Theo Y học cổ truyền, Cây Địa Liền được sử dụng làm thuốc với mục đích làm giảm đau nhức do bệnh phong thấp gây ra. Ngoài ra, cây còn có tác dụng điều trị các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa và dạ dày. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về dược liệu này qua bài viết dưới đây để sử dụng trong cuộc sống.
Giới thiệu chung về cây địa liền
+ Tên khác: Tam nại, sơn nại, thiền liền hoặc sa khương
+ Tên khoa học: Kaempferia galanga L
+ Họ: Gừng (Zingiberaceae)
Đây là thảo dược thuộc họ gừng, được gọi với nhiều tên khác như tam nại, sơn nại, sa khương, thiền liền. Thảo dược này có tên khoa học là Kaempferia galanga L.
Đặc điểm thực vật:
- Là cây thân thảo, sống lâu năm, không có thân.
- Cây có 2 – 3 lá, xòe sát mặt đất nên được gọi là địa liền. Phiến lá hình bầu dục thuôn dần hẹp lại ở cuống, dài 8 -10cm, rộng từ 6 – 7 cm. Mép lá không xẻ cưa, mặt dưới có lông.
- Hoa không có cuống, màu trắng pha tím, mọc ở nách lá.
- Thân rễ có nhiều củ, củ mọc nối nhau, có hình trứng với các vân ngang.
Nơi phân bố
Thảo dược này mọc hoang hoặc được trồng tại nhiều nơi tại Việt Nam. Ngoài ra, cây này còn xuất hiện ở các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Nam Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…
Bộ phận dùng làm thuốc
Củ của cây này thường được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh. Sau khi thu hái được rửa sạch, thái mỏng và phơi khô.
Công dụng của vị thuốc địa liền
Tác dụng theo Đông Y
Theo Đông y, loại cây này có tính ấm, vị cay, quy vào kinh tỳ và vị. Thuốc có tác dụng ôn trung, tán hàn, bạt khí độc, trừ thấp. Dân gian thường sử dụng Địa liền để chữa ngực bụng lạnh, ỉa chảy, đau, kiện vị chữa chứng khó tiêu và đau dạ dày. Bên cạnh đó vị thuốc này còn được dùng ngoài để chữa tê thấp, đau nhức các khớp, chữa tê phù, sâu răng…
Tác dụng theo Y học hiện đại
Tây y đã chứng minh địa liền có nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người:
- Giảm đau: Thực nghiệm tiêm xoang bụng chuột nhắt bằng axit axetic 0,6% để gây đau nội tạng, địa liền giúp làm giảm cường độ đau và số lần đau. Khi gây đau bằng kim loại nóng, vị thuốc này không thể hiện tác dụng giảm đau kiểu morphin.
- Chống viêm: Thực nghiệm gây phù chân chuột nhắt bằng Kaolin, địa liền và tinh thể chiết từ cây này giúp chống viêm rõ rệt.
- Hạ sốt: thảo dược này giúp hạ sốt cho thỏ bị gây sốt bằng pyrogen.
Trong thực tế, cây thảo dược này còn được người dân nhiều quốc gia sử dụng để chữa trị nhiều chứng bệnh khác nhau:
- Ở Vân Nam – Trung Quốc, địa linề được dùng để trị viêm dạ dày, loét dạ dày, thực trệ khí trướng, đau răng, phong thấp và nhiều tình trạng khác.
- Tại Philippines, nước sắc thảo dược này dùng để chữa ăn uống khó tiêu, sốt rét. Lá cây thường được giã nát, đem xào nóng để đắp lên phần khớp bị tê thấp.
- Tại Malaysia, thân rễ của cây dùng để trị hen suyễn, lở loét và cao huyết áp. Lá và thân rễ cây này cũng được dùng để nhai chữa đau họng và ho. Riêng thân rễ của cây này thường được sử dụng để chữa cảm lạnh.
Tác dụng phụ
Địa liền có thể gây một số tác dụng phụ, người bệnh không nên lạm dụng liều cao trong thời gian dài. Những người bị âm hư, thiếu máu, dạ dày nóng rát không nên dùng loại cây này để chữa bệnh.
Một số bài thuốc sử dụng cây địa liền
Nhiều bài thuốc chữa bệnh từ cây sơn nại hiện nay vẫn được nhiều người áp dụng. Cụ thể như sau:
Chữa cảm sốt nhức đầu
5 gram củ địa liền,5 gram bạch chỉ và 10 gram cát căn, đem nghiền mịn vo viên uống.
Chữa tiêu hóa kém, ngực bụng lạnh đau
- Cách 1: Sắc nước 4 – 8 gram địa liền hoặc tán bột pha nước uống.
- Cách 2: Tán bột các thành phần sau với lượng bằng nhau: địa liền, đương quy, đinh hương và cam thảo. Sau đó trộn bột với hồ và hoàn viên to bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 10 viên uống với rượu x 2 – 3 lần.
Chữa ho gà
Bài thuốc: 300g địa liền, 300g lá chanh, 1000g rau sam tươi, 1000g rau má tươi, 500g tía tô, và 1000g vỏ rễ dâu đã được tẩm mật ong và sao.
Rửa sạch các vị thuốc rồi đun sôi cùng 12 lít nước trên ngọn lửa nhỏ. Sau khi nước thuốc cạn còn khoảng 4 lít thì cho vào bình thủy tinh, bảo quản và dùng dần. Mỗi ngày cho trẻ uống từ 15 – 30 ml.
Trị chứng ăn uống khó tiêu, đau dạ dày
Tán bột 20g địa liền và 10g quế chi. Mỗi ngày uống 3 lần và mỗi lần uống khoảng 0,5 hoặc 1 g bột.
Trị đau nhức, tê phù, đau mỏi gân cốt, đau lưng, trị tê thấp
100g Củ địa liền phơi khô, thái nhỏ, 50g Huyết giác, 40g thiên niên kiện, 20g Trần bì, 20g tiểu hồi, 1 lít rượu trắng 40 -50 độ.
Cho các vị thuốc vào bình ngâm chung với rượu trong khoảng 10 ngày. Dùng rượu địa liền xoa vào vùng bị đau nhức, bóp đều cho rượu ngấm vào cơ khớp.
Lưu ý, người bệnh nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi áp dụng các bài thuốc liên quan đến địa liền để đảm bảo an toàn và thu được dược tính tốt nhất.
Cách trồng và chăm sóc Cây Địa Liền
Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, bao tải, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây địa liền. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
Đất trồng
Cây địa liền có thể là cây dễ trồng dễ sống và phát triển tốt trên nhiều nền đáy khác nhau. Tuy nhiên, cây sẽ cho năng suất cao nhất nếu được trồng ở đất tơi xốp nhiều mùn, giàu dinh dưỡng.
Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 – 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Chọn giống và trồng cây
Địa liền trồng bằng củ (thân ngầm ở dưới đất). Củ sau khi dỡ được bảo quản nơi râm mát, thường đặt dưới sàn nhà hay xếp trên giá thành từng tầng. Chọn những củ còn tươi không bị thối, tách thành từng nhánh như nhánh gừng hoặc cắt khúc trên đó có mang các mắt (chồi nhủ) để đem trồng.
Cuốc toàn diện (nếu trồng trên đất vườn nhà hoặc vườn đồi, sau đó lên luống rộng khoảng 1 – 1,2m, cao 25cm, bón lót bằng phân chuồng hoai trước khi trồng 15 ngày.
Khi địa liền đã nảy mầm, xếp vào rổ hay sọt đem đi trồng. Dùng tay đặt từng nhánh trên rạch đã chuẩn bị sẵn, mỗi nhánh đặt cách nhau 20 – 25cm. Sau đó phủ một lớp đất mịn dày 1 – 1,5cm lên phía trên, dùng tay lèn chặt đất xung quanh. Có thể phủ một lớp rơm rạ hoặc trấu mỏng lên mặt luống để giữ ẩm. Trồng xong tưới nước giữ ẩm.
Chăm sóc
Vào những ngày trời khô nóng cần tưới nước đủ ẩm. Vào mùa khô chú ý tới công tác thoát nước để tránh cây bị úng, thối.
Thường xuyên làm cỏ, xới xáo quanh gốc cho đất tơi xốp.
Khi cây mọc được 2 lá thì dùng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân gà, phân trùn quế… để bón cho cây. Giai đoạn hình thành củ cần bón thúc có thêm Kali.
Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Cây Địa Liền do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Cây Địa Liền là vị thuốc với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.