Cỏ Roi Ngựa có tên khoa học là Verbena officinalis L. Cây còn có tên gọi khác là Mã tiền thảo. Thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Cây có vị đắng, tính hơi mát. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu rõ hơn về loài cây này.
Giới thiệu chung về Cỏ Roi Ngựa
- Tên gọi khác: Mã tiền thảo, Nhả tháng én (Tày), Rgồ mí (KHo), Verveine (Pháp)
- Tên khoa học: Verbena ofcinalis L
- Họ: Cỏ roi ngựa – Verbenaceae
1. Đặc điểm sinh thái
Cỏ roi ngựa hay còn có tên khác là Mã tiền thảo. Đây là loại cầu thân thảo, nhỏ, sống lâu năm, chiều cao trung bình khoảng 10 cm đếm 1 mét. Lá dài khoảng 2 – 8 cm, rộng khoảng 1,4 cm. Lá có hình lông chim, có răng cưa, không có cuống lá hoặc cuống lá rất ngắn.
Hoa mọc thành chùm dài ở ngọn cây, thường mọc thành nhiều hoa nhỏ, màu xanh hoặc tím xanh. Hoa lưỡng tính, không đều, có nhiều bông hình sợi, các lá bắc có mũi nhọn. Hoa thường có 5 đài, có lông mịn, tràng có ống hình trụ, uốn cong, có 5 thùy nhỏ, bầu có 4 ô.
Quả nang có 4 nhân, hạt không có nội nhũ. Cỏ ra hoa và kết quả vào mùa xuân tới mùa thu.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Toàn thân cây Cỏ roi ngựa được ứng dụng để làm dược liệu.
3. Phân bố
Mã tiên thảo thường phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Việt Nam, Cỏ roi ngựa thường mọc ở ven đường, ở gần bản làng hoặc các khu rừng từ Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Bình, Lâm Đồng.
4. Thu hái – Sơ chế
Mã tiên thảo thu hái vào mùa thu khi cây đã ra hoa và một số cây đã bắt đầu kết quả.
Thu hái mang về rửa sạch đất cát, có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô bảo quản dùng dần.
5. Bảo quản dược liệu
Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh độ ẩm cao.
6. Thành phần hóa học
Toàn thân dược liệu chứa một loại Glucozit, kết tinh không mùi, không màu, vị đắng, khi thủy phân sẽ thu được glucoza và verbenalola C11H14O5′.
Ngoài ra, trong Mã tiên thảo cũng chứa các men Emunxin và Invectin.
Vị thuốc Cỏ roi ngựa
1. Tính vị
Mã tiên thảo tính hơi hàn, vị đắng
2. Quy kinh
Quy về kinh Tỳ và Can.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
- Hỗ trợ làm máu nhanh đông.
- Tiêu viêm, sát khuẩn, cầm máu, hỗ trợ giảm đau, ức chế trực khuẩn lỵ, vi khuẩn tụ cầu vàng.
- Tăng tiết sữa ở phụ nữ đang cho con bú.
- Ức chế vi trùng gây sốt rét.
Theo y học cổ truyền:
- Phá huyết, thông kinh, sát trùng.
- Chữa mụn nhọt, hậu bối, u nhọt sưng vú.
Chỉ định điều trị của Cỏ roi ngựa:
- Chữa bệnh ngứa ở hạ bộ, tiêu tướng.
- Xoa bóp bên ngoài trị lở ngứa, viêm da, mề đay.
- Giã lấy nước uống, lấy bã đắp lên mụn nhọt, chữa vết thương ngoài da, viêm da mủ.
- Chữa sốt rét, bệnh giun sán, giun chỉ.
- Uống trong chữa viêm loét dạ dày, lỵ, viêm gan, vàng da, cổ trướng, phù thũng, viêm thận, viêm đường tiết niệu, viêm loét bìu.
- Ngăn ngừa và chữa cảm lạnh, sốt, viêm họng, ho gà.
- Trị bế kinh, kinh nguyệt khó ra.
4. Cách dùng – Liều lượng
Mã tiên thảo có thể dùng tươi hoặc dùng khô, có thể dùng độc vị hoặc dùng kết hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc sử dụng Cỏ roi ngựa
1. Chữa phát sốt, cảm cúm
Sử dụng 50 g Mã tiên thảo, Thanh ca, Khương hoạt, mỗi vị 25 g, sắc ngập nước đến khi còn 2 bát con thì chia thành 2 lần dùng uống trong ngày. Ngoài ra, có thể mang các vị thuốc thái nhỏ, hãm nước sôi dùng uống như trà.
Nếu người bệnh sốt, cảm kèm theo đau rát cổ họng có thể gia thêm 15 g Cát cánh, sắc uống để tăng hiệu quả.
2. Chữa viêm họng, đau họng, họng sưng đau rát
Sử dụng cành và lá Cỏ roi ngựa, giã lấy nước, vắt phần nước cốt, bỏ bã, cho thêm một lượng sữa tươi vừa đủ, khuấy đều. Dùng ngậm và nuốt từng ngụm nhỏ để cải thiện tình trạng viêm họng.
3. Điều trị sốt rét
Sử dụng 30 – 60 g Cỏ roi ngựa khô, sắc thành nước, dùng uống trong ngày. Trước và sau khi lên cơn sốt rét 1 – 2 giờ thì uống thuốc 1 lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
4. Điều trị tình trạng cổ trướng do ăn phải cá độc
Sử dụng một nắm to Cỏ roi ngựa, sắc lấy nước dùng uống nhiều lần trong ngày.
5. Trị bệnh bạch hầu
Sử dụng 30 – 50 g Mã tiên thảo khô, sắc lấy khoảng 300 ml nước thuốc.
Người lớn mỗi lần uống 150 ml, ngày uống 2 lần. Trẻ em 8 – 14 tuổi mỗi lần uống 100 ml, ngày 2 lần. Trẻ nhỏ dưới 8 tuổi mỗi lần uống 50 ml, ngày uống 2 lần. Uống thuốc liên tục trong 3 – 5 ngày để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
6. Chữa chứng hoàng đản (vàng da)
Sử dụng 50 g Mã tiên thảo tươi hoặc khô, sắc lấy phần nước, bỏ bã, gia thêm đường, khuấy đều, chia thành 3 phần bằng nhau, dùng uống trong ngày.
Nếu vùng gan đau, sưng hoặc trướng to thì có thể cho thêm 15 g Sơn tra vào sắc cùng.
7. Phòng ngừa gan nhiễm mỡ
Sử dụng 25 g Mã tiên thảo, 5 g Cam thảo, sắc cùng với 150 ml nước, đun nhỏ lửa đến khi còn 40 ml thì chia thành 3 lần dùng uống trong ngày. Nên uống thuốc trước bữa ăn chính và liên tục trong 4 ngày để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
8. Chữa bệnh trĩ nội
Sử dụng Mã tiên thảo, Rau dền gai, mỗi vị 20 g sắc lấy nước uống thay trà trong ngày. Uống liên tục trong nhiều ngày để làm tan búi trĩ.
9. Chữa đái ra máu kèm dưỡng chấp, bí tiểu
Sử dụng 60 g Cỏ roi ngựa, sắc thành nước, dùng uống 2 lần trong ngày.
10. Trị bệnh cổ trướng
Sử dụng Cỏ roi ngựa giã nát, nấu với nước dùng uống khi còn nóng.
11. Điều trị viêm khoang miệng
Sử dụng 30 g Cỏ roi ngựa tươi sắc lấy nước, dùng uống thay nước trà trong ngày, liên tục trong 5 ngày.
12. Chữa kinh nguyệt không đều
Sử dụng Cỏ roi ngựa tươi 40 g, Ngải cứu 25 g, Ích mẫu 200 g, Cỏ tháp bút 10 g, sắc thành nước, dùng uống 2 lần trong ngày. Uống trước khi hành kinh 10 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
13. Chữa đau bụng kinh
Sử dụng Mã tiên thảo 30 g, Huyền sâm, Bạch thược, Sinh địa hoàng, Địa cốt bì, Xuyên luyện tử, Trinh nữ tử, mỗi vị 15 g, Cỏ nhọ nồi 12 g, Uất kim 5 g, Mẫu đơn bì 12 g.
Trong trường hợp tình trạng đau nhẹ, có thể dùng 30 g Mã tiên thảo uống với 30 g Ích mẫu. Sắc uống 3 thang thuốc trong những ngày trước khi kỳ kinh nguyệt để thấy hiệu quả điều trị.
14. Điều trị mụn nhọt, viêm da mủ, ngứa da
Sử dụng Cỏ roi ngựa, giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt dùng uống. Phần bã có thể đắp trực tiếp lên vết thương, mụn nhọt đến khi khỏi.
Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Cỏ Roi Ngựa do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Cỏ Roi Ngựa là vị thuốc với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.