Con Rươi là con gì? Ăn rươi có tác dụng gì cho sức khỏe? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tác dụng của loại thực phẩm này qua bài viết dưới đây nhé!
Giới thiệu chung về Con Rươi
- Tên gọi khác: Rồng đất, Rươi biển
- Tên khoa học: Eunice viridis, Tylorrhynchus heterochaetus
- Họ: Rươi (danh pháp khoa học: Nereidae)
Con rươi là loài nhuyễn thể có hình dạng như con giun, thường sinh sống ở vùng nước lợ hoặc nước mặn. Rươi sống ở vùng nước mặn được gọi là rươi biển.
Đặc điểm của con rươi
Rươi có hình dạng như con giun nhưng dẹp hơn, thân dài từ 6 – 7cm, chiều ngang khoảng 5 – 6mm. Toàn thân gồm khoảng 50 – 65 đốt có màu hồng nhạt, trắng, nâu nhạt, xanh nhạt hoặc đỏ hồng.
Đầu con rươi gồm có 1 thùy ở trước miệng, nhỏ, mặt trên còn có 2 râu ngắn. Trước miệng có 2 đôi mắt nhỏ, màu đen. Phần thân sau có các chi và bụng phát triển, ngoài ra ở lưng có các túm tơ dài và dày.
Rươi là loài động vật phân tính đực cái rõ ràng nhưng thường rất khó phân biệt. Con rươi sinh sản bằng cách tách lìa phần đuôi chứa tế bào sinh dục, sau đó chui ra khỏi hang, phóng trứng và tinh trùng vào nước. Trứng kết hợp với tinh trùng tạo thành bào tử cho thế hệ mới. Mất khoảng 1 năm rươi mới phát triển lại phần đuôi đã bị đứt.
Bộ phận dùng
Phần đuôi của con rươi sau khi hoàn thành chức năng sinh sản sẽ được vớt và dùng để chế biến món ăn.
Phân bố
Ở nước ta, rươi tập trung nhiều ở các tỉnh Bắc Bộ như Hải Phòng, Hải Dương và Thái Bình.
Thu bắt – sơ chế
Sau khi vớt rươi lên, cần bảo quản trong nước đá. Sau đó rươi được dùng để làm chả hoặc chế biến thành các món ăn khác.
Thành phần hóa học
Trung bình 100g rươi sẽ chứa 12.4g protid, 81.9g nước, 1.3g tro, 4.4 lipit và cung cấp cho cơ thể 87 calo. Ngoài ra rươi còn chứa nhiều khoáng chất khác như sắt 1.8mg, phốt pho 57mg và canxi 66mg.
Vị thuốc con rươi
Nhiều tài liệu ghi chép rằng, con rươi có tính vị và tác dụng dược lý gần giống với trần bì.
1. Tính vị
Vị cay, thơm, tính ấm.
2. Con rươi có tác dụng gì?
- Công dụng: Hóa đờm và điều khí.
- Chủ trị: Khó tiêu, tiêu chảy và ăn uống kém.
Các món ăn bồi bổ sức khỏe từ con rươi biển
1. Chả rươi
- Chuẩn bị: Trứng gà 3 quả, hành hoa, thì là, thịt nạc dăm (xay nhuyễn), ớt (giã nhuyễn), lá lốt (thái chỉ), gia vị, vỏ quýt (dùng ít) và 0.5kg rươi.
- Thực hiện: Rửa sạch rươi, bỏ các con đã chết nát sau đó chần với nước nóng (75 – 80 độ C) để trút bỏ lông, có thể dùng đũa khuấy đều để lông rươi rụng hoàn toàn. Sau đó cho rươi vào tô, dùng đũa đánh nhuyễn. Cuối cùng thêm các nguyên liệu trên vào, đánh đều thấy hỗn hợp dẻo quánh là được. Đem chiên chả rươi cho chín rồi dùng ăn.
2. Nem rươi
- Chuẩn bị: Miến dong, giá đỗ, lá nem, con rươi tươi và mộc nhĩ.
- Thực hiện: Đem miến dong ngâm rửa cho mềm, sau đó cắt thành từng đoạn ngắn. Nấm mộc nhĩ đem ngâm với nước ấm rồi xắt thành từng sợi nhỏ. Rươi sơ chế và cho vào nồi, thêm miếng dong, mộc nhĩ và giá đỗ vào, trộn đều và dùng lá nem gói lại. Sau đó chiên vàng lên và dùng ăn với cơm hoặc bún đều được.
3. Mắm rươi
- Chuẩn bị: Một lượng rươi vừa đủ.
- Thực hiện: Đem rửa sạch rươi rồi để cho ráo nước, ủ với muối hột và nước sau đó đem phơi nắng khoảng 10 – 15 ngày. Dùng mắm rươi chấm với thịt luộc, rau sống hoặc dùng để chế biến các món ăn.
4. Rươi rang muối
- Chuẩn bị: Một lượng rươi vừa đủ.
- Thực hiện: Rửa sạch rươi, bỏ tạp chất và các con nhũn nát. Sau đó cho rươi vào nồi nước sôi và khuấy đều để bỏ lông. Nhúng rươi với hỗn hợp bột ngô và bột mỳ rồi đem chiên vàng giòn. Sau đó rang muối cho giòn rồi rắc lên rươi để tạo vị mặn.
5. Rươi cuốn lá lốt
- Chuẩn bị: Lá lốt tươi, con rươi, vỏ quýt, gia vị, ớt, giò sống và thịt nạc băm nhuyễn.
- Thực hiện: Sơ chế nguyên liệu, sau đó trộn đều các nguyên liệu rồi dùng lá lốt cuốn lại và đem chiên chín.
Những lưu ý khi dùng món ăn từ rươi biển
- Con rươi chứa thành phần kích thích cơn hen nên cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân hen suyễn.
- Rươi là một trong những loại thực phẩm dễ gây dị ứng và ngộ độc. Do đó những người có cơ địa dị ứng nên thận trọng trước khi dùng món ăn từ rươi biển.
- Không nên cho trẻ nhỏ dùng các món ăn từ rươi.
- Rươi chứa nhiều đạm, vì vậy không nên quá nhiều để tránh hiện tượng khó tiêu, đầy bụng, khó chịu,…
- Cần chế biến rươi đúng cách để tránh tình trạng nhiễm các loại vi khuẩn như E. coli, Salmonella,…
- Khi chết, rươi sẽ phân hủy và sinh ra độc tố. Vì vậy ăn rươi có thể gây tiêu chảy, khó tiêu, đầy bụng hoặc có thể gây ngộ độc. Vì vậy bạn cần thận trọng khi chế biến và sử dụng các món ăn từ loài nhuyễn thể này.
Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng chữa bệnh của Con Rươi do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Con Rươi là vị thuốc với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.