Cá Chẽm – Những lưu ý về đặc điểm và kỹ thuật nuôi cá Chẻm

Cá Chẽm là loài cá biển rất được ưa thích ở châu Âu và điều đặc biệt là cá Chẽm có thể sống ở cả môi trường nước mặn và nước ngọt. Thành phần dinh dưỡng của cá Chẽm không kém gì so với các loài cá khác. Còn nhiều thông tin về cá Chẽm mà BaoKhuyenNong muốn chia sẻ đến các bạn, hãy cùng theo dõi bài viết bên dưới nhé.

Đặc điểm sinh học của cá Chẽm

Đặc điểm sinh học của cá Chẽm
Đặc điểm sinh học của cá Chẽm

Đặc điểm phân loại và hình thái

Cá Chẽm còn gọi là cá vược, có tên tiếng Anh là seabass và được phân loại như sau

  • Lớp: Osteichthyes
  • Bộ: Perciformes
  • Họ: Serranidae
  • Giống: Lates
  • Loài: Lates calcarifer

Cá Chẽm có thân hình thon dài và dẹp bên, cuống đuôi khuyết sâu. Đầu nhọn, nhìn bên cho thấy phía trên hơi lõm xuống ở giữa và hơi lồi ở lưng. Miệng rộng và hơi so le, hàm trên kéo dài đến phía dưới sau hốc mắt. Răng dạng nhung, không có răng nanh, trên nắp mang có gai cứng, vây lưng gồm có 2 vi: vi trước có 7-9 gai cứng và vi sau có 10-11 tia mềm. Vi hậu môn có 3 gai cứng, vi đuôi tròn và có hình quạt. Vẩy dạng lược và có kích cỡ vừa phải, có 61 vẩy đường bên.

Khi cá còn khoẻ, trên mặt lưng có màu nâu, mặt bên và bụng có màu bạc khi sống trong môi trường nước biển, màu nâu vàng khi sống trong môi trường nước ngọt. Khi cá ở giai đoạn trưởng thành sẽ có màu xanh lục hay vàng nhạt trên lưng và màu vàng bạc ở mặt bụng.

Đặc điểm phân bố

Đặc điểm phân bố
Đặc điểm phân bố

Cá chẽm là loài phân bố rộng từ vùng nhiệt đới đến cận nhiệt đới thuộc Tây Thái Bình Dương và ấn Độ Dương, giữa kinh tuyến 500 Đông và 1600 Tây, Vĩ tuyến 260 Bắc và 250 Nam.

Cá chẽm rất rộng muối và có tính di cư xuôi dòng, cá lớn lên chủ yếu ở vùng nước ngọt như sông, hồ. Khi thành thục (3-4 năm tuổi ), chúng sẽ di cư ra vùng cửa sông, ven biển có độ mặn thích hợp từ 30 – 32%–o để sinh sản. ấu trùng sau khi nở ra sẽ đưa vào vùng cửa sông, ven bờ và lớn lên, cá con sẽ dần dần di cư vào các thủy vực nước ngọt sinh sống và phát triển thành cá thể trưởng thành.

Vòng đời

Cá chẽm trải qua phần lớn thời gian sinh trưởng (2-3 năm) trong các thủy vực nước ngọt như: sông, hồ nơi nối liền với biển. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, thường đạt cở 3-5 kg sau 2-3 năm. Cá trưởng thành 3-4 tuổi di cư từ vùng nước ngọt về vùng cửa sông và ra biển nơi có độ muối dao động 30-32%o để phát triển tuyến sinh dục và đẻ trứng sau đó. Cá đẻ trứng theo chu kỳ trăng (thường vào lúc khởi đầu của tuần trăng hay lúc trăng tròn) vào lúc buổi tối (6-8 giờ) và thường cá đẻ đồng thời với thủy triều lên. Điều này giúp trứng và ấu trùng trôi vào vùng cửa sông. Nơi đó, ấu trùng sẽ phát triển và di chuyển ngược dòng để lớn. Hiện tại, đều chưa biết là cá trưởng thành có đi ngược dòng không hay chúng giữ giai đoạn còn lại cuối đời sống ở biển.

Smith (1965) ghi rằng, một số cá sống cả vòng đời trong nước ngọt nơi chúng lớn lên đến cở 65cm dài và trọng lượng 19.3kg. Tuyến sinh dục của những cá đó thì không phát triển. Trong môi trường nước lợ, cá Chẽm đạt chiều dài 1.7cm (?) được tìm thấy ở vùng Indonesia – ủc (Weber và Beaufort, 1936).

Tính ăn

Cá chẽm là loài cá dữ rất điển hình. Khi cá còn nhỏ, tuy chúng có thể ăn các loài phiêu sinh thực vật (20%) mà chủ yếu là to khuê, nhưng thức ăn chủ yếu vẫn là cá, tôm nhỏ (80%). Khi cá lớn hơn 20 cm, 100% thức ăn là động vật bao gồm giáp xác khoảng 70% và cá nhỏ 30%. Cá chẽm bắt mồi rất dữ và có thể bắt con mồi có kích cỡ bằng cơ thể của chúng. Cá chẽm chỉ bắt mồi sống và di động.

Cá Chẽm - Những lưu ý về đặc điểm và kỹ thuật nuôi cá Chẻm 1

Phân biệt giới tính

Đặc điểm nổi bậc trong việc sinh sản của cá Chẽm là có sự thay đổi giới tính từ cá đực thành cá cái sau khi tham gia lần sinh sản đầu tiên và đây được gọi là cá chẽm thứ cấp. Tuy nhiên, cũng có những cá cái được phát triển trực tiếp từ trứng và được gọi là cá cái sơ cấp. Chính vì thế trong thời gian đầu (1.5- 2 kg) phần lớn là cá đực, nhưng khi cá đạt 4- 6 kg, phần lớn là cá cái.

Thông thường, rất khó phân biệt giới tính ngoại trừ vào mùa sinh sản, có thể dựa vào đặc điểm sau:

  • Cá đực có mõm hơi cong, cá cái thì thẳng
  • Cá đực có thân thon dài hơn cá cái
  • Cùng tuổi, cá cái sẽ có kích cỡ lớn hơn cá đực
  • Trong mùa sinh sản, những vẩy gần lổ huyệt của cá đực sẽ dày hơn cá cái
  • Bụng của cá cái to hơn cá đực vào mùa sinh sản.

Kỹ thuật nuôi vỗ cá Chẽm bố mẹ

Kỹ thuật vận chuyển cá bố mẹ

Cá Chẽm là loài cá dữ, kích thước lớn nên việc vận chuyển sống gặp nhiều khó khăn. Cá thường bị sốc, giãy giụa rất mạnh thường dẫn đến mất nhớt, xây xát ảnh hưởng đến sức khoẻ, đây là nguyên nhân dẫn tới một số bệnh cơ hội xâm nhập vào cơ thể cá. Tùy từng vị trí trại sản xuất mà chúng ta có thể chọn cách vận chuyển khác nhau như vận chuyển hở đối với nguồn cá bố mẹ gần trại sản xuất, vận chuyển bằng phương pháp gây mê đối với những trại sản xuất ở xa nguồn cung cấp cá bố mẹ, thông thường nhiệt độ khi vận chuyển nên duy trì ở mức 18-20 độ C, như vậy chúng ta có thể hạn chế đến mức tối đa các yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cá bố mẹ trong quá trình vận chuyển.

Thuần dưỡng cá bố mẹ

Cá bố mẹ trước khi đưa vào nuôi vỗ cần có thời gian thuần dưỡng để cá dần dần thích nghi với điều kiện sống nhân tạo đặc biệt đối với cá có nguồn gốc ngoài tự nhiên. Cá được thuần dưỡng trong bể ximăng có dung tích từ 10–20m3, nước biển trong bể nuôi thuần dưỡng cần được điều chỉnh độ mặn tương đồng với môi trường tự nhiên, trong quá trình thuần dưỡng khí được cung cấp đầy đủ, hàng ngày nước được thay 100 – 200% bằng phương pháp cho nước chảy vào ra và thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá. Mật độ nuôi thuần dưỡng là 1 con/m3. Hàng ngày cho cá ăn bằng các loại cá tạp có chất lượng tốt. Khi cá hồi phục sức khoẻ và thích nghi với điều kiện nuôi nhân tạo thì tắm cá bằng nước ngọt trong vòng 10 – 15 phút để phòng bệnh trước khi chuyển sang bể nuôi vỗ cá bố mẹ. Thông thường thời gian thuần dưỡng cá bố mẹ khoảng 7 – 15 ngày tùy theo từng nguồn cá đã tuyển chọn.

Nuôi vỗ cá bố mẹ

Nuôi vỗ cá bố mẹ là một trong những khâu quan trọng trong quyết định sự thành công trong sản xuất giống nhân tạo.

1. Nuôi vỗ cá bố mẹ bằng lồng trên biển

Vị trí đặt lồng: Lồng nuôi vỗ cá bố mẹ thường được đặt ở những nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ và liên tục, xa nguồn nước thải, mực nước thuỷ triều lên xuống ổn định và gần trại sản xuất giống. Ngoài ra còn chú ý đến vị trí thuận tiện giao thông để thuận tiện quá trình vận chuyển.

Lồng có hình vuông, tròn thông thường sử dụng những lồng có kích thước: 3x3x3m, 4x4x4m, 5x5x5m, kích thước mắt lưới 2a = 4cm, mật độ nuôi vỗ 1 – 2 con/m3 Quản lý và chăm sóc.

Thức ăn: Tốt nhất là sử dụng các loại thức ăn như cá tạp, mực… còn tươi, định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất, hàng ngày cho ăn 1 lần vào buổi chiều. Khẩu phần cho ăn là 3-5% trọng lượng thân.

Theo dõi hoạt động của cá hàng ngày để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường, khi cho cá ăn phải kiểm tra đáy lồng để loại bỏ thức ăn dư thừa. Định kỳ kiểm tra lưới lồng và vệ sinh xung quanh lồng, đảm bảo nước lưu thông. Khi có gió bão cần di chuyển lồng đến nơi an toàn, kín gió.

Phòng bệnh: Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá trong quá trình nuôi vỗ để biết được tình trạng sức khoẻ cá, định kỳ 1 tháng tắm cá bằng nước ngọt để phòng bệnh. Khi phát hiện cá có dấu hiệu bất thường phải bắt ra xử lý riêng, xác định rõ nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, sau đó cách ly cá bệnh cho đến khi cá hoàn toàn khoẻ mạnh.

2. Nuôi vỗ trong bể ximăng

Nguồn nước: Nguồn nước cung cấp vào bể cá bố mẹ được lọc qua hệ thống lọc cơ học, sinh học để loại bỏ các chất vẩn và mầm bệnh. Nước được cung cấp vào bể phải đảm bảo các thông số môi trường như: Nhiệt độ 27 – 28 độ C, độ mặn 30 – 32‰, NH3 < 0,1mg/l, NO2< 0,05mg/l , pH 7,5 – 8,2.

Chuẩn bị bể nuôi vỗ: Bể nuôi vỗ thường có kích thước lớn, hình tròn hoặc hình vuông tuỳ theo thiết kế. Dung tích bể thường từ 100 – 200m3. Bể được vệ sinh sạch, khử trùng bằng chlorine nồng độ 40ppm sau đó rửa sạch lại bằng nước ngọt trước khi cấp nước biển sạch vào. Mật độ nuôi vỗ thông thường từ 1 – 2kg/m3 hoặc 1 con/2m3.

Quản lý và chăm sóc: Hàng ngày cho cá ăn bằng các loại thức ăn như cá trích, cá nục, cá ngân, mực… có bổ sung vitamin và các chất khoáng. Khẩu phần cho ăn hàng ngày khoảng từ 3 – 5% trọng lượng thân. Cho ăn vào chiều muộn (16 -17h). Sau khi cho ăn 2 giờ tiến hành kiểm tra, nếu còn thức ăn thừa trong bể phải vớt ra để đảm bảo cho môi trường nuôi thường xuyên sạch, không gây ra dịch bệnh cho cả đàn cá trong bể. Hàng ngày thay từ 100 – 200% nước trong bể bằng phương pháp cho nước chảy vào ra. Định kỳ 15 ngày vệ sinh bể nuôi vỗ bằng cách chà rửa, mục đích là loại bỏ những mầm bệnh từ bên ngoài.

Phòng bệnh và trị bệnh: Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khoẻ của cá, khi phát hiện cá có dấu hiệu bị bệnh, thì phải cách ly để xử lý kịp thời, sau khi cá khoẻ mạnh chuyển cá lại bể nuôi vỗ. Trong khi đó phải phòng bệnh cho những con còn lại bằng cách tắm cá trong nước ngọt, thời gian tắm cá khoảng từ 10 – 15 phút.

Kiểm tra sự thành thục của cá

Định kỳ 15 ngày kiểm tra sự thành thục của tuyến sinh dục bằng que thăm trứng (đường kính 0,8 – 1,2mm) đối với cá cái và vuốt tinh dịch đối với cá đực. Khi cá đạt tiêu chuẩn về sự thành thục thì tiến hành kích thích sinh sản.

Kỹ thuật nuôi cá Chẽm trong lồng

Vị trí đặt lồng

Trong nuôi cá lồng, do chất lượng nước không thể kiểm soát được như trong các thủy vực ao, đầm mà tùy thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, vì thế chọn lựa vị trí thích hợp sẽ có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công của nghề nuôi. Thông thường, tiêu chuẩn lựa chọn vị trí nuôi được phân thành 3 nhóm yếu tố chính: nhóm các yếu tố liên quan đến sự sống của cá nuôi như nhiệt độ, độ mặn, mức độ nhiễm bẩn, vật chất lơ lửng, nở hoa của tảo, sinh vật gây bệnh trao đổi nước, dòng chảy, khả năng làm bẩn lồng; nhóm các yếu tố về độ sâu, chất đáy, giá thể…; và nhóm các yếu tố về điều kiện thành lập trại nuôi như phương tiện, an ninh, kinh tế – xã hội, luật lệ…

Một vị trí tốt cho việc nuôi lồng cá biển là cần thiết có:

  • Độ sâu phải bảo đảm đáy lồng cách đáy biển ít nhất 2 – 3m. Ít sóng to, gió lớn (tránh nơi sóng > 2 m) và tốc độ dòng chảy nhỏ (dưới 1 m/giây) nếu không sẽ làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn, làm cho cá hoạt động yếu gây chậm lớn và sinh bệnh.
  • Tránh nơi nước chảy quá yếu hay nước đứng (tốc độ chảy thích hợp từ 0,2 – 0,6 m/giây) mà có thể dẫn đến cá chết do thiếu oxy, thức ăn thừa, mùn bã cũng tích lũy ở đáy lồng gây ô nhiễm.
  • Đảm bảo hàm lượng oxy từ 4 – 6 mg/lít, nhiệt độ 25 – 30 độ C, độ mặn từ 27 – 33 ‰. Cần tránh xa những nơi gây ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thi công nghiệp, nước thải sinh hoạt, và tàu bè. Nơi có thể xảy ra hồng triều.

Cá Chẽm - Những lưu ý về đặc điểm và kỹ thuật nuôi cá Chẻm 2

Thiết kế và xây dựng lồng

Thông thường một dàn lồng có kích cỡ 6x6x3 m và được thiết kế thành 4 ô để làm thành 4 lồng riêng biệt như vậy mỗi lồng sẽ có kích cỡ 3x3x3 m. Như thế sẽ thuận lợi cho việc thả giống được đồng loạt cho từng lồng, đồng thời với một lồng không nuôi cá sẽ dành để thay lồng khi xử lý bệnh cá hay xử lý rong to bẩn đóng trên lồng.

Mặc dầu có thể sử dụng các vật liệu rẻ như tre, gỗ,… để làm lồng như nhiều nơi trước đây, song sẽ dễ dàng bị hư hỏng. Vì thế, chỉ nên làm khung trên lồng bằng gỗ với kích cỡ thông thường loại 8×15 cm. Khung đáy lồng dùng bằng ống nước đường kính 15/21 và được mạ kẽm để tăng tuổi thọ. Lưới lồng tốt nhất nên là PE không gút. Kích thước mắc lưới có thể thay đổi tùy vào kích cỡ cá nuôi. Ví dụ cỡ cá 1 – 2 cm dùng mắc lưới 0,5 cm, cở cá 5 – 10 cm dùng mắc lưới 1 cm; cở cá 20-30 cm dùng mắc lưới 2 cm và cở cá >25 cm dùng mắc lưới 4 cm.

Phao có thể là thùng nhựa (1x 0,6m) hay thùng phuy để nâng khung gổ của lồng. Số lượng phao có thể thay đổi tùy theo lồng có nhà trên đấy hay không. Lồng đưọc cố định bằng neo ở 4 gốc để tránh bị nước cuốn trôi.

Ngoài ra ở các vùng cạn ven bờ có thể phát triển kiểu lồng cố định bằng cách dùng lưới và cọc gỗ bao quanh khu nuôi.

Kỹ thuật nuôi và quản lý lồng

Trước khi thả cá giống vào lồng, cần phải thuần hóa để cá thích nghi với nhiệt độ và nồng độ muối trong lồng. Cá giống nên phân cỡ theo nhóm và nuôi trong những lồng riêng biệt. Thả cá vào lúc sáng sớm (6 – 8 giờ) hoặc buổi tối (8 – 10 giờ) khi nhiệt độ thấp.

Mật độ thả cá thường từ 40 – 50 con/m3. Sau 2 – 3 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 150 – 200g, lúc này giảm mật độ còn 10 – 20 con/m3. Nên dành một số bè trống, để sử dụng khi cần thiết như chuyển cá giống hay đổi lưới cho lồng nuôi khi bị tắc nước do vi sinh vật bám. Thông qua việc chuyển đổi lồng giúp phân cỡ và điều chỉnh mật độ nuôi.

Cần phải thường xuyên theo dõi lồng. Do luôn luôn ngập nước, lồng có thể bị phá hại bởi các động vật thủy sinh như cua, rái cá,… Nếu lồng bị hư hỏng phải lập tức sửa chữa hoặc thay mới.

Ngoài quá trình bám sinh học, lưới lồng còn là nơi dễ bị kín và lắng đọng phù sa. Vấn đề này không thể tránh khỏi vì lưới có bề mặt thuận lợi cho các vi sinh vật lưỡng thê, giun nhiều tơ, động vật chân tơ và nhuyễn thễ bám vào,… những vật này có thể bám kín lưới làm giảm sự trao đổi nước có thể gây “sốc” cho cá do oxy hòa tan thấp đồng thời tích tụ những chất cặn bã. Chính vì thế sẽ ảnh hưởng đến tính ăn và sức tăng trưởng của cá.

Cho đến việc vệ sinh lưới theo phương pháp cơ học vẫn là phưong pháp hiệu quả vá rẻ nhất. Ở những vùng có nhiều sinh vật gây bám cần sử dụng lồng lưới luân phiên nhau.

Cá Chẽm - Những lưu ý về đặc điểm và kỹ thuật nuôi cá Chẻm 3

Thức ăn và cách cho ăn

Thức ăn hiện nay là vấn đề lớn mà nghề nuôi cá chẽm đương phải đương đầu. Hiên tại, cá tạp là nguồn thức ăn được dùng duy nhất cho cá chẽm. Cá tạp được băm nhỏ cho ăn hai lần mỗi ngày vào buổi sáng (8 giờ), buổi chiều (5 giờ) với tỷ lệ 10% trọng lượng cá trong 2 tháng đầu. Sau 2 tháng chỉ cho ăn một lần/ngày vào buổi chiều với tỷ lệ 5% trọng lượng cá. Chỉ cho cá ăn khi cá bơi lội gần mặt nước.

Do nguồn cá tạp ở một số nước hiếm và đắt, cám gạo và tấm được dùng trộn thêm để giảm lượng cá tạp sử dụng. Tuy nhiên gíá thành thức ăn vẫn còn cao mặc dù áp dụng phương pháp hạ giá này. Phối hợp nguyên liệu làm thức ăn có thể là cá tạp 70% và cám hoặc tấm 30%.

Một bước phát triển mới trong thời gian gần trong việc cải tiến khẩu phần ăn của cá chẽm là sử dụng thức ăn ẩm. Tuy nhiên việc sử dụng loại thức ăn này vẫn còn trong giai đoạn thí nghiệm. Thành phần thức ăn như sau:

Một số bệnh thường gặp trên cá Chẽm người dân cần biết

Bệnh do ký sinh trùng

1. Sán lá mang

Tác nhân gây bệnh: Do sán lá mang ký sinh trên mang cá gây nên. Sán lá mang luôn hiện diện trong ao nuôi, nếu xem trên kính hiển vi thấy trên một cung mang có 1 đến 2 sán lá mang là bình thường, khi xuất hiện 9 – 10 và trên nữa thì phải cần xử lý.

Cách điều trị: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe cá để có biện pháp điều trị hợp lý tránh lây nhiễm sang cá khác. Dùng BKC, Praziquantel xử lý nước khi cá nhiễm bệnh hoặc định kỳ 10 – 15 ngày tạt để phòng bệnh.

2. Rận cá

Tác nhân gây bệnh: Rận cá ký sinh trên mang cá, làm cá hô hấp khó khăn và chết rải rác, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.

Cách điều trị: Dùng phèn xanh (CuSO4), BK, FIBA (tinh dầu trăm bầu) hoặc Praziquantel phòng trị bệnh cá.

3. Trùng mỏ neo

Tác nhân gây bệnh: Ký sinh trên mang cá (nhìn được bằng mắt thường), cá hô hấp khó khăn nên tập trung nhiều ở cống cấp và quạt nước. Gây chết cá 20 – 30 con một ngày.

Cách điều trị: Dùng FIBA (tinh dầu trăm bầu), Praziquantel để phòng và điều trị bệnh.

4. Trùng bánh xe và trùng quả dưa

Tác nhân gây bệnh: Ký sinh trên thân cá, cạo một lớp nhớt trên cá xem dưới kính hiển vi là thấy. Bệnh này ít gây nguy hiểm tới cá nhưng làm cá ngứa nên tập trung nhiều ở quạt và tạo đều kiện cho vi vuẩn tấn công.

Cách điều trị: Dùng BKC, CuSO4,… để phòng và điều trị bệnh.

5. Đĩa cá

Tác nhân gây bệnh: Do đĩa cá gây chết cá nhiều và thường bệnh do vi khuẩn đi kèm do đĩa cá gây ra vết thương rất lớn. Đĩa cá kí sinh trên khắp cơ thể cá: mang, miệng, thân, vây,…

Cách điều trị: Dùng Formaldehide, Praziquantel để phòng và điều trị bệnh.

Bệnh do vi khuẩn

1. Co do Steptococcus sp.

Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Steptococcus sp. gây nên. Đây là bệnh rất nguy hiểm với cá chẽm, gây chết từ 60 – 100% đàn cá. Cá bệnh thường bỏ ăn nên khó đưa kháng sinh vào cơ thể. Cá bệnh có biểu hiện bên ngoài: xuất huyết đối xứng 2 bên vây lưng, tuột vảy. Biểu hiện bên trong: lách, gan xưng, bóng hơi, ruột xuất huyết.

Cách điều trị: Phòng bệnh bằng cách cho cá ăn kháng sinh phòng bệnh định kỳ 1 tháng/lần, Oxytetra 5g/kg thức ăn.

2. Bệnh suy giảm chức năng gan

Tác nhân gây bệnh: Bên ngoài cá bệnh không có dấu hiệu gì đặc biệt. Tuy nhiên khi mổ cá quan sát nội tạng bên trong: gan trắng và xuất hiện một vài đốm trắng, thành ruột xuất huyết.Gan cá chẽm bị suy giảm chức năng. Bệnh này thường chỉ gây thiệt hại từ 5 – 10%. Cá bệnh chết mỗi ngày khoảng 100 – 200 con.

Cách điều trị: Định kỳ 10 – 15 ngày sát khuẩn ao/bè/lồng nuôi. Phòng trị bênh bằng cách sử dụng Flophenicol.

3. Bệnh xuất huyết

Tác nhân gây bệnh: Bệnh xuất huyết này thường không nguy hiểm nhiều đến cá nuôi nhưng làm cho cá giảm ăn hoặc bỏ ăn, nếu kéo dài thì cá chậm lớn và tăng FCR. Bệnh thường xuất hiện khi môi trường nước ao dơ, tạo điều kiện cho cá loài vi khuẩn gây bệnh như: Aeromonas sp, Pseudomonas sp. Cá bệnh thường chết rải rác từ 3-7 con mỗi ngày. Cá chết có dấu hiệu xuất huyết ở gốc vây, xương nấp mang,…

Cách điều trị: Định kỳ 10 – 15 ngày sát khuẩn ao/bè/lồng nuôi. Phòng trị bênh bằng cách sử dụng Flophenicol.

Các món ăn bổ dưỡng chế biến từ cá Chẽm

Cá Chẽm là loại cá thịt ngọt, chắc tính bình chứa nhiều chất dinh dưỡng. Các món ăn được chế biến từ cá chẽm rất tốt cho bà mẹ đang mang thai và trẻ nhỏ. Dưới đây là những món ăn được chế biến từ cá Chẽm vừa đơn giản và vừa ngon.

Cá Chẽm hấp hành

Nguyên liệu:

  • Cá chẽm nguyên con
  • Nấm hương
  • Cà chua, hành tây, rượu hoặc bia, ớ, muối, tiêu, hạt nêm, hành, thìa là.

Cách chế biến:

  • Cá chẽm rửa sạch đem ướp cùng với tất cả các nguyên liệu
  • Để cá khoảng 20 phút thì đem cá đi hấp cách thủy.
  • Cá khi chín sẽ không có mùi tanh của cá và cay nồng của rượu thay vào đó là mùi thơm ngào ngạt của cá hấp.
  • Món cá chẽm hấp nên ăn kèm cùng bánh tráng, xoài xanh và rau thơm sẽ ngon hơn rất nhiều.

Cá Chẽm chưng tương

Nguyên liệu:

  • Cá chẽm
  • Xì dầu
  • Ớt tươi.

Cách chế biến:

  • Cá chẽm làm sạch rồi đổ ngập nước tương vào với cá, thêm chút ớt.
  • Sau đó cho toàn bộ cá và nước tương vào nồi đến khi nước tương sệt lại và cá chín thì cho cá ra.
  • Cá chẽm hấp xì dầu khi thưởng thức, có thể cảm nhận hương vị đậm đà của thịt cá hòa cùng với xì dầu tạo ra hương vị vô cùng mới lạ lạ và đặc biệt.

Cá Chẽm sốt cá chua

Nguyên liệu: 

  • Cá chẽm phi le
  • Dầu ăn
  • Bột mì
  • Trứng
  • Sốt cà chua, giấm, bột nêm, đường, nước mắm tỏi.

Cách chế biến:

  • Cá chẽm chẽm phi lê đem trộn cùng với trứng, bột nêm và bột mỳ.
  • Sau đó đem chiên ngập ở trong dầu đến khi vàng đều thì vớt ra.
  • Cà chua, tỏi đem xào cùng với dầu
  • Sau đó cho cá đã chiên vào chảo cùng với nước mắm, đường, giấm.
  • Đun đến khi nước sốt cà chua sánh quyện vào từng miếng cá thì bắc ra thưởng thức.

Cá Chẽm kho nghệ

Nguyên liệu:

  • Cá chẽm cắt khúc
  • Nghệ tươi, giềng
  • Ớt tươi, nước mắm

Cách chế biến:

  • Cá chẽm làm sạch, sau đó ướp cùng với nước cốt nghệ tươi, riềng giã nhỏ và nước mắm.
  • Đợi các nguyên liệu ngấm đều vào thịt cá thì đem đi kho.
  • Cá nên kho trong khoảng 4 tiếng để cho thịt cá mềm và ngấm gia vị.
  • Cá chẽm kho nghệ mà ăn kèm cùng với cơm nóng thì còn gì tuyệt bằng.

Cá Chẽm chiên giòn

Nguyên liệu:

  • Cá Chẽm
  • Tỏi, ớt quả
  • Nước cốt chanh
  • Các gia vi cần thiết.

Cách chế biến:

  • Trước tiên, bạn rửa sạch, mổ, lọc bỏ nội tạng và khứa khoảng 3 đến 4 đường lên mình cá.
  • Làm sạch tỏi, ớt, sau đó băm nhuyễn.
  • Đun nóng chảo, đổ dầu ăn rồi bỏ cá vào chiên giòn 2 mặt rồi gắp ra đĩa, để riêng.
  • Bỏ bớt dầu ăn, sau đó bạn cho tỏi, ớt băm nhuyễn cùng một số gia vị cần thiết vào 1 chiếc bát như: Đường, muối, cốt chanh, nước mắm, hạt tiêu, nước rồi khuấy đều
  • Tiếp theo, bạn đổ toàn bộ hỗn hợp vào chảo và đảo đều trong 1 đến 2 phút.

Cá Chẽm nấu canh chua

Nguyên liệu: 

  • Cá chẽm
  • Đậu bắp
  • Cà chua
  • Giá, thì là, tỏi, rau cần, gia vị cần thiết.

Cách chế biến: 

  • Cũng như với các món ăn được nấu từ cá chẽm ở trên, việc đầu tiên bạn cần làm vẫn là rửa sạch, lọc bỏ nội tạng của cá chẽm.
  • Sau khi cá ráo sạch nước, bạn bỏ cá vào một chiếc bát, ướp cùng một số nguyên liệu như nước mắm, bột nêm khoảng 5 đến 10 phút.
  • Cà chua rửa sạch, cắt làm 4. Đậu bắp loại bỏ 2 đầu, thái lát chéo. Gía rửa sạch, để ráo nước rồi băm nhỏ.
  • Bắc chảo lên đun nóng rồi đổ dầu ăn, phi thơm tỏi và cho cà chua lên, xào từ 3 đến 4 phút rồi đổ khoảng 2 lít nước vào đun sôi.
  • Khi nước sôi hẳn, bạn bật nhỏ lửa rồi cho cá, me vào và đun thêm 10 phút. Khi cá chuẩn bị chín, bạn đổ đậu bắp vào đun cùng.
  • Khi cá đã chín nước đã sôi già, bạn đổ ớt, thì là, rau cần, giá vào rồi tắt bếp. Nêm nếm canh cho vừa rồi đổ ra bát thưởng thức.
  • Cuối cùng, bạn chan hỗn hợp vừa xào lên mình cá rồi thưởng thức cùng với cơm.

Cá Chẽm nướng giấy bạc

Nguyên liệu:

  • Cá chẽm
  • Hành tím hoặc hành tây
  • Cần tây
  • Nấm hương
  • Các loại gia vị cần thiết.

Cách chế biến:

  • Rửa sạch, lọc bỏ nội tạng, rồi khứa khoảng 3 đến 4 đường lên thân mình cá.
  • Bỏ cá vào một đĩa sâu rồi ướp cùng một chút mắm, hạt tiêu.
  • Nấm hương ngâm nở rồi cắt đôi, hành lá rửa sạch, bỏ rễ rồi cắt khúc khoảng 5 đến 6cm, cần tây cắt khúc. Sau đó đem tất cả các nguyên liệu này trộn với 0,5l nước mắm.
  • Cắt 1 miếng giấy bạc đủ để bao trọn thân mình cá rồi trải thẳng, đổ 1 nửa số nguyên liệu đã trộn vào và đặt cá lên, sau đó bạn đổ nốt 1 nửa số nguyên liệu còn lại rồi gói chặt giấy bạc.
  • Sau đó, bạn cho cá vào lò hoặc nướng trên than củi khoảng 15 đến 20 phút ( Lưu ý: Lật 2 mặt thường xuyên để cá chín đều).
  • Cuối cùng, bỏ cá ra khỏi lò, bóc lớp giấy bạc và thưởng thức cùng bún tàu, xà lách.

Trên đây BaoKhuyenNong đã chia sẻ đến các bạn đọc những thông tin về cá Chẽm. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ nắm thêm nhiều kiến thức bổ ích. Nắm rỏ các đặc điểm, kỹ thuật nuôi và một số bệnh thường gặp trên cá Chẽm để giúp cho quá trình nuôi thuận lợi và thu lại hiệu quả kinh tế cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *