Cây Trẩu còn có tên gọi khác là Thiên niên đồng, Trẩu núi, Cây dầu sơn. Cây có tên khoa học là Vernicia Montana Lour., thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng, sử dụng làm nước súc miệng chữa sâu răng và đau nhức chân răng. Tuy nhiên đây là cây có chứa độc tính nên cần chú ý trước khi sử dụng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về loài cây này.
Giới thiệu chung về Cây Trẩu
- Tên gọi khác: Dầu sơn, Trẩu cao, Trẩu sơn, Thiên niên đồng, Trẩu núi, Mộc đu thụ.
- Tên khoa học: Vernicia Montana Lour
- Họ: Thầu dầu (danh pháp khoa học: Euphorbiaceae)
1. Đặc điểm của cây trẩu
Trẩu là loài thực vật lớn, có thể cao từ 8 – 10m, thân nhẵn, không có lông và có nhựa mủ màu trắng. Hình thái của lá trẩu khá đa dạng, khi thì xẻ nông, khi thì nguyên có phiến hình tim, khi thì có thùy sâu. Mặt lá dưới mờ, màu nhạt hơn, mặt trên màu sẫm.
Hoa đơn tính, có thể mọc khác gốc hoặc cùng gốc. Mỗi hoa gồm có 5 cánh màu trắng, gốc cánh hoa có đốm tía. Quả có màu lục, hình trứng, mặt ngoài nhăn nheo, đường kính 35cm.
Cây trẩu ra hoa vào tháng 3 – 4, tháng 9 và sau quả vào tháng 10 hằng năm. Cây thường mọc tốt ở những nơi đất mát và độ xốp vừa phải. Đất xấu và không mát có thể khiến cây chóng chết.
2. Bộ phận dùng
Vỏ cây và hạt được sử dụng để làm thuốc.
3. Phân bố
Cây trẩu có nguồn gốc ở miền Nam Trung Quốc (Quảng Tây, Quảng Đông) và miền Bắc Việt Nam (Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hòa Bình). Loài cây này thường được trồng để cho bóng mát và lấy hạt.
4. Thu hoạch – sơ chế
Thu hái vỏ cây vào mùa xuân, thu hái hạt khi quả già. Có thể sử dụng dược liệu tươi hoặc phơi khô để dùng dần.
5. Bảo quản
Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh ẩm thấp và ánh nắng trực tiếp.
6. Thành phần hóa học
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy trong hạt trẩu có khoảng 35% dầu. Dầu hạt trẩu có màu vàng nhạt và nhanh khô, trong dầu có một số hoạt chất hóa học như axit oleic 10 – 15%, axit stearic 70 – 79%, axit linoleic 8 – 12%. Lá và hạt của cây chứa chất độc saponorit nên không thể dùng làm thức ăn cho gia súc.
Vị thuốc cây trẩu
1. Tính vị
Đang cập nhật.
2. Quy kinh
Đang cập nhật.
3. Tác dụng dược lý
Hiện nay cây trẩu chỉ được sử dụng trong phạm vi nhân dân nên các nghiên cứu dược lý hiện đại về thảo dược này còn nhiều hạn chế.
– Tác dụng của cây trẩu theo Đông Y:
- Vỏ thân thường được dùng để chữa sâu răng, đau nhức chân răng.
- Hạt được dùng để chữa chốc lở, mụn nhọt hoặc được chế làm dầu ăn.
– Một số tác dụng khác của cây trẩu:
- Dầu ép từ hạt trẩu được sử dụng để pha sơn và quét lên vải nhằm chống nước.
- Bã hạt được dùng để làm phân bón trong nông nghiệp.
4. Cách dùng – liều lượng
Cây trẩu được sử dụng chủ yếu ở dạng ngậm súc (không được nuốt).
Bài thuốc chữa bệnh từ cây trẩu
1. Bài thuốc chữa sâu răng và đau nhức răng
- Chuẩn bị: Rễ chanh, cây trẩu, rễ cà dại và vỏ cây lai mỗi thứ một lượng vừa đủ.
- Thực hiện: Sắc đặc rồi dùng nước ngậm và nhổ. Thực hiện nhiều lần trong ngày đến khi khỏi thì thôi.
2. Bài thuốc chữa mụn nhọt, chốc lở
- Chuẩn bị: Nhân hạt trẩu.
- Thực hiện: Đốt thành than, tán bột mịn rồi hòa với mỡ lợn, sau đó thoa trực tiếp vùng da cần điều trị. Sử dụng nhiều lần trong ngày cho đến khi da lành hoàn toàn.
Những lưu ý khi sử dụng cây trẩu chữa bệnh
- Cây trẩu chứa độc tính nên cần thận trọng khi sử dụng.
- Tuyệt đối không nuốt nước sắc từ vỏ rễ và dầu của cây trẩu.
Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Cây Trẩu do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Cây Trẩu là vị thuốc với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.