Cá Rô đồng – Những thông tin cần biết về cá Rô đồng

Cá Rô đồng là loài cá rất quen thuộc đối với các bạn ở vùng quê, sau mỗi mùa gặt lúa cũng là lúc người dân bắt cá Rô đồng và cũng không còn xa lạ đối với các bạn ở thành thị. Các Rô đồng chứa hàm lượng chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể con người. Là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm gia đình của người Việt. Có thể còn một vài điều mà các bạn chưa biết về cá Rô đồng, hãy cùng theo dõi trong bài viết dưới đây nhé.

Đặc điểm chung của cá Rô đồng

Đặc điểm chung của cá Rô đồng
Đặc điểm chung của cá Rô đồng

Nguồn gốc và phân loại

Cá rô đồng (gọi đơn giản là cá rô) (danh pháp hai phần: Anabas testudineus) là loại cá sống ở môi trường nước ngọt, nước lợ. Chúng có thịt béo, thơm, dai, ngon, có giá trị thương phẩm cao tuy rằng hơi nhiều xương. Kích thước cực đại của chúng có thể tới 250 mm. Cá Rô đồng thuộc:

  • Lớp cá xương: Osteichthyes
  • Bộ cá vượt: Perciformes
  • Bộ phụ: Anabantoidei
  • Họ: Anabantidae
  • Giống: Anabas
  • Loài: Anabas testudineus (Boch, 1792)

Rô đồng là loài cá nước ngọt, sống ở vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam cá rô đồng rất phổ biến ở miền Nam và miền Bắc. Ngoài tự nhiên cá sống trong sông, ao, hồ, mương vườn, ruộng, ngoài ra cá có thể sống ở các cửa sông lớn, miền núi ít gặp.

Trong điều kiện nhân tạo, cá rô sống được trong bể xi măng, ao mương có diện tích nhỏ. Ngoài ra nếu cá ở nơi mát và bề mặt cơ thể được giử ẩm, cá có thể sống được ngoài không khí trong nhiều giờ nhờ có cơ quan hô hấp phụ trên mang sử dụng khí trời, đây là ưu thế trong việc vận chuyển và nuôi với mật độ cao trong ao.

Cá Rô đồng - Những thông tin cần biết về cá Rô đồng 1

Đặc điểm hình thái

Theo Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương (1993) cá rô đồng có thân hình bầu dục, dẹp bên, cứng chắc. Đầu lớn, mõm ngắn. Miệng hơi trên, rộng vừa, rạch miệng xiên kéo dài đến đường thẳng đứng kẻ qua giữa mắt. Răng nhỏ nhọn. Mỗi bên đầu có hai lỗ mĩu, lỗ phía trước mở ra bằng một ống ngắn. Mắt to, tròn nằm lệch về nửa trên của đầu và gần chót mõm hơn gần điểm cuối nắp mang.

Phần trán giữa mắt cong lồi tương đương 1,5 đường kính mắt. Cạnh dưới xương lệ, xương giữa nắp mang, xương dưới nắp mang và cạnh sau xương nắp mang có nhiều gai nhỏ nhọn, tạo thành răng cưa. Lỗ mang rộng, màng mang hai bên dính nhau và có phủ vảy. Trên đầu có nhiều lỗ cảm giác.

Vảy lược phủ toàn thân, đầu và một gốc vi lưng, vi hậu môn và vi đuôi, vảy phủ lên các vi nhỏ hơn vảy ở thân và đầu. Gốc vi bụng có một vảy nách hình mũi mác.

Cá Rô đồng - Những thông tin cần biết về cá Rô đồng 2

 

Đường bên nằm ngang và chia làm hai đoạn: Đoạn trên từ bờ trên lỗ mang đến ngang các vi lưng cuối cùng. Đoạn dưới từ ngang các gai vi lưng cuối cùng đến điểm giữa gốc vi đuôi, hai đoạn này cách nhau một hang vảy.

Gốc vi lưng rất dài, phần gai gần bằng bốn lần phần tia mềm. Khởi điểm vi lưng ở trên vảy đường bên thứ ba và kéo dài đến gốc vi đuôi. Khởi điểm vi hậu môn ngang vảy đường bên thứ 14 – 15, gần điểm giữ gốc vi đuôi hơn gần chót mõm và chạy dài dến gốc vi đuôi. Vi đuôi tròn, không chẻ đôi. Gai vi lưng, vi hậu môn, vi bụng cứng nhọn.

Mặt lưng của đầu và thân có màu xám đen hoặc xám xanh và lựot dần xuống bụng, ở một số cá thể ửng lên màu vàng nhạt. Cạnh sau sương nắp mang có một màng da nhỏ màuv đen. Có một đốm đen đậm giữa gốc vi đuôi ngoài ra còn có một số đặc điểm đen mừo nằm rải rác trên thân.

Đặc điểm dinh dưỡng

Cá bắt đầu ăn ngoài từ ngày thứ ba, thức ăn ưa thích của cá là những giống loài động vật phù du cỡ nhỏ trong ao như bọn giáp xác râu ngành, thậm chì chúng cũng ăn cả ấu trùng tôm cá.

Khi trưởng thành cá có thể sử dụng nhiều loại thức ăn, nhưng thức ăn ưa thích của cá là động vật đáy như giun ít tơ, ấu trùng côn trùng, mầm non thuỷ thực vật. Ngoài ra cá rô cũng có khả năng sử dụng thức ăn chế biến và phụ phẩm nông nghịệp rất tốt.

Cá rô đồng là loài cá dữ, ăn tạp, nhưng thiên về động vật. Tính dữ được thể hiện khi trong đàn cá có cá chết những con sống sẽ tấn công ăn thịt con chết hoặc trong giai đoạn cá giống, khi thiếu thức ăn những con cá lớn sẽ ăn những cá nhỏ, đây là một trong những nguyên nhân làm giảm tỷ lệ sống của cá.

Đặc điểm sinh trưởng

Cá rô đồng có tốc độ sinh trưởng tương đối chậm, sau 6 tháng nuôi cá đạt trọng lượng từ 60 – 100g/con.

Trong điều kiện nhân tạo, cá rô đồng sống được trong bể xi măng, ao mương có diện tích nhỏ, ngoài ra nếu cá ở nơi mát và bề mặt cơ thể được giữ ẩm, cá có thể sống được ngoài không khí trong nhiều giờ nhờ có cơ quan hô hấp phụ trên mang sử dụng khí trời, đây là ưu thế trong việc vận chuyển và nuôi với mật độ cao trong ao.

Cá Rô đồng - Những thông tin cần biết về cá Rô đồng 3

Đặc điểm sinh sản

Ngoài tự nhiên cá có tính sinh sản vào mùa mưa. Đầu mùa mưa cá di chuyển từ nơi sinh sống đến những nơi vừa ngập nước sau những đám mưa lớn đầu mùa như: ruộng, ao, đìa, … nơi có chiều sâu cột nước 30 – 40 cm để sinh sản. Cá rô đồng không có tập tính giữ con.

Ở chiều dài 10 – 13 cm, cá rô đồng tham gia sinh sản lần thứ nhất, sức sinh sản cá cao đạt 30 – 40 vạn trứng/kg cá cái, trứng cá thuộc loại trứng nổi và có màu vàng. Cá đẻ 3 – 4 lần/năm.

Theo Dương Nhựt Long (2003) trứng cá rô thành thục thường có màu trắng ngà hoặc màu trắng ngà hơi vàng, đường kính trứng sau khi trương nước dao động từ 1,1 – 1,2mm và trứng cá rô thuộc loại trứng nổi. Sức sinh sản của cá cao đạt khoảng 300.000 – 700.000 trứng/kg cá cái.

Mô hình nuôi cá Rô đồng thương phẩm

Chuẩn bị ao nuôi

Diện tích tốt nhất khoảng 500 – 5.000m2, sâu 1,2 – 1,5m, giữ được nước quanh năm. Lớp bùn đáy 15 – 30cm. Quá trình cải tạo ao nuôi giống như ở phần ương cá.Cần chú ý một số điểm sau:

  • Do thức ăn động vật chiếm tỷ lệ cao nên môi trường dễ bị nhiễm bẩn, do đó ao nuôi phải gần nguồn nước và có cống để chủ động cấp thoát nước.
  • Mặt ao phải thoáng, không có bóng cây che, bờ ao không bụi rậm.
  • Bờ ao cao hơn mực nước cao nhất trong năm là 0,5 m nên có lưới bao quanh có chiều cao 0,8 – 1 m phòng ngừa cá ra ngoài, đặc biệt cần lưu ý trong giai đoạn cá chuẩn bị sinh sản.
  • Trước khi thả cá, ao phải được cải tạo bằng các biện pháp kỹ thuật như ao ương cá giống nhưng không cần phải bón phân.
  • Sau khi cải tạo 3 – 5 ngày tiến hành thả cá nuôi.

Cá Rô đồng - Những thông tin cần biết về cá Rô đồng 4

Chọn và thả cá giống

Kích cỡ: Cá giống nuôi thành cá thịt có kích thước 3 – 5 cm, có trọng lượng trung bình 300 – 500 con/kg. Tiêu chuẩn: Cá đồng cỡ, không xây xát, không dị hình, không bệnh tật, tương đối đồng cỡ.

Mật độ thả: Đây là loài cá có cơ quan thở khí trời nên có thể sống trong điều kiện môi trường chật hẹp; nhưng khi nuôi ở mật độ cao để cá phát triển tốt ao phải chủ động cấp thoát nước. Ao có thể thả nuôi mật độ 30 – 60 con/m2.

Thời vụ thả cá nuôi trong năm: Trong điều kiện sản xuất giống nhân tạo, cá rô có thể thả nuôi quanh năm nếu chủ động được nước và con giống, trong một ao có thể nuôi 2 vòng trong năm.

Cách thả cá:

 

  • Thả cá vào ao nuôi lúc sáng sớm hay chiều mát nhằm tránh nhiệt độ cao của môi trường sẽ ảnh hưởng xấu đến cá do cá bị mệt trong quá trình vận chuyển.
  • Nếu vận chuyển bằng bao nilon có bơm oxy, trước khi thả cá ra nên thả bao nilon trên mặt nước 10 – 15 phút tạo cân bằng nhiệt độ nước bên trong bao và ngoài ao nuôi tránh cá bị sốc do chênh lệch nhiệt độ. Khi thả, mở miệng bao cho cá ra từ từ.
  • Nếu vận chuyển bằng phương tiện hở như thau, xô … trước khi thả cho nước vào từ từ đến khi nước ngập đầy dụng cụ chứa, cho cá tự bơi ra đến hết.
  • Không được đứng trên bờ ao đổ cá xuống làm cá bơi hỗn loạn, do sự biến đổi đột ngột môi trường những cá yếu không thích nghi kịp có thể chết hoặc ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng khi nuôi.

Thức ăn cho cá

Tùy theo điều kiện cụ thể mà người nuôi có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế. Tùy vào kích thước cá mà định lượng khẩu phần thức ăn mỗi ngày cũng như kích thước thức ăn cho phù hợp khẩu phần ăn cho cá như sau:

Thức ăn tự chế: Có thể trộn cám, bột cá với tỷ lệ 1:3 để cho ăn, khẩu phần ăn 5 – 7 % trọng lượng thân cá, hoặc có thể cho cá ăn phụ phẩm chế biến thủy sản.

Lưu ý rằng lượng thức ăn của cá rô đồng phải đảm bảo tỉ lệ đạm động vật từ 25% – 35%. Nếu thức ăn thiếu đạm, vitamin và khoáng chất cá sẽ chậm lớn và dễ bị bệnh.

Cách cho ăn: Thức ăn được kết dính bằng bột gòn hay nấu chín, vò viên và đặt trong sàn ăn. Sàn ăn được đặt cố định trong ao, nên đặt nhiều sàn ăn tránh sự cạnh tranh làm thức ăn rơi rớt do lượng cá tập trung nhiều vào một chỗ, khoảng cách giữa hai sàn ăn 5 – 7 m. Mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng sớm và chiều mát, mỗi lần 1/2 khẩu phần ngày.

Quản lý và chăm sóc

Thường xuyên kiểm tra cống, lưới bao quanh bờ ao nếu có hư rách phải sửa vá ngay. Đặc biệt chú ý vào giai đoạn mang trứng cá có thể dùng nắp mang leo lên bờ thoát ra ngoài.

Trên mặt nước ao thả 1/10 diện tích rau muống hay bèo lục bình để hấp thu dinh dưỡng dư thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường nước trong ao.

Hằng ngày kiểm tra tình hình ăn thức ăn của cá để điều chỉnh cho hợp lý, giống như ương cá giống.

Nước trong ao rất dễ bị nhiễm bẩn do thức ăn tạo nên, do đó tốt nhất nên thay nước hàng ngày theo thủy triều. Nếu ao xa nguồn nước định kỳ 10 – 15 ngày thay 1/2 lượng nước trong ao.

Hàng ngày kiểm tra tình hình hoạt động của cá để phát hiện sớm nếu có dịch bệnh xảy ra.

Thu hoạch

Sau 4 – 5 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 50 – 100 g/con, tiến hành thu hoạch bằng hai cách.

  • Thu hết một lần: tát cạn ao, bắt hết cá. Ao được cải tạo lại chuẩn bị cho việc nuôi đợt tiếp.
  • Thu tỉa: có thể dùng lưới kéo hay tát cạn bắt những con cá lớn có giá trị thương phẩm cao để bán, những con cá còn nhỏ để lại nuôi tiếp. Hình thức này hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn do con giống lớn, thời gian nuôi lần sau ngắn, nhưng do lượng cá còn lại ít nên chuyển sang nuôi ở một ao khác có diện tích nhỏ hơn để tận dụng ao cũ thả nuôi giống mới với số lượng lớn.

Năng suất: cá nuôi trong ao năng suất có thể đạt 15 đến 40 tấn/ha.

Các món ăn phổ biến chế biến từ cá Rô đồng

Cá Rô đồng kho khế

Nguyên liệu: 

  • Cá rô đồng: 500gram.
  • Thịt ba chỉ (ba rọi): 100gram.
  • Khế chua: 1 trái
  • Riềng xay, ớt trái.
  • Gia vị: Mắm, đường, hồ tiêu, dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm.

Cách chế biến:

  • Cá rô đồng mổ bụng, cắt bỏ mang, đánh sạch vảy, rửa sạch sau đó lấy muối ăn xát khắp thân cá rồi rửa lại bằng nước sạch.
  • Sau khi sơ chế cá xong ta tiến hành ướp cá với gia vị đã chuẩn bị sẵn gồm: riềng xay nhuyễn, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, ướp chừng khoảng nửa tiếng là có thể mang ra nấu. Muốn có cách làm cá rô đồng kho khế ngon ta phải đảm bảo phải nêm đầy đủ gia vị và tuân thủ đúng thời gian ướp cá nha.
  • Khế chua rửa sạch, cắt bỏ phần đầu, phần cuống, loại bỏ viền xung quanh cánh khế, rồi xắt thành từng miếng có độ dày chừng 1 cm.
  • Thịt ba chỉ (ba rọi) rửa sạch, xắt thành miếng nhỏ vừa ăn. Ớt xắt từng lát nhỏ.
  • Bắc một cái nồi đất lên bếp đổ khoảng 3 muỗng đường vào bật lửa đun tới khi nào đường tan hết thì đổ một chút nước lọc đun tới khi sôi thì cho thịt ba chỉ vào, dùng đũa xếp thịt trải đều dưới đáy nồi.
  • Tiếp đến ta xếp những con cá rô đồng lên trên những miếng thịt, phần trên cùng ta xếp những lát khế và ớt xắt nhỏ. Tiếp tục đun với ngọn lửa vừa trong vòng khoảng 5 phút để cá ngấm đều gia vị.
  • Ta đổ nước lọc sao cho ngập mặt cá rồi nêm các loại gia vị cho hợp khẩu vị. Tiếp tục đun với ngon lửa nhỏ cho đến khi nồi cạn nước (nước sệt lại). Để món cá rô đồng kho khế hấp dẫn hơn thì khi nước kho cá sệt lại ta nên đổ thêm một lượng nước rồi tiếp tục đun để cá được nhừ ăn sẽ ngon hơn.
  • Đun đến khi nào nước trong nồi gần cạn lại thì ta mở nắp nồi và cứ để trên bếp đun thêm chừng 5 phút để thịt cá săn chắc lại. Khi nào chuẩn bị tắt bếp ta nên rắc thêm một ít bột hồ tiêu vào cho thơm.

Bún cá Rô đồng

Nguyên liệu:

  • Cá rô đồng: 400g
  • Cà chua: 4 quả; Gừng: 1 củ
  • Hành khô: 5 củ; Ớt tươi: 1 quả; Nghệ tươi (hoặc bột nghệ)
  • Hành hoa, thì là: 1 ít
  • Bún: 500g
  • Nước dùng xương: 1 bát tô
  • Rau muống: 1 mớ nhỏ
  • Rau thơm ăn kèm
  • Gia vị: Dầu ăn, mắm, mì chính, bột nêm.

Cách chế biến:

  • Cá rô các bạn có thể chọn mua cá còn sống về lọc xương, tách lấy thịt. Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian hơn thì có thể chọn mua loại cá rô đồng đã tách thịt riêng và xương xay nhỏ có bán sẵn trong các siêu thị, ăn cũng rất ngon. Cá rô đồng mua về, đánh sạch vẩy, bỏ ruột, xóc muối rửa sạch.
  • Cho cá rô đồng vào nồi hấp, hoặc luộc sơ. Thêm chút xíu muối. Cho cá vào cái hộp đợi nguội cho vào ngăn đá để thịt cá rắn lại như vậy khi gỡ cá sẽ không bị nát. Bóc riêng phần thịt cá ướp với chút bột nêm, gừng, bột nghệ. Phần đầu và xương cá cho vào cối giã lọc lấy nước cốt.
  • Hòa nước dùng xương với nước cốt cá rô đồng. (Ở đây mình dùng nước dùng gà nên nồi nước dùng có màu hơi vàng vàng).
  • Cà chua rửa sạch bổ múi cau. Rau thơm, hành, thì là, rau muống rửa sạch để ráo. Đây là những nguyên liệu góp phần làm cho món bún trở nên đậm đà và hấp dẫn hơn rất nhiều.
  • Phi thơm cà chua với chút xíu dầu ăn và hành thơm. Nêm chút bột nêm.
  • Cho cà chua vào nồi nước dùng
  • Ở một chảo khác phi hành giòn để riêng sau đó rán cá vàng trên chảo. Chỉ nên rán 1/2 lượng thịt cá, còn lại phi hành và cho thịt cá vào xào thơm. (Nên lăn cá qua lớp bột chiên giòn để khi ăn cá sẽ có độ giòn nhé). Cá chiên giòn vớt qua giấy thấm dầu.
  • Sau đó đặt lên bếp đun sôi rồi hạ lửa nhỏ đun liu riu. Cho ít gừng thái chỉ để nồi canh không bị tanh.
  • Nêm nếm lại nước dùng cho vừa miệng. Chuẩn bị bát bún cá. Lần lượt đặt bún vào bát tô, thêm rau muống đã luộc, xếp ít cá rô rán và cá xào lên mặt bún rồi từ từ chan nước dùng lên trên mặt bún.

Cá Rô đồng kho tộ

Nguyên liệu: 

  • 200 gr thịt 3 chỉ
  • 2 con cá rô
  • 1 củ tỏi
  • 4 trái ớt
  • 1 muỗng cafe tiêu đập dập
  • 4 muỗng canh nước mắm ngon
  • 1 viên đường thốt nốt (loại to như 2 ngón tay)

Cách chế biến: 

  • Trước tiên là chuẩn bị nguyên liệu, chọn cá rô đồng là ngon nhất, còn thịt lựa loại 3 chỉ chắc
  • Thịt rửa sạch cắt miếng trụn qua nước sôi để ráo. Cá rô làm sạch,rửa nước muối rồi rửa sạch để ráo, ướp cá với chút hạt nêm và tỏi ớt giã nhuyễn cho thấm.
  • Bắc chảo cho muỗng dầu ăn, cho 1/2 viên đường thốt nốt bằng ngón chân cái, đun đến khi có màu cánh gián đậm thì cho tỏi băm vào phi thơm. Đây là công đoạn quyết định màu cá có đẹp hay không nên cần vặn thật nhỏ lửa để kịp canh màu nhé
  • Cho thịt vào xào săn
  • Cho 4 muỗng nước mắm ngon + 1/2 viên đường thốt nốt còn lại vào đun đến khi cạn sệt thì cho 1 chén nước.
  • Tiếp tục đun đến khi thịt chín mềm thì cho cá vào. Lúc này vận nhỏ lửa, tầm 15phút thì trở mặt cá, thêm 15 phút nữa. Nêm lại cho vừa khẩu vị.
  • Thành phẩm là miếng thịt chín mềm, phần mỡ trong veo. Cá thấm đậm béo vị nhưng không nát. Lúc này nếu thích thì chuyển sang nồi đất kho tiếp (vì nồi đất rất nhỏ, không đủ sức chứa hết phần nguyên liệu này)
  • Thích ăn dạng khô thì kho đến khi cạn sệt lại là xong. Múc ra rắc hành tiêu lên trên. Ăn với cơm nóng.

Trên bài viết BaoKhuyenNong đã chia sẻ đến các bạn đọc tất cả các thông tin về cá Rô đồng. Qua bài viết các bạn đã biết thêm nhiều thông tin về loài các này đúng không nào. Biết thêm về một vài đặc điểm chung của cá Rô đồng, mô hình nuôi cá Rô đồng của bà con nông dân và các món ăn ngon được chế biến từ cá Rô đồng. Hy vọng bài viết này thật sự bổ ích cho các bạn đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *