Cây Thanh Táo là một cây mọc hoang ở nhiều nơi ở nước ta. Nó có tác dụng trong điều trị đau xương khớp, vàng da, mụn nhọt và các bệnh lý khác. Hãy cùng tìm hiểu về cây thuốc này qua bài viết sau.
Giới thiệu chung về Cây Thanh Táo
- Tên gọi khác: Thuốc trặc, Tần cửu, Bơ chẩm phòn (người Thái), Sleng sào (người Tày), Búng mâu mía (người Dao)
- Tên gọi khoa học: Justicia gendarussa L. f. (Gendarussa vulgaris Nees)
- Họ: Ô rô – Acanthaceae
1. Đặc điểm sinh thái
Cây Thanh táo hay còn gọi là cây Thuốc trặc, là cây thường xanh, thân nhỏ, cao khoảng 1 – 1.5 m. Thân và cành cây có màu tím sẫm hoặc xanh lục, nhẵn. Lá cây mọc đối, cuống ngắn, phiến lá hình mác, thuôn, dài khoảng 4 – 14 cm, rộng 1 – 2 cm, mép lá nguyên. Trên mặt lá thường bị một loại nấm có tên là Puccinia Thwaitesii tấn công gây nên nhiều đốm đen, vàng hoặc nâu trên mặt lá.
Hoa có màu trắng hoặc hơi hồng, có nhiều điểm tía, mọc thành bông ở đầu cành, các kẽ lá hoặc phía ngọn cành. Quả nang hình đinh, dài 12 mm, bên trong có chứa trong 4 hạt. Hoa và ra quả vào mùa hạ.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Toàn thân cây Thanh táo được ứng dụng để làm thuốc. Đông y gọi là Tiểu Bác Cốt, tên khoa học là Herba Justiciae.
3. Phân bố
Cây Thuốc trặc được tìm thấy ở Ấn Độ, Malayxia, Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, Indonexia. Cây mọc hoang và được trồng để làm hàng rào.
Tại Việt Nam, cây được trồng ở nhiều nơi để làm cảnh.
4. Thu hái – Sơ chế
Thanh táo được thu hái quanh năm, tuy nhiên thời gian tốt nhất để thu hoạch cây là vào tháng 7 – 8.
Dược liệu có thể dùng tươi hoặc phơi khô bảo quản, dùng dần. Rễ cây thường được sử dụng với tên gọi Tần giao hoặc tần cửu.
5. Bảo quản dược liệu
Cây Thanh táo sau khi sơ chế, phơi khô cần được bảo quản ở nơi thoáng, tránh độ ẩm cao.
6. Thành phần hóa học
Trong cây Thuốc trặc có chứa một loại Ancaloit với tên gọi là Justixin. Ngoài ra, cây cũng chứa một lượng nhỏ tinh dầu (0.001%).
Vị thuốc cây Thanh táo
1. Tính vị
Cây Thanh táo tính ấm, vị cay.
Rễ cây tính bình, vị chua
2. Quy kinh
Dược liệu quy vào 4 kinh: Vị, Can, Đảm, Đại tràng.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
- Tác dụng nối gân tiếp xương
- Hỗ trợ tiêu sưng, giảm đau, sát trùng
- Tác dụng gây nôn khi cần thiết
Theo y học cổ truyền:
- Hoạt huyết, trấn thống, tán phong thấp.
- Khứ ư sinh tân, tiêu trừ ứ tích, sinh tân dịch
- Tiêu thũng, chỉ thống
- Nối liền gân cốt
Chỉ định sử dụng cây Thanh táo:
- Dùng điều trị gãy xương, sái chân, trật gân, phong thấp, viêm đau khớp.
- Dùng làm thuốc bó nối liên xương khi xương gãy hoặc điều chỉnh lại khớp khi bị trật khớp.
- Vỏ thân sắc uống có thể điều trị tê thấp.
- Rễ cành lá dùng giã tươi, đắp vào chỗ vết thương, sưng đau.
- Tán bột trừ sâu mọt.
- Chữa chứng ra nhiều mồ hôi, ho sốt, mụn nhọt.
- Hỗ trợ điều trị lưu thông máu huyết ở phụ nữ sau sinh và bệnh hậu sản.
4. Cách dùng – Liều lượng
Cây Thuốc trặc được sử dụng dưới dạng thuốc sắc, tán bột dùng, giã nát đắp ngoài. Dược liệu có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được.
Liều lượng sử dụng: 12 – 30 g dưới dạng thuốc sắc và dược liệu phơi khô.
Bài thuốc sử dụng cây Thanh táo
1. Điều trị té ngã, chấn thương xương, phong thấp khớp xương, xương cốt sưng tấy, đau nhức
Sử dụng cây Thuốc trặc tươi 30 – 50 g (khô 10 – 15 g), sắc thành thuốc dùng uống ngày ngày.
2. Điều trị chấn thương, sưng tấy (vết thương kín)
Sử dụng cây Thuốc trặc tươi 50 g (nếu khô thì dùng 10 g), rửa sạch, sắc cùng 850 ml nước, đến khi còn 200 ml thì chia thành 2 lần, dùng uống trong ngày.
3. Điều trị lở loét, các vết thương nhiễm độc, chảy máu không ngừng hoặc mụn nhọt lở thối rữa, không lành
Sử dụng lá Thanh táo và lá cây Mỏ quạ, mỗi vị phân lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nhỏ, đắp lên vị trí chấn thương. Mỗi ngày đắp thuốc một lần, thay thuốc hàng ngày.
Có thể kết hợp với việc uống nước sắc Bồ công anh, Bạch chỉ nam, Kim ngân hoa, mỗi vị một nắm. Sau một tuần sẽ thấy kết quả điều trị.
4. Chữa xương gãy, các loại mụn nhọt độc gây sưng đau
Sử dụng cây Thuốc trặc tươi giã nát (hoặc dùng cây khô tán nhỏ), trộn một ít rượu, giấm, đắp vào vết thương.
5. Chữa phong tê thấp, tay chân tê dại mất cảm giác
Sử dụng vỏ cây Thanh táo, rễ Sưng (Hoàng lực), Dây chìu, rễ Mền tên (Độc lực), mỗi vị đều 20 g, Thiên niên kiện, Cốt khí, mỗi vị đều 10 g, sắc thành thuốc, dùng uống.
6. Chữa sản phụ máu xấu gây mắt mờ, choáng váng
Sử dụng cây Thanh táo, Mần tưới, cỏ Mần trầu, mỗi vị 20 g, sắc thành thuốc, dùng uống trong ngày.
7. Chữa các bệnh hậu sản
Sử dụng cây Thuốc trặc, cây Mần tưới, cỏ Mần trầu, mỗi vị phân lượng đều 30 g, sắc cùng 500 ml nước đến khi còn 200 ml thì chia thành 2 lần dùng uống trong ngày.
8. Chữa chứng ra mồ hôi trộm, ho, sốt
Sử dụng rễ cây Thanh táo, Địa cốt bì, Miết giáp, Sài bồ, mỗi vị đều 10 g, Tri mẫu, Đương qui, mỗi vị 5 g, Thanh cao, Ô mai, mỗi vị đều 4 g, sắc với 600 ml nước, đến khi còn 200 ml thì chia thành 3 lần, dùng uống trong ngày.
9. Chữa tinh hoàn đau nhức, một bên tinh hoàn sa xuống
Sử dụng rễ cây Thuốc trặc, rễ Bần trắng, rễ Sưng, rễ Vậy đỏ, mỗi vị 20 – 30 g, sắc thành thuốc dùng uống trong ngày.
Thanh táo trong các nghiên cứu gần đây
Các chiết xuất từ lá Thanh táo có hoạt tính kháng nấm. Người ta thấy nó ức chế nhiều loại nấm như Trichophyton mentagrophytes, Microsporum gypseum, … đây là các loại nấm gây bệnh ngoài da. Bên cạnh đó, chiết xuất các thành phần lá, cành cho thấy tác dụng kháng viêm, giảm đau trên chuột.
Việc tăng sinh mạch máu đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sinh lý bình thường như chữa lành vết thương nhưng nó lại liên quan đến 1 số bệnh lý như bệnh võng mạc tiểu đường, viêm khớp và sự phát triển của các khối u rắn. Chiết xuất Thanh táo ức chế hoạt động này.
Chiết xuất từ thân và rễ cây thu hái tại Việt Nam cho thấy tác dụng ức chế 1 số chủng của vi khuẩn HIV, đưa đến triển vọng về 1 loại thuốc mới cho bệnh nhân nhiễm HIV. Chiết xuất từ thân Thanh táo cũng cho thấy tác dụng chống viêm và bảo vệ gan.
Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Cây Thanh Táo do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Cây Thanh Táo là vị thuốc với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.