Cây Địa Lan là loài hoa có vẻ đẹp và sức hút khác biệt, mang ý nghĩa may mắn và tài lộc cho gia chủ. Ngày nay, địa lan ngày càng được nhiều người ưa chuộng và trồng phổ biến, không chỉ mang ý nghĩa phong thủy tốt đẹp mà còn được sử dụng trong nhiều dịp lễ đặc biệt. Tuy nhiên có rất nhiều người chưa hiểu rõ thông tin về loài địa lan này. Vì vậy, hãy đọc bài chia sẻ của chúng tôi về cách trồng và chăm sóc các loại địa lan đầy đủ và chi tiết nhất nhé!
Tổng quan về loài hoa địa lan
Hoa địa lan có danh pháp khoa học là Cymbidium Sinense, thuộc họ Lan (Orchid). Cây địa lan có nguồn gốc xuất xứ từ vùng miền tây nam Trung Quốc, sau đó được du nhập sang các vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt.
Đặc điểm của địa lan là có thân ngắn, chỉ có kích thước chiều dài khoảng 2 – 3cm và đường kính khoảng 1,5cm. Bộ rễ ít phân nhánh. Giả hành là nơi dự trữ nước và chất dinh dưỡng để nuôi cây. Tuy nhiên, giả hành của địa lan khá nhỏ không chứa được nhiều nên trong quá trình chăm sóc, cần phải tưới nước nhiều để cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Lá địa lan mọc từ thân và có sự phân nhánh ngay từ mặt đất. Chúng có độ dày và độ dài không giống nhau tùy vào từng loài.
Hoa địa lan có màu sắc rực rỡ, và có nhiều màu khác nhau như vàng, đỏ, tím,… So với các loài lan khác, hoa địa lan có kích thước nhỏ hơn. Cành hoa so với thân cây có thể cao hơn gấp 2 lần. Số lượng bông hoa cũng như hình dáng, màu sắc và hương thơm và thời gian tàn của từng loại địa lan cũng khác nhau.
Thời điểm mùa hoa địa lan đẹp nhất hầu hết đều là vào khoảng tháng 2 – 3 tức là cuối mùa xuân.
Ý nghĩa hoa địa lan
Bên cạnh những loài hoa mai, hoa đào, hoa ly,… thì hoa địa lan cũng là một trong những loài hoa được yêu thích trong các dịp lễ tết. Cũng giống như nhiều loài hoa khác, hoa địa lan chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Hoa địa lan vốn là loài hoa của núi rừng, được mọi người yêu quý ví như nữ hoàng xinh đẹp của mọi loài hoa, chúng mang trong mình nét đẹp kiêu sa, quyến rũ.
Vốn có sự đa dạng về chủng loại và màu sắc, hình ảnh hoa địa lan tượng trưng cho sự sang trọng, quý phái nhưng không kém phần thanh lịch.
Không những thế, ý nghĩa của hoa địa lan còn mang lại sự may mắn, phát lộc và sức khỏe cho gia chủ, đặc biệt trong các dịp lễ tết. Bởi thế mà loài hoa này ngày càng được nhiều người ưa chuộng chơi tết trong thời gian gần đây với mong cầu một năm mới tràn đầy may mắn và hạnh phúc.
Ngoài ra, hoa địa lan còn có thể mang lại bầu không khí trong lành với khả năng hấp thụ những khí độc xung quanh. Hương thơm của chúng còn giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi và cơn nhức đầu sau ngày dài làm việc, học tập vất vả. Chính vì thế, hoa địa lan thường được mọi người sử dụng làm quà tặng cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp như hoa sinh nhật, tân gia hay các dịp lễ khác.
Đồng thời, hoa địa lan còn đem lại ý nghĩa kinh tế cao nên giá hoa địa lan cũng không hề rẻ. Chúng được thu mua nhiều để sản xuất ra các loại nước hoa, mỹ phẩm phục vụ cho nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn của chị em phụ nữ.
Các loại hoa địa lan
Địa lan được phân chia thành rất nhiều loại khác nhau và theo nhiều tiêu chí. Tuy đặc điểm hình thái có nhiều điểm khác nhau nhưng hầu hết các loài địa lan đều khá dễ trồng và kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc đa phần là giống nhau.
Thông thường, nếu dựa vào màu sắc, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt các loại: hoa địa lan vàng, hoa địa lan trắng, hoa địa lan đỏ, hoa địa lan tím, hoa địa lan xanh,…
Theo tiêu chí phân vùng, hoa địa lan Đà Lạt, hoa địa lan Sapa,… cũng có nhiều đặc điểm khác nhau.
Ngoài ra, còn có một số tên các loại hoa địa lan phổ biến như sau:
Hoa địa lan hoàng vũ
Đây là loài địa lan thuần chủng xuất hiện ở Việt Nam, có bắt nguồn từ Nam Định đầu tiên. Về cơ bản, loài này có đặc điểm thân, lá, rễ đều giống với những loài địa lan khác. Nhưng chúng lại có hương thơm đặc trưng, khác biệt và vô cùng quyến rũ. Hoa địa lan hoàng vũ khiến cho mọi người say mê bởi mùi thơm mát của rêu hòa quyện cùng với mùi quế hồi ấm nóng.
Điểm đặc biệt của loài này là cây có sự thay đổi khác biệt theo từng mùa. Chẳng hạn như cuối đông đầu xuân, cây đâm chồi, lá xanh mơn mởn có tính phản kiếm và cũng là mùa hoa nở. Nhưng trái lại, vào mùa thu tuy cây có những chồi non xanh mơn mởn nhưng lá cây lại khá thiếu sức sống, khá khô héo và hoa cũng không có mùi thơm.
Hoa địa lan thanh ngọc
Địa lan thanh ngọc có thân dài khoảng 30 – 60cm, màu trắng và lá nhỏ, nhọn phía đầu. Loài địa lan này thường nở hoa vào mùa xuân, hoa có màu xanh tươi mới, nhẹ nhàng tạo cảm giác thoải mái và ấn tượng. Hương hoa địa lan thanh ngọc phảng phất khá thanh khiết và dịu nhẹ.
Địa lan lá Gấm
Đây là loài có kỹ thuật trồng tương đối khó hơn so với nhiều loại địa lan khác. Nhưng với màu sắc đẹp lạ và kích thước nhỏ nên vẫn được nhiều người trồng làm cảnh, để bàn hoặc trang trí nội thất.
Loài hoa này thuộc thân rễ bò dài, có đặc điểm lá màu đỏ, hình bầu dục nổi rõ các gân mảnh dọc, phiến màu nhung đen. Những cụm hoa địa lan lá Gấm mọc thẳng lên từ đỉnh, thưa bông và có màu trắng. Hoa thơm và có thể giữ được độ tươi trong khoảng 20 – 40 ngày.
Nhóm địa Lan đất
Những loài địa lan thuộc nhóm này có đặc điểm là kỹ thuật trồng cây dễ hơn, có thể thích nghi với điều kiện môi trường như nhiều cây cảnh thông thường khác và không yêu cầu cao về đất trồng.
Địa lan Chu Đỉnh
kích thước thân cây cao khoảng 40 – 50cm, giả hành nhỏ và lá thuôn dài. Mỗi cụm hoa có tới 7 – 10 bông. Màu sắc chủ yếu của hoa là màu tím những vẫn có nhiều màu khác như trắng, vàng, đỏ. Hoa có hương thơm đặc trưng và khá bền màu. Hoa không nở theo mùa xác định mà hầu như nở quanh năm.
Địa lan Hạc Đỉnh
Cây địa lan có thân cao khoảng 50 – 60cm, giả hành lớn và cành hoa cao tới 70cm. Hoa lan Hạc Đỉnh thường có màu trắng ở mặt ngoài, mặt trong thì màu nâu nhưng cũng có nhiều loại lai khác có màu trắng, hồng hoặc vàng. Khác hẳn so với lan Chu Đỉnh, đây là loài ưa bóng râm nhưng lại cho hoa đẹp và lâu tàn.
Địa lan Hài hồng
Hoa địa lan Hài hồng có màu trắng pha hồng, với kích thước hoa khoảng 9x7cm. Mỗi cụm hoa chỉ có 1 – 2 bông, thời gian giữ được hoa khoảng 20 – 40 ngày. Hương thơm dịu nhẹ, phảng phất. Lá cây hình bầu dục, màu xanh có vân đậm nhạt và nhiều chấm nâu đỏ hay dày đặc thành màu hung đỏ.
Địa lan Hài Việt
Đây là một loài địa lan được lai tạo giống mà thành, khá dễ trồng và chủ yếu được trồng ở tỉnh Thái Nguyên. Lá cây to, có dạng xoắn, mặt trên có các vân xanh đậm nhạt và mặt dưới có nhiều chấm nâu đỏ. Mỗi cụm hoa hầu như chỉ có 1 bông, mỗi hoa có màu hồng pha trắng đến đỏ tím và ít thơm.
Địa lan Hài liên
Loài địa lan này cũng khá dễ trồng, cây thường ra hoa vào mùa đông. Hoa hơi có hương thơm và độ bền hoa dài hơn nhiều loài khác, có thể tới hơn 45 ngày. Mỗi cụm hoa mang 1 bông, mỗi hoa có kích thước 6x7cm. Hoa địa lan Hài liên có màu trắng nâu. Lá cây có dạng dải thuôn dài, mép lá phẳng và có màu trắng hay xanh. Mặt trên của lá màu xanh đậm và mặt dưới màu xanh nhạt hơn
Trong nhóm địa lan Hài còn có rất nhiều loài khác như địa lan hài hằng, địa lan hài tía, địa lan hài vàng chấm tím (nâu), địa lan Hài Heri, địa lan Hài Hecman, địa lan Hài Hêlen,…
Cách trồng hoa địa lan
Chuẩn bị chậu hoa
Khi lựa chọn chậu trồng thì bạn cần chú ý dựa theo kích thước của cây, trồng cây trong chậu quá nhỏ hay to đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của hoa. Tuy hoa địa lan có thể trồng trong nhiều loại chậu nhưng tốt nhất vẫn nên là các loại chậu được làm bằng đất nung hay vỏ dừa để cây phát triển nhanh và ít bị sâu bệnh. Khi mua chậu về, cần xử lý tiềm ẩn nấm bệnh hại bằng cách vệ sinh sạch sẽ bằng nước sạch, dùng thêm xà phòng nếu chậu đã qua sử dụng, sau đó phơi khô chậu trước khi trồng cây.
Giá thể trồng hoa địa lan
Hoa địa lan là loài cây cần nhiều chất dinh dưỡng và độ ẩm khác nhau nên cũng yêu cầu giá thể phải đáp ứng được nhu cầu đó. Đất trồng bạn nên chọn loại có độ mùn, phù sa cao, độ ẩm ổn đinh, độ pH không quá cao để cây thuận lợi sinh trưởng và phát triển.
Ngoài 1 số loại khó trồng như địa lan lá Gấm thì hầu hết các loại địa lan đều có thể sử dụng bùn ao phơi khô đã được đập nhỏ với kích thước khoảng 1 – 1,5cm. Sau đó trộn đất chung với những vật liệu khác để tăng thêm độ mùn và chất dinh dưỡng, với tỷ lệ 3 đất/bùn ao; 2 xơ xừa, 1 vỏ trấu; 3 phân chuồng ủ mục; 0,5 vôi bột; 0,5 phân trùn quế. Sau 15 ngày ủ trong ở nơi thoáng mát thì đem phơi ải khoảng 1 tuần tiếp để tiêu diệt các mầm bệnh tiềm ẩn trong giá thể.
Kỹ thuật trồng hoa
Sau khi đã chuẩn bị mọi thứ, tiến hành cho đất trồng vào 1/3 chậu rồi đặt khóm địa lan vào điều chỉnh sao cho cân đối. Lưu ý ở phần chính giữa chậu nên để các thân già, còn thân non thì hướng ra miệng chậu. Tiếp đó giữ cố định bụi địa lan rồi vừa lấp phần đất còn lại cho tới khi gần đầy miệng chậu vừa ấn nhẹ phần gốc để cây được chắc chắn.
Bạn có thể phủ lên bề mặt chậu 1 lớp vừa đủ vỏ trấu, vụn xỉ than hay rêu nước. Xong xuôi thì tưới đẫm nước vào giá thể hoa địa lan mới trồng. Nên dùng bình phun sương vệ sinh các vết bẩn ở lá địa lan nếu chúng bị dính bẩn. Cuối cùng, tránh để hoa địa lan mới trồng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, nên để chậu hoa địa lan ở những nơi thoáng mát.
Cách chăm sóc hoa địa lan
Tưới nước
Trước tiên, độ ẩm cho cây hoa địa lan phải luôn được đảm bảo không quá cao hay quá thấp khiến cây bị thối gốc hoặc chết khô. Độ ẩm lý tưởng thường ở mức khoảng 70 – 85%. Tùy vào từng giai đoạn phát triển của cây địa lan hay kích thước chậu mà điều chỉnh lượng nước tưới nhiều hay ít
Chẳng hạn vào mùa hoa nở thì cây chỉ cần lượng nước vừa phải. Tưới quá nhiều nước sẽ làm cho thời gian hoa nở bị rút ngắn, giảm giá trị của cành hoa do quá trình trao đổi chất tăng, có thể phát sinh nấm bệnh. Còn nếu tưới ít nước quá thì không thể cung cấp đủ độ ấm cho cây phát triển, ảnh hưởng đến thời gian hoa nở, thậm chí bị rụng nụ, rụng hoa.
Bón phân
Khi mới trồng cây, bạn có thể hòa tan phân đạm với tưới theo tỷ lệ 1:3 để tưới cho hoa địa lan. Chú ý tần suất tưới là 2 tuần/lần và chỉ được tưới vào buổi chiều tối.
Khi cây đã thích nghi và ở giai đoạn phát triển nhanh thì có thể bón thúc thêm các loại phân vô cơ, hữu cơ như Kali, NPK,…
Chú ý dừng bón phân cho cây nếu nhiệt độ hạ thấp vì lúc này cây không thể hấp thụ chất dinh dưỡng mà còn phản tác dụng tạo điều kiện sâu bệnh phát triển.
Phòng trừ sâu bệnh
So với nhiều loài lan khác, hoa địa lan ít bị nhiễm bệnh hơn nếu được chăm sóc đúng cách. Ngược lại, địa lan có thể mắc các bệnh như thối rễ, đốm nâu, cháy nắng, thán thư,…
Để có thể phòng trừ sâu bệnh, chúng ta cần chú ý về cân bằng các điều kiện độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, chất dinh dưỡng. Quan sát thường xuyên để kịp thời phát hiện dấu hiệu sâu bệnh. Đồng thời, có thể sử dụng các loại thuốc diệt nấm, sâu bệnh hại để ngăn ngừa tiềm ẩn gây bênh.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc cây địa lan, cần phải thường xuyên cắt tỉa bớt những lá già, lá vàng, lá héo úa hay bị nhiễm bệnh.
Như vậy, nếu trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật là bạn sẽ có ngay những chậu hoa địa lan xinh đẹp để trưng trong nhà. Nếu trang trí chậu cây nhiều thì bạn có thể đổi phong cách một chút, sử dụng những cành hoa địa lan để cắm những bình hoa để bàn. Hãy tham khảo những cách cắm hoa địa lan đẹp để không gian sống của mình được tươi mới mỗi ngày.
Trên đây là những thông tin về đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc Cây Địa Lan do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Mong rằng chúng sẽ hữu ích đối với bạn, giúp bạn lựa chọn và chăm sóc cho mình được một chậu hoa địa lan tuyệt vời.