Cát Sâm là một trong những loại thảo dược tự nhiên có nhiều ở các tỉnh miền núi nước ta. Một loài thảo dược dân dã có rất nhiều công dụng hay đặc biệt là hiệu quả bồi bổ sức khỏe và giảm mệt mỏi. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về dược liệu này qua bài viết dưới đây để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Cây cát sâm là gì?
Cát sâm là loại cây quen thuộc thường được nhìn thấy nhiều nhất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam. Loại cây này được ông cha ta sử dụng nhiều trong cuộc sống và dùng được cho nhiều người chữa nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh ho, hô hấp, thanh nhiệt, giải độc,…. Một số thông tin liên quan về cây cát sâm:
- Các tên gọi khác: Cây Sâm nam, Sơn liên mẫu, Ngưu đại lực hoặc Sâm chèo mèo,… tùy từng vùng miền trồng sẽ có tên gọi khác nhau.
- Tên khoa học/ tên tiếng anh: Milletia speciora Champ.
- Họ: Cánh Bướm.
Đặc điểm thực vật
Cây cát sâm là loại cây thân gỗ nhưng không quá lớn, tầm trung chỉ cao từ 3 – 5m, một thân thẳng và vươn ra nhiều nhánh, cành khác. Cành của cát sâm khi mới mọc còn non sẽ có lông mềm bao phủ, càng lớn lên, lớp lông này sẽ rụng đi và chuyển thành màu nâu.
Lá cát sâm hình giống như lông chim, lá kép, phần cuống lá có lông phủ dầy. Còn lá chét có hình mác, thuôn dài hoặc hình bầu dục. Gốc của lá hình tròn và nhọn ở đâu. Màu của lá cát sâm gần như hai màu với mặt trên có sắc xanh lục thẫm, những mặt dưới lại có màu trắng là do lớp lông phủ, phần gân lá nổi lên rất rõ.
Cây cát sâm cho hoa màu trắng tinh như màu hoa bưởi nhưng to hơn mọc thành từng cụm dạng chủy. Chiều dài mỗi bông từ 10 – 20cm hoặc hơn nữa. Phần đài hoa hình răng ôm trọn cuống của bông hoa, mặt ngoài cũng được phủ lông trắng.
Tràng hoa nhẵn ở cánh ngoài, cánh trong hơi sần, nhụy hoa 2 bó và bầu có lông. Hoa của cát sâm thường ra vào tầm tháng 7 – 9 hàng năm.
Quả của cây hình dẹt cũng có một lớp lông mỏng phủ ở bên ngoài. Đặc biệt mỗi quả chưa từ 4 – 5 hạt và hạt có màu đen vỏ dày chữa nhân ở bên trong. Mùa quả chín nhiều nhất là tháng 11, 12 sau khi hoa rụng gần hết.
Bộ phận dùng, thu hái và sơ chế
Bộ phận dùng và được xem là dược liệu, vị thuốc quý chính là rễ của cây. Sở dĩ có cái tên là cát sâm là bởi hình dáng của rễ gần giống củ nhân sâm nhưng to hơn.
Các củ này thường được thu hoạch nhiều nhất là vào mùa đông xuân, giao giữa năm cũ và năm mới. Người dân thu hoạch chỉ cần đào lên và lấy củ về rửa sạch, những củ to được bổ đôi, thái miếng, củ nhỏ để nguyên hoặc bổ đôi và đem phơi khô.
Một cách bào chế khác là thái mỏng củ cát sâm để sống hoặc tẩm mật ong, nước gừng cho thấm đều và cho lên chảo nóng đảo cho khô. Sau đó sao vàng hạ thổ cũng được dùng nhiều trong một số bài thuốc khác nhau.
Lưu ý nên chọn thu hoạch những cây được trồng ít nhất từ 1 năm tuổi. Như vậy rễ củ cát sâm mới có đủ hàm lượng dưỡng chất tốt nhất, đáp ứng nhu cầu sử dụng và chữa bệnh hiệu quả.
Thành phần hóa học
Theo nhiều nghiên cứu chứng minh trong cây cát sâm chứa rất nhiều thành phần, dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe giúp thanh nhiệt, mát gan, giải độc và tăng cường sức khỏe.
Trong đó phải kể đến như: Ancaloit, Axit docosanoic, Etracosane, Maackiain, Pedunculoid, β-sitosterol, Axit hexacosanoic, Axit Rotundic,….
Phân bố chính
Cây cát sâm được tìm thấy nhiều nhất ở những tỉnh thành vùng núi phía Bắc của Việt Nam. Tuy nhiên loại cây này thích nghi với điều kiện nhiệt độ ánh sáng và khí hậu của nhiều nơi khác nhau.
Những chỗ có ánh nắng nhiều đều có thể trồng và phát triển loại dược liệu này. Cụ thể như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang,…
Trước đây chúng được mọc hoang khá nhiều, nhưng hiện nay đã có những vùng trồng dược liệu chuyên về cây này để nhằm mục đích làm thuốc và phân phối đến người tiêu dùng.
Bảo quản
Đây là dược liệu dùng dưới dạng khô và cả tươi sống, việc bảo quản đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người dùng nên để ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi ẩm ướt, nhiệt độ ẩm thấp sẽ dễ bị mối mọt. Nên bào chế đến đâu và sử dụng đến đó, nếu không cứ để cả củ và cất ở nơi khô thoáng, dùng dần.
Tìm hiểu cây cát sâm có tác dụng gì đối với sức khỏe
Vậy cây sâm cát có tác dụng gì tốt cho sức khỏe mà lại được nhiều người tin tưởng và sử dụng. Theo các tài liệu trong Đông y đã ghi chép lại, cát sâm có vị ngọt thanh tính bình, được đưa quy vào kinh Tỳ và Phế.
Tác dụng của cát sâm theo Y học cổ truyền
- Trong Y học cổ truyền cát sâm được chứng minh có tác dụng giúp trừ hư nhiệt, lợi tiểu, bổ trung ích khí, dưỡng tỳ vô cùng hiệu quả.
- Chủ trị chính: Các chứng ho do bệnh lý, ho do thay đổi thời tiết, sốt về chiều và đêm, ăn kém, nhức đầu, chóng mặt, thiếu máu, người bị suy nhược cơ thể, thanh nhiệt, mát gan, bổ thận,…
Tác dụng theo nghiên cứu Y học hiện đại
Trong Y học hiện đại những thành phần hóa học dược tính của cát sâm đều có những tác dụng khác nhau:
- Chiết xuất từ cát sâm có thể giảm ALT và AST hoạt động trong huyết thanh. Đây là những chỉ số thể hiện tình trạng men gan và phản ánh, chẩn đoán đúng chức năng của gan hiện tại. Nhờ đó, người ta đã chứng minh được cát sâm có tác dụng điều trị những về tổn thương gan ở thể cấp tính rất tốt.
- Ngoài ra, tinh chất củ cát sâm có hàm lượng dưỡng chất rất phù hợp để làm thành phần các loại thực phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe an toàn, hiệu quả cao.
Bài thuốc dùng cát sâm để chữa bệnh
Như đã nói cát sâm là một vị thuốc quen thuộc trong những bài thuốc Đông y để chữa nhiều chứng bệnh khác nhau. Dưới đây là một số bài thuốc được kê và ứng dụng nhiều nhất trong cuộc sống hiện nay:
Bài thuốc giúp thanh nhiệt, mát cơ thể
Thói quen lối sống hằng ngày, những thực phẩm mà chúng ta bổ sung chính là nguyên nhân gây nên tình trạng nóng trong, mệt mỏi, nhức nhối.
Để giải quyết được tình trạng này, bạn có thể áp dụng bài thuốc sắc từ cây cát sâm để đào thảo độc tố ra ngoài, giảm tình trạng nóng trong từ đó giúp thanh nhiệt, mát cơ thể.
- Chuẩn bị khoảng 20 – 30g củ cát sâm, không nhất thiết chọn củ quá to, rửa sạch và cho vào ấm.
- Đổ vào ấm thêm 1 lít nước và đun trên lửa vừa không quá lớn.
- Đến khi còn khoảng 50% nước thì dừng lại và chắt ra bình.
- Chia nước thành 3 lần để uống trong ngày.
- Uống liên tục trong 2 -3 ngày bạn sẽ thấy những hiệu quả tích cực trong cơ thể.
Bài thuốc chữa ho khan, ho có đờm, ho dai dẳng
Bệnh ho khan, sốt, cảm sốt là những chứng bệnh thường gặp nhất trong cuộc sống, do nhiều nguyên nhân khác nhau từ thay đổi thời tiết, tác nhân môi trường,… Nếu gặp tình trạng này, bạn có thể áp dụng bài thuốc dưới đây từ cây cát sâm để nhanh khỏe mạnh trở lại.
- Chuẩn bị: Cát sâm, mạch môn, thiên môn, và vỏ rễ cây dâu. Mỗi loại hàm lượng từ 8 – 12g là đủ
- Các vị thuốc này cần được mang đi rửa qua một lần với nước lạnh và cho vào trong ấm sắc thuốc.
- Đổ vào đó 5 bát nước và sắc trên lửa nhỏ.
- Lượng nước sắc trong ấm đến khi còn khoảng 1 bát thì dừng là và chắt ra bát để dùng
- Mỗi thang như vậy bạn sắc làm 2 lần để uống và sáng tối, sang ngày hôm sau, bạn sẽ thấy sức khỏe tiến triển tốt hơn.
- Với những người dùng để chữa chứng ho cần dùng liên tục từ 5 – 7 ngày để thấy hiệu quả nhất.
Bài thuốc chữa cảm mạo, hạ sốt nhanh
Tình trạng cảm sốt kéo dài nhiều ngày còn dẫn đến mất nước, người mệt mỏi đau nhức, ho sổ mũi. Những bước đơn giản dưới đây từ cây cát sâm sẽ giúp bạn nhanh chóng thuyên giảm tình trạng.
- Chuẩn bị cát sâm thêm một ít cát căn và cam thảo 10g.
- Rửa sạch các vị thuốc qua một lần nước nước lạnh để loại bỏ bụi bẩn bám xung quanh.
- Cho các vị thuốc này vào ấm và sắc cùng 400ml nước.
- Sắc trên lửa thật nhỏ đến khi cô cạn lại còn ½ nước thì dừng lại.
- Uống nước thuốc sắc được ngay khi còn ấm.
- Mỗi thang như vậy bạn sắc làm 3 lần uống trong ngày sáng – chiều – tối để thấy những tác dụng tuyệt vời lên cơ thể.
Bài thuốc lợi tiểu hiệu quả
Những người bị bí tiểu, tiểu rắt, tiểu tiện khó do tình trạng nóng trong người, kèm theo nhiều triệu chứng đau nhức xương khớp cũng có thể áp dụng bài thuốc từ củ cát sâm. Các bước đơn giản để thực hiện bài thuốc sau:
- Chuẩn bị khoảng 30g cát sâm còn nguyên củ, mang đi rửa thật sạch và để ráo.
- Thái củ thành từng lát mỏng nhúng vào bát mật ong nguyên chất, ngâm trong đó khoảng 15 phút.
- Cho cát sâm được tẩm mật vào ấm sắc, cho thêm khoảng 300ml nước vào chảo và đảo đến khi còn ½ nước so với ban đầu thì chắt ra bát.
- Chia phần nước thu được thành 2 lần và uống trong ngày. Kiên trì uống từ 2 – 3 ngày liên tục, tình trạng sẽ khỏi hẳn.
Bài thuốc chữa kém ăn cho trẻ nhỏ
Bài thuốc này đặc biệt an toàn dùng được cho trẻ nhỏ và người lớn có biểu hiện kém ăn, ăn không ngon miệng, khó hấp thụ dinh dưỡng. Mỗi ngày bạn chỉ cần:
- Dùng cát sâm thái thành từng lát mỏng, ngâm trong nước gừng tươi nguyên chất được chiết xuất khoảng 15 – 30 phút.
- Cho cát sâm lên chảo và đảo đều, sao vàng hạ thổ.
- Cho cát sâm đã sao vàng trong ấm cùng 400ml nước và sắc trên lửa nhỏ trong 2 giờ.
- Chắt phần nước cốt đã thu được ra bát và uống khi còn ấm.
- Mỗi ngày dùng từ 1 – 2 lần, liên tục trong 2 tuần, tình trạng kém ăn sẽ giảm dần, người bệnh sẽ thấy ăn ngon miệng và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Bài thuốc chữa cảm nắng
Cảm nắng là tình trạng nhiều người mắc phải khi đi ngoài trời lâu khi nền nhiệt cao, nắng gay gắt, chói chang. Lúc này để chấm dứt nhanh chóng tình trạng này, bạn chỉ cần thực hiện như sau:
- Lấy một lượng sâm cát từ 10 – 12g cát sâm, mạch môn, cát căn và cam thảo thảo đất.
- Rửa sạch các nguyên liệu và cho vào ấm cùng 500ml nước và sắc trên lửa nhỏ.
- Đến khi còn khoảng 1 bát thì dừng lại và chắt ra bát để cho người bị cảm nắng uống.
- Sau 1 – 2 giờ uống tình trạng sẽ thuyên giảm.
- Ngoài ra bài thuốc này còn dùng được cho trẻ nhỏ để chữa chứng mất ngủ, khó ngủ, quấy khóc.
Bài thuốc chữa thủy đậu
Ít người biết rằng trong thành phần của cát sâm còn có thể chữa bệnh thủy đậu để không bị lên sẹo, giúp các nốt mụn thủy đậu nhanh chóng xẹp xuống, liền da và khỏi bệnh nhanh hơn. Bài thuốc dùng được cho trẻ nhỏ và người lớn hiệu quả mang lại rất tốt.
- Bạn chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết: Vỏ hạt đỗ xanh, sinh địa, hạt đỗ đen, hoàng tinh, mạch môn, cam thảo dây, lá dâu, đậu ván trắng và cát sâm là không thể thiếu.
- Rửa sạch tất cả các thảo dược vào cho vào ấm cùng 4 bát nước, sắc trên lửa nhỏ.
- Khi lượng nước thuốc còn khoảng 1 bát thì dừng lại và chắt ra bát để uống. Mỗi thang nên sắc làm 2 lần để uống trong ngày, sử dụng liên tục đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
Bài thuốc chữa suy nhược cơ thể
Những người bị suy nhược cơ thể do tính chất công việc, hoặc mới ốm dậy, sức khỏe kém, sức đề kháng không ổn định có thể áp dụng bài thuốc dưới đây của cây cát sâm để cải thiện. Sử dụng khoảng 1 tháng sẽ thấy những thay đổi trong cơ thể:
- Chuẩn bị 20g lá đinh lăng đã được phơi khô, có thêm rễ đinh lăng khô thì càng tốt, kèm theo đó là cát sâm và sinh địa khoảng 10g.
- Rửa sạch các dược liệu và cho ấm cùng 500ml nước.
- Đun trên lửa nhỏ đến khi cô cạn thì dừng lại và chắt ra bát để dùng.
- Không nên uống quá nhiều vào một lần mà chỉ nên dùng khoảng 50ml, chia đều lượng nước thu được uống trong ngày.
Bài thuốc chữa viêm gan truyền nhiễm
Như đã nói ở trên các thành phần của cát sâm có thể cân bằng và hạ men gan rất tốt nên được dùng để điều chế một số loại thực phẩm chức năng hoặc thuốc chữa tổn thương gan cấp tính. Trong Đông y cũng có bài thuốc dùng được chữa chứng bệnh này. Cụ thể như sau:
- Chuẩn bị cát sâm, cây chó đẻ, nhân trần, cây cam thảo và hạn dành dành. Các vị thuốc này tá dược khoảng 10 – 15g.
- Rửa sạch các nguyên liệu với nước lạnh và để ráo.
- Sau đó cho thuốc vào ấm và sắc trên lửa nhỏ. Đến khi cô cạn lại còn ½ lượng nước ban đầu, chắt ra bát và chia đều làm 2 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc có tác dụng từ từ nên cần sử dụng trong thời gian dài từ 3 – 6 tháng.
Hướng dẫn cách ngâm rượu cây cát sâm đúng chuẩn nhất
Cát sâm cũng được xem là một loại sâm của Việt Nam. Ngoài công dụng chính là sắc thuốc, thành phần của những bài thuốc Đông y, thì người ta còn dùng cát sâm để ngâm rượu uống.
Loại dược liệu này đặc biệt tốt cho các quý ông. Rượu vừa tốt cho sức khỏe nếu biết cách dùng và liều lượng phù hợp. Dưới đây là hướng dẫn cách ngâm rượu cát sâm từ hai loại chính là khô và tươi được nhiều người tự thực hiện tại nhà.
Cách ngâm rượu cát sâm tươi
Khi thực hiện, khâu chọn nguyên liệu được đánh giá là rất quan trọng. Bạn cần chọn những củ cát sâm vừa mới khai thác chưa héo, còn tươi, màu sáng không bị nấm mốc hay hỏng hở bên trong.
- Mang cát sâm đi rửa sạch với nước, sau đó cho vào chậu muối loãng để ngâm khoảng 30 – 60 phút loại bỏ hết độc tố, vi khuẩn bám trên củ.
- Vở của ra và rửa lại một lần nữa bằng rượu trắng.
- Xếp củ cát sâm vào bình thủy tinh đã được khử trùng, đổ rượu trắng vào theo tỷ lệ, 1kg củ sâm nam thì cho 5 lít rượu trắng.
- Đậy thật chặt lại bằng nắp và ủ trong 3 – 6 tháng.
- Sau thời gian này, bạn có thể lấy ra dùng trong bữa ăn, mỗi lần như thế dùng khoảng 20ml, điều trị được rất nhiều chứng bệnh khác nhau.
Ngâm rượu cát sâm dạng khô
Ngoài việc ngâm từ củ cát sâm tươi nguyên chất, bạn cũng có thể ngâm dạng khô đều được. Cách thực hiện sẽ thay đổi một chút như sau:
- Vẫn chọn những củ cát sâm tươi mới thu hoạch, rửa sạch và để ráo.
- Thái lát dày khoảng 2cm, thành từng miếng đều nhau.
- Phơi khô cát sâm trong 5 – 6 ngày, rồi cho vào chảo để sao vàng hạ thổ để dậy mùi thơm.
- Cho cát sâm khô vào trong bình, đổ thêm rượu trắng theo tỷ lệ là 1kg sâm nam thì đổ 12 lít rượu trắng vào bình.
- Đậy kín bằng nắp và ủ trong 3 – 6 tháng là sử dụng được.
- Cách sử dụng cũng tương tự như ngâm rượu sâm nam tươi.
Kỹ thuật trồng, chăm sóc
Trồng cây
– Thời vụ trồng: Có 2 vụ trồng cây trong năm; vụ Xuân-Hè là vụ chính: từ tháng 2 đến tháng 5. Vụ Thu là vụ trồng phụ: từ tháng 8 đến tháng 9.
– Mật độ: 5.000-6.000 cây/ha; tương đương với khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây như sau: Mật độ 5.000 cây/ha (2,0m x 1m), Mật độ 6.000 cây/ha (1,5m x 1,1m).
– Kỹ thuật trồng: Cây giống đạt tiêu chuẩn được vận chuyển khỏi vườn ươm đi trồng, bảo quản tránh cây bị đứt rễ, gẫy thân, ngọn ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây sau khi trồng.
+ Tiến hành trồng cây khi đất trong hố đủ ẩm. Nên chọn những ngày sau mưa, trời râm mát hoặc nắng nhẹ để trồng cây. Dùng cuốc hay bay moi một hốc ở giữa hố đã lấp, sâu hơn bầu cây từ 2-3 cm, xé vỏ bầu, đưa bầu cây đặt ngay ngắn xuống giữa hố đã moi, gạt đất lấp 1/2 chiều cao bầu, dùng tay kéo nhẹ vỏ bầu lên sau đó vun đất lấp kín cổ rễ và ấn chặt xung quanh bầu cây.
– Trồng dặm: Sau khi trồng cây từ 8-10 ngày phải tiến hành kiểm tra tỷ lệ sống để tiến hành trồng dặm. Cây con trồng dặm phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật như trồng chính. Việc trồng dặm phải tiến hành làm 2-3 đợt nhưng không kéo dài quá một tháng, đảm bảo tỷ lệ sống đạt trên 90%.
Chăm sóc
– Phủ thảm mục hoặc rơm rạ lên kín miệng hố để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Khi cây đã vươn cao, cắm cây hoặc làm giàn giá đỡ cây, cho cây leo.
– Thường xuyên theo dõi phòng trừ sâu bệnh và bảo vệ cây trồng.
– Chăm sóc 2 năm liền, mỗi năm 2 lần. Bón thúc lần 1 vào thời điểm trước ra hoa (tháng 4-6), lần 2 bón sau khi thu quả (tháng 11-12). Bón thúc kết hợp làm cỏ, vun gốc rộng 0,8-1,0m. Mỗi lần bón thúc 0,2 kg phân NPK Lâm Thao (5;10;3) và 1,0 kg phân vi sinh hoặc bón bổ sung phân hữu cơ hoai mục tùy theo điều kiện nông hộ, mức bón 3-5 kg/cây.
Lưu ý trong quá trình sử dụng cát sâm để chữa bệnh
Không thể phủ nhận những tác dụng tuyệt vời mà vị thuốc này mang đến cho người dùng. Tuy nhiên để việc ứng dụng dược liệu mang lại cách tốt nhất, hiệu quả cao, bạn cũng nên lưu ý một số những điều sau để tránh phản ứng ngược:
- Cát sâm rất tốt cho sức khỏe cho con người nhưng không vì thế mà lạm dụng thuốc dùng quá nhiều trong cuộc sống hằng ngày. Chúng chỉ tốt khi bạn dùng ở một lượng vừa đủ khoảng 30g ngày, kể cả khi sắc thuốc.
- Những đối tượng như phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú, phụ nữ mang thai, một vài đối tượng khác đang mắc bệnh lý nền,… không nên tự ý sử dụng. Tốt nhất bạn nên đến những phòng khám Đông y để kiểm tra sức khỏe và được chỉ định được phép dùng.
- Tất cả các bài thuốc ở trên, không phải bài nào cũng dành cho trẻ nhỏ. Những bài không được chỉ định cụ thể cần hỏi ý kiến của bác sĩ.
- Người đang sử dụng thuốc Tây để điều trị bệnh lý khác không nên sử dụng chung với cát sâm để tránh tác dụng phụ. Nếu muốn bạn vẫn có thể hỏi ý kiến của bác sĩ để có câu trả lời chính xác nhất.
- Trong quá trình sử dụng thuốc để tăng hiệu quả và hấp thụ tốt hơn, bạn nên có một chế độ ăn uống khoa học, một lối sống nghỉ ngơi điều độ. Tuân thủ đúng theo những bài thuốc, không tăng giảm liều.
- Đặc biệt khi dùng để chữa bệnh về gan thì hạn chế tối đa tình trạng bỏ liều đến khi quay lại dùng sẽ không có kết quả như mong muốn nữa.
Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Cát Sâm do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Cát Sâm là vị thuốc với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.