Can Khương chính là tên gọi khác của gừng khô, nhờ chứa thành phần đa dạng với dược tính cao nên được dùng làm vị thuốc phổ biến trong Đông y. Cùng chúng tôi tìm hiểu về công dụng chữa bệnh của loài cây này trong bài viết dưới đây.
Giới thiệu chung về Cang Khương
- Tên gọi khác: Bạch khương, Bào khương, Quân khương, Đạm can khương…
- Tên khoa học: Zingiber offcinale Roscoe.
- Họ: Gừng (Zingiberaceae).
Đặc điểm thực vật
Gừng là một loại cây thân thảo, sống lâu năm với chiều cao nằm khoảng từ 0,5 – 1m. Phần thân rễ có phân nhánh và phát triển thành củ, khi già sẽ có xơ.
Lá cây hình mũi mác, không có cuống, mọc cách nhau, với chiều dài tới khoảng 20cm, rộng khoảng 2cm, bẹ nhẵn với phần lưỡi nhỏ dạng màng. Cán hoa mọc từ gốc dài khoảng 20cm, có nhiều vẩy lợp lên.
Cụm hoa có dạng trứng dài khoảng 5cm, rộng từ 2 – 3cm, lá bắc có màu lục nhạt, hình trái xoan với phần mép vàng. Đài có 3 răng ngắn còn tràng có ống dài gấp 2 lần đài, 3 thì hẹp nhọn và 1 nhị. Hoa màu vàng xanh với phần mép cánh màu tím và phần nhị cũng tím. Loài gừng trồng thường rất ít ra hoa.
Bộ phận dùng
Thân rễ hay thường gọi là củ, chính là bộ phận của cây được sử dụng để làm vị thuốc.
Phân bố
Ở nước ta, cây gừng được trồng ở khắp nơi để làm gia vị cũng như vị thuốc.
Thu hái và sơ chế
Thời điểm thu hái dược liệu thích hợp nhất là vào mùa đông. Tiến hành đào lấy những thân rễ già, đem cắt bỏ đi các rễ con rồi rửa sạch và phơi khô.
Mô tả vị thuốc can khương: Có dạng ngón tay phẳng dẹt và phân nhánh, có đốt rõ ràng. Phần vỏ phía ngoài nhăn nheo, có màu xám vàng hay xám trắng. Phía đỉnh có vết mầm và vết rễ, mặt cắt có chất xơ. Loại to, già, khô, củ chắc có vỏ ngoài màu vàng nhợt ít nhăn, sạch rễ con, phần thịt trong vàng đậm là tốt.
Bảo quản
Cần để vị thuốc trong túi kín rồi bảo quản ở nơi khô thoáng, tránh độ ẩm cao và ánh sáng mặt trời.
Thành phần hóa học
Phân tích dược liệu can khương phát hiện một số thành phần chính bao gồm:
- zingeron
- zingerola
- shogaola
- α camphen
- β phelandren
- zingiberen C15H24
- sesquitecpen
- xitrala bocneola
- geraniola
Vị thuốc can khương
Tính vị
Dược liệu can khương có vị cay với mùi thơm hắc và tính ấm nóng.
Quy kinh
Được quy vào 4 kinh là Tỳ, Tâm, Vị và Phế.
Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Hồi dương, thông mạch, ôn trung tán hàn, táo thấp tiêu đàm.
- Chủ trị: Đau bụng lạnh, nôn mửa ỉa chảy, đầy trướng khó tiêu, đàm ẩn, ho suyễn, tứ chi lạnh, tán khương tăng cường chỉ huyết.
Theo y học hiện đại:
- Ức chế nhu động ruột khi dùng với liều cao, làm tê liệt thần kinh trung khu vận động.
- Tăng hơi thở, mạch nhanh hơn, biên độ giảm xuống và làm tăng huyết áp.
Cách dùng – liều lượng
Dược liệu thường được dùng ở dạng thuốc sắc hay hoàn tán, phối hợp chung với nhiều vị thuốc khác. Liều dùng được khuyến cáo dùng trong 1 ngày là khoảng từ 4 – 8g.
Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu can khương
Dưới đây là các bài thuốc quen thuộc có sử dụng dược liệu can khương:
Bài thuốc chữa nôn ói do hàn ẩm
- Chuẩn bị: 6g can khương cùng với 9g bán hạ.
- Thực hiện: Cả 2 vị thuốc trên đem tán thành bột mịn và trộn đều lại với nhau. Mỗi lần lấy uống khoảng 3 – 6g cùng nước sôi ấm, dùng với tần suất 1 lần/ngày.
Bài thuốc chữa nôn ói thể hư hàn
- Chuẩn bị: Can khương, bán hạ và nhân sâm với liều lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem tán thành bột mịn sau đó trộn với nước gừng tươi để làm thành viên. Mỗi lần lấy uống 6 – 9g với nước sôi ấm, dùng tần suất 3 lần/ngày.
Bài thuốc chữa băng huyết ở phụ nữ
- Chuẩn bị: 6g can khương (đem đốt cháy) cùng với 6g cam thảo.
- Thực hiện: Hai vị thuốc trên đem sắc chung với nước tiểu trẻ con rồi uống mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa khí suyển và ho do hàn ẩm
- Chuẩn bị: 3g can khương, 3g ngũ vị tử, 9g phục linh, 3g cam thảo và 1,5g tế tân.
- Thực hiện: Các vị thuốc sắc chung với 600ml nước để lấy phân nửa. Chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng 1 thang/ngày.
Bài thuốc chữa tỳ vị dương hư
- Chuẩn bị: 12g can khương, 9g thực phụ tử cùng với 3g chích cao thảo.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho vào ấm, đổ thêm 1 thăng nước đun trong 30 phút trên lửa nhỏ. Có thể chia thuốc làm nhiều lần uống trong ngày, dùng đúng 1 thang/ngày.
Bài thuốc trừ giun, giảm đau
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị 6g can khương, 12g ô mai, 6g hoàng bá, 6g hoàng liên, 12g phụ tử chế, 6g quế chi, 6g xuyên tiêu, 4g tế tân, 12g đẳng sâm, 12g đương quy. Các vị thuốc này đem tán bột rồi luyện với mật ong làm hoàn. Mỗi lần uống 8g với nước sôi ấm, ngày uống 2 lần. Đáp ứng với các trường hợp giun chui ống mật, giun đũa, bụng đau dữ dội…
- Bài thuốc 2: 6g can khương, 6g mộc hương, 4g tế tân, 12g ô mai, 12g mang tiêu, 12g binh lang, 12g đại hoàng, 12g chỉ thực, 4g xuyên tiêu, 12g võ rễ xoan. Các vị thuốc cho hết vào nồi đun lấy nước uống trong ngày, dùng 1 thang/ngày. Đáp ứng tốt với chứng đau bụng do giun đũa.
Bài thuốc chữa đau dạ dày tá tràng
- Chuẩn bị: 30g can khương, 10g thục tiêu, 15g nhân sâm cùng với 100g di đường.
- Thực hiện: Các vị thuốc cho vào ấm sắc với 1 thăng nước để bỏ bã lấy 150ml. Chia đều thành 4 lần uống khi còn ấm. Ngày dùng 3 lần, tối 1 lần với liều 1 thang/ngày.
Bàn thuốc chữa bệnh tâm thầm thể khí trệ huyết ứ có hàn
- Chuẩn bị: 3g can khương, 6g phụ tử, 12g tang bạch bì, 12g đương quy, 12g tử tô, 10g xích thược, 10g sài hồ, 10g hồng hoa, 30g uất kim, 10g hương phụ, 10g trần bì, 10g xuyên khung, 20g đào nhân, 15g đan sâm, 15g bồ hoàng.
- Thực hiện: Tất cả vị thuốc trên đem cho vào ấm rồi sắc lấy nước uống trong ngày, sử dụng đúng 1 thang/ngày.
Bài thuốc chữa tiêu chảy do hàn thấp, có nôn
- Chuẩn bị: 12g can khương, 12g vỏ quýt, 20g hoắc hương sao, 20g sa nhân sao, 40g đậu ván.
- Thực hiện: Tất cả các vị thuốc trên tán thô rồi trộn đều. Mỗi lần lấy 2 – 6g sắc lấy nước uống, dùng 1 lần/ngày.
Bài thuốc trị cảm mạo, ho
- Chuẩn bị: 1g can khương, 1g tử tô diệp, 1g chỉ thực, 2g cát cánh, 2g cát căn, 2g trần bì, 3g bán hạ, 2g tiền hồ, 3g phục linh, 1,5g nhân sâm, 1,5g đại táo, 1g mộc hương, 1g cam thảo.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc lấy nước uống 1 thang/ngày.
Bài thuốc giúp giải biểu, tán hàn
- Chuẩn bị: 12g can khương, 12g quế chi, 12g ma hoàng, 6g ngũ vị tử, 6g tế tân, 12g chích thảo, 12g bạch thược.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho vào ấm, đổ 800ml nước vào sắc trên lửa nhỏ. Thu lấy 300ml chia đều thành 3 lần uống, dùng 1 thang/ngày. Đáp ứng tốt các triệu chứng sợ lạnh, ho suyễn, phát sốt không ra mồ hôi…
Bài thuốc chữa viêm khớp dạng thấp
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị 3g can khương, 9g đương quy, 9g xuyên khung, 6g phụ tử, 9g bạch thược, 9g thục địa. Các vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước uống ngày 1 thang.
- Bài thuốc 2: 30g can khương, 300g sơn dược, 100g hoàng quyên, 100g thần khúc, 100g đại đậu, 100g quế chi, 100g đương quy, 120g can địa hoàng, 280g cam thảo, 70g a giao, 70g nhân sâm, 60g xuyên khung, 60g bạch truật, 60g bạch thược, 60g phòng phong, 60g mạch môn, 60g hạnh nhân, 50g sài hồ, 50g phục linh, 50g cát cánh, 20g bạch liễm, 100 quả đại táo. Tất cả các vị thuốc này đem tán thành bột mịn rồi luyện với mật để làm hoàn. Mỗi lần uống 9g với rượu hoặc nước sôi ấm, dùng 2 lần/ngày.
Cách trồng và chăm sóc Cây Gừng
Chọn củ giống
– Gừng là loài sinh sản vô tính trồng bằng mầm củ, chọn củ giống đồng đều, đúng giống, không bị trầy xước và sạch bệnh.
– Chọn củ giống từ những cây phải sinh trưởng và phát triển bình thường không bị nhiễm sâu bệnh, tách các nhánh bánh tẻ để làm giống.
– Củ giống là củ bánh tẻ, không non quá và cũng không già quá, có từ 2 – 3 mắt mầm.
– Lượng giống cho 1 ha là: 3.000 kg.
Chuẩn bị đất trồng
Cây gừng cần đất tương đối tốt, có hàm lượng mùn cao, tầng đất dày, tơi xốp, ít lẫn đá, có khả năng giữ nước nhưng thoát nước tốt, có độ ẩm trong suốt thời gian cây sinh trưởng, tốt nhất là đất thịt tơi xốp hoặc đất pha cát.
Trồng gừng với mục đích lấy củ cho nên đất cần phải được cày sâu, bừa kỹ để diệt cỏ dại và hạn chế sâu bệnh hại.
Trên mỗi luống trồng thành 2 hàng so le nhau (kiểu nanh sấu), hàng cách hàng 30 – 40cm và cây cách cây 20 – 30cm (đất xấu trồng dày, đất tốt trồng thưa). Đặt giống (đã chuẩn bị trước) rồi lấp đất lại phủ kín củ gừng 3-4cm tính từ mầm gừng trở đi.
– Sau khi trồng phủ lá cây, rơm rạ… lên bề mặt luống tạo độ ẩm cho đất và bổ sung phân hữu cơ hoai mục.
* Lên luống
Trồng ở đất bằng cần lên luống cao 25cm-30cm, luống rộng 70 – 80cm. Trồng khoảng 2 hàng/luống.
Phân bón
Canh tác gừng trâu không sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, các chất kích thích. Cần sử dụng các loại phân bón hữu cơ hoai mục, phân vô cơ với khối lượng vừa đủ theo quy trình kỹ thuật.
Lượng phân cụ thể như sau: Tính cho 1ha.
– Phân chuồng: 10 tấn.
– Phân NPK 12:5:10: 180kg.
– Vôi bột: 50kg.
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, vôi bột + 1/2 lượng phân NPK.
+ Bón thúc: Sau khi trồng từ 30 – 60 ngày, bón lượng phân còn lại.
Chăm sóc và quản lý đồng ruộng
– Gừng là cây thích ẩm nhưng không chịu úng. Sau khi trồng, cần thường xuyên giữ độ ẩm vừa phải trong suốt quá trình sinh trưởng của cây. Để đất quá khô cây không mọc được, ngược lại quá ẩm hay úng nước, cây dễ bị chết.
– Khi cây còn nhỏ, cần xới phá váng, vun gốc tạo điều kiện cho rễ củ phát triển tốt. Sau khi trồng 4 đến 5 tháng, cây đã hình thành củ không nên xới xáo làm đứt rễ củ mà chỉ nên làm cỏ bằng tay.
Tưới nước
Vì có thời vụ trồng thường bắt đầu khi vào xuân, có mưa phùn nên cây gừng hoàn toàn có thể phát triển tốt khi chỉ dựa vào nước trời. Nhưng nếu trồng trong điều kiện tưới tiêu chủ động thì nên tưới rãnh đầy đủ cho cây vào các giai đoạn phát triển bộ phận thân lá mạnh và giai đoạn bắt đầu củ phình to. Phải chăm sóc cây gừng một cách hợp lý tránh bị cây ngập úng nước.
Sâu bệnh hại
Gừng ít bị sâu bệnh phá hại vì cây này có khả năng chống chịu cao, đáng chú ý là cây gừng hay bị bệnh thối củ khi bị úng nước, cần khơi rãnh thoát nước trong mùa mưa, đồng thời việc chọn giống, chọn và làm đất cũng cần được chú ý đúng mức.
– Biện pháp phòng trừ
+ Ngắt bỏ, tiêu hủy những bộ phận như lá, thân bị bệnh, làm sạch cỏ, ngắt lá già cho thông thoáng, hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng.
+ Trên những diện tích đã nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh thối củ, sau khi tiêu hủy những bộ phận bị bệnh, có thể dùng vôi bột rắc vào gốc để hạn chế bệnh lây lan.
* Bệnh thối củ gừng do vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra, thường gây hại trong những ngày mưa dầm (kéo dài), đất thoát nước kém (đất sét nhiều), lên luống thấp. Bệnh rất khó phát hiện sớm, chỉ phát hiện được khi cây bị héo, lúc đó củ bị thối mềm. Bệnh rất khó trị vì gây hại ở phần củ trong đất. Bệnh gây hại chủ yếu ở phần củ, ít gây hại đến thân gừng.
– Cách phòng trị
– Lên luống cao, thoát nước tốt cho gừng trong những ngày mưa dầm.
– Bón thêm phân hữu cơ (rơm rác hoại mục) để tăng độ tơi xốp và thoát nước tốt.
– Nhổ và tiêu huỷ các bụi gừng bị bệnh, rải vôi bột, Copper zinc WP hoặc Coc 85 và trộn đều vào đất, nơi bụi gừng vừa nhổ đi.
– Tưới vào gốc của những bụi gừng xanh xung quanh bụi bị bệnh bằng một trong các loại thuốc sau: Kasuran 50 WP, New Kasuran 16,6 WP, Kasumin 2L, Starner 20 WP, với liều lượng 50 – 100cc (g)/10 lít, phun 7 – 10 ngày/lần.
Lưu ý khi sử dụng can khương để chữa bệnh
Can khương là vị thuốc có dược tính cao, đáp ứng tốt với nhiều bệnh lý nhưng nó có vị đại cay, cần lưu ý khi dùng:
- Không nên dùng cho phụ nữ mang thai hay những người âm hư.
- Tránh dùng chung với hoàng cầm, hoàng liên, tần tiêu, dạ minh sa.
Ngoài ra, tuyệt đối kiêng kỵ trong các trường hợp sau:
- Bị chứng âm hư do nội nhiệt
- Ho do âm hư
- Tự ra mồ hôi trộm
- Đại tiện ra máu
- Nôn ói do nhiệt
- Nôn ra máu kèm biểu hư có nhiệt
- Đau bụng do hỏa nhiệt
Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Can Khương do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Can Khương là vị thuốc quý với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.