Cá gấu trúc – cá phi sọc ngựa – Kỹ thuật nuôi vỗ cá gấu trúc

Cá gấu trúc hay còn gọi là cá phi ngựa sọc, một số nơi còn gọi là cá cọp nước hay cá hổ vằn.Hiện nay đã cho sinh sản thành công tại Việt Nam. Phi ngựa sọc là tên gọi chung vì chúng có nhiều loài với hình dáng các sọc và màu sắc khác nhau. Loài cá gấu trúc này có bản tính rất hung hăn vì thế trong giai đoạn sinh sản cần tách rời cặp cá sinh sản ra riêng. Dưới đây là những thông tin liên quan đến cá gấu trúc.

Thông tin kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá phi sọc ngựa hay hổ vằn

Thông tin kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá phi sọc ngựa hay hổ vằn
Thông tin kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá phi sọc ngựa hay hổ vằn

Cá phi sọc ngựa hay hổ vằn thuộc bộ cá vược, họ cá rô phi Cichlidae, loài Cichlasoma nigroflasciatum. Cá trưởng thành ngoài tự nhiên có kích thước 10cm. Cá Hổ Vằn thích hợp trong môi trường: nhiệt độ nước từ 27 – 32 oC, độ mặn từ 0-3 ‰, pH từ 6-7. Chúng sinh sản quanh năm nhưng tập chung chủ yếu vào mùa mưa, thường đẻ về đêm. Chúng có thể tham gia sinh sản lần đầu sau 8-9 tháng tuổi, nhưng từ 11-12 tháng tuổi trở đi thì cho sinh sản tốt nhất.

Kỹ thuật nuôi vỗ cá gấu trúc

Chọn cá bố mẹ nuôi vỗ: Nuôi vỗ là một sự chuẩn bị cần thiết để cá sinh sản tốt, góp phần quyết định đến sức sinh sản và chất lượng đàn cá con sau này. Chọn cá bố mẹ khỏe mạnh, không dị hình dị tật, hoạt động nhanh nhẹn, màu sắc đặc trưng cho loài, cá từ 8-9 tháng tuổi trở lên. Để rút ngắn thời gian phát dục ta nên có chế độ chăm sóc thật tốt như: thức ăn thích hợp, dinh dưỡng đầy đủ, tạo điều kiện môi trường sống tối ưu nhất như: ánh sáng, nhiệt độ, oxy, giá thể…

Kỹ thuật nuôi vỗ cá gấu trúc
Kỹ thuật nuôi vỗ cá gấu trúc

Căn cứ vào bản tính hung hăng của cá bố mẹ khi bắt cặp ta có thể chia quá trình nuôi vỗ thành 2 giai đoạn:

1. Giai đoạn đầu (cá chưa thành thục giai đoạn III- IV): ta nuôi chung cá đực, cái. Bởi vì, giai đoạn này cá chưa thành thục tốt nên tập tính hung hăng của chúng chưa thể hiện rõ nét;

2. Giai đoạn sau (cá thành thục giai đoạn III – IV): lúc cá thành thục thường thì cá đực thành thục sớm hơn cá cái, do đó cá đực sẽ săn đuổi, kích thích cá cái, gây sát thương và kiệt sức cá cái trước khi sinh sản, dẫn đến sức sinh sản kém, hiệu quả kinh tế không cao.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Diệu (1997) cho thấy giai đoạn nuôi vỗ cho cá bố mẹ ăn trùng chỉ, cung quăng, cá con, tép bò là rất thích hợp. Tuy nhiên, khi cho ăn bằng tép bò và cá con phải rất nhỏ và phải vừa với miệng của chúng. Khoảng 5 – 7 ngày trước khi cá sinh sản, lượng thức ăn giảm dần để tránh sự tích lũy nhiều mỡ nhằm giúp cho sự chuyển hóa buồng trứng tốt hơn. Trong quá trình nuôi vỗ nên thay nước thường xuyên để tạo môi trường trong sạch và kích thích sự sinh sản của cá. Ngày có thể thay 2 lần, lượng nước thay có thể từ 1/3 – 2/3 tùy thuộc vào mức độ dơ của nước trong bể nuôi vỗ.

Nuôi tái phát dục: Thời gian tái thành thục của cá hổ vằn từ 10 – 12 ngày, thời gian tái phát dục dài hay ngắn phụ thuộc nhiều vào bản thân cá và điều kiện môi trường sống của cá như: nhiệt độ nước, chế độ dinh dưỡng… Theo Nicoloski (1963), những khoảng cách giữa các đợt đẻ trứng ở cá trong tự nhiên thường liên quan đến dinh dưỡng ngoài của cá.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Diệu (1997) cho thấy khi cho ăn bằng thức ăn là cung quăng thì thời gian tái phát dục của cá sẽ ngắn lại, màu sắc của cá rất đẹp. Điều này có thể giải thích là cá thích ăn mồi di động và vừa cỡ miệng, do thức ăn phù hợp nên thời gian tái thành thục sẽ ngắn lại. Tuy nhiên khi sử dụng loại thức ăn này cần kiểm soát lượng ăn của cá vì nếu không cá sẽ ăn nhiều và sẽ tích lũy mỡ làm cho sự chuyển hóa sinh dục chậm. Ngoài ra thời gian tái phát dục còn phụ thuộc vào việc cá bố mẹ có ấp trứng và chăm sóc con hay không nếu có thì thời gian tái phát dụng sẽ chậm lại từ 4 – 5 ngày so với cá bố mẹ không ấp trứng và chăm sóc con.

Chọn cá gấu trúc bố mẹ – bố trí sinh sản

Chọn cá gấu trúc bố mẹ - bố trí sinh sản
Chọn cá gấu trúc bố mẹ – bố trí sinh sản

Sau khi nuôi vỗ, ta chọn cá bố mẹ để tiến hành cho sinh sản. Cá đực phải khỏe mạnh, nhanh nhẹ, màu sắc đậm nét, không bị dị tật … Cá cái khỏe mạnh, nhanh nhẹ, bụng to, màu sắc đậm nét, không bị dị tật… Cá bố mẹ sau khi được chọn để cho sinh sản sẽ được chuyển vào trong bể đẻ có đặt sẵn giá thể cứng (chén, gạch sỏi trắng rải đều đáy bể…), bể đẻ được đặt ở vị trí ánh sáng yếu, nơi yên tĩnh tạo cho cá cảm giác an toàn tránh tình trạng cá hoảng sợ sẽ ăn trứng, ăn con. Bể để cho mỗi cặp cá bố mẹ có kích thước (16 x 15 x 9cm). Sau khi bố trí những điều kiện thích hợp như trên thì cá sẽ đẻ từ 1 – 3 ngày sau đó.

Nếu cá gấu trúc không đẻ thì có thể do 1 trong 2 lý do sau: Cá bố mẹ chưa thành thục tốt (chọn cá chưa chính xác) điều kiện sinh thái sinh sản chưa thỏa đáng như giá thể, nhiệt độ, ánh sáng, sự yên tĩnh… thông thường tỉ lệ sinh sản đạt từ 98 – 100%. Cá cái có trọng lượng 6g thì sức sinh sản tuyệt đối từ 350 – 400 trứng/con, sức sinh sản thực tế từ 250 – 350 trứng/con

Quá trình sinh sản của cá gấu trúc

Thông thường cá sinh sản vào ban đêm hoặc sáng sớm. đầu tiên cá cái áp sát bụng vào tổ, gai sinh dục chà lên giá thể, đồng lúc phun trứng lên giá thể, sau vài hàng trứng được dính vào giá thể thì cá đực tưới tinh trùng lên thụ tinh cho trứng, cứ như vậy khoảng 30 phút thì cá hoàn tất việc sinh sản. Cá đực khi động hớn rất hung hăng, rượt đuổi cắn, húc vào bụng kích thích cá cái. Dẫn đến sau khi sinh sản cá cái thường bị xây xát rất lớn, ta cần phải tách cá đực, cá cái sau khi quá trình sinh sản hoàn tất. Sau đó đem tắm muối + Tetracyline 20mg/L nước trong vòng 3-5 phút.

Cá gấu trúc
Cá gấu trúc

Ấp trứng cá gấu trúc nhân tạo

Tập tính cá bố mẹ ăn trứng và cá con ở cá là một trong những nguyên nhân thất bại của các nghệ nhân cá cảnh. Để loại trừ lý do này biện pháp ấp trứng nhân tạo sẽ mạng lại hiệu quả cao hơn. Tỉ lệ thụ tinh: 98 – 100%, tỉ lệ nở 98%, tỉ lệ sống cá bột 3 ngày tuổi 97%. Cá bố mẹ sau khi hoàn tất quá trình sinh sản, chúng ta sẽ tách cá bố mẹ ra khỏi bể đẻ để tiến hành ấp trứng nhân tạo. trong thời gian ấp trứng ta thay nước ngày 2 lần để đảm bảo nước trong bể ấp được trong sạch và đầy đủ oxy cho phôi phát triển. Lượng nước thay mỗi lần từ 1/3 -1/2 lượng nước trong bể. Sau 70 giờ thì trứng nở ở nhiệt độ 29oC.

Xem thêm: Cá Galaxy – Đặc điểm sinh học cá Galaxy

Ương cá gấu trúc con

Cá mới nở có đặc điểm là: cơ thể chưa cân đối, có màu vàng hơi nâu, nằm thành cụm ở giá thể. Sau 3 ngày tuổi thì tiêu hết noãn hoàng và bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài. Có thể sử dụng thức ăn là Artemia, trùn chỉ hoặc lòng đỏ trứng gà luộc chín. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Diệu (1997), cho thấy việc sử dụng Artemia và trùn chỉ để ương nuôi cá hổ vằn là tốt nhất. Trong quá trình ương nuôi cá hổ vằn ta có thể chia là 2 giai đoạn (dựa theo chế độ dinh dưỡng).

Bắt đầu từ ngày tuổi thứ 3 ta cho cá bột ăn thức ăn là Artemia, ngày thay nước 2 lần mỗi lần thay từ 1/3-1/2 lượng nước. Kết quả là tỉ lệ sống đạt 98%. Từ ngày tuổi thứ 8 đến ngày tuổi thứ 60, chúng ta cho ăn thức ăn là trùng chỉ, lúc này chiều dài toàn trung bình là 4,05 cm. cũng với chế chăm sóc ngày thay nước 2 lần mỗi lần thay từ 1/3-1/2 lượng nước.

Kết

Trên đây là những thông tin liên quan đến loại cá gấu trúc do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Với kỹ thuật nuôi vỗ phù hợp, bạn có thể dễ dàng sở hữu những chú cá Gấu Trúc khỏe mạnh, xinh đẹp và tô điểm cho bể thủy sinh của mình thêm sinh động. Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm thông tin về loại cá này nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *