Cá Sặc Rằn hay còn cá Sặc Bổi đã rất quen thuộc với bà con nông dân miền tây. Khi nhắc đến đặc sản khô miền tây người ta nghĩ ngay đến khô cá Sặc. Để hiểu rỏ hơn về cá Sặc Rằn mời các bạn theo dõi trong bài viết dưới đây nhé.
Đặc điểm sinh học của cá Sặc Rằn
Đặc điểm phân bố
Cá Sặc Rằn phân bố tại Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và được di giống sang các nước Mã Lai, Indonesia, Bangladesh. Cá sặc rằn phân bố rộng rãi trong nhiều thủy vực như kênh rạch, ruộng lúa, ao hồ.
Tại Việt Nam, trong vùng châu thổ sông Mêkông, cá phân bố tập trung trong các vùng trũng ngập nước quanh năm, sinh sản tự nhiên trong ruộng, kinh mương nơi chúng cư trú, đặc biệt là có nhiều cây cỏ thủy sinh với nhiều chất hữu cơ. Hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang là vùng phân bố tập trung và có sản lượng cao hiện nay ở vùng ĐBSCL.
Đặc điểm sinh trưởng
Trong điều kiện ở ĐBSCL nhiệt độ thích hợp 25 – 30 độ C cá đạt trọng lượng khoảng 140g/con sau 2 năm. Quan sát cá đực và cá cái cùng tuổi thường cá đực có trọng lượng nhỏ hơn.
Đặc điểm dinh dưỡng
Cũng như nhiều loài cá khác, ở thời kỳ đầu sau khi nở, cá dinh dưỡng bằng noãn hoàng. Sau khi noãn hoàng tiêu biến, cá chuyển sang ăn thức ăn bên ngoài.
Thức ăn ở thời kỳ đầu gồm nhiều loại, như phiêu sinh động vật (Ciliata, Rotifera, Copepoda, Cladocera), phiêu sinh thực vật (Bacillariophyceae, Cyanophyceae, Chlorophyceae) và thủy thực vật tan ra.
Ở thời kỳ trưởng thành, cấu tạo bộ máy tiêu hóa của cá phù hợp với loài ăn tạp. Những loại thức ăn thường xuyên bắt gặp và chiếm khối lượng lớn trong ruột cá gồm: mùn bã hữu cơ, thực vật phiêu sinh, động vật phiêu sinh, mầm non thực vật, cũng như các loại thực vật thủy sinh mềm trong nước.
Cá cũng sử dụng tốt các loại thức ăn do người cung cấp như: bột ngũ cốc các loại, động vật và khi thiếu thức ăn chúng ăn cả trứng của chính nó.
Đặc điểm thành thục sinh dục của cá Sặc Rằn
Cá Sặc Rằn thành thục lần đầu sau 7 tháng tuổi. Khi thành thục, có thể phân biệt dễ dàng cá đực, cá cái bằng các biểu hiện bên ngoài của dấu hiệu sinh dục phụ. Khi thành thục, ở cá đực phần tia mềm vây lưng kéo dài tới hoặc vượt khỏi gốc vi đuôi, còn cá cái vi này rất ngắn và không bao giờ chạm tới gốc vi đuôi. Ngoài chỉ tiêu căn bản này, cũng có thể phân biệt cá đực với các sọc ngang đậm nét chạy từ lưng xuống bụng rõ hơn cá cái và miệng của nó cũng lớn hơn.
Khi sinh sản cá sặc rằn bắt cặp và tìm đến vùng nước ven bờ, nơi có nhiều cây cỏ thủy sinh để đẻ. Hoạt động sinh sản bắt đầu với việc làm tổ bằng bọt của cá đực, sau đó cá cái đẻ trứng ra ngoài, trứng được thụ tinh và cũng chính cá đực dùng miệng gom trứng lại rồi đặt vào tổ bọt.
Kể từ khi trứng thụ tinh, trong điều kiện nhiệt độ nước 27 – 29 độ C cá nở sau 20 – 23 giờ. Trong suốt thời gian này cá đực thường xuyên bơi lội quanh tổ để bảo vệ và dùng vây quạt nước cung cấp oxy cho trứng.
Kỹ thuật sinh sản cá Sặc Rằn
Kỹ thuật nuôi vỗ
1. Ao dùng nuôi cá
- Diện tích ao: tùy thuộc vào qui mô sản xuất, thông thường diện tích khoảng 100 m2 là thích hợp cho qui mô gia đình, ao có hình vuông hoặc chữ nhật.
- Độ sâu: thích hợp là 0,5 – 0,8 m.
- Đáy ao: có lớp bùn mỏng, khoảng 10 cm. Không nên có lớp bùn quá dày.
- Chất nước: nước ao không bị phèn, độ pH thích hợp khoảng 7, không nhiễm độc (thuốc sâu), nước sạch, có điều kiện thay nước cho ao.
- Ánh sáng: ao cần đầy đủ ánh sáng, không để cây cối quanh bờ che phủ ánh sáng chiếu vào ao. Mặt ao thoáng, không để cây cỏ, rong bèo phủ trên mặt ao.
- Trước khi thả cá nuôi, ao cần được tát cạn, bón vôi để diệt hết các loại cá tạp. Bón 10 kg vôi bột/100 m2.
2. Thời gian nuôi
Tiến hành thu gom cá và nuôi từ tháng 1 (tính theo dương lịch) không nên nuôi trễ hơn.
3. Mật độ thả nuôi
Tùy theo kích thước cá thả nuôi. Thông thường chọn những con có trọng lượng từ 12 – 15 con/kg là thích hợp. Thả vào ao mật độ 0,5 kg/m2 . Khi tiến hành thả cá cần lưu ý tỷ lệ giữa cá đực và cá cái là 1:1.
4. Cho ăn
- Cá sặc rằn là loài cá ăn tạp, nên thức ăn sử dụng để nuôi cá có thể gồm nhiều loại tùy theo khả năng tìm kiếm và cung cấp của gia đình.
- Thức ăn tự chế: các loại thức ăn dùng để nuôi cá là : tấm cám, bột bắp, khoai lang, khoai mì, bánh dừa, bột cá… Tùy theo điều kiện từng gia đình mà sử dụng cho phù hợp. Nhưng trong các thành phần trên cần có bột cá và cám. Những thứ khác thì tùy điều kiện mà cho thêm. Các loại thức ăn được trộn chung lại với nhau và nắm thành từng nắm nhỏ cho ăn trong một cái sàn ăn. Cho ăn khoảng 3% trọng lượng cá nuôi (100 kg cá thì cho ăn 3 kg thức ăn trong một ngày).
- Thức ăn công nghiệp: ngoài thức ăn tự chế biến như trên, nếu có điều kiện mua được thức ăn chế biến sẵn của các công ty Con Cò, CP… thì càng tốt. Những loại thức ăn này được chế biến dưới dạng viên nổi trên mặt nước, khi cho ăn ít bị hao. Khi sử dụng thức ăn công nghiệp thì hiệu quả nuôi cao hơn thức ăn chế biến ở gia đình. Thức ăn công nghiệp cũng cho ăn 2 – 3% trọng lượng cá.
5. Quản lý chăm sóc
Công việc chủ yếu là tránh thất thoát cá do tràn bờ, do rắn ăn cá, do mất trộm, do cá tự ra khỏi ao…
Thực hiện thay nước cho ao để tránh bị dơ bẩn.
6. Kiểm tra cá
- Sau khi thả cá nuôi được 2 tháng thì kiểm tra lần đầu tiên. Mục đích của lần này là xem cá mập ốm, chế độ nuôi (nhất là cho ăn) đã thích hợp chưa. Nếu thấy cá mập thì giảm lượng thức ăn, nếu thấy cá ốm thì tăng lượng thức ăn.
- Tháng 3 : Kiểm tra 1 lần
- Tháng 4: kiểm tra 2 lần
- Mục đích của những lần kiểm tra tháng 3, tháng 4 là xem xét sự thành thục của cá để lập kế hoạch cho cá đẻ.
- Thông thường vào tháng 4 đã có thể cho một số cá sinh sản được và cá sẽ đẻ nhiều vào tháng 5, 6 (đầu mùa mưa).
Kỹ thuật sinh sản cá
1. Lựa chọn cá cho sinh sản
Cá cái:
- Vây lưng không kéo dài vượt khỏi gốc vây đuôi.
- Không thấy rõ các sọc màu đen chạy xiên từ lưng xuống bụng.
Cá đực:
- Vây lưng kéo dài vượt khỏi gốc vây đuôi.
- Trên thân cá nhìn thấy rất rõ các sọc màu đen chạy xiên từ lưng xuống bụng.
Tỷ lệ đực cái là: 1:1
2. Dụng cụ cho đẻ
Có thể dùng thau, khạp, lu, bể xi măng, bể đắp đất lót bạt…
3. Tiêm kích dục tố
- Thời gian tiêm: thường là chiều mát (khoảng 4 – 5 giờ chiều).
- Loại thuốc: có thể dùng HCG, hoặc LRH + Motilium.
- Liều lượng thuốc dùng: 1 lọ HCG tiêm cho 3,5 kg cá cái + 3,5 kg cá đực; 1 lọ LRH + 2 viên Motilium chích được cho 2 kg cá cái + 2 kg cá đực.
- Sau khi tiêm thuốc thả cá vào dụng cụ cho đẻ, tỷ lệ 1 : 1. Cần đậy để cá khỏi nhảy ra ngoài.
- Dùng lá môn hoặc lá sen úp lên mặt nước để cá làm tổ đẻ. Để ở nơi yên tĩnh, sau khi chích từ 8 – 10 giờ thì cá đẻ.
Kỹ thuật nuôi cá Sặc Rằn
Kỹ thuật ao nuôi
1. Điều kiện ao nuôi
- Diện tích: 200 – 1.000 m2.
- Độ sâu từ 1 – 1,5 m.
- Ao gần nơi có nguồn nước sạch và có cống cấp thoát nước chủ động.
- Bờ ao phải cao hơn mực nước lũ cao nhất là 0,5 m và cải tạo ao.
2. Cải tạo ao
- Bơm cạn ao, diệt hết cá tạp, cá dữ, làm sạch cỏ xung quanh bờ ao.
- Vét bùn đáy ao, chừa lại một lớp bùn khoảng 5cm. Bón vôi bột với liều lượng từ 7 – 10kg/100m2. Phơi ao 2 – 3 ngày.
- Lọc nước lấy vào ao với mức nước 1 – 1,2m trước khi thả cá 2 ngày. Có thể sử dụng bột đậu nành hay bột cá bón từ 2 – 3kg/100m2 để gây nuôi thức ăn tự nhiên.
3. Cá giống
- Mật độ thả 15 – 20 con/m2.
- Kích cỡ cá 4 – 6 cm/con.
- Cá khỏe không xây xát, không dị hình, đồng cỡ.
- Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để tránh sốc nhiệt độ.
4. Thức ăn
- Cho cá sặc rằn ăn gồm: cám, bột cá (loại cá tươi hoặc phụ phẩm của nhà máy) xay nhỏ cho cá ăn.
- Thành phần: cám 60% + bột cá 40%.
- Khẩu phần thức ăn : 5 – 7% trọng lượng cá/ngày.
- Làm sàn thả thức ăn để dễ kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày.
- Cho ăn 2 lần/ngày.
- Hàng ngày kiểm tra hoạt động của cá.
- Sau 8 – 10 tháng cá đạt trọng lượng 100 – 150 g/con thì có thể thu hoạch được.
Kỹ thuật nuôi trong ruộng lúa
1. Chuẩn bị ruộng
- Chọn ruộng có bờ bao cao hơn đỉnh lũ 0,5 m.
- Có diện tích mương bao 10 – 15% diện tích ruộng.
- Mương bao có bề ngang 2 –3 m sâu 1 – 1,5 m chạy dài xung quanh ruộng.
- Có vị trí gần kênh rạch để cấp thoát nước.
2. Cải tạo
- Bơm cạn ao, diệt hết cá tạp, cá dữ, làm sạch cỏ xung quanh bờ ao.
- Vét bùn đáy ao, chừa lại một lớp bùn khoảng 5cm. Bón vôi bột với liều lượng từ 7 – 10kg/100m2. Phơi ao 2 – 3 ngày.
- Lọc nước lấy vào ao với mức nước 1 – 1,2m trước khi thả cá 2 ngày. Có thể sử dụng bột đậu nành hay bột cá bón từ 2 – 3kg/100m2 để gây nuôi thức ăn tự nhiên.
3. Cá giống
- Mật độ thả 2 – 3 con/m2.
- Kích cỡ cá giống 4 – 6 cm/con.
- Cá khỏe không xây xát, không dị hình, đồng cỡ.
- Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
- Cá giống được thả ở mương bao sau đó cho nước ngập ruộng để cá tự kiếm ăn thêm.
4. Thức ăn gồm
- Cám + bột cá
- Ngày cho ăn 2 lần
- Lượng thức ăn 5 – 7% trọng lượng cá/ngày.
- Có thể 2 tuần/lần bón 20 – 30 kg phân chuồng, vừa làm thức ăn cho cá vừa giúp lúa phát triển tốt.
- Hàng ngày kiểm tra hoạt động của cá.
- Sau 8 – 10 tháng nuôi cá đạt cỡ 80 – 120 g/con có thể thu hoạch được.
Một số bệnh thường gặp trên cá sặc rằn và cách điều trị
Bệnh xuất huyết
Bệnh thường xuất hiện lúc giao mùa (tháng 11-12 hoặc tháng 2 – 3 dương lịch).
Dấu hiệu bệnh: Cá bơi lờ đờ trên mặt nước, trên thân xuất hiện những đốm đỏ li ti. Cá ít ăn hoặc bỏ ăn.
Cách phòng trị: Thường xuyên thay nước ao, bón vôi với liều lượng 4 – 6kg/100m2 mặt nước.
Nếu cá còn sử dụng thức ăn, ta trộn thuốc vào thức ăn với liều lượng: Oxytetracyline 4-6 g/100 kg thức ăn; Nitrofurazol 4 – 8 g/100kg cá bệnh; Vitamin C 2 – 6 g/100 kg thức ăn.
Bệnh nấm thủy mi
Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa và thời tiết lạnh khi nhiệt độ dưới 20 0C, cá bị xay xát, hoặc do viêm nhiễm ngoài da.
Dấu hiệu bệnh lý: Trên da xuất hiện vùng trắng như bông gòn.
Cách phòng trị: Để phòng bệnh do nấm thủy mi, ao ương nuôi cần phải tẩy dọn kỹ sau mỗi vụ nuôi. Tránh cá bị xay xát khi vận chuyển hoặc đánh bắt. Dùng nước muối tắm cá 8 – 10 phút trước khi thả nuôi.
Dùng Bronopol với liều lượng 1- 2g/m3 tắm cá trong thời gian 30 phút, hoặc liều lượng 0.1 – 0.2 g/m3 tắm cá trong 24 giờ.
Bệnh đốm trắng (bệnh trùng quả dưa)
Nguyên nhân bệnh: là do trùng quả dưa. Có hai giai đoạn trong chu kỳ sống của trùng quả dưa, đầu tiên là giai đoạn trưởng thành, kế đến là giai đoạn ấu trùng. Trong giai đoạn trưởng thành trùng quả dưa được nhìn thấy dưới da hoặc mang cá có thể nhìn thấy như những đốm trắng bằng mắt thường.
Khi trùng quả dưa trưởng thành, chúng sẽ tách ra khỏi da cá và sinh sản bằng cách phân chia tế bào bên trong vách dày của tế bào. Khi chúng trưởng thành tế bào sẽ bị vỡ và những ấu trùng sẽ thoát vào môi trường nuôi, ấu trùng sẽ lội trong nước và sẽ tấn công vào da hoặc mang của ký chủ (cá) trong vòng 24 giờ. Sự tấn công của ấu trùng đôi khi phá vỡ mô của cá và chính vì điều này làm cho cá bột trở nên yếu đi và chết đột ngột. Đối với cá bột nhiễm bệnh vây sẽ rách tơi và cơ thể nhợt nhạt. Nếu việc điều trị không thích hợp và kịp thời thì cả đàn cá bột trong ao ương sẽ chết trong 2 – 3 ngày.
Dấu hiệu bệnh lý: trong giai đoạn đầu của bệnh sẽ xuất hiện những đốm màu trắng bằng đầu kim hoặc nhỏ hơn trên thân cá.
Sau xuất hiện các đốm trắng trên da cá và vây cá bị tua ra. Cá bột bơi lội chậm chạp và tỷ lệ chết cao.
Cách phòng trị: Để trị bệnh này có kết quả tốt cần phải điều trị thành nhiều đợt nối tiếp nhau. Nhìn chung có thể dùng 25 ml Formol trong 1 m3 nước ao, trị 3 lần cách nhau 3 ngày 1 lần thì sẽ có hiệu quả. Sau mỗi lần điều trị nước trong ao sẽ không được thay trong suốt 40 giờ, do đó trong thời gian trị liệu số lượng Moina (trứng nước) hoặc những thức ăn khác của cá bột sẽ phải giảm để ngăn chặn sự ô nhiễm nước. Lịch điều trị sẽ như sau :
- Ngày 1 : tắm Formol cho cá 1 lần.
- Ngày 3 : thay khoảng 75% nước ao và tắm Formol lần 2.
- Ngày 6: thay 20 – 25% lượng nước và tắm Formol lần 3 và giữ nguyên trong 2 ngày.
- Ngày 8 : sau 8 ngày cá bột sẽ khỏe mạnh và không cần tiếp tục điều trị nữa.
Cần chú ý rằng bệnh đốm trắng có thể lây lan rất nhanh sang các ao khác. Vì thế các ao lân cận nhiễm bệnh cũng phải được điều trị với liều lượng 25 ppm formol cùng lúc với ao bệnh. Đồng thời những ống dẫn nước, lưới kéo và vợt cũng cần phải tẩy trùng bằng cách ngâm vào dung dịch 200 ppm Formol (tức 20 ml Formol trong 100 lít nước) ít nhất 1 giờ, sau đó xả nước lại và phơi nắng.
Bệnh trùng bánh xe
Thường gây bệnh trên nhiều loài cá khác nhau: trê, basa, tai tượng, chép, mè, trôi, lóc bông,… gây thiệt hại lớn ở giai đoạn cá hương, cá giống. Bệnh thường xảy ra ở các bể, ao ương với mật độ dày và môi trường nuôi quá dơ bẩn. Ở ĐBSCL trùng mặt trời hầu như phát triển quanh năm nhưng cao điểm vào mùa nắng.
Dấu hiệu bệnh lý: khi cá nhiễm trùng mặt trời, trên thân cá có lớp màu hơi trắng đục, da cá sậm lại, mang cá nhợt nhạt, cá giảm ăn và nổi đầu từng đàn trên mặt nước. Ở cá trê giống bị nhiễm bệnh này các vây cá bị rách tơi và râu cá bị cong nên còn gọi là bệnh “quéo râu”.
Cách phòng trị: Đây là bệnh ngoại ký sinh, do đó tùy vào điều kiện thực tế có thể dùng một trong những loại hóa chất sau đây để xử lý cá bệnh:
- Khi ương cá con dưới ao nhiễm bệnh này, tốt nhất nên dùng Sulfat đồng (phèn xanh) phun khắp ao với liều lượng 0,3 – 0,5 g/m 3 nước ao trị 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 ngày. Khi sử dụng phèn xanh cần tính chính xác thể tích nước ao.
- Để trị cá bị trùng mặt trời ương trên bể xi măng nên dùng xanh Malachite với nồng độ 1 – 2 g/m3 nước bể, tắm cho cá trong thời gian 30 phút (đã bị cấm sử dụng thay thế bằng Bronopol) hoặc dùng Formol với liều lượng 25 ml/m3 bể. Trị 3 ngày liên tục. Nên trị bệnh cá lúc mát trời và trong thời gian trị bệnh nên giảm lượng thức ăn đi một nửa.
- Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh trùng mặt trời là giữ gìn vệ sinh bể ương sạch sẽ, mật độ ương vừa phải, tránh thức ăn dư thừa ở đáy ao. Trước khi ương nuôi cá phải tẩy vôi, diệt mầm bệnh.
Đặc sản khô cá Sặc Rằn miền Tây
Cá Sặc Rằn miền Tây với điều kiện sinh thái rất thuận lợi cho tảo và phù du phát triển và đây củng chính là nguồn thức ăn chính của cá sặc rằn vì thế ở Miền Tây thì cá sặc rằn ăn rất ngon và thịt lại rất ngọt.
Khô Cá Sặc rất dễ ăn vì có thể nướng hoặc chiên vàng rồi xé nhỏ ăn với cơm. Chỉ đơn giản là vậy nhưng vị ngon, béo béo, bùi bùi của khô cá sặc thì rất khó tả.
Bảng giá khô cá sặc
Loại | Giá (kg) | Ghi Chú |
Loại 1 (7-8 con một kg) | 300,000 | Đóng gói, hút chân không 2 lớp |
Loại 2 (10 con một kg) | 270,000 | Đóng gói, hút chân không 2 lớp |
Loại 3 (12 con một kg) | 250,000 | Đóng gói, hút chân không 2 lớp |
Các món ngon được chế biến từ khô cá sặc
Trên đây BaoKhuyenNong đã chia sẻ đến các bạn đọc về đặc điểm chung, mô hình nuôi cá Sặc Rằn đạt hiệu quả cao và cách phòng bệnh ở cá Sặc Rằn. Hy vọng qua bài viết này, bà con có thể nắm vững những kiến thức về cá Sặc Rằn và áp dụng vào mô hình nuôi cá Sặc Rằn để đạt được hiệu quả cao