Cá Tra – Đặc điểm sinh học và mô hình nuôi cá tra an toàn sinh học

Cá tra là một trong những loài cá có giá trị kinh tế phổ biến ở Đông Nam Á (camphuchia, Thai Lan, Indonesia,…) là một trong các loài nuôi quan trọng của khu vực này. Đồng bằng Nam Bộ đã có truyền thống nuôi cá Tra phổ biến trong ao và bè. Năng suất nuôi cá tra rất cao, trong ao đạt tới 60 – 70 tấn/ha, trong bè có thể đạt tới 100 – 300 kg/m2 nước bè nuôi. Cá tra đang trở thành một đối tượng có giá trị xuất khẩu trong thời gian gần đây. Không những thế, cá tra còn là một món ăn quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày của nhiều gia đình. Không chỉ chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, loại nguyên liệu này còn được chế biến thành nhiều món ăn đa dạng và độc đáo. Để giúp các bạn đọc hiểu rỏ hơn về cá tra, Báo Khuyến Nông sẽ tổng hợp những thông tin liên quan đến cá tra trong bài viết dưới đây mời các bạn tham khảo.

Cá Tra - Đặc điểm sinh học và mô hình nuôi cá tra an toàn sinh học
Cá Tra – Đặc điểm sinh học và mô hình nuôi cá tra an toàn sinh học

Đặc điểm sinh học cá tra

Phân loại

Cá tra là một trong số 11 loài thuộc họ cá tra ( Pangasiidae) đã được xác định ở Sông Cửu Long.

Phân loại cá tra:

  • Bộ cá nheo Siluriformes
  • Họ cá tra Pangasiidae
  • Giống cá tra dầu Pangasianodon
  • Loài cá tra Pangasianodon hypophthalmus (Sauvage 1878).

Cá tra là một loài cá nuôi truyền thống trong ao của nông dân ở các tỉnh ĐBSCL.

Phân bố

Cá tra phân bố ở lưu vực sông Mê Kông, có mặt ở cả 4 nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Ở nước ta những năm trước đây khi chưa có cá sinh sản nhân tạo, cá bột và cá giống được vớt trên sông Tiền và sông Hậu. Cá trưởng thành chỉ thấy trong ao nuôi, ít gặp trong tự nhiên, do cá có tập tính di cư ngược dòng sông Mê Kông để sinh sống và tìm nơi sinh sản tự nhiên. Khảo sát chu kỳ di cư của cá tra ở địa phận Campuchia cho thấy cá ngược dòng từ tháng 10 đến tháng 5 và di cư về hạ lưu từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm.

Ở Việt Nam cá tra không đẻ trong ao nuôi, cũng không có bãi đẻ tự nhiên. Cá tra đẻ ở Campuchia và cá bột theo dòng nước về Việt Nam.

Đặc điểm sinh học cá tra
Đặc điểm sinh học cá tra

Hình thái, sinh lý

Cá tra là cá da trơn, thân dài, dẹp ngang, lưng xám đen, bụng hơi bạc, miệng rộng, đầu nhỏ vừa phải, mắt tương đối to. Vây lưng cao, có một gai cứng có răng cưa. Vây ngực có ngạnh, bụng có 8 tia phân nhánh, trong khi các loài khác có 6 tia (Phạm Văn Khánh, 1996).

Cá có khả năng sống tốt trong điều kiện ao tù nước đọng, nhiều chất hữu cơ, oxy hòa tan thấp, có thể nuôi với mật độ cao và có thể sống được ở vùng nước lợ (nồng độ muối 7 -10‰).

Đặc điểm dinh dưỡng

Cá tra khi hết noãn hoàng thì thích ăn mồi tươi sống, vì vậy chúng ăn thịt lẫn nhau ngay trong bể ấp và chúng vẫn tiếp tục ăn nhau nếu cá ương không được cho ăn đầy đủ, thậm chí cá vớt trên sông vẫn thấy chúng ăn nhau trong đáy vớt cá bột. Ngòai ra khi khảo sát cá bột vớt trên sông, còn thấy trong dạ dày của chúng có rất nhiều phần cơ thể và mắt cá con các lòai cá khác. Dạ dày của cá phình to hình chữ U và co giãn được, ruột cá tra ngắn, không gấp khúc lên nhau mà dính vào màng treo ruột ngay dưới bóng khí và tuyến sinh dục. Dạ dày to và ruột ngắn là đặc điểm của cá thiên về ăn thịt. Ngay khi vừa hết noãn hoàng cá thể hiện rõ tính ăn thịt và ăn lẫn nhau, do đó để tránh hao hụt do ăn nhau trong bể ấp, cần nhanh chóng chuyển cá ra ao ương.

Trong quá trình ương thành cá giống trong ao, chúng ăn các loại động vật phù du có kích thước nhỏ và thức ăn nhân tạo. Khi cá lớn thể hiện tính ăn rộng, ăn đáy và ăn tạp thiên về động vật.

Trong điều kiện thiếu thức ăn, cá có thể sử dụng các loại thức ăn bắt buộc khác như mùn bã hữu cơ, rễ cây thủy sinh, rau quả và thức ăn có nguồn gốc động vật như tôm tép, cua, côn trùng, ốc và cá. Trong ao nuôi cá tra có khả năng thích nghi với nhiều loại loại thức ăn khác nhau như: thức ăn tự chế, thức ăn công nghiệp, cám, tấm, rau muống… Thức ăn có nguồn gốc động vật giúp cá lớn nhanh hơn (Nguyễn Văn Kiểm, 2004).

Đặc điểm sinh trưởng

Cá tra có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, lúc còn nhỏ cá tăng nhanh về chiều dài. Cá ương trong ao sau 2 tháng đạt chiều dài từ 10-12cm (14 – 15gam). Từ khoảng 2,5kg trở đi, mức tăng trọng lượng nhanh hơn so với chiều dài cơ thể.

Cá nuôi trong ao 1 năm đạt từ 1 – 1,5kg/con (năm đầu), những năm về sau cá tăng trọng nhanh hơn, có khi đạt tới 5 – 6kg/năm tuỳ thuộc môi trường sống và sự cung cấp thức ăn cũng như loại thức ăn có hàm lượng đạm nhiều hay ít.

Cá Tra - Đặc điểm sinh học và mô hình nuôi cá tra an toàn sinh học 1

Đặc điểm sinh sản

Cá tra không sinh sản trong ao nuôi, cá có tập tính di cư sinh sản trên những khúc sông có điều kiện sinh thái phù hợp. Trong tự nhiên chỉ gặp cá thành thục trên sông ở địa phận của Campuchia và Thái Lan. Ở Viết Nam cá tra cũng không có bãi sinh sản tự nhiên. Cá sinh sản ở Campuchia, cá bột theo dòng nước về Việt Nam (Nguyễn Văn Kiểm, 2004).

Tuổi thành thục của cá tra trên sông Mekong 3 – 4 năm tuổi. Cá tra có tập tính di cư ngược dòng. Mùa vụ sinh sản của cá trong tự nhiên bắt đầu từ tháng 5 – 7 âm lịch hàng năm. Trọng lượng cá thành thục lần đầu từ 2,5 – 3 kg (Nguyễn Văn Kiểm, 2004).

Cá tra không có cơ quan sinh dục phụ, nếu chỉ nhìn hình dáng bên ngoài thì khó phân biệt được cá đực và cá cái. Bắt đầu phân biệt được cá đực cái từ giai đoạn II, các giai đoạn sau, buồng trứng tăng về kích thước, hạt trứng màu vàng, tinh sào có hình dạng phân nhánh, màu hồng chuyển dần sang màu trắng sữa. Hệ số thành thục của cá tra khảo sát được trong tự nhiên từ 1,76 – 12,94 (cá cái) và từ (0,83 – 2,1 (cá đực) cỡ cá từ 8 – 11kg (Nguyễn Văn Trọng, 1989). Trong ao nuôi vỗ, hệ số thành thục cá tra cái có thể đạt 19,5%.

Số lượng trứng đếm được trong buồng trứng của cá gọi là sức sinh sản tuyệt đối, sức sinh sản tuyệt đối của cá tra từ 200.000 đến vài triệu trứng. Sức sinh sản tương đối có thể là 135.000 trứng/kg cá cái. Kích thước của trứng cá tra tương đối nhỏ và có tính dính. Trứng sắp đẻ có đường kính trung bình 1mm, khi đẻ ra trứng trương nước thì đường kính trứng có thể là 1,5 – 1,6 mm.

Trong sinh sản nhân tạo, ta có thể nuôi thành thục sớm và cho đẻ sớm hơn trong tự nhiên (từ tháng 3 dương lịch hàng năm), cá tra có thể tái phát dục 1 – 3 lần trong một năm.

Giá trị kinh tế của cá Tra

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xuất khấu cá tra sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong hai tháng đầu năm nay. Trong khi đó, thị trường Mỹ sau thời gian dài ảm đạm đã trở lại là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam.

Mô hình kỹ thuật nuôi cá tra an toàn sinh học

Để thực hiện nuôi cá tra theo hướng phát triển bền vững nhằm ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà tiêu dùng và xuất khẩu, người nuôi cần tuân thủ các bước sau:

Vị trí nuôi

Ao nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi đã được Uỷ Ban Nhân Dân TP. Cần Thơ hoặc các ngành chức năng phê duyệt.

Ao có kết cấu đất đảm bảo giữ được nước khi cần thiết, có nguồn nước tốt phù hợp cho cá phát triển, giao thông thuận lợi và các chỉ tiêu thuỷ lý, thuỷ hoá cần đạt như sau:

  • PH: 7 – 8
  •  Ôxy hoà tan: > 3mg/lít
  • N-NH3: 1mg/lít
  • Các chỉ tiêu về hàm lượng kim loại nặng như: chì, Cadimi,… phải nằm trong giới hạn cho phép.

Cá Tra - Đặc điểm sinh học và mô hình nuôi cá tra an toàn sinh học 2

Thiết kế ao nuôi

Diện tích: tuỳ vào điều kiện của nông hộ. Tuy nhiên, diện tích từ 0,5 – 1 ha là phù hợp cho nuôi cá tra theo hình thức này. Ao phải có bờ chắc chắn dảm bảo giữ được nước trong mùa khô và không bị tràn trong mùa mưa lũ.

Cần có hồ sơ ghi lại các khâu quan trọng như: địa chỉ cơ sở mua giống, thời gian mua giống, thời gian thả giống, cơ sở bán thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, loại hoá chất sử dụng… để khi cần thiết sẽ truy được nguồn gốc.

Thời vụ thả giống

Ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long có thể nuôi được quanh năm, nhưng tốt nhất là nuôi 2 năm 3 vụ và giữa 2 vụ nuôi thì ao cần được cải tạo ao thật kỹ.

Giống phải có kích cở từ: 10 – 15cm (khoảng 10 – 12g/con).

Mật độ nuôi: từ 20 – 25 con/m2, tuỳ vào chất lượng nguồn nước nơi nuôi và tuỳ vào trình độ kỹ thuật của người nuôi.

Thức ăn

Trong nuôi cá tra thì thức ăn chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng chi phí nuôi và nó quyết định đến sự phát triển của cá và giá thành sản xuất.

1. Thức ăn công nghiệp

Thức ăn công nghiệp là loại thức ăn dạng viên, đóng bao sẳn và hàm lượng các vật chất dinh dưỡng cũng được các nhà sản xuất tính sẳn. Để sử dụng thức ăn này có hiệu quả , người nuôi cần tuân thủ một số tiêu chí sau:

  • Chọn các công ty có uy tín và các công ty này được cấp giấy chứng nhận của các cơ quan có chức năng về nhãn mác hàng hoá cũng như chất lượng của sản phẩm.
  • Khi cho cá ăn thì phải dựa vào từng giai đoạn phát triển của cá nuôi:

+ Thường ở 2 tháng đầu cần cho cá ăn thức ăn có hàm lượng đạm khoảng 28 – 30%.Các tháng tiếp theo cho cá ăn thức ăn có hàm lượng đạm khoảng 25 – 26% và 2 tháng cuối thì hàm lượng đạm cho cá chỉ khoảng 20 – 22% là được.
+ Cho cá ăn mỗi ngày 2 lần: sáng từ 8 – 9 giờ, chiều lúc: 16 – 17 giờ. Khẩu phần cho cá ăn khoảng 2 – 3% trọng lượng đàn cá nuôi.

2. Thức ăn tự chế biến

Vì là thức ăn sẳn có ở địa phương nên khi chế biến cho cá ăn cần theo các tiêu chuẩn sau:

  • Các nguyên liệu có nguồn gốc từ động như cá tạp, bột cá thì phải tươi và không bị nấm mốc.Các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật như: tấm, cám, đậu nành,… thì không bị nấm, mốc, mọt,…
  • Không được bổ sung vào thức ăn các loại thuốc, hoá chất mà bộ thuỷ sản cấm sử dụng.
  • Thường xuyên vệ sinh khu vực chế biến thức ăn cũng như các kho chưa thức ăn phải đặt nơi khô ráo sạch sẽ.

* Công thức pha trộn thức ăn tự chế:

Các loại cá tạp và tấm cần nấu chín sau đó để nguội và trộn tất cả các nguyên liệu trên với nhau, đồng thời định kỳ 3 ngày bổ sung Vitamin C vào thức ăn với liều lượng 5g/100Kg thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá.

Cá Tra - Đặc điểm sinh học và mô hình nuôi cá tra an toàn sinh học 3

Chăm sóc và quản lý ao nuôi

Cần có lịch cho cá ăn hàng ngày và phải tuân thủ đúng thời gian cho cá ăn, khi cho cá ăn cần quan sát các hoạt động bắt mồi của cá để kịp thời điều chỉnh thức ăn.

Thức ăn và liều lượng cho cá ăn cũng như hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn phải phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cá.

Không được sử dụng thức ăn quá hạn sử dụng, thức ăn kém chất lượng, thư căn bị nấm mốc, thức ăn có chứa các kháng sinh và hoá chất cấm sử dụng của Bộ Thuỷ Sản (nay là Bộ Nông Nghiệp và PTNT).

Phải lập sổ ghi chép đầy đủ các chi tiết như: ngày giờ cho cá ăn, lượng thức ăn, nguồn gốc thức ăn, các nguyên liệu làm thức ăn, các hoá chất, thuốc sử dụng trộn vào thức ăn cho cá nuôi.

Định kỳ kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng nước như: pH, Ôxy, N-NH3, H2S,… theo dõi tình trạng sức khoẻ của cá thông qua các hoạt động bơi lội và bắt mồi của cá.

Khi cá bị bệnh phải xử lý kịp thời như: làm các xét nghiệm mẫu cá bệnh trước khi chữa trị. Khi trị bệnh cho cá phải áp dụng các kỹ thuật đúng như: dùng đúng thuốc, liều lượng hợp lý, thời gian hợp lý,… theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Cá bị bệnh chết phải xử lý triệt để không để lây lan từ ao này sang ao khác.Cần ghi lại kết quả điều trị cho cá như: kết quả xét nghiệm, thời gian điều trị, loại thuốc điều trị, cách điều trị.

Cần thay nước hàng ngày với lượng nước thay khoảng 20% – 30% tổng lượng nước trong ao. Nước thải trước khi cho ra môi trường bên ngoài phải có biện pháp xử lý làm sạch. Luôn duy trì chất lượng nước tốt dựa vào các chỉ tiêu thuỷ lý, thuỷ hoá phù hợp với nhu cầu phát triển của cá.

Thường xuyên cập nhật các thông tin của các nghành chức năng như: Chi Cục Thuỷ Sản, Trung Tâm Khuyến Nông về giá cả thị trường cá nuôi, các dự báo về môi trường nước nuôi, thời vụ nuôi thích hợp để điều chỉnh và bố trí lịch thời vụ nuôi thích hợp.

Thu hoạch

Không được thu hoạch cá đang trong thời gian cá bệnh. Cần gửi mẫu đến cơ quan chức năng kiểm tra dư lượng thuốc, hoá chất trước khi thu hoạch.

Ngừng sử dụng thuốc điều trị bệnh trước khi thu hoạch theo quy định của các ngành chức năng. Ngừng cho cá ăn thức ăn công nghiệp 1 ngày và nếu thức ăn tự chế thì ngừng cho cá ăn 2 ngày trước khi thu hoạch.

Cá Tra - Đặc điểm sinh học và mô hình nuôi cá tra an toàn sinh học 4

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cho cá Tra

Nuôi dưỡng thành thục cá bố mẹ

1. Ao nuôi vỗ cá bố mẹ

Ao nuôi cá nên chọn đào ở những nơi đất thịt và ít bị nhiễm phèn, nên gần nhà để tiện chăm sóc và bảo vệ. Ao nuôi vỗ cá tra có diện tích ít nhất 500 m2, ao nuôi vỗ cá ba sa bố mẹ nên có diện tích lớn hơn, phải từ 1000 m2 trở lên, độ sâu mực nước từ 1,5 – 3 m. Nhiệt độ nước ao thích hợp từ 26 – 30 độ C, pH thích hợp từ 7 – 8, hàm lượng oxy hòa tan từ 2mg/l trở lên.

Nhìn chung ao càng rộng, thóang càng tạo không gian họat động thỏai mái cho cá. Ao rộng thì giữ được sự ổn định của các yếu tố môi trường nhất là những khi thời tiết thay đổi. Ao rộng và thóang sẽ dễ dàng tạo được sự đối lưu giữa các tầng nước và các khu vực trong ao, điều hòa lượng khí oxy hòa tan trong nước giúp cho cá sinh trưởng và phát triển thuận lợi, thành thục dễ dàng và chất lượng sản phẩm sinh dục tốt. Một số địa phương, nhiều hộ có ao nuôi vỗ cá tra bố mẹ với diện tích nhỏ hơn 500 m2, vì vậy các yếu tố thủy lý hoá trong ao biến đổi nhiều, dẫn đến tỷ lệ thành thục cũng như sức sinh sản của cá bố mẹ đều kém, chất lượng trứng và tinh dịch không tốt, tỷ lệ sống của cá bột thấp. Ðộ sâu của ao cũng phải hợp lý để tạo thêm không gian họat động cho cá. Ao sâu thường giữ được nhiệt độ ổn định hơn ao cạn . Nhưng ao qúa sâu cũng không tốt, vì ao sâu có ảnh hưởng tới chất lượng công trình, đồng thời lớp nước dưới đáy ao ít được trao đổi, chất lắng đọng nhiều, nhiệt độ thấp, lượng oxy hòa tan thấp nên không thuận lợi cho cá.

Ao phải được xây dựng gần nguồn cấp nước, gần sông hoặc kênh mương để dễ dàng và chủ động lấy nước cho ao. Nguồn nước cấp cho ao phải chủ động, sạch, không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt hay nước thải công nghiệp, hoá chất. Nước bị nhiễm chua phèn hoặc kiềm quá đều không tốt. Nước có chứa các kim lọai nặng thì dễ gây độc cho cá.

Ðáy ao không nên có nhiều bùn, vì dễ làm ô nhiễm và gây bệnh cho cá. Nếu đáy ao cát, độ thẩm thấu lớn và dễ bị sạt lở, khó giữ được nước ao. Bờ ao phải chắc chắn, không để lỗ mọi rò rỉ, chiều cao bờ phải cao hơn mực nước cao nhất trong năm để đề phòng ngập vào mùa nước lũ. Mái bờ cần dốc thoai thoải 30 – 40o để tránh sạt lở. Ao phải có cống cấp và cống thoát để giữ mực nước ổn định cũng như cấp và tháo nước dễ dàng khi cần thiết. Ðáy ao phải bằng phẳng và hơi nghiêng về phía cống thóat với độ dốc khỏang 0,3 – 0,4%. Nên giữ mặt ao thoáng đãng, không để tán cây lớn che khuất mặt ao.

Trước khi thả cá bố mẹ để nuôi vỗ, phải tiến hành các công việc chuẩn bị và cải tạo lại ao: tát hoặc tháo cạn nước ao, bắt hết cá tạp, cá dữ, vét bớt bùn đáy (chỉ nên để lớp bùn dày 20 – 25 cm). Dọn sạch cỏ, chặt bớt các tán cây che khuất quanh bờ ao, đắp lại những chỗ sạt lở và hang hốc cua, rắn, ếch, chuột.Ðể diệt cá tạp và nhất là cá dữ trong ao, ta thường dùng rễ cây thuốc cá (Derris), cứ 1kg rễ cây thuốc cá dùng cho 100m3 nước, ngâm nước 8 – 10 giờ rồi đập dập hoặc giã nát rồi vắt lấy nước và tạt đều khắp ao vào lúc trời nắng. Chất Rotenon có trong rễ cây thuốc cá sẽ diệt hết mọi cá tạp và cá dữ còn sót lại trong ao. Sau khi diệt tạp, dùng vôi bột rải đều đáy và mái bờ với lượng vôi từ 7 – 10 kg/100m2. Phơi nắng đáy ao 1-2 ngày và cho nước vào ao từ từ qua lưới chắn lọc, khi mực nước cao đạt yêu cầu thì tiến hành thả cá bố mẹ.

2. Lựa chọn cá bố mẹ nuôi vỗ

Có thể chọn cá để nưôi làm cá hậu bị từ những đàn cá thịt nuôi trong ao hoặc trong bè. Ðàn hậu bị được nuôi đến năm thứ hai thì lựa những cá thể tốt nhất để làm đàn cá bố mẹ chính thức. Chọn những con khỏe mạnh, ngoại hình cân đối, hoàn chỉnh không bị dị hình, di tật, trọng lượng của cá tra và ba sa từ 3 – 4 kg, có độ tuổi từ 3 năm trở lên và nên lựa chọn đều nhau về quy cỡ. Những cá khỏe và thể trọng lớn sẽ thành thục tốt, hệ số thành thục và sức sinh sản cao (có nhiều trứng). Không nên chọn cá quá nhỏ để đưa vào nuôi vỗ, vì cá nhỏ sẽ có chất lượng sản phẩm sinh dục sẽ kém. Nên chọn những cá có nguồn gốc xa nhau, của nhiều đàn cá thịt ở các ao khác nhau nhằm tránh sự cận huyết, vì xảy ra cận huyết sẽ làm giảm sức sống của các thế hệ con cháu về sau, chúng sẽ chậm lớn, nhiều cá thể bị dị hình, sức đề kháng với bệnh tật kém.

Mật độ nuôi vỗ cá bố mẹ như saụ: với cá tra nuôi vỗ trong ao nên thả 1 kg cá bố mẹ trong 5 m3 nước, cá ba sa thì 1 kg bố mẹ trong 10m3 nước. Nếu nuôi vỗ trong bè thì thả cá tra 5 – 7 kg/m3, cá ba sa 3 – 4 kg/ m3. Có thể nuôi chung cá đực, cái trong một ao hoặc bè, tỷ lệ nuôi đực/cái là 1/1. – Ðể theo dõi được chặt chẽ và chính xác từng cá thể, nên dùng biện pháp đánh số cho cá. Với cá tra và ba sa do có phần mặt trên xương sọ của đầu khá rộng nên có thể dùng que nhọn đầu để đánh dấu thứ tự cá bố mẹ lên đó. Dùng số La mã đánh số cho cá cái, số Ả rập cho cá đực. Mỗi lần kéo cá để kiểm tra sẽ ghi lại được tình trạng và mức độ phát dục theo đúng thứ tự từng con cá bố mẹ đã được đánh số. Sau đó cứ khoảng 2 – 3 tháng nên gạch lại số cũ để tránh tình trạng lẫn lộn do số bị mờ. Có thể dùng thẻ đeo số cho cá hoặc đánh dấu bằng thẻ từ nếu có điều kiện (vì dấu từ rất đắt, thường chỉ dùng cho việc đánh dấu trong nghiên cứu chọn giống). Khi cá đã thành thục và phân biệt rõ đực cái thì ta cắt luôn vây mỡ của cá đực, biện pháp này giúp cho nhận biết cá đực rất nhanh và chính xác. Vây mỡ của cá mọc lại rất chậm và có thể hai năm mới phải cắt lại một lần. Lúc này số đánh dấu trên đầu cá đực giúp cho biết tình trạng phát dục, như cá đã có tinh dịch hay chưa, có nhiều hay ít.

3. Mùa vụ, thời gian nuôi vỗ và sinh sản

Mỗi năm sau khi kết thúc mùa sinh sản nhân tạo, đàn cá bố mẹ được đưa vào nuôi hồi sức, sau đó phải được kiểm kê, đánh giá và chọn lọc để chuẩn bị nuôi vỗ cho mùa sinh sản tiếp theo. Tùy theo nhiệm vụ, yêu cầu thị trường, cũng như năng lực và cơ sở vật chất của từng cơ sở, từng trại giống để tính toán số lượng cá bố mẹ nuôi vỗ cho phù hợp.

Cá ba sa đang được nuôi để sinh sản chủ yếu tập trung ở các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu long, mùa vụ bắt đầu nuôi vỗ từ tháng 10 năm trước. Cá thành thục và cho đẻ tập trung từ tháng 4 – 5, mùa đẻ có thể kéo dài tới tháng 9.

Trong mùa vụ sinh sản nhân tạo cả hai loài cá tra và ba sa, nhiệt độ nước thích hợp cho cá đẻ và ấp trứng từ 28 – 30 độ C.

4. Thức ăn cho cá bố mẹ

4.1 Nhu cầu thức ăn của cá bố mẹ

Ðể cá phát triển và có sản phẩm sinh dục tốt, cần phải cung cấp thức ăn cho cá đủ về số lượng và chất lượng, cân đối về thành phần dinh dưỡng. Nhu cầu về hàm lượng dinh dưỡng cho cá tra bố mẹ tương đối cao, phải có đủ và cân đối hàm lượng các loại như đạm, đường, mỡ, vitamin, chất khoáng. Ðặc biệt hàm lượng đạm (Protein) phải đảm bảo từ 30% trở lên thì cá mới thành thục tốt, hàm lượng Lipit tối thiểu 10%.

Theo công thức thức ăn, các loại nguyên liệu được nghiền nát , phối trộn đều và nấu chín. Lò nấu thức ăn đặt trên sàn bè để thuận tiện cung cấp thức ăn cho cá. Thức ăn sau khi nấu chín, để nguội có thể ép viên hoặc vo thành nắm nhỏ rồi rải cho cá ăn. Cũng có thể dùng máy ép đùn đưa thức ăn trực tiếp xuống bè nuôi.

 4.2 Thức ăn viên công nghiệp

Thức ăn cho cá bố mẹ phải có hàm lượng đạm 30%, dạng nổi. Thức ăn viên sử dụng cho cá phải đảm bảo hoàn toàn không chứa các hoá chất hoặc thuốc kháng sinh bị cấm sử dụng và dư lượng các chất được phép sử dụng phải trong mức giới hạn cho phép theo quyết định số 01-2001/BTS ngày 20/01/2001 của Bộ Thuỷ Sản.

4.3 Cho cá ăn

Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần, buổi sáng (7 – 8 giờ) và buổi chiều (16 – 17giờ). Khẩu phần cho cá ăn hàng ngày 2 – 3% thể trọng. Trong ao nên cho thức ăn vào sàng (hoặc nia) và treo cách đáy ao 25 – 30cm. Nên cho cá ăn ở nhiều điểm (nhiều sàng ăn) để cá được ăn đều. Không đổ thức ăn một lượt xuống ao hoặc bè mà rải từ từ xuống ao hoặc bè cho tất cả cá đều được ăn. Không cho cá ăn những thức ăn bị ôi thiu, những thức ăn bị mốc hoặc qúa hạn sử dụng.

Hàng ngày phải quan sát hoạt động và khả năng ăn thức ăn cuả cá để kịp thời điều chỉnh tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp. Sau khi cá ăn khoảng 2 giờ nên kiểm tra sàng ăn để xem mức ăn của cá. Vào thời gian đầu mới nuôi vỗ, cá ăn mạnh nên khẩu phần ăn cao hơn những giai đoạn khác (thức ăn hỗn hợp có thể tới 8%, thức ăn công nghiệp tới 3%). Giai đoạn tuyến sinh dục cá bước vào thành thục và chuẩn bị đẻ trứng thì cá ăn kém đi, khẩu phần ăn giảm xuống. Những ngày thời tiết nóng, nhiệt độ nước ao cao trên 320C có thể làm cho cá ăn ít hơn hoặc thậm chí bỏ ăn. Cá nuôi trong bè ở những vùng ảnh hưởng thủy triều nên cho ăn vào lúc triều cường (thủy triều lên) hoặc vào lúc nước chảy mạnh để cá không bị mất sức và thoải mái sau khi ăn no.

5. Quản lý ao và bè nuôi vỗ cá bố mẹ

Ao nuôi vỗ cá bố mẹ phải thay nước thường xuyên để giữ cho môi trường ao nuôi sạch và cá khoẻ mạnh. Có thể thay nước bằng thủy triều hoặc dùng máy bơm.Thời gian đầu nuôi vỗ phải thay nước ít nhất mỗi tuần một lần, mỗi lần 20% thể tích nước trong ao.Từ tháng thứ ba trở đi cần thay nước mỗi ngày 10-20% thể tích để kích thích cá thành thục tốt. Khi thấy chất lượng nước ao bị xấu phải thay nhiều nước hơn lượng nước thay định kỳ để môi trường ao trở lại bình thường.

6. Kiểm tra sự phát dục của cá bố mẹ

Kiểm tra lần đầu sau khi nuôi vỗ được 2 tháng nhằm đánh giá độ béo và sức khoẻ của cá. Tháng thứ ba bắt đầu kiểm tra trứng và tinh dịch của cá để đánh giá mức độ phát dục và điều chỉnh chế độ nuôi vỗ hợp lý. Khi kéo bắt cá bố mẹ, nên dùng lưới loại sợi mềm, tốt nhất là loại bằng sợi dệt, không có gút để tránh làm xây sát cá. Dùng băng ca vải mềm may theo kích thước thích hợp với độ lớn của cá để giữ cá khi kiểm tra. Dùng que thăm trứng để lấy trứng cá cái và vuốt bụng cá đực xem tinh dịch. Từ tháng thư tư khi buồng trứng của đa số cá cái chuyển sang giai đoạn IV và nhiều cá đực đã có tinh dịch, cần kiểm tra mỗi tháng 2 lần. Mỗi lần kiểm tra phải ghi chép đầy đủ các số liệu của từng cá thể đực cái đã được đánh dấu (về chiều dài, trọng lượng cơ thể, tình trạng sức khoẻ, bệnh tật, kích thước vòng bụng và độ mềm.). Dùng tay sờ nắn bụng cá và cảm nhận độ mềm của bụng để đánh giá sự phát dục. Dùng que thăm trứng lấy trứng từng cá cái ra xem mức độ thành thục và vuốt kiểm tra tinh dịch cá đực. Cá được đánh dấu theo dõi cẩn thận số cá đã thành thục để dự định ngày cho đẻ. Phải ngưng cho cá ăn trước khi kiểm tra.

Kỹ thuật cho cá đẻ nhân tạo

1. Công trình phục vụ cho cá đẻ nhân tạo

1.1 Bể cá đẻ

Bể đẻ được thiết kế theo mẫu của Trung quốc có cải tiến (từ những thập niên 60 thế kỷ trước), bể xây bằng xi măng, hình trụ tròn đường kính từ 3 – 5m, chiều cao 2 – 3m. Nước cấp vào bể phun theo đường tiếp tuyến để tạo dòng nước chảy vòng tròn liên tục. Sử dụng bể này để để chứa cá bó mẹ sau khi tiêm kích dục tố.

Khi cá rụng trứng phải bắt cá bố mẹ ra và vuốt trứng, vuốt tinh dịch để tiến hành thụ tinh nhân tạo. Ngoài bể đẻ hình tròn, có thể dùng bể xi măng hình vuông, chữ nhật để chứa cá bố mẹ. Nhiều nơi đã làm bể tròn bằng composite, bằng nhựa hoặc kim loại như nhôm, inox với kích thước nhỏ (1 – 5m3) và phù hợp với cỡ cá bố mẹ cho đẻ.

1.2 Bể ấp trứng cá

Những dạng bể xây bằng xi măng, có bể vòng hình tròn trong hệ thống bể đẻ kiểu Trung quốc, phù hợp cho ấp các loại trứng trôi nổi (mè, trôi, trắm.). Bể được sử dụng ấp trứng cá tra, cá ba sa sau khi đã khử tính dính của trứng hoặc trứng không khử dính cho bám vào các loại giá thể (vật bám) như rễ bèo lục bình (bèo tây), xơ dừa, xơ lynon, lưới nilon. Bể xi măng hình vuông hoặc chữ nhật cũng chủ yếu dùng cho ấp trứng không khử dính, có nước chảy nhẹ và hỗ trợ thêm sục khí trong quá trình ấp. Ngoài bể xây xi măng, còn có một số loại dụng cụ khác dùng để ấp trứng cá tra và ba sa như bình vây (Weis) thủy tinh hoặc nhựa trong suốt có thể tích 5 – 20 lít, hoặc bể composite, bể nhựa tròn thể tích 600 – 1.000 lít. Nước ấp trứng được cấp liên tục và có thêm sục khí.

2. Mùa vụ sinh sản

Trong tự nhiên cá thành thục và sinh sản vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 âm lịch. Ðàn cá đẻ tự nhiên đẻ không đồng loạt nên thời gian xuất hiện cá bột trên sông cũng kéo dài 3-4 đợt trong vòng 2 tháng. Chưa phát hiện được cá tra tái thành thục trong tự nhiên. Ðối với cá tra nuôi vỗ cho sinh sản nhân tạo ở các tỉnh miền Nam (từ Ðà nẵng trở vào) mùa vụ thành thục của cá bố mẹ và bắt đầu cho đẻ từ tháng 2 – 3 trở đi, mùa vụ sinh sản có thể kéo dài tới tháng 10. Sau lần sinh sản thứ nhất, cá có thể tái thành thục trở lại và đẻ tiếp lần thứ hai. Cá tra bố mẹ tái thành thục 1 – 2 lần trong năm, thời gian để cá tái thành thục từ 1 – 2 tháng. Mùa vụ thành thục và bắt đầu cho đẻ của cá ba sa trong tự nhiên cũng kéo dài 3 – 4 tháng, do đó sự xuất hiện cá giống cá ba sa trên sông cũng kéo dài. Có 2 đợt xuất hiện cá giống trên sông, vụ đầu tiên từ tháng 6 – 8 và vụ thứ hai tháng 10 – 12 hàng năm. Từ dẫn liệu này có thể cho rằng cá ba sa tái thành thục trong tự nhiên. Mùa thành thục và cho đẻ của cá bố mẹ nuôi vỗ sinh sản nhân tạo trong ao từ cuối tháng 2 và kéo dài đến tháng 7. Cá ba sa cũng tái thành thục trong ao sau lần đẻ thứ nhất, thời gian tái thành thục từ 2 – 3 tháng. Nhiệt độ nước thích hợp nhất cho cá tra và ba sa trong mùa vụ đẻ từ 28-30oC. Nếu nhiệt dộ thấp hơn 24 độ C thì trứng cá khó nở, do phôi cá không phát triển được. Nếu nhiệt độ cao quá 32oC thì trứng bị ung.

3. Chọn cá bố mẹ cho đẻ

Khi kiểm tra cá bố mẹ để tuyển cho đẻ, chọn những cá khỏe mạnh, bơi nhanh nhẹn, chú ý chọn những con cá đã được đánh dấu thành thục tốt ở lần kiểm tra trước. Quan sát bên ngoài cá cái thấy bụng to, sờ thấy mềm, lỗ sinh dục sưng hồng. Dùng que thăm trứng lấy ra một ít trứng để trực tiếp đánh giá mức thành thục. Với cá tra, các hạt trứng đều, rời, căng tròn, màu vàng nhạt hoặc trắng nhạt. Quan sát trên kính lúp thấy mạch máu còn ít hoặc đã bị đứt đoạn. Trên 70% số trứng đã phân cực và có đường kính hạt trứng từ 0,9mm trở lên. Cá cái ba sa cũng có các hạt trứng đều, rời, ít mạch máu, nhân đã phân cực. Số trứng có đường kính hạt trứng từ 1,4mm trở lên chiếm 70%. Cá đực có lỗ niệu sinh dục hơi lồi, khi vuốt nhẹ hai bên lườn bụng đến gần hậu môn thì thấy tinh dịch (sẹ) trắng như sữa chảy ra. Nên chọn những cá đực có sẹ đặc.

4. Sử dụng chất kích thích sinh sản

Kích dục tố và phương pháp tiêm cho cá Cá tra và ba sa nuôi vỗ trong ao và trong bè tuy đạt tới thành thục nhưng do không đủ điều kiện về các yếu tố sinh thái nên không thể rụng trứng và cũng không tự đẻ được. Vì vậy phải tiêm các chất kích thích sinh sản cho cả cá đực và cá cái nhằm thúc đẩy quá trình rụng trứng của cá, sau đó dùng phương pháp vuốt trứng cá cái và trộn với tinh dịch cá đực để tiến hành thụ tinh nhân tạo. Biện pháp dùng chất kích thích sinh sản hoặc kích dục tố để kích thích cá đẻ được áp dụng cho hầu hết các loài cá nuôi hiện nay. Các chất kích thích sinh sản-kích dục tố sử dụng cho cá tra và ba sa gồm các loại chính như sau: – HCG, viết tắt của chất Human Chorionic Gonadotropin, đây là một hormon sinh dục có nguồn gốc từ động vật, HCG có trong nước tiểu của phụ nữ có thai ở tháng thứ 3, được chiết xuất và sử dụng rất tốt cho cá, động vật và cả cho người. Thuốc được đóng gói trong các lọ thủy tinh với lượng chứa 5.000 UI hoặc 10.000 UI (UI viết tắt của chữ đơn vị quốc tế – Unit International). Khi dùng chỉ cần pha với nước cất hoặc nước muối sinh lý. HCG có tác dụng chuyển hoá buồng trứng và gây rụng trứng.

  • LH-RHa, viết tắt của Lutenizing Hormon-Releasing Hormon analog, là hormon tổng hợp và được sử dụng rộng rãi cho cá và động vật nói chung. Thuốc sản xuất ở nhiều nước, của Trung quốc sản xuất được đóng gói trong lọ thủy tinh với lượng chứa 200, 500, 1.000 g (micro gam). LH-RHa có tác dụng chuyển hoá buồng trứng đồng thời gián tiếp gây rụng trứng. Khi sử dụng nhất thiết phải dùng kèm thêm hoạt chất gọi là Domperidon (viên DOM)
  • Não thùy thể (tuyến yên) của các loài cá (Mè trắng, chép , trôi …). Các loại kích dục tố này có thể sử dụng đơn hoặc kết hợp nhiều loại để tăng hiệu ứng. Nếu dùng kết hợp , chỉ nên dùng ở liều quyết định. Tuy nhiên nếu dùng kết hợp thì phải chọn 1 loại làm chính. Phương pháp tiêm Sau khi chọn xong những cá cho đẻ thì tiến hành tiêm thuốc kích thích sinh sản. Ðối với cá tra và ba sa dùng phương pháp tiêm nhiều lần, với cá cái thì 2-4 lần sơ bộ và 1 lần quyết định. Với cá đực thì tiêm 1 lần cùng lúc với liều quyết định của cá cái. Thời gian giữa các lần sơ bộ là 12 giờ (cá tra) hoặc 24 giờ (cá ba sa). Giữa liều sơ bộ cuối cùng và liều quyết định cách nhau 8 – 12 giờ.
  • LH-RHa, viết tắt của Lutenizing Hormon-Releasing Hormon analog, là hormon tổng hợp và được sử dụng rộng rãi cho cá và động vật nói chung. Thuốc sản xuất ở nhiều nước, của Trung quốc sản xuất được đóng gói trong lọ thủy tinh với lượng chứa 200, 500, 1.000 g (micro gam). LH-RHa có tác dụng chuyển hoá buồng trứng đồng thời gián tiếp gây rụng trứng. Khi sử dụng nhất thiết phải dùng kèm thêm hoạt chất gọi là Domperidon (viên DOM)

Các chất sử dụng trong liều sơ bộ là kích dục tố não thùy thể và HCG, không dùng LH-RHa cho liều sơ bộ, vì có thể gây ra sự rụng trứng trong khi đa số trứng trong buồng trứng chưa chuyển hết sang giai đọan chín, dẫn đến tỷ lệ thụ tinh kém và kết quả sinh sản sẽ thấp.

Tùy theo chất lượng trứng và chủng loại kích dục tố ta áp dụng các liều tiêm thích hợp:

  • HCG: với cá cái, liều tiêm sơ bộ 300 – 500 UI/kg; liều quyết định 2.500 – 3.000 UI /kg . Với cá đực 300UI/kg

 

  • Não thùy thể: với cá cái, liều sơ bộ 0,5mg/kg; liều quyết định 5 – 7mg/kg. Với cá đực 0,5mg/kg
  •  LH-RHa: chỉ dùng cho liều quyết định, với cá cái 100-150g/kg. Không dùng cho cá đực và liều sơ bộ của cá cái.

 

  • Nếu phối hợp giữa HCG và não thùy, liều tiêm sơ bộ 300 – 500UI hoặc 0,5 mg não thùy/kg; liều quyết định 1.000 UI + 2mg não thùy/kg . Với cá đực liều lượng bằng 1/3 – 1/2 của cá cái.

Thời gian hiệu ứng thuốc : sau 8 – 12 giờ liều tiêm quyết định thì trứng rụng.

Vị trí tiêm : tiêm ở gốc vây ngực, ở cơ lưng hoặc ở xoang bụng. Ðối với cá tra là cá không có vẩy nên tiêm ở cơ đơn giản hơn. Có thể tiêm trực tiếp kích dục tố HCG và não thùy thẳng vào xoang buồng trứng. Ở các lần tiêm khác nhau nên tiêm ở vị trí khác nhau để tránh làm cá bị thương. Khi tiêm, đặt mũi kim đúng vào vị trí đã định, nghiêng mũi kim một góc 450 so với thân cá, bơm thuốc nhanh nhưng không vội vàng và rút ra từ từ để tránh thuốc bị trào ra ngoài.

5. Vuốt trứng và thụ tinh

Ðối với cá tra và ba sa khi sinh sản nhân tạo phải dùng phương pháp vuốt trứng và thụ tinh khô. Trước khi tiến hành vuốt trứng, đưa cá vào băng ca và nhúng cá vào dung dịch thuốc gây mê Tricane (thường gọi là MS 222, tên hóa học là 3-amino benzoic acid ethyl ester methanesulfonate) nồng độ 40mg/lít trong 3 – 4 phút để cá bị mê và không còn dãy dụa trong khi vuốt trứng. Thao tác vuốt trứng phải nhẹ nhàng và khẩn trương tránh làm cho cá bị thương, để trứng chảy ra gọn vào trong chậu khô, vuốt từ phần trên xuống dưới cho hết trứng đã rụng. Nếu cá rụng trứng róc, có thể vuốt một lần là hết trứng. Ðôi khi phải vuốt 2 – 3 lần do trứng cá rụng cục bộ hoặc rụng không đồng lọat. Cá vuốt trứng xong phải lập tức ngâm vào nước sạch sau khỏang 3 – 4 phút thì tỉnh lại.

Ðể tính được lượng trứng cá đã đẻ được, dùng cách tính theo phương pháp trọng lượng như sau: cân toàn bộ trọng lượng trứng vuốt được, cân riêng 10 gam và đếm để tính số trứng của 1 gam, nhân với tổng trọng lượng trứng (tính bằng gam) thì biết tổng lượng trứng đã vuốt được. Nếu đem chia số lượng trứng vuốt được cho trọng lượng cá cái ta được con số gọi là sức sinh sản tương đối thực tế. Sức sinh sản tương đối thực tế của cá tra trong khỏang 90.000 – 130.000 trứng/kg cá cái. Trong thực tế, lượng trứng vuốt được của những cá thể cái rụng trứng róc, cũng chỉ chiếm từ 70 – 80% số trứng có trong buồng trứng.

Sau khi trứng đã vuốt xong, vuốt tinh dịch cá đực tưới trực tiếp lên trứng, dùng lông gà khô trộn đều trứng với tinh dịch khỏang 10 – 20 giây, sau đó cho nước sạch vào ngập trứng, tiếp tục dùng lông gà khuấy đều khỏang 20-30 giây để trứng họat hóa và thụ tinh. Tiếp theo đó đổ hết nước cũ đi và cho cho thêm nước mới, chú ý cho nước từ từ, vừa cho nước vừa khuấy, sau đó đổ dung dịch khử dính vào để khử tính dính của trứng.

6. Khử tính dính của trứng

Trứng cá tra và ba sa thuộc loại trứng có tính dính. Sau khi trứng rụng và tiếp xúc với nước thì trở nên dính, có thể dễ dàng dính vào các vật trong nước cũng như dính với nhau. Tính dính của trứng gây nhiều khó khăn cho việc ấp trứng, nhất là trong sản xuất giống hàng lọat với số lượng lớn. Nếu ấp trứng không khử dính thì cho trứng dính lên giá thể và ấp trong bể ấp hoặc bể vòng. Trứng khử dính được ấp trong bể vòng hoặc bình vây.

Có thể dùng một số hoạt chất như tanin (có vị chát), men bromelin (tìm thấy trong nước ép qủa dứa), sữa bột v.v để khử tính dính của trứng cá tra và ba sa. Cách thông dụng nhất hiện nay là dùng tanin pha với nước thành nồng độ 0,1%. Sau khi cho chất khử dính vào trứng ta dùng lông gà khuấy đều trong khoảng 30 giây thì ta chắt nước đó ra và dùng nước sạch rửa trứng nhiều lần cho sạch, sau đó cho trứng vào bình vây hoặc bể vòng để ấp.

Ngoài tanin ta còn dùng nước ép quả dứa (Ananas sativa) gọi là chế phẩm bromelin thô, để khử dính. Với 25ml nước ép quả dứa pha thêm nước để thành 1 lít dung dịch khử dính, dung dịch này có chứa bromelin (một lọai enzyme phân giải protein). Ðổ dung dịch vào trứng đã thụ tinh, khuấy đều trong khỏang 1 phút, chắt bỏ dung dịch khử dính rồi cho nước lã vào rửa sạch trứng và đem ấp.

7. Trứng không khử dính

Nếu trứng không khử dính thì ta cho trứng dính vào giá thể. Giá thể có thể là rễ bèo tây (lục bình), xơ dừa, xơ nylon, có thể làm bằng lưới nilon hoặc lưới vèo (sợi cước nhỏ) căng trên một cái khung vuông, mỗi cạnh dài 35-40cm. Trước khi sử dụng phải rửa sạch, tẩy trùng để diệt hết các vi khuẩn và nấm có hại cho trứng. Khi trứng đã thụ tinh xong, đặt giá thể ngập 3-5cm trong nước, dùng lông gà vẩy đều để trứng bám dính ngay lên bề mặt giá thể. Giá thể có dính trứng được đặt trong bể ấp có nước chảy liên tục và hỗ trợ thêm sục khí.

8. Ấp trứng

Theo dõi quá trình ấp trứng:

  • Ấp trứng khử dính: ấp trong bình vây thủy tinh, nhựa trong suốt có thể tích 5 – 10 lít hoặc bình vây composite 600 – 1.000 lít, mật độ ấp trứng cá tra 20.000 – 30.000 trứng/lít, trứng cá ba sa 500 trứng/lít.
  • Ấp trứng không khử dính chủ yếu cho cá tra, ấp trong bể vòng hoặc bể composite có nước chảy liên tục, mật độ 4.000 – 5.000 trứng/lít. Ấp trong bể nước tĩnh thay đổi chậm, có sục khí, mật độ ấp 1.500 – 2.000 trứng/lít.

Thường xuyên chú ý điều chỉnh lưu lượng nước chảy vào bể vòng hoặc bình vây để trứng khử dính đảo đều, không bị lắng đọng ở đáy bình và trứng không khử dính sẽ luôn có đủ o-xy cho quá trình phát triển phôi. Nhiệt độ nước thích hợp cho phôi cá phát triển từ 28 – 30 độ C. Nhiệt độ càng cao thì phôi phát triển nhanh, nhưng nếu nhiệt độ quá cao thì phôi dễ bị dị hình, cá sau khi nở có sức sống yếu, khi nhiệt độ nước ấp trên 32 độ C thì phôi bị chết. Ngược lại nếu nhiệt độ quá thấp thì phôi phát triển chậm, thời gian ấp nở kéo dài hơn, nhiều phôi bị dị hình. Nếu nhiệt độ thấp hơn 24oC thì phôi ngừng phát triển và chết. Thời gian ấp để trứng nở thành cá bột ở nhiệt độ nước 28 – 30 độ C, của cá tra là 22 – 24 giờ, của cá ba sa là 30 – 33 giờ. Thời gian để cá nở hết tòan bộ có khi kéo dài hơn 1 – 2 giờ tùy theo nhiệt độ và khoảng cách giữa các lần thụ tinh của trứng đưa vào bể ấp. Khi cá bắt đầu nở, cần tăng lưu lượng nước qua bể ấp đẩy nhanh vỏ trứng và các chất thải ra ngòai. Theo dõi khi cá đã nở hết phải vớt giá thể đi.

Quản lý và thu cá bột:

  • Cá tra sau khi nở 30 – 32 giờ thì hết noãn hoàng, cá bắt đầu tìm kiếm thức ăn bên ngoài. Giai đọan cá bột thì cá tra thể hiện tính dữ (tính ăn thịt) và chúng tìm ăn các thức ăn là động vật sống có kích thước vừa với cỡ miệng của chúng. Trong bể ấp do không có thức ăn phù hợp nên xảy ra tình trạng cá tra bột ăn thịt lẫn nhau. Do đó khi cá nở được 20 – 25 giờ nên nhanh chóng đưa cá bột xuống ao ương nuôi hoặc xuất bán, không nên để quá thời gian này. Nếu để lâu trên bể, khi cá hết noãn hoàng thì chúng sẽ cắn đuôi ăn thịt lẫn nhau làm hao hụt nhiều cá bột.
  • Ðối với cá ba sa không có hiện tượng cá bột ăn thịt lẫn nhau. Sau khi hết noãn hoàng chúng cũng thích ăn các loài động vật có kích thước nhỏ. Chúng ta có thể cho cá ăn thức ăn là moina, daphnia hoặc tốt nhất là ấu trùng artemia.
  • Trong quá trình giữ cá mới nở trong bể ấp, cần điều chỉnh lưu lượng nước qua bể ấp thích hợp để giữ cho môi trường nước ấp được sạch và cá bột không bị đảo lộn nhiều. Ðảm bảo nhiệt độ nước lúc này trong khoảng thích hợp với cá bột, từ 28 – 30 độ C.
  • Khi thu cá bột, cho nước chảy nhẹ hơn, dùng vợt vải mềm (hoặc muoseline) để vớt cá. Thường dùng phương pháp thể tích để tính lượng cá bột. Dùng cốc đong hoặc ly uống nước đã biết chính xác thể tích, vớt cá bột và để cho róc nước, dùng cốc đong xúc cá bột và đếm số cốc. Sau đó lấy ra 5 – 10 ml cá bột để đếm và tính được số cá bột có trong 1ml. Nhân số này với tổng số thể tích cốc cá bột đã đong ta sẽ biết tổng số cá bột thu được.

Một số bệnh thường gặp ở cá Tra

Bệnh ký sinh trùng

1. Bệnh trùng bánh xe

  • Do trùng Trichodina spp ký sinh trên thân hoặc mang.
  • Trên thân cá có lớp màu hơi trắng đục, da cá sậm lại, mang cá nhợt nhạt, cá giảm ăn và nổi đầu từng đàn trên mặt nước bơi đảo loạn lòng vòng, chìm xuống đáy rồi chết.
  • Phòng và trị: Dùng muối 2 – 3% (20 – 30g muối/lít nước) hoăc dùng Sulphat đồng (CuSO4) với liều 0,5 – 0,7 ppm/ m3 (0,5 – 0,7 g/m3) tạt đều khắp ao.

 2. Bệnh trùng quả dưa

  • Do trùng Ichthyophthyrius multicifillis ký sinh trên da, mang và vây.
  • Da, mang và vây cá có nhiều nhớt màu sắc nhợt nhạt, cá bệnh nặng có thể thấy trùng bám thành các hạt lấm tấm nhỏ màu trắng đục. Cá bệnh nổi đầu từng đàn trên mặt nước, bơi lờ đờ yếu ớt, thường tập trung chỗ nước mới.
  • Phòng và trị bệnh: Dùng Formol với liều lượng 25 – 30ml/m3, sau 3 ngày thay 75% nước và trị bằng formol thêm lần nữa.

 3. Bệnh do sán lá đơn chủ

  • Do 2 giống Dactylogyrus (sán lá 16 móc) và Gylodactylus (sán lá 18 móc) ký sinh trên mang cá. – Cá thường nổi đầu trên mặt nước, tập trung chỗ nước mới. Khi bị trùng bám nhiều, mang và da có nhiều nhớt, mang có màu màu hồng nhạt, màu trắng hoặc thối rữa.
  • Phòng và trị bệnh: Có thể dùng Formol với liều lượng 25 – 30ml/m3. Ngày hôm sau thay 50% lượng nước và xử lý thêm lần nữa nếu cá chưa hết hẳn, hoặc có thể dùng muối ăn với nồng độ 3 – 4% (30 – 40g muối/lít nước) để xử lý.

4. Bệnh nội ký sinh

  • Do giun tròn (Nemathelminthes), giun đầu móc (Acanthocepphala) ký sinh trong ruột cá.
  • Giun ký sinh trên niêm mạc ruột hút chất dinh dưỡng làm cho cá gầy yếu, sinh trưởng kém, gây viêm thủng ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm tấn công.
  • Phòng và trị bệnh: Trước khi nuôi cá cải tạo ao để diệt trứng giun. Có thể dùng các sản phẩm trị nội ký sinh trùng được phép lưu hành trên thị trường.

Bệnh vi khuẩn

1. Bệnh xuất huyết (bệnh đốm đỏ)

  • Do vi khuẩn Aeromonas hydrophyla gây ra.
  • Xuất hiện những đốm đỏ quanh miệng, nắp mang và bụng, hậu môn sưng lồi, bụng trương to và có chứa dịch màu vàng hoặc màu đỏ bầm.
  • Phòng trị bệnh: Tránh làm xây xát cá, nuôi mật độ nuôi quá dày. Dùng thuốc tím (KMnO4) liều dùng là 3 – 5g/m3 nước đối với cá nuôi ao và 10g/m3 nước đối với cá nuôi bè. Xử lý lập lại sau 3 ngày, định kỳ một tuần, hai tuần hoặc một lần/tháng tuỳ thuộc vào tình trạng sức khỏe cá.
  • Dùng thuốc trộn vào thức ăn:

+ Oxytetracyline: 55 – 77 mg/kg thể trọng cá nuôi, cho ăn 7 – 10 ngày, nên hạn chế sử dụng.
+ Kanamycin: 50 mg/kg cá nuôi, cho ăn 7 ngày.

+ Nhóm Sulfamid: 150 – 200mg/kg thể trọng đàn cá, cho ăn 10 – 20 ngày.

2. Bệnh phù mắt

  • Do vi khuẩn Aeromonas sobria gây ra.
  • Cá nhiễm bệnh sẽ bơi lờ đờ trên mặt nước, mắt xuất huyết và xưng nặng.
  • Phòng và trị bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh chung.
  • Cách trị: Thay 50% lượng nước và bón vôi 4 – 6kg/100m3 nước. Có thể dùng thuốc giống như tri bệnh xuất huyết.

3. Bệnh mủ gan

  • Do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra.
  • Cá gầy mắt hơi lồi, cá bệnh nặng bỏ ăn bơi lờ đờ trên mặt nước và tỷ lệ chết cao, dấu hiệu bên ngoài không rõ ràng, xuất hiện nhiều đốm trắng đục trên gan, thận và tỳ tạng.
  • Phòng và trị bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh chung.
  • Cách trị: Thay 50% lượng nước và bón vôi 4 – 6kg/100m3 nước. Dùng 1 trong 3 loại kháng sinh sau florphenicol, doxycyclin. Liều dùng 0,5 – 1g/1kg thức ăn. Có thể bổ sung thêm Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá.

4. Bệnh trắng da

  • Do vi khuẩn Flexibacter sp gây ra.
  • Cá bị nhiễm bệnh thường bỏ ăn, gốc vây lưng xuất hiện vết đốm trắng sau đó lan dần đến cuống đuôi và toàn thân. Cá bị bệnh nặng thường bơi lờ đờ ngang mặt nước, rồi lộn đầu xuống và chết.
  • Phòng trị: Áp dụng biện pháp phòng bệnh chung.
  • Cách trị: Trộn Enrofloxacin, colistin 0,5 – 1g/kg thức ăn cho ăn liên tục 5 – 7 ngày. Hoăc dùng chlorin phun đều khắp ao với liều 1 g/m3.

Trên đây, BaoKhuyenNong đã chia sẻ đến các bạn đọc những thông tin liên quan về cá tra như đặc điểm sinh học, giá trị kinh tế, mô hình nuôi cá tra hiệu quả, kỹ thuật nhân giống, một số bệnh và cách trị thường gặp ở cá tra. Hy vọng bài viết này thật sự bổ ích cho các bạn đọc.

One thought on “Cá Tra – Đặc điểm sinh học và mô hình nuôi cá tra an toàn sinh học

  1. Pingback: Cá Hú - Đặc điểm Chung Và Những Thông Tin Liên Quan đến Cá Hú - Báo Khuyến Nông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *