Nhắc đến cái tên Cây Lẻ Bạn, có thể có những người thấy tên này lạ lẫm. Nhưng nếu đã một lần nhìn thấy, thì bạn sẽ thấy cây ấy vô cùng quen thuộc, có thể bắt gặp bất kì đâu nơi bồn hoa nhà ai đó, nơi công viên, nhà hàng, quán café,… Có lẽ do vẻ đẹp ưa nhìn dễ chịu của nó. Nhưng có một điều càng ít người biết hơn, đó là loài cây này còn là một vị thuốc chữa bệnh. Vậy cây ấy có công dụng gì, chữa bệnh ra sao, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.
Giới thiệu chung về Cây Lẻ Bạn
- Tên gọi khác: Sò huyết, Bạng hoa, Sò tím.
- Tên khoa học: Tradescantia discolor L’Hér.
- Họ: Thài lài (Commelinaceae).
Đặc điểm thực vật
Lẻ bạn là một loại cây thảo sống nhiều năm có chiều cao trung bình ở khoảng 30 – 40cm. Thân cây mập, nhẵn và không phân nhánh, trên thân xuất hiện các ngấn ngang chính là vết tích của sẹo lá.
Lá lẻ bạn có bẹ rộng ôm lấy thân, dài khoảng 15 – 30cm, rộng khoảng 3 – 5cm. Phần đầu lá tù hoặc nhọn còn phiến lá thường khá dày, cứng và lõm. Phía mặt trên của lá có màu lục còn mặt dưới có màu tím. các gân lá chạy song song.
Hoa có màu trắng vàng, mọc thành từng cụm ở kẽ lá thành tán, được bao bọc bởi 2 mo úp vào nhau giống như con sò. Mỗi bao hoa chứa 3 lá đài và 3 cánh hoa giống nhau cùng 6 nhị gần bằng nhau, bầu 3 ô. Quả nang, khi chín sẽ nứt thành 3 mảnh vỏ, hạt ráp, có cánh.
Cây lẻ bạn ra hoa quả hằng năm. Khi quả già, hạt sẽ được phát tán ra xung quanh. Sau khoảng 6 – 7 tháng thì sẽ mọc thành cây con. Ngoài ra, loại cây này có thể được trồng bằng nhánh con hay một phần thân rễ. Cây chủ yếu được trồng để làm cảnh.
Bộ phận dùng
Hoa của cây lẻ bạn là bộ phận được sử dụng làm thuốc. Trong một số trường hợp, lá của cây cũng có thể dược dùng nhưng không phổ biến như hoa.
Phân bố
Cây lẻ bạn được cho là có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Tại Việt Nam cây thường được trồng làm cảnh ngay tại sân vườn hay trong công viên.
Lẻ bạn là loại cây ưa sáng, có khả năng chịu hạn rất tốt. Cây có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiều vùng thổ nhưỡng khác nhau cả trung du, miền núi, đồng bằng và ven biển.
Thu hái và sơ chế
Đầu hè khi hoa bắt đầu nở là thời gian thích hợp nhất để thu hái dược liệu. Ngoài ra, có thể thu hái hoa vào thời điểm giữa hay cuối mùa. Sau khi thu hái về đem rửa sạch. Có thể dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô để bảo quản dùng dần.
Bảo quản
Dược liệu nếu đã qua sơ chế khô cần đựng trong túi kín và bảo quản ở những nơi khô thoáng, tránh ẩm ướt, mốt mọt.
Thành phần hóa học
Phân tích dược liệu cây lẻ bạn ghi nhận một số thành phần sau đây:
- alcaloides
- flavonoides
- steroides
- saponines
- erpenoides
- tanin
- phenoliques coumpounds
- tinh dầu huile
- anthocyanes
- carotenoides
- chất sáp cires
- oumariniques
- steroidiens
Vị thuốc cây lẻ bạn
Tính vị
Đa phần các tài liệu Đông y ghi nhận, vị thuốc có vị ngọt, nhạt và tính mát.
Quy kinh
Dược liệu được quy vào kinh Phế.
Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Thanh nhiệt nhuận phế, bổ máu, lương huyết giải độc, hóa đờm chống ho.
- Chủ trị: Dược liệu thường được dùng để chữa chứng hoa ra máu, tiêu chảy, đại tiện ra máu, viêm khí quản, viêm đường hô hấp, lao bạch huyết…
Theo y học hiện đại:
- Một chiết xuất thô etanolic từ cây lẻ bạn được ghi nhận là có thể chống độc tố, chống vi trùng, đồng thời chống nhiễm trùng mạnh mẽ.
- Nước sắc từ dược liệu được cho là có tiềm năng trong phòng ngừa ung thư cũng như hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.
Cách dùng – liều lượng
Vị thuốc cây lẻ bạn có thể được dùng ở cả dạng khô và dạng tươi. Thông dụng nhất là sắc lấy nước uống, có thể kết hợp chung với nhiều vị thuốc khác. Hiện vẫn chưa có khuyến cáo về giới hạn liều lượng cho 1 ngày, bạn cần tham khảo thầy thuốc để dùng phù hợp với mục đích điều trị.
Bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu cây lẻ bạn
Cây lẻ bạn thường được dùng phổ biến trong một số bài thuốc sau đây:
Bài thuốc chữa tiểu tiện không thông
- Chuẩn bị: 15g hoa lẻ bạn, 15g diếp cá, 20g rau má, 10g rễ cỏ tranh cùng với 10g râu ngô.
- Thực hiện: Tất cả dược liệu đều dùng ở dạng tươi, đem rửa sạch. Cho vào ấm sắc lấy nước đặc, lọc bỏ bã rồi chia đều thành 2 lần uống. Dùng mỗi ngày 1 thang trong 7 ngày liên tiếp.
Bài thuốc trị cảm sốt, đau đầu, ho
- Chuẩn bị: 15g hoa lẻ bạn, 10g rễ cây chòi mòi cùng với 10g vỏ cây kim phượng hoa vàng.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi khô. Cho vào ấm sắc cùng 400ml nước. Thu lấy 100ml, bỏ bả đi chia đều làm 2 lần uống. Ngày dùng 1 thang, duy trì đều đặn khoảng 3 – 5 ngày.
Bài thuốc trị ho do phế nhiệt, đờm đặc vàng, khó khạc ra ngoài
- Chuẩn bị: 30 – 40g hoa lẻ bạn.
- Thực hiện: Rửa sạch để ráo rồi cho vị thuốc vào cối giã nát. Sau đó cho thêm 1 ít nước và gạn bỏ bả, lấy nước uống. Hoặc cũng có thể phơi khô dược liệu rồi sắc lấy nước đặc uống 1 lần trong ngày. Duy trì liên tục trong khoảng 3 ngày.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm khí quản
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị 15g hoa lẻ bạn cùng với 10ml mật ong. Dược liệu đem rửa sạch và thái nhỏ rồi trộn với mật ong. Sau đó đem đi hấp cách thủy trong khoảng 15 – 20 phút. Chia đều thành 2 – 3 lần uống trong ngày khi thuốc còn hơi ấm.
- Bài thuốc 2: Cần có 15g hoa lẻ bạn cùng với 5g vỏ cây núc nác. Các vị thuốc này đem thái nhỏ rồi cho vào ấm, đổ thêm 400ml vào sắc lấy 100ml. Loại bỏ phần bã và chia đều nước thuốc thành 2 lần uống trong ngày.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp
- Chuẩn bị: 3 lá cây lẻ bạn hoặc 15 cụm hoa lẻ bạn.
- Thực hiện: Rửa sạch dược liệu rồi cho vào ấm sắc lấy nước uống hằng ngày. Có thể cho thêm 1 ít mật ong hay đường phèn cho dễ uống. Gia thêm vỏ quýt hay vài lát gừng tươi vào bài thuốc nếu có triệu chứng đi phân lỏng hay ho do cảm lạnh.
Bài thuốc chữa lao bạch huyết
- Chuẩn bị: 30 – 60g lá cây lẻ bạn tươi.
- Thực hiện: Đem dược liệu đi rửa sạch, để ráo sau đó thái nhỏ. Cho vào ấm sắc chung với 1 thăng nước trong 20 phút trên lửa nhỏ. Loại bỏ bã, chia lượng thuốc thu được thành nhiều lần uống trong ngày, dùng đúng 1 thang/ngày.
Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Cây Lẻ Bạn do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Cây Lẻ Bạn là vị thuốc với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.