Chu Sa là một vị thuốc quen thuộc trong Y học cổ truyền với tác dụng an thần. Tuy nhiên chắc hẳn nhiều người chưa hiểu hết về vị thuốc này. Hãy cùng tìm hiểu về thành phần hóa học, tính chất dược lý, cũng như cách Y học cổ truyền sử dụng nó qua bài viết sau.
Giới thiệu chung về dược liệu Chu Sa
- Tên gọi khác: Châu sa, Thần sa, Đơn sa, Cống sa, Đan sa, Xích đan.
- Tên khoa học: Cinnabaris
- Thành phần chủ yếu: Thủy ngân sulfur (HgS)
1. Mô tả
Chu sa là một loại khoáng chất có màu nâu hồng hoặc đỏ, có hình dáng đa dạng như bột, cục, hình sợi hoặc mảnh. Chu sa thường ở thể bột, còn thần sa thường ở thể khối (dạng cục).
2. Tính chất
Chu sa có chất rắn nhưng giòn, dễ vỡ vụn, chất nặng, có vị nhạt và thường không có mùi. Thuốc không tan trong nước nhưng khi cho vào ống nghiệm đun nóng thì chuyển sang thành HgS có màu đen. Nếu tiếp tục đun sẽ phân hủy thành khí SO2 (lưu huỳnh dioxide) và nhận thấy kim loại thủy ngân bám vào thành ống nghiệm.
Chu sa có tính đối xứng và một vài đặc trưng quang học tương tự như thạch anh, ví dụ có khả năng khúc xạ cao, khúc xạ kép,…
3. Phân bố
Chu sa là khoáng chất tự nhiên có nhiều ở tỉnhTứ Xuyên, Hà Bắc, Hồ Nam, Liêu Ninh và Quý Châu. Vì vậy, hiện nay phần lớn dược liệu đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Để phục vụ cho nhu cầu sử dụng dược liệu, một số nơi có tổng hợp chu sa nhân tạo (Vemilion) nhưng tác dụng dược lý kém nên ít được sử dụng.
4. Thu hoạch – sơ chế
Sau khi khai thác chu sa từ tự nhiên, cần bào chế theo những cách sau:
- Sử dụng nam châm để hút hết kim loại bám trên chu sa rồi cho vào cối xay với nước. Sau khi xay xong, đổ thêm nước và lóng nhiều lần cho đến khi bột mịn hoàn toàn. Để chậu nước trong vài giờ cho chu sa lắng xuống đáy rồi gạn bỏ nước, dùng giấy bịt kín miệng chậu và đem đi phơi cho khô hoàn toàn.
- Đem tán chu sa bằng chày sứ với nước cất, sau đó để lắng bột thuốc xuống rồi đem vứt bỏ màng nổi và gạn lấy nước đỏ. Thực hiện nhiều lần cho đến khi nước không còn đỏ. Lúc này cặn chỉ còn lại sắc đen thì đem bỏ đi. Nước đỏ để trong vài giờ cho lắng lại, sau đó chắt bỏ nước trong và dùng vải bịt lại rồi đem phơi âm can cho đến khi bột thuốc khô hoàn toàn.
5. Bảo quản
Dược liệu được xếp vào nhóm thuốc độ bảng B nên cần bảo quản trong lọ kín màu vàng, đặt ở nơi khô ráo và thoáng mát. Tuyệt đối không đặt thuốc ở nơi có nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng.
6. Thành phần hóa học
Thành phần chủ yếu trong thần sa là thủy ngân sulfur tự nhiên, bao gồm S 13.8% và Hg 86.2%. Ngoài ra chu sa tự nhiên còn chứa một số tạp chất và thành phần hữu cơ khác.
Vị thuốc chu sa (thần sa)
1. Tính vị
Vị ngọt, tính hơi hàn và có độc.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Tâm.
3. Chu sa có tác dụng gì?
– Tác dụng của thần sa theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Có tác dụng an thần và co giật mạnh (tác dụng này mạnh hơn hẳn các hoạt chất an thần thường được sử dụng như Bromua).
- Tác dụng kéo dài thời gian mê do pentothal lên 2 – 3 lần và kéo dài giấc ngủ do barbituric lên 2 – 3 lần.
- Ở Ấn Độ và Anh, một số hợp chất selen trong dược liệu đã được ứng dụng để làm thuốc an thần.
- Tác dụng chống mốc, thối và giải độc.
- Dùng ngoài có tác ức chế ký sinh trùng, vi khuẩn và tiêu diệt nấm.
- Độc tính của chu sa tăng lên khi nung hoặc sắc với lửa vì lúc này, thủy ngân tách ra khỏi liên kết HgS.
– Tác dụng của thần sa theo Đông Y:
- Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, trấn tâm, định phách, an thần.
- Chủ trị: Mụn nhọt ngoài da, thường mơ thấy ác mộng, mất ngủ, điên cuồng, hồi hộp, ghẻ lở và kinh sợ.
4. Chu sa dùng để làm gì?
Do độc tính mạnh nên Tây Y hiếm khi sử dụng chu sa để làm thuốc. Trước đây, chu sa thường được bào chế ở dạng thuốc mỡ 10% để trị bệnh giang mai
Hiện nay khi thu hoạch chu sa thiên nhiên, người ta thường đem nung chảy để lấy thủy ngân. Thủy ngân thường được sử dụng để làm nhiệt kế, phong vũ kế, tích điện kế, làm đèn huỳnh quang, thuốc trừ sâu,…
Ngược lại, Đông Y sử dụng thần sa và chu sa trong nhiều bài thuốc có tác dụng an thần và trấn tĩnh. Tuy nhiên vị thuốc này có độc tính rất mạnh, do đó bạn chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của thầy thuốc.
5. Cách dùng – liều lượng
Chu sa thường được dùng ở dạng hoàn tán trong bài thuốc an thần và trấn kinh. Liều dùng: 0.3 – 1g/ ngày. Ngoài ra dược liệu còn được sử dụng tại chỗ (đắp ngoài) để trị mụn nhọt và các bệnh da liễu thường gặp.
Bài thuốc chữa bệnh từ chu sa – thần sa
1. Bài thuốc chữa chứng di tinh, thần kinh suy nhược, tim hồi hộp, người bứt rứt và khó ngủ
- Chuẩn bị: 1 quả tim lợn và 1 ít chu sa.
- Thực hiện: Cho bột thuốc vào tim lợn rồi dùng chỉ buộc lại, sau đó đem nấu chín và dùng ăn khi còn nóng.
2. Bài thuốc chữa đậu độc mới mọc hoặc sắp mọc
- Chuẩn bị: Chu sa 1g.
- Thực hiện: Tán bột rồi hòa với mật uống.
3. Bài thuốc trị chứng suy nhược thần kinh
- Chuẩn bị: Chích cam thảo 2g, đương quy 2g, sinh địa 2g, hoàng liên 6g và chu sa 4g.
- Thực hiện: Đem chu sa thủy phi, các vị còn lại tán thành bột và làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 3 – 4g uống với nước ấm, ngày dùng 2 lần (trong đó có 1 lần dùng trước khi đi ngủ).
4. Bài thuốc trị chứng trẻ nhỏ ngủ hay giật mình và khóc đêm
- Chuẩn bị: Thảo quyết minh 10g và thần sa 0.3 – 1g.
- Thực hiện: Sắc thảo quyết minh lấy nước, để nguội rồi dùng uống cùng với thần sa trước khi đi ngủ.
5. Bài thuốc trị chứng hoa mắt và chóng mặt do mất máu ở phụ nữ sau sinh
- Chuẩn bị: Thần sa 1.5 – 3g.
- Thực hiện: Uống với nước tiểu trẻ em hoặc uống với giấm nóng.
6. Bài thuốc trị trẻ nhỏ sốt cao dẫn đến nói sảng, hôn mê và co giật
- Chuẩn bị: Sinh hoàng liên 15g, sơn chi 12g, ngưu hoàng 1g, uất kim 8g, hoàng cầm 12g và chu sa 6g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn làm hồ. Mỗi lần sử dụng 1 – 3g uống cùng với nước sắc đăng tâm.
7. Bài thuốc trị chứng mất ngủ khiến tai ù, buồn bực, khó ngủ, trằn trọc, rêu lưỡi đỏ và chân tay nóng
- Chuẩn bị: Cam thảo 3g, hoàng liên 6g, chu sa 4g, ngũ vị tử 5g, nhân sâm 7g, hắc táo nhân, đan sâm, thiên môn đông, bạch linh, đương quy, sinh địa, viễn chí (chế) mỗi vị 10g, cát cánh 9g, bá tử nhân 8g và huyền sâm 9g.
- Thực hiện: Chế thành hoàn, mỗi lần dùng 3 – 4g uống với nước ấm. Ngày dùng 2 lần cho đến khi khỏi.
8. Bài thuốc trị cổ họng sưng đau, niêm mạc miệng bị lở loét và mụn nhọt sưng đau
- Chuẩn bị: Mang tiêu 50g và chu sa 5g.
- Thực hiện: Mỗi lần dùng 1 ít uống với nước sôi để nguội.
9. Bài thuốc trị chứng tâm hỏa vượng (khó ngủ, tinh thần bứt rứt, mạch tế sắc, đầu lưỡi đỏ)
- Chuẩn bị: Chích cam thảo, sinh địa và quy thân mỗi vị 2g, chu sa 4g và hoàng liên 6g.
- Thực hiện: Chu sa đem thủy phi rồi tán mịn cùng với các dược liệu khác, làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 4 – 12g với nước ấm, nên dùng trước khi đi ngủ.
10. Bài thuốc trị chứng mất ngủ
- Chuẩn bị: Một ít chu sa, viễn chí, đảng sâm, long nhãn nhục, phục linh, xương bồ và phục thần bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Để chu sa riêng, các vị còn lại tán thành bột rồi luyện mật làm hoàn. Dùng chu sa tán mịn rồi dùng làm áo. Mỗi ngày sử dụng từ 10 – 20g uống vào buổi tối trước khi ngủ.
11. Bài thuốc trị chứng sốt cao, co giật, lưỡi đỏ và nói sảng
- Chuẩn bị: Uất kim, hùng hoàng, ngưu hoàng, hoàng cầm, tê giác, sơn chi, chu sa, hoàng liên mỗi vị 40g, xạ hương 10g, băng phiến 10g, trân châu 20g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó luyện với mật làm thành viên nặng 4g. Mỗi lần dùng 1 viên, ngày dùng 2 lần. Nếu dùng cho trẻ em nên giảm liều lượng.
12. Bài thuốc trị đàm mê tâm khiếu thực chứng, hôn mê, co giật
- Bài thuốc 1: Câu đằng 15g, ngưu hoàng 0.3g, yết vĩ 1.5g, chu sa 3g, thiên trúc hoàng 10g và xạ hương 0.1g. Đem các vị chế thành thuốc tán, mỗi lần dùng 1.5 – 3g uống cùng với nước sôi nguội.
- Bài thuốc 2: Uất kim 10g, hoàng cầm 10g, chi tử 10g, ngưu hoàng 0.3g, chu sa 3g và hoàng liên 5g. Đem các vị bào chế thành hoàn.
13. Bài thuốc trị nhiễm trùng gây sốt cao, hôn mê và co giật
- Bài thuốc 1: Hùng hoàng, tê giác, chu sa, đại mao, băng phiến, xạ hương, an tức hương, ngưu hoàng, chế nam tinh, hổ phách, thiên trúc hoàng , nhân sâm và xạ hương các vị bằng lượng nhau. Chế thành thuốc tán mịn, mỗi lần dùng 2 – 4g uống với nước ấm, ngày dùng từ 1 – 2 lần. Nếu dùng cho trẻ nhỏ nên gia giảm liều.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị hỏa tiêu 250g, hùng hoàng 30g, chu sa 10g, băng phiến 6g và tạo phàn 60g. Đem tán bột mịn rồi bảo quản trong lọ kín. Mỗi lần sử dụng 0.03g bột thuốc điểm vào khóe mắt rồi dùng thêm 1g thuốc uống với nước sôi để nguội.
14. Bài thuốc trị miệng loét, đau và cổ họng sưng
- Chuẩn bị: Mang tiêu (nguyên minh phấn), băng phiến, chu sa (dùng ít) và bằng sa.
- Thực hiện: Tán bột rồi chấm vào niêm mạc bị lở loét cho đến khi chảy nước miếng thì nhổ đi.
15. Bài thuốc trị chứng tâm thận âm hư, mất ngủ, mộng tinh, hư phiền, tim hồi hộp, mau quên, hay ra mồ hôi trộm
- Chuẩn bị: Viễn chí, cát cánh, huyền sâm, bạch linh, đảng sâm và đơn sâm mỗi vị 20g, thiên môn đông, toan táo nhân, đương quy (dùng phần thân), bá tử nhân, ngũ vị tử, mạch môn đông mỗi vị 40g, sinh địa hoàng 160g và chu sa (lượng vừa đủ).
- Thực hiện: Đem chu sa tán bột, để riêng, các vị còn lại đem tán thành bột mịn. Sau đó luyện với mật làm thành hoàn, sau đó dùng chu sa bọc làm áo. Mỗi lần dùng 12g uống với nước nguội.
16. Bài thuốc trị băng đới, sinh tân và khử ứ, chủ trị chứng kinh nguyệt kéo dài và chứng băng lậu ở phụ nữ
- Chuẩn bị: Ngũ linh chi, nhũ hương và một dược mỗi vị 80g, xích thạch chi, vũ dư lương, đại giả thạch và từ thạch anh mỗi vị 160g, chu sa 40g.
- Thực hiện: Tán các dược liệu thành bột, sau đó thêm 10 – 20% bột gạo làm thành viên nhỏ. Mỗi lần sử dụng 4 – 6g thuốc uống với nước ấm, ngày dùng 2 lần.
17. Bài thuốc trị chứng co giật, trẻ nhỏ quấy khóc
- Chuẩn bị: Dùng chu sa, ngô công và toàn yết bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Sau đó đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 0.5 – 1.5g uống cùng với nước ấm.
18. Bài thuốc trị uốn ván
- Chuẩn bị: Xuyên khung, bán hạ, chế xuyên ô, khương hoạt, đại hoàng, phòng phong, bạch chỉ, chế nam tinh và cương tàm mỗi vị 10g, cam thảo 10g, toàn yết 10g, thiên ma 10g, ngô công 3 con, bạch phụ tử 12g và thuyền thoái 10g. Ngoài ra, dùng thêm chu sa và hổ phách mỗi vị 3g.
- Thực hiện: Đem hổ phách và chu sa tán bột mịn rồi chia thành 3 gói nhỏ bằng lượng nhau. Các vị còn lại đem sắc với 600ml còn lại 200ml, để nguội rồi uống cùng 1 bao thuốc.
19. Bài thuốc dưỡng não hoàn có tác dụng an thần và trị mất ngủ
- Chuẩn bị: Hồ đào nhục 80g, chu sa 40g, đương quy 100g, viễn chí 40g, bá tử nhân 60g, xương bồ 40g, nhục thung dung 80g, táo nhân 60g, hổ phách 40g, ngũ vị tử 60g, ích trí nhân 60g, kỷ tử 80g, long cốt 40g, đởm tinh 40g và thiên trúc hoàng 40g.
- Thực hiện: Đem dược liệu tán bột mịn, chế thêm mật ong vào làm thành viên nặng 4g. Mỗi lần dùng 1 viên, ngày dùng 2 lần, áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 15 ngày.
20. Bài thuốc giúp khai khiếu, hóa trọc, giải uất và oan thông, thường dùng để trị kinh giãn đàm quyết hoặc trúng phong khí bế
- Chuẩn bị: Nhũ hương, long não và dầu tô hợp hương mỗi vị 20g, tỳ bạt, xạ hương, trầm hương, bạch đàn hương, chu sa, tê giác, bạch truật, đinh hương, an tức hương, kha tử, hương phụ và thanh mộc hương mỗi vị 40g.
- Thực hiện: Để riêng xạ hương, dầu tô hạp hương và long não. Sau đó đem các vị thuốc còn lại nghiền cho mịn, rồi thêm 3 vị kia vào tán bột, trộn đều rồi chế thêm mật ong vào làm thành hoàn nặng 4g. Mỗi lần dùng 0.5 – 1 hoàn uống với nước sôi ấm, ngày dùng 1 – 2 lần. Khi dùng cho trẻ, cần gia giảm liều lượng.
21. Bài thuốc trị lở loét ở miệng
- Chuẩn bị: Chu sa và khô phàn, các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Tán thành bột rồi trộn đều với dầu vừng, sau đó thoa lên chỗ lở loét.
22. Bài thuốc trị gãy xương, huyết ứ, sang chấn phần mềm
- Chuẩn bị: Nhị trà 80 – 160g, hồng hoa, nhũ hương và một dược mỗi vị 60g, chu sa 48g, băng phiến và xạ hương mỗi vị 12g, huyết kiệt 400g.
- Thực hiện: Tán bột mịn, mỗi lần dùng 0.2 – 1g uống với rượu nóng, ngày dùng từ 1 -2 lần. Hoặc có thể tẩm với rượu và dùng đắp trực tiếp lên chỗ đau nhức.
23. Bài thuốc trị kinh phong co giật ở trẻ em và chứng trúng phong khiến nửa ngoài tê liệt
- Chuẩn bị: Xạ hương 10mg, cương tàm 6g, ngô công 4.5g, chu sa 3g, toàn yết 1 – 3 con và câu đằng 12g.
- Thực hiện: Tán bột và trộn đều, mỗi lần dùng 3g uống 2 – 3 lần/ ngày.
24. Bài thuốc trị chứng sốt cao co giật ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: Địa long 10g và chu sa 3g.
- Thực hiện: Tán bột làm hoàn, mỗi lần dùng 3g uống với nước.
25. Bài thuốc trị chứng phong nhiệt gây co giật và đau đầu
- Chuẩn bị: Hoàng cầm, cúc hoa, tang diệp và câu đằng mỗi vị 10g, cương tàm 6g và chu sa 1g.
- Thực hiện: Để chu sa riêng, đem các sắc lấy nước rồi để nguội. Sau đó cho chu sa hòa với nước sắc rồi uống.
26. Bài thuốc trị tiêu chảy và đau bụng kéo dài do tỳ vị hư hàn, thận dương hư hoặc tỳ thận dương hư
- Chuẩn bị: Can khương 3g, lưu hoàng 3g, hắc phụ tử 10g, chu sa 2g và quế chi 3g.
- Thực hiện: Tán bột rồi chế thành viên. Mỗi lần dùng 3g uống với nước ấm, ngày dùng 2 lần.
27. Bài thuốc trị chứng táo bón do trường vị có nhiệt
- Chuẩn bị: Lô hội 20g và chu sa 15g.
- Thực hiện: Tán thành bột sau đó thêm rượu vào làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 3g uống với nước cơm hoặc rượu, ngày dùng 2 lần.
Lưu ý – Kiêng kỵ khi sử dụng chu sa
- Chu sa và thần sa phải được dùng sống. Khi tiếp xúc với lửa, nguyên tử Hg (thủy ngân) được giải phóng, có thể gây ngộ độc hoặc thậm chí là tử vong.
- Khi sử dụng chu sa cần thủy phi, mài tán với nước để giảm độc tố.
- Tránh dùng liều lượng lớn và sử dụng dài ngày để giảm nguy cơ nhiễm độc.
- Thận trọng khi sử dụng chu sa cho người có chức năng gan và thận kém.
- Không dùng cho người không có thực nhiệt.
- Khi dùng chu sa/ thần sa vào thuốc thang, nên sắc các dược liệu khác và để nước sắc nguội rồi mới cho bột chu sa/ thần sa vào uống.
Ngộ độc thủy ngân và cách xử trí
Sử dụng chu sa (thần sa) có thể gây ra một số biểu hiện nhiễm độc thủy ngân như răng lợi sưng, miệng có vị kim loại, người bứt rứt không yên, chân tay rung giật, tiêu chảy, đau bụng, ăn không ngon, suy giảm tính dục và chức năng gan, thận.
Cách xử trí:
- Sử dụng dung dịch bicacbonat natri 2% hoặc dùng nước ấm rửa bao tử.
- Uống nước sắc từ hạt đậu xanh hoặc cho bệnh nhân uống sữa lòng trắng trứng.
- Dùng bài Hoàng liên giải độc thang (bao gồm chi tử, hoàng bá, hoàng liên và hoàng cầm mỗi vị 8 – 12g) gia thêm kim ngân hoa để giải độc.
- Ngoài ra nếu có thể, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất để được xử lý kịp thời.
Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Chu Sa do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Chu Sa là vị thuốc với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.