vị 30 g, Búp Tre non 20 g, sắc cùng 1000 ml nước, sắc còn 500 ml thì để nguội và dùng uống trong ngày. Mỗi ngày uống một thang.
Liều dùng cho trẻ em giảm xuống còn một nửa so với người lớn.
Bài thuốc chủ trị:
- Tiêu chảy
- Bụng quặn đau, mót đi ngoài ngay lập tức.
- Phân lỏang như nước, có màu vàng, đại tiện ra nước, ngày đi 5 – 7 lần, phân thối.
- Đại tiện có sốt nhẹ, khát nước, thích uống nước mát, tiểu tiện ít, nước tiểu màu vàng hoặc đỏ.
- Trẻ em tiêu chảy hơn 3 ngày, hậu môn đỏ, có cảm giác nóng, người lả, không muốn ăn.
Kiêng kỵ: Người hư hàn, tiêu chảy không được dùng.
6. Chữa khí huyết hư, suy nhược cơ thể
Sử dụng Cam thảo dây 30 g, Hoàng tinh chế, Lá Quao nước, Huyết rồng, Dây Gắm (Vương tôn), Hà thủ ô đỏ chế, Cẩu tích, Bố chính sâm, mỗi vị đều 20 g, Kỷ tử 10 g, Khương hoàng (Nghệ vàng), Dâm dương hoắc, Ngắt diệp, Phục linh, mỗi vị 12 g, Cao quy bản, Hải sâm khô, mỗi vị 50 g, ngâm với 4.000 ml rượu trắng 40 độ. Ngâm trong 7 ngày, thỉnh thoảng cần lắc đều. Sau 7 ngày là có thể dùng, mỗi lần dùng 15 – 20 ml, ngày uống 3 lần, trước bữa ăn và trước khi đi ngủ.
7. Chữa phụ nữ có thai 3 tháng, chân phù sưng đau
Sử dụng Cam thảo dây (sao vàng), Mộc qua (sao vàng), Hương phụ (tử chế), Ô dược (sao vàng), Tó tử (sao vàng), Trần bì (sao vàng), mỗi vị đều 8 g, Gừng tươi 4 g, sắc với 600 ml nước, đến khi còn 200 ml thì chia thành 2 lần dùng uống trong ngày.
8. Dùng chưa đau mắt, đau mắt hột
Giã nát 3 – 5 hạt Tương tư tử, ngâm với 1 lít nước, mỗi ngày dùng nhỏ mắt 3 lần. Khi mới dùng, thuốc có thể gây phản ứng ngứa rát, tuy nhiên, sau 48 giờ phản ứng sẽ được cải thiện.
Sau một tuần, giác mắc sẽ trở lại bình thường.
Những lưu ý khi sử dụng cam thảo dây
Như các bạn đã được biết thì hạt cam thảo dây có chất độc abrin, nếu đem hạt giã nhỏ và hòa tan với nước uống sẽ rất dễ gây ngộ độc khiến người bệnh cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt.
Ngoài ra đối với những đối tượng như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú khi sử dụng cam thảo dây cũng cần phải cân nhắc kỹ vì đây là những đối tượng rất nạy cảm đối với những tác động từ bên ngoài.
Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Cam Thảo Dây do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Cam Thảo Dây là vị thuốc quý với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.
- Chuối Hột – Đặc Điểm, Công Dụng Và Những Lưu Ý Khi Sử Dụng
- Cây Thanh Tâm – Đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc
- Cá Tra – Đặc điểm sinh học và mô hình nuôi cá tra an toàn sinh học
- Cá Ngừ – Tìm hiểu về nguồn gốc và đặc điểm sinh học của cá Ngừ
- Hoa Huyết Long – Loại hoa mang nhiều ý nghĩa phong thủy